10/06/2021

Muốn xây trung tâm đô thị hành chính mới, không thể dùng tư duy ‘vũ như cẩn’

Nếu không tính được cách làm giàu từ việc chuyển đổi trụ sở mới thì tốt nhất là đang ở đâu cứ ở đó, cải tiến lề lối làm việc hợp theo thời mới hơn là có trụ sở mới nhưng cách làm vẫn như cũ.

Chỉ ít năm sau tiếp quản Thủ đô Hà Nội (1954), các kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã vẽ ra khung cảnh trung tâm chính trị của nước Việt Nam  Dân chủ – Cộng hòa. Đầu tiên là phát triển từ trung tâm Ba Đình ra sát Hồ Tây. Năm 1965 một số hạng mục tại khu Quần Ngựa đã được khởi động, nhưng rồi chiến tranh leo thang ra miền Bắc nên buộc phải dừng lại. Sau này có thêm đề xuất chuyển thành phố mới lên Vĩnh Yên, Xuân Hòa, Xuân Mai… Rồi cũng có vài hạng mục đã xây nhưng rồi lại dừng.

Giai đoạn 2008 – 2010, khi nghiên cứu Quy hoạch chung Hà Nội cũng đã có vài phương án bố trí các trụ sở bộ, ngành ra phía Tây Hà Nội, nhưng có vẻ chưa nhất quán. Chẳn hạn, Bộ Nội vụ dời đi, trụ sở cũ được xây thành tòa nhà mới cho cơ quan Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trụ sở mới rồi vẫn chưa “buông” chỗ cũ. Hay Thanh tra Nhà nước cũng đã dời ra ngoài, chỗ cũ lại đề xuất xây chung cư…

Năm 2020, Bộ Xây dựng tổ cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc các Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây”, sắp tới sẽ trưng bày các phương án được tuyển chọn.

Trong 20 năm qua nhiều địa phương tại Việt Nam cũng đầu tư nhiều thời gian và  tiền bạc cho những  dự án trung tâm hành chính mới. Chưa có nhiều phân tích lợi lạc do việc này đem lại nhưng đã có ví dụ chưa thành công như mong đợi tại Bình Dương, sau 10 năm vẫn vắng. Hay như Hà Nội có khu liên cơ Võ Chí Công đầu tư 1.000 tỷ chuyển 8 cơ quan tới, chưa ấm chỗ đã có 3 sở muốn về lại chỗ cũ. Nguyên nhân là không đủ chỗ đỗ xe cho chủ và khách, xa các trung tâm dân cư trong đường xá hay tắc nghẽn.

Các khu liên cơ địa phương hay thủ đô hành chính cả ở nước ta hay phương Tây đều đóng cửa  khi hết giờ hành chính. Các quan chức bị tách rời khỏi cộng đồng xã hội – là đối tượng họ phục vụ cũng chính là cuộc sống gia đình của họ cần gắn bó sau giờ làm. Tất cả các khu hành chính đều đầu tư tốn kém (từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ USD). Rồi lại phải duy trì hoạt động ngày càng phức tạp, hao công tốn của nhưng hiệu quả khai thác còn lãng phí.

Bài học thành công nhất chính là khu trung tâm Hồ Gươm Hà Nội: cả tuần bận rộn với các hoạt động hành chính, dịch vụ, nhưng buổi tối hay hai ngày cuối tuần không gian này lại vô cùng sống động bởi các hoạt động cộng đồng. Đây chính là không gian đô thị hiện đại, hiệu quả, thân thiện mà đô thị toàn thế giới đang hướng tới.

Quy hoạch khu 35ha Tây Hồ Tây  - trụ sở 12 bộ, ngành cần tận dụng lợi thế cảnh quan hạ tầng để gia tăng giá trị công sản tương tự như đề xuất của các dự án bất động sản là chia lô bán nền đầu tư thấp bán giá cao hoặc khai thác tối đa diện tích sàn tầng cao để tối đa hóa lợi nhuận

Quy hoạch khu 35ha Tây Hồ Tây – trụ sở 12 bộ, ngành cần tận dụng lợi thế cảnh quan hạ tầng để gia tăng giá trị công sản tương tự như đề xuất của các dự án bất động sản là chia lô bán nền đầu tư thấp bán giá cao hoặc khai thác tối đa diện tích sàn tầng cao để tối đa hóa lợi nhuận

Khu trụ sở 12 bộ, ngành tọa lạc trong 35ha nhưng không gian hàng trăm ha tại đây tích tụ nhiều lợi thế: cảnh quan (view) trông ra hồ Tây, có ba đường vành đai lớn, ba tuyến đường  sắt đô thị chạy qua… hạ tầng kỹ thuật có thể xây dựng lớn, tổng diện tích sàn gấp năm lần nhu cầu sàn làm việc của công chức 12 bộ ngành… Do vậy, rất cần thiết xây dựng các công trình đa năng tích hợp chức năng trụ sở làm việc và dịch vụ, thương mại, giải trí. Những không gian khai thác mang lại lợi ích tiền bạc thừa để cấp lại diện tích trụ sở làm việc, lại gánh cả các chi phí duy trì vận hành, mở rộng không gian sân vườn, cây xanh, mặt nước…

