18/09/2023

Nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị quận Ba Đình lịch sử thông qua không gian sinh hoạt cộng đồng

(KTVN 245) – Trải qua hơn 10 thế kỷ, quận Ba Đình được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt – trung tâm hành chính, chính trị của Quốc gia, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước. Minh chứng hiện hữu của các di tích, khu vực đặc thù về chức năng, cảnh quan cũng như những giá trị văn hóa phi vật thể, là đặc điểm – giá trị đặc trưng, không thể có nơi nào so sánh và thay thế được.

Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội được đặt theo tên một địa danh huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi có di tích Chiến khu Ba Đình – căn cứ khởi nghĩa chống Pháp do các vị Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Hà Văn Mao, Trần Xuân Soạn lãnh đạo.


SƠ LƯỢC VÙNG ĐẤT HÌNH THÀNH QUẬN BA ĐÌNH NGÀY NAY

Quận Ba Đình nằm trên nền đất xưa thuộc tổng Hữu Nghiêm (sau đổi là Yên Hòa), huyện Thọ Xương và các tổng Yên Thành, Nội, Thượng, Trung, huyện Vĩnh Thuận và là một vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là Thăng Long, vùng đất Ba Đình đã được chọn là nơi xây dựng Hoàng Thành và cung điện của triều đình phong kiến, trở thành vị trí trọng yếu của kinh thành.

Vùng đất quận Ba Đình ngày nay cũng bao gồm cả phần đất của Thập tam trại (Thủ Lệ, Vạn Phúc, Hào Nam, Kim Mã, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Cống Vị, Cống Yên, Vĩnh Phúc, Xuân Biểu, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Giảng Võ) do vị công thần triều Lý tên Nguyễn Quý Công (Hoàng Phúc Trung hay Ông Hoàng Lệ Mật) người làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) đã có công khai khẩn vùng đất hoang phía Tây kinh thành Thăng Long, lập lên 13 làng trại, tạo nên vùng nông nghiệp trù phú.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA, ĐÔ THỊ – GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG CỦA QUẬN BA ĐÌNH

Trong cái nôi của nền văn minh sông Hồng, những cư dân của Ba Đình đã xây dựng và tạo nên mảnh đất lịch sử, văn hóa với di tích, danh thắng tiêu biểu như Hoàng thành Thăng Long, cột cờ Hà Nội, các đền Quán Thánh, Voi Phục, chùa Một Cột… cùng hàng trăm di tích lịch sử văn hóa khác mà hầu như phường nào cũng đều có: di tích hoặc quần thể di tích: đình Giảng Võ, chùa Lưu Ly (phường Giảng Võ), chùa Thanh Ninh (phường Điện Biên), chùa Bát Tháp (phường Đội Cấn), đình Vĩnh Phúc, đền Đống Nước, chùa Bát Mẫu (phường Ngọc Hà), đình Giai Cảnh, chùa Phúc Lâm (phường Nguyễn Trung Trực), đền Cẩu Nhi, chùa Châu Long, chùa Ngũ Xã (phường Trúc Bạch)…

Những lễ hội được tổ chức và diễn ra không chỉ trên địa bàn một phường, một quận mà có lễ hội với sự tham gia, liên kết các quận như lễ hội kỷ niệm Thập tam trại với sự có mặt của Hào Nam (quận Đống Đa), Lệ Mật (quận Long Biên). Đây là những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất quận Ba Đình ngày nay.

Trên địa bàn quận cũng đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại: ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; ngày 01/01/1955, cuộc mít tinh của người dân Hà Nội và cuộc duyệt binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam mừng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở về Thủ đô; ngày 09/9/1969, lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngày 02/9/1975, cuộc diễu binh và diễu hành mừng thống nhất đất nước; ngày 10/10/2010, lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành nhân dịp kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; ngày 02/9/2015, lễ diễu binh kỉ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh.

Từ ngày thành lập nước đến nay, khu vực Ba Đình được chọn là Trung tâm hành chính – chính trị Quốc gia, tập trung nhiều cơ quan quan trọng của Chính phủ, Quốc hội, Đảng và các trụ sở Bộ, Ngành như Ngoại giao, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng… Đến năm 1959, tên gọi Ba Đình được đặt cho một trong 8 khu phố nội thành. Ngày 31/5/1961, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập khu phố Ba Đình trên cơ sở sáp nhập các khu phố Trúc Bạch, Ba Đình và 3 xã nông nghiệp ngoại thành thuộc khu vực phía nam Hồ Tây. Năm 1981, đổi thành quận Ba Đình.

