10/03/2017

Nhìn lại lý luận & phê bình kiến trúc những năm gần đây

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – “Để đánh giá tình hình lý luận và phê bình kiến trúc hiện nay, cần thiết nhấn mạnh những cảnh báo sau: Thiên nhiên và môi trường sinh thái – nhân văn bị xâm hại đến mức gào thét; Diện mạo và trật tự kiến trúc của các đô thị và xóm làng cũ đang bị tan vỡ; Trong khi đó diện mạo của các cấu trúc đô thị và dân cư mới thì nham nhở và bất định hình; Nơi nơi ngự trị áp đảo một nền kiến trúc đậm tính nghịch lý, nhìn vào hôm nay và tương lai thì ít, nhìn vào dĩ vãng không có nguồn gốc rõ ràng thì nhiều. Một thứ chủ nghĩa hình thức với những hình hài lạ lẫm và khó bề cắt nghĩa đang hưng thịnh, gây vô vàn lãng phí công quỹ, dẫn tới sự băng hoại thẩm mỹ và bản sắc, đặt nền kiến trúc của chúng ta đứng ngoài dòng của thế giới đương đại.
Nền kiến trúc nước nhà đang ở đâu? Đang đi đến đâu?
Câu trả lời phải chờ ở thực tiễn ư? Bức tranh và vở kịch còn sửa được hoặc bỏ đó. Công trình kiến trúc, hỏng là hỏng hẳn. Hệ lụy của kiến trúc khôn lường!
Câu trả lời ở các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng ư! Ở cộng đồng xã hội ư! Ở giới kiến trúc ư!
Câu trả lời chính là ở LÝ LUẬN, ở PHÊ BÌNH kiến trúc”.

Kiến trúc "mới" xen cấy vào không gian đô thị cổ Sapa

Kiến trúc “mới” xen cấy vào không gian đô thị cổ Sapa

Có thể nói, lý luận kiến trúc hiện nay vừa thiếu cơ bản, vừa không theo kịp thực tiễn phát triển kiến trúc. Còn phê bình theo đúng khái niệm đối với văn học và nghệ thuật mới chỉ đang hình thành.
Về lý luận, chúng tôi đưa ra nhận định có phần đi thẳng vào thực chất và thực trạng: Nền lý luận kiến trúc ở ta về cơ bản mới chỉ là sự nỗ lực làm chủ những tri thức kiến trúc của nhân loại, hầu như chưa có những tích tụ đáng kể nào khác từ phía kiến trúc sư Việt Nam.
Lý giải nhận định trên là ở sự non trẻ của nền kiến trúc Việt Nam đương đại, có độ tuổi trên dưới 100 năm, từ khi xảy ra sự tách lìa kiến trúc Việt cổ truyền đi vào dĩ vãng vào phần cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, khi kiến trúc quốc tế hóa trở thành chủ đạo.
Từ những năm 20 thế kỷ trước người Pháp bắt đầu đào tạo những người Việt Nam chuyên vẽ nhà. Vài chục người chuyên làm nghề kiến trúc ấy mới chỉ vẽ biệt thự theo kiểu Tây thì cuộc chiến tranh Pháp – Việt nổ ra. Nền kiến trúc tân thời do người Việt chủ xướng chỉ mới bắt đầu từ những năm 30 – 40 thế kỷ trước. Kiến trúc không thể du nhập và tiến triển nhanh như các bộ môn văn học và nghệ thuật khác, không thể đạt được những đỉnh điểm chói sáng như văn xuôi, thi ca, âm nhạc, sân khấu, hội họa v.v… Không thể hình thành mầm mống lý luận – phê bình tương tự phê bình văn học ra đời đầu những năm 40.
Lần giở lại những văn kiện, những bài viết của những thập niên nửa sau thế kỷ XX, hầu khư không tìm thấy dấu ấn lý luận kiến trúc theo đúng nghĩa của nó. Một giá trị đáng được ghi nhận là các kiến trúc sư bậc tiền bối như Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Cao Luyện, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh… đã trăn trở suy ngẫm về bản chất kiến trúc truyền thống Việt, sự cần thiết phải kế thừa.
