07/05/2023

Ngôi nhà của một người Hà Nội

Khi thấy có người lạc lối trên đường phố Hà Nội, tôi sẽ kể cho họ biết người Hà Nội nghĩ về KTS ra sao và nghĩ về Hồ Tây như thế nào? Có lẽ đây là câu chuyện thích hợp để nói ra những khi trà dư tửu hậu của giới kiến trúc khi ôn lại kỷ niệm nhân dịp 75 năm thành lập Hội KTS Việt Nam.

Ngôi nhà chụp 1990, bản đồ bán đảo Quảng An năm 2000: Ngôi nhà náu mình giữa mênh mang hồ nước vườn cây, đến năm 2021, xung quanh nhà cửa đã dày đặc

“Nhà tôi ở ven Hồ Tây” (*)

Đó là tên một chương trong cuốn sách “Trịnh Hữu Ngọc – Từ những tác phẩm còn lại” của tác giả Trịnh Lữ (Nhà xuất bản Mỹ thuật, tháng 2/2017) viết về cụ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997). Ngôi nhà ấy ở bên Hồ Tây, trên mảnh đất ruộng rộng 250m2 (nhà nước lại cấp cho cụ sau khu trưng dụng khu đất rộng khoảng 20.000m2 gần đó). Ngôi nhà do cụ tự thiết kế, dựng nên từ gỗ lạt, sắt thép còn sót lại sau trận bom Mỹ trúng ngôi biệt thự 108 phố Quán Thánh (1968-1972).

Cụ Trịnh Hữu Ngọc tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1938, là người khởi tạo nghệ thuật trang trí nội thất, thiết kế và sản xuất đồ gỗ hiện đại Việt Nam với tâm nguyện “Thiết kế Nội thất là để xây dựng một nếp sống – nếp sống mới của người tử tế”. Sản phẩm của cụ được người Hà Nội tin dùng và nhớ mãi, nổi bật là toàn bộ nội thất đồ gỗ nhà 48 Hàng Ngang cho thân chủ Trịnh Văn Bô, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về đó ở và viết bản Tuyên ngôn Độc lập cho nước Việt Nam DCCH (8/1945). Theo đề nghị của các Ông Nguyễn Hữu Đang và KTS Ngô Huy Quỳnh, cụ đã đóng góp gỗ và thợ để dựng Lễ đài Tuyên bố Việt Nam độc lập tại Ba Đình ngày 2/9/1945. Cụ nghiên cứu các tài liệu quốc tế về thiết kế kiến trúc và nội thất và đưa khái niệm “Công dụng – Bền chắc – Duyên dáng và Tiết kiệm” vào thiết kế và sản xuất đồ gỗ với mục đích cổ động lối sống mới cho tầng lớp trung lưu đô thị. Sau năm 1954, cụ tiếp tục cống hiến các tác phẩm thiết kế nội thất mới cho nhiều hạng mục cho Bộ Kiến trúc, Tổng cục Lâm nghiệp, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội, Tổng cục Du lịch;… thiết kế nội thất chuyên cơ AN 24 của Hồ Chủ tịch…

Cụ Trịnh Hữu Ngọc cùng cháu trên cánh đồng ngoài nhà, phía xa là cây muỗm do Hồ Chủ tịch trồng in trên nền trời Hồ Tây, bên con đường nhỏ dẫn vào nhà . Vị trí cây muỗm trên bản đồ Quảng An 2002

Rặng phi lao bên đường trờ về nhà’

Con đường uốn lượn giữa một bên ruộng trũng, một bên là những luống rau sát đầm Trị. Cây Muỗm cao vút nổi bật giữa những bụi cây, khóm hoa thấp. Những bức tranh của cụ Trịnh vẽ có tên khác nhau nhưng là hình ảnh cây muỗm kiêu hãnh vươn lên nền trời trong buổi sương sớm bàng bạc, lãng đãng trong nắng chiều, huyền ảo trong khói lam hay ẩn hiện xa xa, sau ruộng hoa cúc nở bung trong ánh nắng vàng rực rỡ… những thứ quanh nhà, tạo nên nơi chốn Hồ Tây yêu dấu.

Đường đi từ Âu Cơ vào khu nhà khách Trung ương dài hơn 700m là con đường nhựa, luôn rợp bóng mát bởi hai hàng cây phi lao. Từ đầu dốc xuống một bên là mặt hồ rộng, tiếp đó ruộng trũng trống trải, chỉ có lối nhỏ dẫn vào xóm nhà xa xa; bên kia là đầm nước, giữa đầm là ngôi chùa cổ thấp thoáng dưới tán lá cây. Sau những cơn mưa đầu hè, mặt hồ hai bên đường ngập tràn màu xanh lá sen, gió hồ thổi tới thơm ngát hương sen.

