22/11/2021

Luật Quy hoạch chưa thể tích hợp đồng bộ với tầm nhìn chiến lược quốc gia

Thực hiện triển khai các quy hoạch quy định trong Luật Quy hoạch hiện nay không thể theo kỳ vọng tích hợp hệ thống từ trên xuống, vì thời gian quá ngắn và chưa có hướng dẫn quy trình, nội dung, tính chất, sản phẩm tích hợp trong các thông tư dưới luật:

• Luật Quy hoạch đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Tiếp sau Luật Quy hoạch, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

• Luật Quy hoạch phân chia hệ thống quy hoạch quốc gia (Điều 5) bao gồm: (1) 4 Quy hoạch cấp Quốc gia: Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia; (2) Quy hoạch vùng; (3) Quy hoạch tỉnh; (4) Quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định); (5) Quy hoạch đô thị, nông thôn.

• Tại Hội nghị trực tuyến ngày 19/8/2021, Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo kế hoạch dự kiến trong năm 2021 sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia; 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

• Hiện đã có 61/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. 2 địa phương chưa lập quy hoạch để thẩm định là Hà Nội và TPHCM.

Những bất cập lớn khi triển khai lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch:

• Kế hoạch và nhiệm vụ triển khai Luật Quy hoạch hiện tại đang thực hiện trong bối cảnh chưa có hướng dẫn thống nhất phương pháp dự báo phát triển và đánh giá tiềm năng tích hợp các nguồn lực trong tương lai đến 2030-2050; Chưa có luật hay văn bản pháp luật quy định về xây dựng chiến lược. Mặt khác, các chiến lược đã lập trước đây, nội dung, tầm nhìn chưa đồng bộ giữa các ngành. Vì vậy không thể tích hợp đồng bộ với tầm nhìn chiến lược của Quy hoạch quốc gia hay Quy hoạch vùng.

• Việc đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy hoạch khó thực hiện vì quy định về thứ tự thực hiện các quy hoạch ràng buộc: quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên như sau; Quy hoạch tổng thể quốc gia có trước rồi mới đến Quy hoạch các ngành, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh…

•Nhiều tỉnh hiện đang lập quy hoạch tỉnh trong hoàn cảnh Quy hoạch quốc gia và Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành còn chưa được phê duyệt, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý và định hướng chiến lược tổng thể quốc gia, ngành, vùng …để xác định hướng phát triển của tỉnh.

• Năng lực các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế còn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới công cụ và phương pháp quy hoạch theo yêu cầu Luật Quy hoạch. Chủ yếu do chưa thống nhất được dữ liệu quy hoạch, đổi mới nguồn nhân lực từ kỹ năng chuyên sâu theo ngành sang phương pháp của quy hoạch chiến lược tích hợp, các quy định cụ thể về nội hàm của các loại quy hoạch cũng như các hướng dẫn pháp lý thực hiện các dạng dự án quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Cần sự tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Kiến nghị

• Vào thời điểm này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần rà soát, đánh giá những vướng mắc, tồn tại cụ thể để bàn lại cùng các ngành và địa phương để báo cáo Chính phủ, Quốc hội nhằm bổ sung, hiệu chỉnh các văn bản hướng dẫn thực thi đi sâu vào phương pháp điều hành công tác quy hoạch theo hướng đồng bộ hóa và tích hợp các chiến lược vào hệ thống quy hoạch quốc gia, để Luật Quy hoạch sớm đi vào cuộc sống.

• Đồng thời, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần đề xuất được với Chính phủ về quy trình, phương pháp, nội dung của quy hoạch tích hợp ở các cấp quy hoạch; các giải pháp mục tiêu chiến lược của quy hoạch, xác định các chương trình, mục tiêu, chỉ số phát triển của quốc gia, địa phương trong các lĩnh vực được quy hoạch; Xác định nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu theo từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho các địa phương.

• Cuối cùng, Chính phủ cần xây dựng Khung tổng thể phát triển quốc gia và vùng để dẫn hướng cho các kế hoạch, chương trình trọng điểm; Xác định vị trí và nhiệm vụ trọng tâm, cho từng địa phương trong lộ trình phát triển quốc gia, vùng để các địa phương có căn cứ tích hợp vào quy hoạch.

Ban biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam