07/05/2019

Nhiều ý kiến trái chiều về Dự án bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng

Có nhiều ý kiến trái chiều về Dự án bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng. Có người cho rằng cần chấp nhập đánh đổi, “đổi cái nhỏ để được cái lớn hơn”.

Tại Hội nghị phản biện xã hội Dự án bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng diễn ra sáng 7/5 tại thành phố Đà Nẵng, nhiều đại biểu trong số 13 vị khách được cho là chuyên gia, nhà khoa học được mời tham dự đã thẳng thắn nêu ý kiến trái chiều về dự án này.

Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng nằm tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: TT/Giáo Dục VN)

Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng nằm tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: TT/Giáo Dục VN)

Tại Hội nghị, có 3 chuyên gia về thủy lợi được mời phát biểu. Đó là Tiến sĩ Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Thị Hương Lan, Trường Đại học Thủy lợi và Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Song Giang, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đều có chung đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình là không lớn. Thực tế cho thấy, sau trận lũ năm 2009 mức độ ngập lụt từ khu vực kè ra Thuận Phước giảm. Tuy nhiên phía thượng nguồn gia tăng dưới 0,05m.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng và ông Lê Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng phản đối việc triển khai dự án và cho rằng chính quyền nên dừng dự án này nhưng không đưa ra được ra luận cứ khoa học chứng minh cho việc buộc phải dừng dự án.

 GS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn nêu rõ quan điểm để có sự phát triển cần chấp nhận sự đánh đổi, nếu đó là đánh đổi cái nhỏ để được cái lớn hơn.

Cũng theo ông Trần Đình Thiên, đối với tâm lý xã hội hiện nay, tính bất bình và tính kích động rất cao nên khi phản biện dự án này không nên dùng thuật ngữ và tình cảm để đánh vào tâm lý xã hội và phải dựa vào cơ sở khoa học.

TS. Trần Đình Thiên cho rằng, dùng từ này, từ kia nặng về tình cảm mà thiếu luận cứ khoa học để phản đối dự án là không đủ và ngăn cản sự phát triển. Ông Thiên khẳng định, trong nỗ lực chung của quốc gia tạo thương hiệu cho thành phố Đà Nẵng, Trung ương đã dành cho Đà Nẵng nhiều cơ chế, chính sách đầu tư. Đà Nẵng cũng liên tục bứt phá vươn lên theo mục tiêu trở thành thành phố đầu tàu của miền Trung. Nếu nhà đầu tư không vào Đà Nẵng nữa thì Đà Nẵng mất rất nhiều, người dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Theo TS. Trần Đình Thiên, việc nhà nghiên cứu lịch sử, Hội Nông dân đi phản biện về dự án đô thị có ảnh hưởng dòng chảy hay không là chưa hợp lý. “Chuyên gia là chuyên gia gì, nhà khoa học là nhà khoa nào, chứ cứ chung chung như thế này thì rất khó”, ông Thiên nói.

TS. Trần Đình Thiên đưa ra kết luận: Tác động đến môi trường kinh doanh là tác động đặc biệt lớn đến tương lai Đà Nẵng. Do đó, ông Thiên đề nghị cần nhìn các nhà đầu tư với con mắt là động lực của sự phát triển và đề nghị Đà Nẵng giữ cho được nhà đầu tư để tạo động lực cho sự phát triển.

“Đà Nẵng suốt 10 năm trời được đánh giá là môi trường đầu tư tốt nhất, thậm chí nhiều hơn nữa. Mà bây giờ theo ý kiến nói tất cả các dự án 2 bên bờ sông Hàn phải hồi tố lại hết, cái đó thì quả thật đầy rủi ro! Có cần phải ngoại vi phát triển đều phải thế không? Tôi nghĩ chính quyền Đà Nẵng cần có thái độ xử sự nghiêm túc. Tôi đồng ý với ý kiến bảo vệ sông Hàn, nhưng cũng cần phải nhìn nhà đầu tư với tư cách là động lực phát triển, một lực lượng phát triển để bảo vệ nhà đầu tư. Nên tôi đề nghị chính quyền Đà Nẵng giữ được môi trường đầu tư. Còn các ý kiến khác căn cứ vào luận cứ khoa học để chúng ta có kết luận”, ông Trần Đình Thiên nêu rõ quan điểm.

Tại Hội nghị, Kiến trúc sư Huỳnh Việt Thành, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, các nước có sông, có lũ nhưng đều mạnh dạn triển khai những dự án đô thị. Đà Nẵng cần có thái độ rõ ràng đối với quy hoạch đôi bờ sông Hàn.

Theo ông Thành, đã có 5 đồ án quy hoạch đôi bờ sông Hàn được trao giải, thành phố cần đưa vào Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về phát triển đô thị bên bờ sông Hàn chứ không thể nay cho làm, mai dừng lại. Cứ làm như vậy thì nhà đầu tư nào dám vào thành phố này để đầu tư làm ăn.

Kiến trúc sư Huỳnh Việt Thành cho rằng, ảnh hưởng của lũ lụt thì phải có các giải pháp từ thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn chứ không chỉ ở mỗi cửa sông Hàn. “Việc lấn này có phải là nguyên nhân làm ứ nước ở trên thượng du hay không? Làm lênh láng ở Hòa Vang, Vĩnh Điện, Đại Lộc hay không? Tôi nghĩ là không phải. Mà nguyên nhân chính là do vấn đề lũ lụt theo chu kỳ. Và do điều tiết nước của thủy điện, do đó mà đã lụt lại sinh thêm lụt. Tất nhiên không phải nói như vậy mà tiếp tục làm mà không tạo ra hành lang thoát lũ. Nguyên nhân chính và lâu dài tôi nghĩ là nên chuyển dòng các thủy điện, hạ bớt công suất xuống, biến chức năng thủy lợi hơn là thủy điện”, ông Thành nêu ý kiến./.

PV/VOV-Miền Trung