Ngót hai thập kỷ qua chúng ta đã bước vào cuộc xây dựng bùng nổ. Và càng kiến thiết, càng lo toan về kiến trúc, chúng ta càng nhận ra sự thiếu khuyết, những khoảng trống, sự chập chững kéo dài, mà chỉ có một nền tảng tri thức nền tảng mới có khả năng bù đắp được, chống đỡ được.
Tình hình phát triển lý luận kiến trúc hiện nay có thể được đánh giá bằng 3 cụm từ: Sự non nớt, sự thiếu tính cơ bản hàn lâm và thiếu độ cập nhật xã hội.
Xin đi thẳng vào việc tìm nguyên nhân:
– Trong đào tạo kiến trúc sư, cũng như trong đào tạo những ngành nghề khác, chúng ta chưa trang bị cho sinh viên vốn liếng kiến thức và văn hóa mang tính tổng thể và cơ bản; phương pháp luận khoa học.
Thành ra, trí thức trẻ thường tác nghiệp với những kỹ năng học được ít nhiều trong trường, chăm chú vào kiếm kế sinh nhai, mà không hề và không đủ sức nâng tầm nhìn lên trong nhận thức, nâng tầm cho sáng tác của mình.
– Chúng ta có thể mong đợi những nghiên cứu, những công trình lý luận kiến trúc, có độ soi rọi chuyên sâu và ít nhiều mang tính hàn lâm ở 3 đối tượng sau: Các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành và các trường đại học; các nhà nghiên cứu lý luận và ở các người làm luận án tiến sỹ.
Trong ngành kiến trúc có hẳn một viện chuyên nghiên cứu kiến trúc trực thuộc Bộ Xây dựng và nhiều viện, nhiều trung tâm có bổn phận nghiên cứu lý luận kiến trúc, song hiệu quả nghiên cứu hết sức hạn chế, do đội ngũ những người có khả năng nghiên cứu lý luận đếm trên đầu ngón tay; các hướng và đề tài nghiên cứu chưa được phối hợp và mục tiêu hóa; sự phối hợp trong nghiên cứu giữa các tổ chức hầu như không có; chất lượng khoa học thấp; các công trình nghiên cứu tốn kém nhiều tiền, nghiệm thu xong là xếp vào tủ; tính chất hàn lâm, hoàn toàn xa vời. Hơn thế nữa, các cơ quan sinh ra cốt để làm khoa học này lại làm kinh tế là chính.
Ở các cơ sở đào tạo kiến trúc sư, bộ môn lý luận mới đây đã hình thành, song lý luận hầu như dừng lại ở mức truyền đạt những kiến thức nhập môn. Rất thiếu thầy dạy lý luận có độ chuyên môn hóa tương ứng.
Trong thực tế, do cách đào tạo và đặc biệt cách sử dụng người ở ta lâu nay, đặc biệt do hiện tượng “cán bộ hóa” những nhà chuyên môn, mà những kiến trúc sư ít nhiều có tích lũy không trở thành những nhà lý luận. Điều này lại càng đáng lo ngại hơn, khi nền sáng tác kiến trúc trên cơ sở hành nghề hiện nay hầu như không sản sinh ra các tác gia, các nhân tài có tên tuổi, các trường phái. Trong khi đó chính lý luận góp phần tạo nên và nhận ra các nhân tài kiến trúc, cũng như các lĩnh vực khác.
Trong các luận án tiến sỹ kiến trúc, ít gặp những nghiên cứu mang tính lý luận. Nếu lý luận được đề cập thì chỉ ở dạng tổng quan hoặc lặp lại những điều mà người khác đã viết. Ở đây nhận rõ các nghiên cứu sinh yếu kém về phương pháp luận nghiên cứu khoa học, yếu kém trong tư duy khoa học. Nhà khoa học mà không làm chủ được những thứ ấy, chỉ là tiến sỹ có bằng mà thôi.
