31/08/2018

Nghịch lý Thủ đô: Hà Nội vừa ngập lụt, vừa thiếu nước sinh hoạt

Tọa đàm “Quản lý nước đô thị” do Tổng Hội Xây dựng Việt Nam tổ chức, diễn ra trong “tháng Ngâu” – tháng 8.2018, mưa đang trút nước dai dẳng gây ngập lụt nhiều nơi, nhưng cũng nhiều nơi người dân lại phải xếp hàng chờ… cấp nước.

Cuộc tọa đàm với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý ngành cấp thoát nước đã xới lên rất nhiều vấn đề “trầm tích” trong quản lý nước đô thị (Người Đô Thị sẽ tiếp tục phản ánh trên báo in và online), bài này đề cập đến thời sự liên quan tình trạng thiếu nước sạch ở Hà Nội.

Đã trả tiền mua nước, lại phải mua thêm nước đóng bình

Tình trạng thiếu nước sạch dùng trong sinh hoạt tại Hà Nội đã diễn ra nhiều năm qua với nhiều mức độ khác nhau. Có những khu vực bị thiếu nước kinh niên, một số khu vực khác dẫu có nước, nhưng chất lượng nước lại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, nên người dân phải sử dụng nước giếng khoan để, hay đi mua nước đóng bình để ăn…

Điển hình là từ  những ngày đầu tháng 5/2018, hàng nghìn cư dân ở khu đô thị Mulberry Lane và TSQ Euroland (quận Hà Đông) bị thiếu nước sạch sinh hoạt, phải chờ xe téc chở nước đến dùng. Gần đó, hàng trăm người dân ở chung cư Xuân Mai Riverside cũng  hàng tháng trời phải xách nước từ nơi khác về nhà,  vì bể nước sinh hoạt tại chỗ  bị nhiễm bẩn từ bể nước thải…

Đó là chưa nói đến hàng nghìn cư dân trú tại  khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng) đã phải dùng nguồn nước sinh hoạt nhiễm Asen từ 5 năm qua (thông tin từ người dân mang mẫu nước đi xét nghiệm, chính quyền thành phố  đã hứa xem xét, giải quyết).

Rồi các hộ dân sinh sống tại nhiều dự án như khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 (Cự Khê, huyện Thanh Oai) thường xuyên phải dùng nước sinh hoạt bẩn, màu vàng đục, mùi hôi tanh khó chịu… Tóm lại  nhưng cư dân tại những nơi đó, vừa phải đóng tiền mua nước (do các nhà máy bán ra) nhưng họ vẫn phải bỏ tiền để mua nước đóng bình trả để sinh hoạt hàng ngày.

Người dân khu đô thị Mulberry Lane lấy nước từ xe tec. Ảnh: Vietnamnet

Thiếu nước sinh hoạt, vì đâu?

Bà Bùi Thị An (Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng), cho biết: “Nguyên nhân căn bản của tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số khu vực của Hà Nội là tốc độ tăng dân số quá nhanh, trong khi hệ thống hạ tầng cấp thoát nước không theo kịp. Đặc biệt sự xuất hiện của hàng loạt các chung cư cao tầng ở các khu vực cuối nguồn, khu vực có địa hình cao khiến việc cung cấp nước sạch gặp khó ”.

Điều bà An nói có thể thêm một ví dụ về tình trạng quy hoạch phát triển đô thị không đồng bộ (dẫu thường xuyên bị lên án). Rằng, luôn luôn có tình trạng chính quyền cứ thu tiền cấp đất cho các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, mà không xem xét tới các khả năng cung ứng dịch vụ công (thuộc trách nhiệm nhà nước) như đường giao thông, cung cấp điện..và nước sạch cho sinh hoạt. Rút cục chỉ người dân mua nhà sinh sống tại các khu vực đó phải chịu hậu quả rất lâu dài, hoặc có thể họ chẳng có lối thoát.

Đơn cử như tại quận Hà Đông hiện nay đang tập trung hơn tới chừng 150 tòa nhà cao tầng với hàng nghìn hộ dân,  nếu tất cả các tòa nhà này đủ người dân về sinh sống cùng với các công trình xây dựng  khác đi vào hoạt động, thì tổng nhu cầu về nước sạch vào khoảng 150 nghìn m3/ngày/ đêm. Trong khi đó, Công ty TNHH nước sạch Hà Đông đơn vị cung cấp nước cho người dân sống tại quận Hà Đông và cả một phần quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Phú Xuyên… hiện  chỉ có thể cung cấp tối đa khoảng 110 nghìn m3 nước/ ngày/ đêm. Tức là, việc cấp đủ nước sạch cho cư dân vùng này  chắc chắn là không thể, dẫu trong tương lai có thêm  dự án xây dựng trạm cấp nước Dương Nội (công suất 30 nghìn m3/ngày/ đêm). Nghĩa là “hạ tầng cứ đi sau” chứ không phải đi trước, như những gì chính quyền thành phó hứa hẹn với nhân dân?

PGS.TS Trần Thị Hiền Hoa (bộ môn Cấp thoát nước, trường ĐH Xây dựng), cho rằng: “Ngoài việc chênh lệch nguồn cung so với cầu, hiện nay các dự án hạ tầng cấp nước  thường  chậm tiến độ. Trong đó có cả những dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước làm rất chậm,  dẫn đến nhiều  tuyến đường ống bị xuống cấp, hỏng, ngay trước khi dự án hoàn thành”. Cũng theo bà Hoa, do mạng lưới cấp nước của Hà Nội rất lớn, được xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau, đan xen giữa đường ống cũ,  không đồng bộ… Điều này khiến chất lượng đường ống ngày càng kém, tỷ lệ thất thoát tăng, hậu quả là mạng lưới đường ống không đủ áp lực và lưu lượng đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dân.

Hàng chục chung cư phát triển dày đặc trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Ảnh: Dân trí

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến (Tổng thư ký Hội cấp thoát nước), góp thêm: “Thiếu vốn để nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước cũng  nguyên nhân khiến tỷ lệ thất thoát tăng và năng lực cấp nước giảm.” Tuy nhiên, theo ông Tiến cho rằng để kết luận thủ đô Hà Nội có thiếu nước sinh hoạt hay không, cần phải dựa trên nhiều yếu tố để đánh giá. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt có thể xảy ra đối với những năm có thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài… hoặc khi nhu cầu sử dụng tăng quá nhanh, các nhà máy không đủ nước để cung cấp. Trong  vòng 1-2 năm trở lại đây, nguồn cung nước sinh hoạt của Hà Nội đã có những cải thiện khi một số nhà máy nước mới đã đưa vào hoạt động và nhà máy cũ được nâng công suất. Hiện tổng công suất của các nhà máy nước tại 12 quận nội thành đạt trên 915 nghìn m3/ngày đêm, cung cấp 3,2 triệu m3 nước sạch cho dân cư khu vực này. Đối với khu vực nông thôn (gồm 17 huyện), năm 2017 đã cung cấp nước sạch cho 50% trong tổng 4,3 triệu dân.”

Nhưng cứ cho điều ông Tiến nói là đúng, thì ít nhất 50% dân số nông thôn của thủ đô Hà Nội vẫn chưa có nước sạch sinh hoạt, chưa nói  các trường hợp dân đô thị “tiếng là có nước nhà máy cấp, nhưng vẫn phải đi mua nước để dùng”, như các  đã được dẫn ra trong bài này?

Một số chuyên gia cho biết, hiện nay phần lớn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân Hà Nội được lấy từ nguồn nước ngầm. Theo số liệu thống kê, hiện  khu vực đô thị Hà Nội ( gồm 12 quận) có 14 nhà máy sử dụng nước ngầm và 17 trạm cung cấp nước cục bộ. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội cung cấp khoảng 630 nghìn m3/ngày/đêm nhưng có tới 550 nghìn m3/ngày/ đêm được lấy từ nguồn nước ngầm. Còn Cty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông công suất 62 nghìn m3/ngày/đêm từ nguồn nước ngầm, chiếm 64% sản lượng.

Tất nhiên qua nhiều năm khai thác sự suy thoái  của tất cả các giếng mà biểu hiện đầu tiên của nó là  suy giảm về mặt trữ lượng. Đi kèm hậu quả này, là sự  sụt lún địa tầng, rồi nguy hiểm nữa, việc bổ cập nước mặt đã bị ô nhiễm xuống tầng nước ngầm, mà tầng nước này vẫn tiếp tục được khai thác với sản lượng ngày càng lớn hơn… Trong khi đó Hà Nội lại chưa xây dựng được hệ thống thu gom tận dụng nước mưa để giảm bớt sức khai thác, cũng có nghĩa giảm nhiều nguy cơ do khai thác quá mức nước ngầm.

Cũng theo một  thống kê, hiện có 4 đơn vị cung cấp nước sạch chính cho khu vực đô thị của Hà Nội thông qua hệ thống nước tập trung  đáp ứng  nhu cầu cho chừng  5,2 triệu người, trong khi dân số của thành phố đã hơn 7,6 triệu người. Tức là khoảng 2,4 triệu người tại nhiều khu dân cư  đã và sẽ còn tiếp tục tình trạng chỉ được cấp nước sinh hoạt theo giờ, vẫn phải kiên nhẫn  chờ đợi từng xe téc chở nước sạch đến với họ.

Lê Minh/Người đô thị