Năm 1977, Cơ quan Bản đồ thực hiện chụp ảnh từ máy bay quanh Hà Nội. Bán đảo Quảng An mênh mông trời nước, đầm hồ, ruộng rau hoa và rặng cậy phi lao rì rào trong gió… Ngôi nhà, cây đa, cây muỗm trở thành các mốc đinh vị trên bản đồ.

Những bức tranh cụ Trịnh Hữu Ngọc vẽ khung cảnh bên ngoài và bên trong ngôi nhà; Sơ đồ mặt bằng mặt cắt và hình phối cảnh ngôi nhà in trong sách

Trong sách đã viết: “Ông (Trịnh Hữu Ngọc) vẽ “Nhà tôi” nhưng không thấy ngôi nhà nữa mà cả khoảng trời đất ấy, như một thoáng bình yên vang vọng, một lời an ủi không lời. Con đường uốn lượn, đầm sen, rau cỏ, khóm tre, cây đa đầu làng cho đến những làng xóm nhỏ trải dài theo đường chân trời, tất cả không thiếu một chi tiết nào mà nhẹ bỗng, như hơi thở của Đất, dâng lên hòa nhịp với mây gió của Trời, mãi cho tới “cao xanh” vời vợi. Lòng chung thủy với cái Đẹp, cái Thật và cái Thiện của hội họa đã nuôi dưỡng và chỉ lối cho ông qua mọi thăng trầm của cuộc đời, cuối cùng đã đưa ông về “nhà” với niềm an ủi chỉ có được trong nhà của chính mình”

Trong ngôi nhà ven hồ Tây ấy, cụ Trịnh Hữu Ngọc đã nương náu ở đó, đọc, dịch, viết, thực hành yoga, cưu mang con cháu sa cơ lỡ vận và tiếp đón bạn bè với sự bình an huyền diệu: “Thủa trẻ lên núi cao mộng tìm đời suối hoa. Thoáng cái đã đến tuổi được ngồi bên hồ, giữa cảnh sóng nước gương trời mà soi xét mọi chuyện, không có bom đạn đổ nát nhà thì chắc gì được thế?”

Rặng cây phi lao trên con đường “về nhà” trong tranh của cụ Trịnh

Làng Hoa biến mất như đùa

Anh đi mười năm trở lại/Làng hoa biến mất như đùa!/Ví thử hồ sen cạn nốt/Làm gì cho thấy ngày xưa?” – trích bài “Sen Hồ Tây” của nhà thơ Bằng Việt. Khi chốn “bồng lai tiên cảnh” Hồ Tây không còn nữa thì những bức tranh của cụ Trịnh Hữu Ngọc giúp chúng ta hình dung một ngôi nhà của người đã làm ra biết bao nhiêu ngôi nhà đẹp cho Hà Nội.

Những bức “Thiền họa” của cụ Trịnh Hữu Ngọc làm rung động từ sâu thẳm trái tim bao người nhớ tới “Hồ Tây chiều thu/ mặt nước hồ lay bờ xa mời gọi. Mầu sương thương nhớ/bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” như ca từ của Trịnh Công Sơn. Để lại cho hậu thế những kiệt tác ấy. người nghệ sĩ không chỉ rung cảm bởi trái tim chất chứa yêu thương ngọt ngào hay những đắng cay của mất mát mà còn cả quá trình khổ luyện cần mẫn: Cụ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn) lại ra Hà Nội thi vào Mỹ Thuật Đông Dương: Học Hội họa, Mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc. Học và hành trong công việc trong quảng bá tư tưởng, truyền dạy học trò. Khi đã nghỉ hưu, cụ còn tiếp tục học Toán, học tiếng Nga, học và chiêm nghiệm từ thực cảnh Đất/ Trời bao la – Đó chính là tấm gương học hỏi suốt đời.

Vườn rau hoa bên hồ, đầm sen, ao cá quanh nhà trong tranh của cụ Trịnh

Các KTS Việt Nam hôm nay đã dùng máy tính vẽ hình, dựng phim, dùng CNC cắt mô hình hay in 3D để thể hiện các đồ án thiết kế. Nhiều bạn trẻ dùng Chat GPT để viết ra bài luận hùng hồn hay vần thơ lai láng; dùng kỹ xảo đồ họa để chuyển ảnh chụp thành tranh lụa hay sơn dầu… Công cụ tân tiến đặt ra câu hỏi: Chúng ta có cần rèn luyện nhân tính tự nhiên nữa hay không? Khi tiến về phía trước liệu có cần học hỏi gì từ các bậc tiền nhân hay những trải nghiệm trong quá khứ?

Các lớp bản đồ tư liệu được dùng trong bài viết để gợi nhớ về một góc Hồ Tây-Hà Nội xưa, thấy được những đổi thay trong 20 năm trở lại đây – Hy vọng góp thêm một cách nhìn để tiếp tục chứng kiến nơi này sẽ đổi thay thế nào trong nay mai!

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội KTS Hà Nội/Tạp chí Kiến trúc