– Trong phát triển lý luận kiến trúc, nhận ra một mảng yếu kém nữa, đó là sự chuyển tải những quan điểm, những chủ trương đường lối của Đảng ở tầm vĩ mô vào cục diện cụ thể của lý luận kiến trúc và từ đó định hướng phát triển kiến trúc. Chẳng hạn, Đảng đưa ra quan điểm chi phối về tính hiện đại và tính dân tộc (bản sắc dân tộc), song tư tưởng lớn lao này chưa được giới nghiên cứu kiến trúc tiêu hóa nhuần nhuyễn để chuyển tải đến người sáng tác, chưa trở thành một vấn đề được giải quyết ở tầm lý luận. Đến nay một đề tài cấp Nhà nước về bản sắc dân tộc trong kiến trúc do một cơ quan đầu ngành của Bộ Xây dựng được thực hiện cũng chưa thể đưa ra được định nghĩa chuẩn xác bản sắc nói chung và bản sắc trong kiến trúc nói riêng.
Một khía cạnh khác cần quan tâm: Lý luận kiến trúc, dựa vào đường lối được Đảng vạch ra trong Nghị quyết Đại hội IX, phải đặc biệt quan tâm đến cục diện xã hội, vai trò của kiến trúc và kiến trúc sư đối với xã hội. Hơn bao giờ hết chúng ta cần đề cao bổn phận xã hội, tư tưởng xã hội của kiến trúc sư. Đó có thể là cái cốt lõi chính trị – tư tưởng của lý luận kiến trúc. Trong khi đó, yếu tố xã hội, yếu tố thời đại và ý thức công dân của kiến trúc sư chưa được đề cập ở mức độ cần thiết ở các công trình mang tính lý luận.
Bên cạnh việc phát triển nền lý luận kiến trúc từ thực tiễn xây dựng trong nước, chúng ta có những khả năng dồi dào để thu hút và tiêu hóa các vốn liếng tri thức khổng lồ mà nhân loại đã tích lũy được cho đến nay. Có 2 con đường để tiếp thu quỹ tri thức hàn lâm ấy. Đó là chuyển tải trực tiếp từ các sách và báo từ tiếng nước ngoài. Song, trong giới kiến trúc, rất ít ai thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và ngay cả tiếng Nga. Thành ra họ phải đọc qua bản dịch, song bản dịch thực hiện bởi người thạo ngoại ngữ, chứ không thạo kiến trúc. Chưa nói đến việc các khái niệm và thuật ngữ bị hiểu sai lệch. Có cách chuyển tải lý luận thứ 2, đó là qua những sách và tài liệu biên soạn, tổng hợp hoặc thậm chí được tác giả hóa. Song ở đây xảy ra sự rơi vãi tri thức, độ chính xác khó bề đảm bảo. Vô hình chung chúng ta đang sử dụng một khối tri thức ngoại nhập có phần chưa được Việt Nam hóa, chưa được chuyển tải đến những bản thể sáng tạo ở dạng dễ tiêu hóa. Từ đó, kiến trúc và có thể các bộ môn nghệ thuật khác, cứ phát triển theo lối tự biên tự dễn.
– Cuối cùng, cũng như ở mọi ngành khoa học và mọi hoạt động thực tiễn khác, trong lý luận kiến trúc hiện nay rất thiếu tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp chỉ có thể đạt được, khi nhà nghiên cứu trở thành chuyên nghiệp, khi mà nghiên cứu sử dụng các công cụ nghiên cứu chuyên môn hóa, khi mà nhà nghiên cứu nói bằng thứ ngôn ngữ của nhà chuyên môn. Từ chuyên nghiệp hoá nghiên cứu ta tiến tới một nền lý luận kiến trúc hàn lâm hoá. Không chuyên nghiệp, không hàn lâm thì không thể xây dựng được một nền tri thức, một nền nghệ thuật đích thực tinh hoa, đích thực ngang tầm thời đại.
Phê bình, đặc trưng về phương diện học thuật hàn lâm và về phương diện khái quát hoá những cục diện liên quan của thời đại, đặt kiến trúc vào hàng ngũ những bộ môn nghệ thuật chính yếu. Phê bình kiến trúc, nói một cách thô thiển, là cái công cụ khứu giác và thị giác của lý luận.
Trong kiến trúc, phê bình được hiểu như sự phán đoán, sự bình phẩm, sự đánh giá và sự giải thích một tác phẩm.
“Phán đoán” là do tác phẩm là sự hiện thân của những ý tưởng cá nhân, của sự cài đặt những hàm ý mang tính tư tưởng, cho nên nhà phê bình phải làm cái việc giải mã, để bắc cầu từ tác phẩm đến người thụ hưởng nó.
