03/08/2023

Nghề xưa ngày mới

Khi dạo bước trên đường Thanh Niên thơ mộng, nếu một bên là khoảng hồ Tây bao la bát ngát, thì đối diện đó là hồ Trúc Bạch, nơi có một bán đảo nhô ra, xưa kia là làng Ngũ Xã (nay là phố Ngũ Xã) với nghề đúc đồng nổi tiếng. Vào thời kỳ phát triển hưng thịnh, đúc đồng đã trở thành một trong bốn nghề tinh hoa bậc cao của kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Câu ca dao xưa: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã” đã nói lên điều đó.

Đảo Ngũ Xã

Làng Ngũ Xã trước đây nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Khi chưa có đê Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), hồ Trúc Bạch thông với hồ Tây, tạo nên một vùng hồ nước mênh mông, bao bọc xung quanh làng Ngũ Xã, chỉ có con đường độc đạo dẫn vào làng. Chính vì vậy, có thể hình dung về địa thế làng Ngũ Xã như một bán đảo.

Xưởng thợ ông Nguyễn Văn Ứng

Mươi năm trở lại đây, đường đi ven hồ được xây dựng nên du khách có thể tiếp cận làng Ngũ Xã từ nhiều phía. Trong làng có đình Ngũ Xã, lưng áp vào bên chùa Thần Quang (Phúc Long Tự). Ngoài thờ Phật, chùa và đình nơi đây đều thờ Nguyễn Minh Không – ông tổ nghề đúc đồng.

Rót khuôn

Theo sử sách ghi lại, vào khoảng thời nhà Lê (1428-1527), thợ đúc đồng ở 5 xã: Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên và Điện Tiền thuộc huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành – Bắc Ninh và Văn Lâm – Hưng Yên) cùng nhau tới đây lập nên Ngũ Xã Tràng (trường đúc của 5 xã), mở xưởng đúc các sản phẩm bằng đồng như nồi, đỉnh, chuông, tượng, đồ thờ và cả tiền đồng. Để ghi nhớ năm làng quê gốc của mình, người dân đã lấy tên làng là Ngũ Xã.

Đến những năm 1873-1954, quy mô làng rộng khoảng 3ha và chỉ có khoảng 80 gia đình của 4 dòng họ Nguyễn, Lều, Đỗ, Trần sống rải rác trong các xóm: Trên, Dưới, Miếu và Gốc Gạo. Khi đó làng Ngũ Xã có hơn 20 xưởng đúc đồng, mỗi xưởng là một gian nhà rộng, lò nấu đồng hai tầng: tầng trên nướng khuôn, tầng dưới nấu đồng. Thợ của mỗi xưởng là những người trong cùng một đại gia đình, người làng hoặc thợ học việc.

Tượng Phật chùa Ngũ Xã

Khi nghề đồng hưng thịnh, làng được tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã và dần nổi tiếng. Sản phẩm thường là các loại tượng hạc cưỡi rùa, lư hương, đỉnh, chân đèn nến, chậu thau… Các nghệ nhân của làng đã tạo nên những pho tượng và đồ thờ bằng đồng có mặt ở nhiều đình, chùa lớn ở Việt Nam, trong đó tiêu biểu là pho tượng Phật A Di Đà ở chùa Thần Quang (làng Ngũ Xã) cao 3,95m đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là pho tượng Đức Phật A Di Đà bằng đồng lâu đời nhất ở Việt Nam; tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen ở đền Quán Thánh; chuông chùa Một Cột…

Rót khuôn

Đàn ông trong làng đa phần làm nghề đúc đồng còn phụ nữ đi khắp nơi thu mua nguyên liệu. Hàng đúc xong giao cho phụ nữ trong nhà và người học việc để mài, dũa cho nhẵn bóng rồi đem bán cho các cửa hàng trên phố Hàng Đồng trong khu phố cổ – nơi cấp vốn để các gia đình Ngũ Xã đi mua nguyên liệu đúc rồi đổi trả lại bằng sản phẩm.

Nghề đúc đồng là nghề công phu, người thợ để theo được nghề đòi hỏi phải kiên nhẫn, tâm huyết và tài năng. Thợ giỏi phải thành thục, tinh xảo trong cả 5 kỹ thuật của quy trình: Tạo hình, làm mẫu đúc; Tạo khuôn đúc thành hình; Đúc: pha chế, nấu và rót đồng; Sửa nguội, chạm khắc; cuối cùng là Đánh bóng. Khuôn dù làm kỳ công nhưng chỉ dành cho một sản phẩm. Đến nay, chỉ có công đoạn mài đồng là có thể sử dụng máy mài, còn lại các công đoạn vẫn phải làm thủ công.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng

Vào đầu thế kỷ 20, trong thời gian dài chiến tranh, nghề không thể phát triển cho đến năm 1975 khi đất nước thống nhất, kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng đồ đồng tăng mạnh nên nghề đồng được dần dần phục hồi tại Ngũ Xã.

Hiện nay, hai gia đình nghệ nhân đúc đồng có tay nghề cao vẫn làm nghề tại đây, truyền nghề cho thế hệ sau. Đó là xưởng của ông Nguyễn Văn Ứng và bà Ngô Thị Đan (dâu tộc họ Nguyễn) vẫn say mê với nghề, ngày đêm đốt lửa, tạo khuôn cho những sản phẩm tinh xảo. đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.

Quy ước của làng là không truyền nghề ra ngoài Điều đáng mừng là các thế hệ sau của hai gia đình này vẫn đam mê tiếp nối nghề của cha ông và với tư duy mới, họ đã sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng ngày nay. Nhiều khách hàng trong và ngoài nước đã đến đây để tìm hiểu và hợp tác sản xuất./.

Bài và ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức

Tag: làng nghề quận ba đình, quận ba đình,