05/02/2018

Mặt nước và cỏ cây – Sắc hồn đô thị

Thiên nhiên ta mệnh danh là tài nguyên, khi toan tính chuyện khai thác. Ta mệnh danh là môi trường khi nó tàn tạ, đứng trước những nguy cơ.

Hai trăm năm nền công nghiệp là tác nhân hủy hoại Thiên nhiên. Một trăm năm công cuộc đô thị hóa trở thành tác nhân tiếp theo. Cả hai, hợp lực và tăng tốc, biến đổi và thương tật hóa Thiên nhiên, đến mức nó khó bề phục sức, phục sinh.

Xưa kia, tổ tiên và ông bà ta, sinh sống và mở mang, ít làm cho tòa Thiên nhiên tổn hại. Chu trình sinh tồn của họ khép: sinh – sản – tiêu – thải. Mọi thứ đi ra từ Đất và trở về Đất. Hiện hữu rồi tan biến. Hữu cơ và tự nhiên. Những gì họ để lại là những cánh đồng đã thâm canh, những không gian sinh tồn nhân văn hóa, những kiến tạo vật chất xã hội và tinh thần.

Làng Việt cổ truyền cộng sinh dung dị với Thiên nhiên. Nơi đó, khuôn viên cư ngụ là sự thu nhỏ của Thiên nhiên. Và cái ao nhà là sự chuyển tiếp mềm. Đào đất, tôn nền, thành ao. Tắm giặt, vo gạo rửa rau, thả cá, thả rau, thả bèo, ngâm tre, ngâm gỗ,…Rau và bèo làm cho nước trong. Cây vối, giàn bàu làm cho nước mát. Mặt nước gọi gió về. Cơn nóng bức dịu đi. Ao chính là công cụ sinh thái. Nó đi trước cái máy lạnh.

…Trên những cánh đồng, nhấp nhô những nấm mộ xanh cỏ. Cái sự Thác giản đơn ấy gợi khơi nỗi buồn từ cái triết lý cũng giản đơn: từ đất về đất. Chớ trông chờ sự tiếp nối ở tấm bia, lăng mộ.

Quê ta, chẳng mấy nhà thiếu ao, chẳng mấy làng thiếu con ngòi, cái đầm. Quê ta che chở bởi con đê, có bãi, có sông và dãy núi án ngự cuối Trời. Cảnh sắc muôn thuở là thế đấy.

Rồi, muộn màng hơn nhiều, những dãy phố buôn bán dựng cất lên, men theo đường cái và sông. Phố chưa thành thị, nhà cửa tuy san sát, người tuy đông đúc, song cảnh sắc chẳng đổi thay là bao, quê vẫn hiển hiện quê.

Hơn trăm năm trước, đô thị nhỏ và to dần dà mọc lên. Phố xá hợp tụ, rộng ra, dài ra và khang trang lên. Đô thị thu nạp, biến đổi chậm chạp những vùng quê lân cận, bởi vậy không mau lẹ biến đổi Thiên nhiên. Nó dường như vẫn yên ổn trong cuộc tồn sinh hữu cơ. Đô thị vẫn trong tầm với Con người.

Vài chục năm nay đất nước bước nhanh, bước mạnh vào những công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa. Ngoái về dĩ vãng, rõ ràng đất nước mình giàu lên, đẹp ra và mới lên, đến ngỡ ngàng. Khái niệm “hiện đại”, hiểu đúng bản chất và đầy đủ, bao trùm lên tất thảy. Ta giờ đây đã quen và bắt đầu mỏi mệt bởi làn sóng những cái “siêu”. Siêu rồi, siêu nữa. Đến đâu?.

…Công nghiệp và hạ tầng xóa lấp ruộng đồng, san ủi núi đồi. Thôn quê, người đông, đất chật, lấp ao – lấn hồ – chiếm ruộng làm nhà. Đô thị bạch tuộc hóa tứ phía. Những vùng đất và thảm rừng bị xé nhỏ. Hễ gặp hồ thấy sông là vội hỏi: có còn cá không…Thiên nhiên bội nhiễm bởi sản phẩm và chất thải công nghiệp và đời sống hiện đại. Nó chứa mà chậm tiêu.