“Bình phẩm” chứa đựng các nhân tố tiếp cận, tiếp thu và thụ cảm của nhà phê bình nhằm chuyển giao, chuyển tải một cách khách quan hoá nội hàm của tác phẩm đến người thụ hưởng nó.
“Đánh giá” là nội dung rất cốt yếu của phê bình, nhằm xác định giá trị, tác dụng và vị trí của một tác phẩm, với việc sử dụng công cụ quan trọng bậc nhất trong mọi nghiên cứu, đó là công cụ phân tích.
“Giải thích” là một phần việc và một dạng thức phổ biến của phê bình, khi nhà phê bình nhận vào mình trách nhiệm giải thích hoặc làm rõ thêm ý tưởng và nội hàm của một tác phẩm, mà không tránh né trong việc ấy sự bình phẩm hoặc đánh giá.
Phê bình chỉ đạt các mục đích của nó khi ta vận dụng phù hợp và thành thạo nghệ thuật phán đoán, bình phẩm, đánh giá và giải thích.
Về bản chất, với những đặc trưng nêu trên, đặc biệt với tư cách là một dạng thức và một bộ phận của dư luận xã hội, phê bình có thể được coi là một dạng cơ chế lập pháp về lý thuyết cho sáng tác kiến trúc. Cơ chế lập pháp này được tạo nên bởi sự thu nạp tinh nhạy dư luận xã hội, các khuynh hướng của thời đại, sự vận dụng các công cụ của nền phê bình chuyên nghiệp hoá. Không thể xuất phát từ những phán quyết duy ý chí, mà tạo dựng nên cơ chế lập pháp đặc trưng này.
Các cơ quan quyền lực về xây dựng cũng như các chủ đầu tư thường e ngại phê bình kiến trúc, không tạo các thời cơ để xúc tiến phê bình, sử dụng phê bình như một trong những cơ sở khách quan, nhằm đưa ra những chính sách điều tiết các tác phẩm và cả nền nghệ thuật kiến trúc nói chung.
Nằm trong địa hạt của văn học và nghệ thuật, kiến trúc cần đến phê bình như là một công cụ cân đo, tinh lọc và xúc tác. Phê bình kiến trúc về cơ bản tương đồng với phê bình văn học – nghệ thuật. Nhưng sự khác biệt nằm ở tính đặc thù của đối tượng xem xét và ở những tiêu chí được chọn làm chỗ dựa cho phân tích.
Với kiến trúc, phê bình dựa vào những tiêu chí cơ bản sau:
– Sự đáp ứng các yêu cầu về công năng, quy trình hoạt động và tính chất của công trình;
– Tổ chức không gian, bố cục kiến trúc – cảnh quan và mối liên hệ với môi trường đô thị, môi trường thiên nhiên;
– Hình tượng kiến trúc và sức biểu đạt;
– Xu hướng tìm tòi, ngôn ngữ kiến trúc, phong cách, các giá trị thẩm mỹ v.v …
Sở dĩ chúng tôi không nhắc tới các tiêu chí kỹ thuật và công nghệ bởi chúng là đối tượng thẩm định và kết luận của các tổ chức quản lý kỹ thuật hoặc chuyên gia, thực hiện việc đánh giá trên cơ sở những thông số, những quy phạm nhất định.
Thẩm định trong phê bình kiến trúc gần gũi với thẩm định các tác phẩm văn học và nghệ thuật, nơi đề cao tính khách quan, nơi vận dụng phương pháp luận cứ hoá bên cạnh những cảm nhận cá nhân và sự quy kết cũng không dễ bề tránh khỏi tính cá nhân. Đây chính là cái khó, cái dị biệt và cái tính tương đối của phê bình kiến trúc. Sự nhầm lẫn giữa thẩm định và phê bình, giữa phê bình và thẩm định, nhất là trong điều kiện tác động của lực quán tính của nếp tư duy bao cấp – mệnh lệnh, là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự giảm giá trị của phê bình hoặc của thẩm định, dẫn tới những phản tác dụng. Cuối cùng, phê bình kiến trúc bởi đó mà dậm chân tại chỗ.
