02/12/2022

Nhìn lại các dự án điện mặt trời bổ sung vào quy hoạch điện VII

Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện VII. Đây là vấn đề rất phức tạp, cần đánh giá sao cho thật khách quan, khoa học và thực tế để tránh gây ngộ nhận và hậu quả không đáng có.

Theo tìm hiểu, được biết khi xây dựng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam là theo tính toán sẽ thiếu điện nghiêm trọng từ 13-15 tỷ Kwh điện. Thường trực Chính phủ chỉ đạo bằng mọi cách không thể để thiếu điện. Lúc đó, phụ tải ở Miền Nam tăng mạnh, nguy cơ thiếu điện cục bộ so với miền Bắc là hiện hữu.

Một dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận

Cơ chế khuyến khích về giá Fit cho điện mặt trời tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và 13/2020/QĐ-TTg là tiền đề cho sự bùng nổ của Điện mặt trời tại Việt Nam, trong thời gian ngắn đã đưa Việt Nam thành nước có tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo lớn trên bản đồ thế giới vào cuối năm 2020. Điện mặt trời đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, góp phần giải toả và hạ thấp công suất đỉnh của quốc gia tại mùa cao điểm. Chính sách khuyến khích điện mặt trời tại từng thời kỳ đã thu hút nguồn vốn lớn từ khu vực đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài tham gia thị trường điện. Đặc biệt, trong đó là vai trò dẫn đầu của một số tỉnh khu vực miền Trung và Nam Trung bộ – nơi có những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển năng lượng điện tái tạo, trong đó có điện mặt trời. Từ những tỉnh nghèo có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như Ninh Thuận, Bình Thuận… đã là nhân tố điển hình đóng góp tạo cú hích ban đầu cho việc phát triển thị trường điện mặt trời tại Việt Nam. Điều này thể hiện tầm nhìn đúng đắn của Bộ Chính trị và Chính phủ trong việc quy hoạch phát triển năng lượng điện tái tạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số những hạn chế:

  1. Một số dự án điện mặt trời do nhiều nguyên nhân đã trễ hẹn thời điểm hết hạn cơ chế khuyến khích (31/12/2020) theo số liệu đề xuất của Bộ Công Thương là 2.428,42 MW, tương đương với giá trị đầu tư khoảng 29.140 tỷ đồng (chưa tính đến các dự án đề xuất sau năm 2030). Hiện tại các dự án này đang chờ cơ chế giá chuyển tiếp để tiếp tục triển khai đưa vào hoạt động, tránh lãng phí và gây mất an sinh xã hội
  2. Do chính sách có hiệu lực trong thời gian ngắn (06 tháng đối với Quyết định 13), trong quá trình triển khai thực hiện các cấp quản lý tại một số địa phương còn chủ quan và không thể tránh khỏi việc vận dụng, làm tắt, làm chưa đầy đủ trong công tác quản lý đầu tư trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch, công tác quản lý đất đai và công tác dự báo phát triển.

Theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018, tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận chủ trương phát triển là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Tại Quyết định số 13, đối với các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận được áp dụng cơ chế giá Fit là 9,35 cent cho đến khi công suất tích luỹ đạt 2.000 MW được đưa vào vận hành trước ngày 01/01/2021. Với chính sách khuyến khích này, Ninh Thuận đã thể hiện đúng vai trò của tỉnh có điều kiện tự nhiên về bức xạ để thu hút vốn đầu tư với nguồn vốn xã hội hóa đặc biệt đến từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư này đã mạnh dạn bỏ vốn, nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả để triển khai các dự án có tính chất khó nhưng vẫn đảm bảo an toàn và theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, dám đề xuất và dám làm của doanh nghiệp Việt Nam hưởng ứng theo chính sách của Chính phủ. Từ cú hích ban đầu ở Ninh Thuận, các nhà đầu tư khác đã mạnh dạn nghiên cứu và định hướng kinh doanh vào thị trường điện năng lượng tái tạo, qua đó Việt Nam đã thực sự hình thành nên một thị trường đầu tư và kinh doanh điện năng lượng tái tạo trong thời gian ngắn chưa đầy 2 năm.

Bên cạnh những tồn tại của việc phát triển nóng điện mặt trời trong thời gian qua, không thể phủ nhận những lợi ích đáng kể của điện mặt trời đem lại cho nền kinh tế, đặc biệt trong dài hạn khi vấn đề giải tỏa công suất và lưu trữ được giải quyết thì đây chính là nguồn phát điện ổn định bền vững và vô tận. Sau 20 năm giá Fit hết hiệu lực thì ngành điện sẽ phát huy tối đa được lợi ích kinh tế của nhà nước từ những dự án này.