Ta hướng tới đô thị văn minh để sống tiện nghi. Sở hữu tiện nghi ngày càng thỏa thê, ta lại cảm thấy thiếu cái sự thảnh thơi. Sự thảnh thơi giờ đây phải tìm kiếm, phải tranh thủ mất rồi.

Tôi tin, hễ đô thị còn bảo lưu những mạch nước, những mặt nước sống, những không gian cỏ cây xanh tươi, nó còn đủ sức đem lại cho ta cái sự thảnh thơi mà tâm thể ta cần đến, sau không khí và tiện nghi.


(ảnh: KTS Đặng Tuấn Trung)

Trên chặng đường phát triển hôm nay, các đô thị của ta vẫn sở hữu, vấn đắc sắc bởi sự hiện hữu trong cơ thể của chúng những yếu tố cấu thành tài nguyên Thiên nhiên, dù đôi nơi là tàn dư, và tài nguyên nhân văn truyền thống, dù đang biến đổi nhanh bội tốc. Hà Nội là điển hình. Thành phố – thủ đô, hiện đại hóa và đô thị hóa với độ vươn, độ với của anh khổng lồ, đang sở hữu cả hai tài nguyên – cơ ngơi nổi trội ấy. Đó là núi, đồi, rừng, sông ngòi, ao chuôm,…Đó là hàng trăm ngôi làng – tổ người trong nội thị và trên lãnh thổ trải rộng hơn ba nghìn cấy số vuông, cùng những không gian ruộng đồng ăm ắp nước và sức sản sinh. Với cái vốn liếng đô thị cổ – cũ – mới, với hai tài nguyên nêu trên, Hà Nội đậm sắc và có dư cơ may đắc sắc hơn, nếu chúng ta có ý tứ trong mọi ứng xử, từ to đến nhỏ.

Mặt nước và cây xanh, đô thị nào mà chẳng có, song ở thủ đô, lạ thay, lại là những thành tố nổi trội góp phần vun tạo nên cái cảnh sắc, cái dung nhan và cả phần hồn cho chốn thị thành thắm đượm này. Và, chính mặt nước và cây xanh, lại dễ bị suy xuyển hơn cả.

Sông Hồng, Thăng Long – Hà Nội ngàn năm toạ lạc kề bên, song chưa bao giờ và, có thể, không bao giờ ôm trọn được nó vào lòng, như những đô thị khác. Dù không còn những trận lụt hãi hùng, ta chớ nên xây cất những cao ốc và kè chắn hai bờ nhằm “đô thị hóa” nó. Nên chăng, châm chước cái sự khó trị của nó, mà tạo nên những khoảng đệm cây xanh, gắn kết mềm dòng sông không định hình với hình thái đô thị cứng. Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Tích,…đa phần đã trở thành tàn tích: cống hóa, rãnh hóa, chuyên chở nước thải, vắng bóng thuyền và cua cá. Tô Lịch và Kim Ngưu đã đai cạp, trồng cây, nom tươm tất, song chẳng mấy ai hóng gió. Có một doanh nhân ở Sơn Tây, đeo đuổi ý tưởng đục núi, đắp đập, đưa nước sông Đà về, tắm tưởi và phục sinh những con sông thoi thóp. Ý tưởng ấy, như mọi ý tưởng mới và lạ khác, chẳng mấy ai còn nhớ.

Chính ao hồ đầm vạc của Hà Nội góp phần tạo nên cảnh sắc, không giống nơi đâu, cho đô thị này. Có thống kê Hà Nội còn 100 cái hồ. Không rõ, mặt nước với quy mô nào thì được gọi là hồ. Tôi thì nghĩ, trên lãnh thổ thủ đô hôm nay rộng 3140 km2, hiển hiện vô vàn, không đếm xuể, những ao – đầm – hồ, ở làng quê và ở trong lòng đô thị. Hầu hết chúng đang bị xâm hại: san lấp, lấn chiếm, bãi thải hóa và vô sinh hóa. Hồ Văn Chương, sau vài chục năm bị xâm thực, bằng đủ cách và thầm lặng, nay được bảo lưu ở dạng cái ao. Hồ Tây, trước kia rộng những 500 ha, nay còn bao nhiêu?. Nếu đo được, e xót ruột.