Trong phê bình kiến trúc, từ việc xem xét một toà nhà, một đô thị, cho đến một khuynh hướng, tiêu chí cần được chú trọng đặc biệt là hiệu quả xã hội, tính thời đại, tính tiên tiến. Chính ở đây biểu hiện quan điểm, ý thức công dân rõ rệt nhất, ý thức và chỗ đứng chính trị của người làm công tác phê bình kiến trúc.
Phê bình trước tiên dựa vào sự tích luỹ tri thức kiến trúc, sự tích luỹ của bản thân người phê bình trong hành nghề sáng tác và trong sự chiêm nghiệm thực tế, sự nắm vững các bài bản trong khảo cứu.
Đánh giá chính là phần việc đặc biệt hệ trọng trong phê bình kiên trúc, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và tính khách quan cao nhất ở người thực hiện phê bình. Tuỳ thuộc ở sự đánh giá mà một tác phẩm kiến trúc có thể được nhận ra một cách đúng đắn, những giá trị và đặc biệt những khởi xướng mới có thể được xác định, hoặc ngược lại. Một tác phẩm bị nhìn nhận thiên lệch hoặc méo mó, dẫn tới những sự ngộ nhận chẳng những trong giới chuyên môn. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm về trường hợp thứ hai này, gây biết bao phiền luỵ cho các nhà sáng tạo kiến trúc. Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ ở vườn hoa Bắc Sơn, Hà Nội, là một ví dụ. Có vẻ như tác giả của tác phẩm đặc sắc này dần dà đã nhận được sự “ân xá” trong dư luận của những người có quyền lực và của xã hội.
Mỗi một tác phẩm kiến trúc, hễ có giá trị đích thực, thường hàm chứa những nhân tố đi trước thời gian. Những nhân tố ấy hay trở thành đối tượng đả kích tức thì. Ngược lại, những tác phẩm xem ra tốt “miễn chê”, thường lại bi lãng quên nhanh. Âu, đó cũng là quy luật của mọi nghệ thuật!
Vì vậy, phê bình kiến trúc phải khoa học, phải khách quan, phải chuyên nghiệp, và trên hết, phải văn hoá.
Trong nửa thế kỷ qua và trong những năm gần đây, giữa những lĩnh vực văn học và nghệ thuật khác, kiến trúc là lĩnh vực mà phê bình non yếu hơn cả. Có những lý do chính sau:
– Kiến trúc còn nằm hầu như trong địa hạt của ngành Xây dựng, nó chưa bộc lộ rõ những đặc trưng cơ bản của mình như là một nền nghệ thuật tổ chức không gian và kiến tạo cái đẹp trong cuộc sống, một nền nghệ thuật đứng hẳn trong xã hội và bởi vậy mang tính xã hội hơn cả.
– Kiến trúc vẫn chưa bước ra khỏi mô hình quản lý và tư duy bao cấp, nó tiếp tục Dị chi phối bởi đầu tư từ Nhà nước, quản lý bởi Nhà nước và những hệ luỵ từ đó.
– Kiến trúc sư làm việc theo đơn đặt hàng của chủ đầu tư, trong những mối quan hệ phức tạp về kinh tế và quyền lợi, điều không thể không hạn chế những hoạt động phê bình và sự đảm bảo tính vô tư của nó.
– Lý luận kiến trúc phát triển chậm và yếu cùng với sự chưa hình thành đội ngũ những nhà lý luận – phê bình chuyên nghiệp hoặc nắm vững bài bản phê bình.
– Phê bình chưa được nhận thức đầy đủ và chính xác, thiên về chỉ trích, quy kết hoặc phê phán không khác gì lắm những gì diễn ra ở các cuộc họp nội bộ lâu nay, dẫn tới những sự tránh né hoặc dị ứng phê bình.
Phê bình kiến trúc trong những năm qua hiện diện ở những diễn đàn và những ấn phẩm sau:
. – Các hội nghị tổng kết hoặc chuyên đề của các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng;
– Ở các hội thảo, các sinh hoạt khoa học – nghề nghiệp của các trường đại học, các hội chuyên ngành;
– Ở các tạp chí chuyên ngành định kỳ;
– Ở các luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ kiến trúc;
– Ở một số sách chuyên khảo hoặc tập hợp các bài viết.