Trải qua hơn 10 thế kỷ, từ khi xây dựng Hoàng thành Thăng Long đến khi trở thành khu Trung tâm chính trị Ba Đình ngày nay, quận Ba Đình luôn và càng khẳng định giá trị về vị thế được lịch sử giao phó – Trung tâm Hành chính- Chính trị của Quốc gia mà không một quận nào của nước Việt Nam có được. Và cũng trải qua quá trình hình thành và phát triển đó, đến nay trên địa bàn quận Ba Đình cũng hình thành nên các khu vực không gian quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đặc thù và đa dạng:

– Khu Hoàng thành Thăng Long (1010 – 1883) là Di tích quốc gia đặc biệt, có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc riêng. Di tích lịch sử, khảo cổ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2010;

– Khu Trung tâm chính trị Ba Đình (1945 – nay) trong đó có Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích quốc gia đặc biệt. Khu này có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc riêng với quy mô không cao quá 7 tầng 21m (chiều cao của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh);

– Các đơn vị, loại hình khu ở:

+ Khu làng xóm cũ (Thập tam trại, làng nghề);

+ Khu phố Pháp (1883-1954) có Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc riêng. Trong đó có những biệt thự loại 1 và những công trình kiến trúc khác có giá trị, được xếp hạng như Phủ Chủ tịch, trụ sở Bộ Ngoại giao, nhà thờ Cửa Bắc, tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, Trụ sở Ủy ban Thể dục Thể thao, cầu Long Biên…

+ Khu tập thể cán bộ công nhân viên Nhà nước (1970-1986): Giảng Võ, Thành Công…

– Các công trình văn hóa: Trên địa bàn quận Ba Đình có số lượng các Bảo tàng chuyên đề lớn và hấp dẫn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quân sự, Mỹ thuật, Chiến thắng B52… các rạp biểu diễn tầm cỡ quốc gia như: Trung tâm chiếu phim Quốc gia (Láng Hạ), Nhà hát Chèo (Kim Mã), Nhà hát Ca múa Nhạc Âu Cơ (Huỳnh Thúc Kháng)… là những địa điểm thu hút du khách, hoạt động ngày đêm;

– Hệ thống công viên, cây xanh, hồ nước: 10 hồ nước, 04 công viên, các vườn hoa lớn và đặc biệt là quảng trường Ba Đình – quảng trường lớn nhất Việt Nam… là những không gian trống, không gian công cộng, sinh hoạt cộng đồng được quy hoạch theo thẩm mỹ kiến tạo bài bản, tạo nên một quần thể đô thị giá trị và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư không chỉ riêng trên địa bàn quận Ba Đình.

Có thể nói, chỉ cần tham quan tìm hiểu những khu vực đặc thù này, cả tổng thể hay mỗi công trình, loại hình kiến trúc đến các không gian cảnh quan, sông hồ… của quận Ba Đình là cũng đã hình dung về cả quá trình lịch sử hình thành và phát triển của trung tâm đầu não – khối óc – Thủ đô Hà Nội của Việt Nam.

PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG, ĐÔ THỊ PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG

Với tính chất là quận trung tâm trong khu đô thị lịch sử hiện hữu, quy hoạch được hoặc định bài bản từ những giai đoạn trước và tiếp tục ổn định, quỹ đất phát triển đô thị chỉ là những khu đất của các đơn vị sản xuất, công nghiệp thuộc diện phải di dời nên mục tiêu trong đồ án quy hoạch phân khu của các quận nội đô lịch sử, trong đó có quận Ba Đình là cải tạo, chỉnh trang, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Nhằm phát huy những giá trị về văn hóa, lịch sử: quận Ba Đình đã tiến hành giải phóng mặt bằng các công trình lấn chiếm di tích, tu bổ, phục dựng, xây dựng các di tích; tổ chức các lễ hội bài bản, kỹ càng với sự tham gia đông đảo của nhân dân địa bàn… là những việc làm thiết thực, văn hóa, cấp thiết và tạo dựng, khôi phục lại những không gian sinh hoạt cộng đồng trong mỗi khu vực dân cư, phường, cũng như tạo thành điểm đến – sản phẩm du lịch không chỉ phục vụ cho nhân dân quận Ba Đình. Đây thực sự là điểm sáng trong công tác thực hiện quy hoạch với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư khu đô thị lịch sử.

Cải tạo chỉnh trang công trình kiến trúc: Ngoài các công trình kiến trúc có giá trị thuộc sở hữu Nhà nước và đang sử dụng làm trụ sở thì các biệt thự, nhất là các cơ quan ngoại giao trong thời gian dịch bệnh vừa qua đã được đồng loạt triển khai chỉnh trang, sơn vôi…. đã đem lại diện mạo văn minh cho các tuyến phố, gợi nhớ những hình ảnh quen thuộc nơi chốn, góp phần tăng tình yêu quê hương, đất nước.


Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bổ sung chức năng cho các không gian trống, các khu vực đặc trưng: quảng trường Ba Đình thược quận Ba Đình nhưng lại không được khai thác, sử dụng là nơi sinh hoạt cộng đồng chung dân cư. Chính vì thế, chủ trương khai thác, kết hợp các không gian trống, công viên vườn hoa phục vụ cộng đồng là công việc bắt buộc và cấp thiết.

