08/03/2018

Nhà ống Việt Nam: Kiểu dáng cũ kiến trúc mới

Nằm ở quận 7, TP Hồ Chí Minh, căn nhà ống có diện tích 100m2 với mặt tiền chỉ rộng 4m đã được kiến trúc sư Ngô Việt Khánh Duy và cộng sự mang đến một phong cách sống hoàn toàn mới, thay thế lối kiến trúc nhà ống truyền thống trước đây.

Những vùng đất mới của TP Hồ Chí Minh đang được lấp dần đầy bởi các dự án nhà ở theo xu hướng đô thị hoá. Trong quá trình phát triển nhanh hiện nay, các dạng kiến trúc cũ đã trở nên lỗi thời. Nhà ống Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình, lối kiến trúc lặp lại, chiếm nhiều không gian sống trong nhà.

Trao đổi với chủ sở hữu ngôi nhà, họ mong muốn một thiết kế hướng đến giá trị không gian sống tốt hơn. Làm thế nào để xây dựng không gian mới, thay đổi những thói quen và suy nghĩ của con người về không gian sống truyền thống. Bởi chính sự thiếu hụt diện tích trong tổng thể không gian của thành phố đã khiến người dân có xu hướng thu hẹp dần trong căn nhà ống lạc hậu.

Ngôi nhà này là một câu chuyện của chủ sở hữu và kiến trúc sư. Và kiến trúc sư đã bắt đầu thiết kế nó theo một cách đơn giản nhất. Đó là tìm kiếm những giá trị mới trong không gian sống.

Theo chia sẻ, chủ nhân ngôi nhà là một thanh niên sống cùng với người mẹ của mình. Họ có một thái độ cởi mở và mong muốn có một không gian mở và lối sống thoải mái. Và yêu cầu một căn nhà có thể mở rộng tối đa tầm nhìn, nhất là về phía trước – nơi chủ nhà có thể thoả sức sáng tạo với phòng studio thu nhỏ.

Mặc dù, ngôi nhà có chiều rộng chỉ 4m, nhưng người mẹ muốn có một căn bếp rộng rãi vì họ thường đón khách vào những dịp cuối tuần. Các kiến trúc sư đã bắt đầu thiết kế với những ý tưởng mới và mở rộng hơn.

Và quan tâm hơn tới không gian sinh hoạt chung của ngôi nhà, để có sự kết hợp chứ không phân chia rõ ràng giữa nhà bếp, bàn ăn. Do đó, căn bếp sẽ được thiết kế rộng rãi hơn và được kết nối với bàn ăn tối, được đặt cùng hướng, dọc theo chiều dài của ngôi nhà.

Phòng ngủ chính được mở rộng hơn bởi những tấm kính ở phía trước. Thiết kế mới này tạo ra một khung nhìn trong không gian của căn phòng, bằng cách tạo ra những “khoảng trống” trực tiếp từ mái nhà, hình thành nên những khoảng sáng tự nhiên vào ban ngày và những khoảng trống nhìn ra bầu trời vào ban đêm.

Để giải quyết vấn đề này một cách tối ưu, kiến trúc sư đã sử dụng những thanh gỗ chéo hình tứ giác, và đôi khi chúng được sắp xếp theo chiều ngược của ánh sáng.

Chính kiểu thiết kế này sẽ mang lại cho căn nhà nhiều ánh sáng tự nhiên nhất và những “khoảng trống” đúng theo mong muốn của chủ sở hữu.

Không gian sống được thiết kế mang tính chất liên tục, không bị ngăn cách bởi những bức tường hoặc cầu thang.

Các không gian được kết nối với nhau bởi ngôn ngữ của ánh sáng. Không chỉ tiết kiệm chi phí điện năng sử dụng mà còn mang con người đến gần hơn với thiên nhiên.

Như vậy, thông điệp mà các kiến trúc sư muốn gửi gắm qua căn nhà đó là việc mở rộng không gian, kết nối các không gian với ánh sáng tự nhiên – tạo ra mối tương quan giữa con người và tự nhiên thông qua không gian sống mở.

Một số hình ảnh đẹp khác của ngôi nhà:

Huyền Trang (Theo Arch Daily)/Theo BXD