– Ở các phương tiện thông tin đại chúng;
Các văn bản, văn kiện về lĩnh vực xây dựng và kiến trúc được trình bày ở các hội nghị hoặc công bố rộng rãi bởi các cơ quan quản lý Nhà nước, do tính chất của mình, không thể thực hiện vai trò phê bình kiến trúc, mà chỉ có khả năng đưa ra những nhận xét hoặc định hướng chung.
Các sinh hoạt nghề nghiệp, dù có chủ định bàn về kiến trúc, cũng ít khi đi sâu và đi thẳng vào mổ xẻ sản phẩm kiến trúc, do những mặc cảm hoặc tránh né phê bình, do sự chưa định hình ngôn ngữ phê bình – đối thoại ở các diễn đàn học thuật tương tự.
Điều đáng quan ngại hơn, ngay các luận án và luận văn khoa học hiện nay hầu như không đếm xỉa đến việc vận dụng các công cụ tác nghiệp trong phê bình, như luận cứ hoá hoặc phân tích để soi rọi và xem xét các cục diện của vấn đề. Các nội dung cần được mổ xẻ lại được trình bày không khác gì những bài báo hoặc các báo cáo dành cho hội nghị. Các tác giả những luận án khoa học chưa nắm vững phương pháp phân tích và phê bình, họ tránh né, phê bình để có được sự xuôi thuận.
Các bài viết, các phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng thường mang tính chất chính luận hơn là những sự trình bày chính ý kiến từ những cơ sở khoa học. Nhiều khi chúng lại bộc lộ sự sắc nhọn của hàm răng và cái lưỡi, đều mang lại những hiệu ứng tức thì, song chưa hẳn đã góp phần xây dựng một văn hoá phê bình.
Có vẻ như giới báo chí và dư luận can thiệp nhiều hơn vào kiến trúc hơn là giới kiến trúc. Giới kiến trúc rượt đuổi theo dư luận.
Phê bình, phê phán là thuộc tính của những nền văn hoá duy lý Phương Tây. Người Việt Nam chúng ta có vẻ như ngược lại. Tinh thần gia đình chủ nghĩa, thói quen dĩ hoà vi quý làm cho các hoạt động học thuật dạng phê bình không thể đi lên được, nếu có thường mang tính hình thức.
Đối với giới sáng tác kiến trúc, phê bình kiến trúc nên hiểu là một hình thức đối thoại trong sáng tác. Một cuộc đối thoại phải hoàn toàn mở, nối kết tác giả với nhà phê bình, và sau nữa, nối kết các tác giả với dư luận xã hội. Phê bình không thể là nhũng cuộc độc thoại. Độc thoại của chủ thể sáng tạo co cụm và bịt tai bịt mắt. Đồng thời cũng không thể là độc thoại của nhà phê bình, đóng vai trò kẻ phán quyết đơn phương, không có hồi âm từ người sáng tạo.
Phê bình một cách văn hoá và văn hoá phê bình trong văn học – nghệ thuật nói chung và trong kiến trúc nói riêng, về bản chất, phải từ sự đến với tác phẩm của nhà phê bình, trước tiên với tư cách là người hưởng thụ, tiếp theo là người nỗ lực thâm nhập để hiểu, rồi nỗ lực giải thích cho người khác hiểu thật đủ và thật vô tư tác phẩm, cuối cùng mới tính đến chuyện áp đặt cái thước đo của mình vào thân thể tác phẩm. Cái thước đo ấy ra sao và việc áp nó thế nào vào tác phẩm, chính là cái cốt yếu của văn hoá phê bình. Cái thước đo ấy phải được cấu thành từ sự hiểu biết cơ bản và sâu sắc lĩnh vực nghệ thuật của tác phẩm, sự nắm vững hiện trạng và các khuynh hướng phát triển của nền nghệ thuật, sự làm chủ thành thạo các công cụ khảo cứu và nghệ thuật thể hiện những kết quả cuả quá trình khoa học ấy.