Thực trạng và thách thức của thị trường năng lượng điện tái tạo Việt Nam sau giai đoạn bùng nổ

Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng và mục tiêu của Chính phủ đề ra trên cơ sở phải đảm bảo an toàn an ninh năng lượng, đạt mục tiêu hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội – đó là những bài toán thách thức lớn cho quy hoạch điện VIII. Một trong số đó là bài toán giải tỏa công suất năng lượng tái tạo hiện hữu và đưa vào vận hành các dự án chuyển tiếp để tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Giải tỏa công suất của các dự án điện mặt trời hiện hữu đã vận hành thương mại trước 31/12/2020

Do đặc thù tính ổn định thấp của điện năng lượng mặt trời dẫn đến hiệu quả sử dụng sản lượng điện từ nguồn năng lượng này là chưa cao, các dự án phải luân phiên cắt giảm công suất phát và sa thải sản lượng tại thời điểm nắng cao, trong khi nhu cầu phụ tải còn thấp do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid và hoạt động sản xuất của nền kinh tế bị suy giảm do nhiều nguyên nhân.

Miền Bắc đứng trước tình huống tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện, trong khi hầu hết các dự án điện mặt trời tập trung tại miền Trung, Tây nguyên và miền Nam lại đang dư thừa và bắt buộc phải cắt giảm luân phiên để đảm bảo sự ổn định của lưới truyền tải.

Các dự án chuyển tiếp và định hướng quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo

Như đã đề cập ở trên, các dự án không kịp tiến độ giá Fit tại thời điểm 31/12/2020 đối với điện mặt trời và 31/10/2021 đối với điện gió hầu hết đến từ nguồn vốn xã hội hóa ngoài ngân sách. Dưới góc độ an sinh xã hội và hiệu quả chung của nguồn lực kinh tế thì đề xuất của Bộ Công Thương đã trình Chính phủ việc chuyển tiếp đưa vào giai đoạn đến năm 2030 và sau 2030 – theo ý kiến tôi là phù hợp với nhu cầu thực tiễn tiếp tục phát triển năng lượng điện tái tạo và tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Tuy nhiên các dự án chuyển tiếp trong giai đoạn từ nay đến 2030 cần đánh giá chính xác để đưa vào hòa lưới quốc gia theo lộ trình khoa học, đảm bảo sự hấp thụ của lưới điện và phụ tải theo vùng miền.

Một số giải pháp

Bộ Công Thương và ngành điện cần xây dựng cơ chế phát triển hệ thống pin lưu và truyền tải năng lượng điện mặt trời thí điểm trên nguyên tắc tích trữ điện dư thừa vào ban ngày và phân phối truyền tải vào ban đêm từ khu vực dư thừa miền Trung và Trung Nam Bộ đến 2 đầu cầu kinh tế phía Bắc và phía Nam; có chính sách phù hợp để thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực mới này.

Đa dạng hóa đường truyển tải: ngành điện cần nghiên cứu tiếp cận để đánh giá tính khả thi về truyền tải điện một chiều Quốc gia thay vì chỉ phát triển đường truyền tải điện xoay chiều hiện tại

Nghiên cứu chính sách phù hợp để các dự án điện mặt trời chuyển tiếp, các dự án điện mặt trời mặt đất và nổi (solar farm và solar floting) được quy hoạch theo từng thời kỳ kết hợp đầu tư hệ thống lưu trữ điện tại chỗ nhằm hạn chế tối đa những tác động bất lợi của điện mặt trời lên lưới điện.

Việc xem xét phát triển năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện VIII là hết sức cần thiết. Trong phương diện điện mặt trời, từ kinh nghiệm của một số nước trong khu vực có đặc thù tương đồng (Thái Lan, Singapore…) điện mặt trời mái nhà đáp ứng cho phụ tải tại chỗ cần được ưu tiên phát triển, sau đó đến các dự án nổi trên mặt nước thay vì phát triển ồ ạt các dự án Farm mặt đất sẽ trực tiếp hay gián tiếp hủy hoại môi trường tự nhiên và làm giảm quỹ đất cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi đối với điện mặt trời mái nhà nhằm đáp ứng cho phụ tải tại chỗ, hạn chế phát lưới.

Nếu làm tốt công tác này, tôi tin rằng thị trường điện Việt nam thực sự sẽ biến thách thức thành cơ hội cho mục tiêu phát triển chung và mục tiêu Zero Carbon vào năm 2050.

Thay cho lời kết

Chính sách về phát triển điện mặt trời dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dựa trên nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo là chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán. Cho đến nay, nền tảng về năng lượng điện tái tạo của Việt Nam đã được hình thành, là cơ sở về kiến thức và khoa học ứng dụng để Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam có thể sòng phẳng đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ tài trợ và các nhà cung cấp thiết bị cho lộ trình phát triển tiếp theo tiến tới mục tiêu Zero Carbon mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề ra đến năm 2050.

Dưới góc độ vận động của xã hội, thị trường luôn có giai đoạn phát triển và giai đoạn điều chỉnh. Các chính sách, các quy định mỗi thời kỳ và thời điểm đều có giá trị lịch sử riêng. Thiết nghĩ, làm công tác quản lý không ai tránh được các thiếu sót, khuyết điểm do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, kể cả các bài học về phát triển điện mặt trời. Vấn đề là cần nhìn nhận đúng nguyên nhân để tìm các giải pháp khắc phục vì sự phát triển vững bền của đất nước.

Cần tránh để người ta ngộ nhận Chính phủ khoá sau như sóng trước vỗ sóng sau gây nên những dị nghị không đáng có.

TS Tô Văn Trường