Không chỉ dừng ở việc lát hè, trồng cây công viên, đường phố, cải tạo kè hồ, đường dạo, cống hóa các sông, mương… mà quận Ba Đình đã đồng loạt triển khai các dự án: cải tạo chỉnh trang mương nước quanh đảo Ngũ Xã, công trình kiến trúc, lan can, chiếu sáng… và từ Noel 2022, quận khai trương Khu phố ẩm thực đảo Ngọc Ngũ Xã, trở thành điểm đến mỗi cuối tuần và gần đây, tháng 8/2023, khánh thành việc cải tạo vườn hoa Lê Trực làm nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư, biểu diễn văn nghệ, triển lãm nghệ thuật tranh ảnh, tượng…; đang từng bước hoàn thiện, nâng cấp để tạo dựng phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh… và xa hơn nữa là sắp xếp, ổn định, văn minh chợ hoa quả Long Biên kết hợp các chức năng phục vụ du khách khám phá du lịch đêm… nếu kết hợp với tour “Đêm Hoàng cung” tại Hoàng thành Thăng Long… tạo nên sản phẩm du lịch mới của kinh tế đêm cho du khách tham quan, trải nghiệm khám phá Hà Nội, phát huy giá trị văn hóa, đồng thời tăng thêm thu nhập cho nhân dân cũng như kinh tế của quận.

KIỂM SOÁT PHÁT TRIỂN, NÂNG TẦM VĂN HÓA – CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Quận Ba Đình thời gian qua đã có nhiều thành tích trong công tác cải tạo chỉnh trang, nâng cấp đô thị như nêu ở phần trên, tuy nhiên cần nâng tầm trong công tác kiểm soát phát triển để đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư.

Kiểm soát phát triển đô thị: Cần có chính kiến, ý kiến đóng góp cho cơ quan cấp thẩm quyền trong phân định khu vực khu phố Pháp, làng xóm cũ đề kiểm soát các công trình xây dựng mới trong khu vực này phải đảm bảo giữ được tỷ xích công trình với cảnh quan đường phố, kiểm soát dân số, khoảng lùi, mật độ xây dựng, mật độ cây xanh, tránh để xảy ra những công trình như 8B Lê Trực, công trình trên đất nhà máy góc phố Nguyễn Thái Học – Hùng Vương… chỉ phục vụ mục đích chủ đầu tư, chất tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, dân cư lên khu đô thị hiện hữu. Có như vậy thì không gian chung không bị biến dạng.

Bổ sung đa dạng hoạt động, loại hình chức năng không gian công cộng: Những tuyến phố ẩm thực cần kiểm soát an toàn thực phẩm, bổ sung các mặt hàng, món ăn tiêu biểu không chỉ là đồng, phở cuốn Ngũ Xã mà còn là bánh tôm, kem hồ Tây cũng như các món quà, món ăn, đặc sản của Ba Đình như bánh cốm Hàng Than, thuốc nam Đại Yên… và các món ăn ẩm thực phong phú, đặc sắc của Hà Nội, tạo thành điểm đến, liên kết với các tuyến du lịch đêm, chiếu sáng cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, mở cửa các bảo tàng, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong khu vực cùng thời gian hoạt động của tuyến phố đêm; nghiên cứu các đoạn phố, khu vực có mái che trên cao để có thể khai thác, hoạt động mọi thời gian, thời tiết. Đối với các công viên, vườn hoa: Không chỉ dỡ bỏ hàng rào ngăn cách mà cần có thêm các chức năng hoạt động như biểu diễn nhạc nước hồ Ngọc Khánh kết hợp mỗi Lễ, Tết bắn pháo hoa; biểu diễn nhạc giao hưởng trong công viên Bách Thảo mỗi cuối tuần, tăng cường biểu diễn đại nhạc hội, giao lưu quốc tế các dòng nhạc truyền thống, hiện đại tại phía trước cổng Đoan Môn (Hoàng thành Thăng Long), khai thác hoạt động đêm tại các không gian chợ Châu Long, chợ hoa quả đêm – gầm cầu Long Biên, du lịch trên sông, khai thác du lịch sinh thái, sức khỏe bãi giữa sông Hồng…

Liên kết các quận trong phát triển kinh tế đêm Hà Nội, đặc biệt chú trọng phát triển du lịch đêm, tạo cảm xúc khác biệt và phù hợp thời tiết mùa hè. Không dừng lại ở “khám phá Nhà tù Hỏa Lò”, “Lung linh đêm Hoàng thành Thăng Long” mà còn là xây dựng tour tuyến, những sản phẩm mới liên kết các quận: “Hoàng thành và Tứ trấn – Cửa Ô”, “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; phương tiện xe Jeep đến các bảo tàng Quân đội, chiến thắng B52 – máy bay Mỹ bị bắn rơi tại hồ Hữu Tiệp…

Khai thác những giá trị quận Ba Đình đã có mà nơi khác không thể có, phát huy những công việc đã làm + quyết chí TÂM HUYẾT của lãnh đạo chuyên ngành chuyên tâm, chắc chắn quận Ba Đình sẽ tiên phong, đi đầu, gương mẫu kiến tạo nên một cuộc sống đô thị chất lượng vì cộng đồng, xứng đáng với vị thế là Quận đầu não – khối óc, của Thủ đô, của Việt Nam./.

Bài và ảnh: ThS.KTS Nguyễn Phú Đức