Phê bình có văn hoá, có tính chuyên nghiệp, phải khác biệt với những thói quen phê bình và phê phán thường nhật, điều mà từ những hoàn cảnh lịch sử nhất định nào đó đã in lằn dấu ấn của nhũng sự moi móc và quy kết. Ngược với tinh thần của phê bình có văn hoá là những sự chê bai, chỉ trích hoặc quy kết tác phẩm, thay vì cho những thao tác mang bản chất phê phán nghệ thuật.
Những hiện tượng thường xảy ra là sự gắn dán vội vã nhãn hiệu mang tính quy kết lên tác phẩm, áp đặt cách nhận biết mang tính hình thức bởi sự so sánh hình tượng nghệ thuật của tác phẩm với những đồ vật trong đời sống v.v… dẫn tới những dị ứng không chỉ đối với tác giả. Tệ hại hơn, cách làm ấy hướng dư luận vào cách nhìn nhận thiên lệch, trở thành định kiến dai dẳng.
Thực tiễn kiến trúc những năm qua cho thấy, chúng ta chỉ có thể xây dựng và thúc đẩy phát triển lý luận và phê bình trên cơ sở thiết lập quỹ tri thức cơ bản về kiến trúc, rèn rũa phương pháp luận khoa học và vận dụng nhuần nhị nó vào các công trình nghiên cứu cơ bản và các công trình phê phán ngành. Kết hợp đào tạo theo số lượng với đào tạo chuyên sâu, gây dựng những người làm khoa học theo tinh thần bác học, có ý thức trách nhiệm cao trước xã hội, sở hữu cách tư duy và tác nghiệp của nhà chuyên môn sâu. Song cùng, chúng ta cần mở rộng, ở chừng mực có thể, mọi cuộc đối thoại, mọi sự cọ sát về nghề nghiệp để thúc đẩy và tinh lọc dòng chảy của nghệ thuật kiến trúc. Có vậy, lý luận và phê bình mới đuổi kịp và đi trước cuộc sống, mới tham gia vào việc tạo lập những trụ móng căn bản cho công cuộc phát triển.
Trong mấy chục năm qua và thời gian gần đây đã xuất hiện những kiến trúc sư chú trọng đến nghiên cứu, viết những bài và những cuốn sách có nội hàm lý luận và, ở mức độ hạn chế, phê bình kiến trúc. Đó là:
Thuộc thế hệ cũ: KTS. Nguyễn Cao Luyện; KTS. Ngô Huy Giao; KTS. Tạ Mỹ Duật; KTS. Hoàng Như Tiếp
Thuộc thế hệ kiến trúc sư sau này: Kts Nguyễn Trực Luyện; PGS KTS Đặng Thái Hoàng; PGS KTS Tôn Đại; PGS Trương Quang Thao; TSKH. KTS Nguyễn Mạnh Thu; GS.TS. KTS Nguyễn Việt Châu; GS.TSKH.KTS. Nguyễn Thế Bá; PGS.KTS. Trần Hùng; PGS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông; PGS.TS.KTS. Trần Trọng Hanh; PGS.TS.KTS. Lê Hồng Kế; PGS.TS.KTS. Huỳnh Đăng Hy; KTS. Nguyễn Tiến Thuận; KTS. Nguyễn Luận; KTS. Lưu Trọng Hải; KTS. Trần Trọng Chi; TS.KTS. Lê Thanh Sơn; TS.KTS. Nguyễn Trí Thành; KTS. Võ Thành Lân; KTS. Nguyễn Hữu Thái…

Trong những năm qua, lý luận và phê bình kiến trúc phát triển chưa tương ứng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kiến trúc, còn nền kiến trúc chưa tương ứng với sự phát triển của đất nước. Đó là một trong những nguyên nhân của sự chưa ra đời những tư tưởng lớn của kiến trúc đương đại Việt Nam, có khả năng thúc đẩy và định hướng sáng tạo kiến trúc, lý giải sự mất định hướng nào đó trên bước đường tiến triển của kiến trúc, với 2 biểu hiện nổi trội là sự thịnh hành chủ nghĩa hình thức lan tràn và sự thiếu bứt phá trong sáng tác kiến trúc. Giới kiến trúc sư Việt Nam cần nhận rõ trách nhiệm xã hội của chính mình trong sự phát triển nền lý luận và phê bình ngang tầm với các đòi hỏi và thách thức của thời đại./.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 204