Những năm 60 thế kỷ trước, các kiến trúc sư từ Leningrad đã quy hoạch hồ Tây thành trung tâm thủ đô mở rộng. Nay, khó rồi, nó đã bị chiếm cứ. Chưa rõ, trung tâm siêu đô thị Hà Nội sẽ được định đoạt ở đâu? Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm của cái đô thị vài ba trăm ngàn dân hơn nửa thế kỷ trước, nay oằn mình đảm trách bổn phận ấy. Hãy giữu cho hồ Hoàn KIếm, khu vực hồ Hoàn Kiếm, mãi mãi là một trung tâm lịch sử – văn hóa – tâm linh – cảnh quan phố phường quen thân và thơm thảo, không giống nơi nào khác, của một đô thị hiện đại hóa mà chưa định hình nổi tương lai. Sự chất tải, sự “hoành tráng hóa” và sự phô trương sẽ tổn hại đến cái phức hợp kiến trúc đô thị – nhân văn tinh tế này. Viết về Hồ Gươm, lại lo lo cho hồ Xuân Hương ở Đà Lạt. Chỉ có hai thành phố lấy hồ làm trung tâm, chúng khác nhau, mà nỗi lo một.

Mặt nước, dù ở thành phố, dù ở làng đô thị hóa, đều không thể bị san lấp, không thể bị bao vây bởi nhà cửa, nước không thể trở nên vô sinh. Chúng phải là tài sản đô thị – vốn liếng chung, là nơi ngự trị sự thanh thản.

Ông bà mình ngày xưa không trồng cây, làm vườn hoa nơi phố xá. Ở quê, cũng chỉ trồng cây trước đình, trong chùa và ngoài vườn. Từ thời thực dân, Hà Nội mới trồng cây ven đường, dành những khoảnh đất nho nhỏ làm vườn hoa. Ở thủ đô, nhiều con phố có chân dung, dễ nhớ và dễ yêu, không bởi vẻ đẹp kiến trúc, mà bởi những rặng cây trồng hai bên đường, có chủ ý. Đường Cột Cờ, (nay là Điện Biên Phủ) trồng cây đa giống mang từ đâu về. Đường Hoàng Diệu toàn cây xà cừ, hễ đầu hè ve sầu đồng ca inh tai. Đường Phan Đình Phùng, ba hàng cây sấu che khuất nắng,…Giữa phố phường, mấy năm gần đây, còn vươn cao đầu những cây gạo, còn xum xuê những cây xi và cây đa, làm cho thủ đô mà cứ vương vấn chất quê. Hàng cây bàng trên những con phố nhà thấp tầng làm cho Hà Nội giông giống phố ở những tỉnh lẻ nào đó. Hai ba năm nay thủ đô trồng nhiều cây, thành phố như mát hẳn mặt mũi. Tuy vậy, có vẻ ít chủng loại. Thành phố đẹp hơn, riêng hơn, hễ nó đa dạng.

Thủ đô mở rộng, đòi hỏi tư duy rộng mở về cây xanh. Đó là việc giữ lại tối đa những không gian làng quê sinh thái hóa và cánh đồng canh tác, những cánh rừng tự nhiên và trồng mới, những đồi núi phủ kín bởi rừng cùng tất thảy những gì mà Tài nguyên đất trời còn sở hữu, mà ta cần nhận ra và giữ lấy cho được.

Các đô thị ở ta bước vào hiện đai hóa muộn. Muộn chưa hẳn đã dở, – ta có cơ may tránh những gì mà ai đi trước vấp phải, tìm ra lối đi khác cho mình.

…Thành phố nên dành những diện tích để ai sinh con trồng một cây, ai lấy nhau trồng hai cây, ai ra đi, – người ở lại trồng một cây. Thành phố là Cây đời, người đời vun trồng và chăm bón.

Hoàng Đạo Kính