Hà Nội đang xây dựng lộ trình trở thành thành phố sáng tạo nên có thể, đây là cơ hội kiến tạo mô hình không gian làm việc mới, hiện đại, thân thiện và không phải dùng tiền thuế để xây (thậm chí các diện tích công sản, công sở hiện có trong trung tâm có thể hoán cải thành không gian công cộng hay công sản cho thuê giá cao…). Nếu không tính được cách làm giàu từ việc chuyển đổi trụ sở mới  như vậy thì tốt nhất là đang ở đâu cứ ở đó, cải tiến lề lối làm việc hợp theo thời mới hơn là có trụ sở mới nhưng cách làm thì vẫn như cũ.

Sau thế chiến II, hầu hết các quốc gia mới giành được độc lập đều ấp ủ xây dựng các trung tâm chính trị, hành chính mới. Một số quốc gia còn xây dựng mới cả Thủ đô hành chính gắn với biểu tượng quốc gia.

Nổi tiếng nhất là thành phố Brasilia, năm 1960 trở thành thủ đô của Brazil. Thành phố này là kiệt tác kiến trúc đô thị hiện đại do những KTS vĩ đại thực hiện, nhưng nó đã hút hết nguồn lực quốc gia của đất nước vốn giàu tài nguyên nhưng phần lớn dân nghèo, gây bất ổn chính trị xã hội hàng chục  năm, nay vẫn còn tiếp tục vật lộn phát triên kinh tế, an sinh xã hội. Thiết kế cho 0,5 triệu dân nhưng mấy chục năm sau Brasilia mới đủ dân số. Hiện nay thì có thêm hơn 2 triệu người sống bên rìa thành phố  tự phát – đối nghịch với viễn ảnh thành phố trong mơ vẽ ra cách đây 70 năm.

Hình ảnh các thủ đô mới. Ảnh sưu tầm

Hình ảnh các thủ đô mới. Ảnh sưu tầm

Thủ đô Manila (Philippines) mà quá trình xây dựng cũng mang lại nhiều bài học đáng suy ngẫm. Năm 1945, trung tâm quốc gia xây dựng lại trên đống gạch vụn chiến tranh đã sớm bị thay thế bởi  thành phố Quezon  mới xây năm 1948, cách đó 8 km. Hai thành phố nối với nhau bằng đại lộ 10 làn xe. Chẳng mấy chốc hai bên đường đặc kín nhà cửa, thành phố phình to sau khi 17 thành phố nhập lại thành Đại Manila. Ngày nay, nhiều cơ quan Chính phủ, đoàn ngoại giao bố trí khắp nơi trong đại đô thị nổi tiếng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm. Philippines lại tiếp tục tìm kiếm nơi đặt Thủ đô mới  New Clark City, cách thủ đô Manila khoảng 100km về phía Bắc.

Putrajaya trung tâm hành chính mới của Malaysia cách Thủ đô Kuala Lumpur 25km. Xây dựng từ 1980 và từng bước đưa vào sử dụng với chi phí 8 tỷ USD,  là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Chính phủ, bao gồm cả Văn phòng Thủ tướng và dinh Thủ tướng. Được kỳ vọng là trung tâm  của xa lộ thông tin, nhưng  lãnh đạo dự án  này đã thừa nhận Putrajaya không phù hợp. Cho đến nay một số cơ quan Chính phủ và đoàn ngoại giao vẫn đóng tại Kuala Lumpur.

Thủ đô mới của của Uzbekistan – quốc gia giàu có nhờ dầu mỏ, năm 1998 đã xây lên thành phố hào nhoáng, hiện đại Nur Sultan. Hào nhoáng không kém là  Thủ đô hành chính Sejong (Hàn Quốc) xây dựng  2007. Nguyên nhân là do Seoul nằm ở vị trí gần với Triều Tiên và giao thông bị tắc nghẽn nghiêm trọng, tuy vậy nhiều cơ quan Chính phủ và Đoàn ngoại giao vẫn ở Seoul.

Năm 2006 chính quyền quân sự Myanmar quyết định rời Thủ đô tới đến Naypyidaw, cách thành phố Yangon hơn 300Km. Không công bố lý do, nhưng nhiều ý kiến cho rằng  đây là một phần của chiến lược quân sự, hoặc cảnh giác với phong trào dân chủ, có tin đồn được thầy bói dẫn dắt. Hiện tại chỉ có Trung Quốc đặt trụ sở tại đây, các đoàn ngoại giao vẫn ở Yangon.

KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội/Người đô thị