10/08/2020

Liên kết mạng trong kinh tế biển – biển đảo

(KTVN 228) – LTS: KTS Nguyễn Phú Đức – người đã đặt chân lên khắp các vùng biển, đảo và hải đảo Việt Nam. KTS cho rằng: “Cảnh quan và hệ sinh thái là những giá trị đặc biệt của Biển. Phát triển kinh tế biển mà mất đi các giá trị này tức là không phát triển bền vững. Tâm và Tầm của các nhà hoạch định kinh tế, quy hoạch theo cấp độ và không chịu áp lực của bất kể thế lực nào chính là lối ra kinh tế, hiệu quả nhất cho kinh tế biển – biển đảo Việt Nam hôm nay và ngày mai. Đây là thời cơ khi mà các tỉnh đang thực hiện Quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch mới trong khi không có quy hoạch Vùng kinh tế nào thực sự được phê duyệt hay định hướng để hợp tác, liên kết phát triển bền vững”.

Vịnh Ha Long (Ảnh: tác giả)

Vịnh Ha Long (Ảnh: tác giả)

Biển đảo Việt Nam

Hình dáng đất nước Việt Nam dài hẹp chạy dọc từ Bắc xuống Nam, hướng mặt ra biển Đông (từ Trà Cổ – Quảng Ninh đến mũi Cà Mau cực Nam) rồi quay phía Tây ngược lên Hà Tiên (Kiên Giang) hướng sang vịnh Thái Lan, tạo nên bờ biển Việt dài 3.260 km và gần 3.000 đảo lớn nhỏ. Cảnh quan tuyệt đẹp và hệ sinh thái biển là những giá trị nổi trội lớn nhất của Biển. Thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam những bãi biển, vịnh đẹp như vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Bên cạnh đó là các vịnh vào top đẹp của thế giới: Lăng Cô (Huế), Nha Trang (Khánh Hòa),Vĩnh Hy (Ninh Thuận)… và các đảo, khu vực sinh thái biển: đảo Trần, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), hòn Mê (Thanh Hóa), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Sơn Trà Hải Vân (Thừa Thiên Huế), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nam Yết – quần đảo Trường Sa, Hòn Mun (Khánh Hòa), Hòn Cau, Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu), Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Phú Quốc (Kiên Giang)…

Kinh tế biển và sự khai thác quỹ đất ven biển

Nguồn tài nguyên và sản vật từ biển cũng đem lại nguồn lợi cho cư dân biển xứ Việt, được ví von trong câu “rừng vàng, biển bạc”. Từ hàng trăm năm trước, việc giao thương buôn bán bằng đường biển đã được các triều đình phong kiến xem trọng. Những vùng dân cư ven biển xuất hiện ngày càng nhiều và phát triển trở nên sầm uất như Vạn Hoa (Vân Đồn), phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam), Sài Gòn, Cần Thơ…

Cù Lao Chàm, Quảng Nam (Ảnh: tác giả)

Cù Lao Chàm, Quảng Nam (Ảnh: tác giả)

Sau khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 02/9/1945 và sau giải phóng thống nhất đất nước 30/4/1975, ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các thành phố có kinh tế phát triển đều gắn với biển, với hệ thống cảng, tàu biển như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… vận chuyển hàng hóa lớn đi các nước. Về năng lượng có Quảng Ninh phát triển công nghiệp than và sau này là Vũng Tàu phát triển khai thác nguồn năng lượng dầu khí. Nhờ vậy mà các đô thị ven biển này cũng phát triển nhanh chóng, thu hút dân cư đến làm ăn, sinh sống.

Tuy nhiên, có những thời kỳ nền kinh tế biển nếu chỉ dựa vào đánh bắt hải sản hay cảng biển như Hải Phòng, Đà Nẵng thì cũng không thể phát triển lớn mạnh thêm được. Nhiều khu vực ven biển phát triển thay da đổi thịt khi có các loại hình công nghiệp được đầu tư như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Quảng Trị… Nhưng một đô thị ven biển sầm uất thực sự phát triển khi khai thác giá trị cảnh quan của biển để đầu tư ngành “công nghiệp không khói” – du lịch. Các đô thị ven biển trước đây có Bãi Cháy, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu…, nay có Vân Đồn, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Cam Ranh, Ninh Thuận… liên tiếp phát triển thành chuỗi đô thị ven biển với những khách sạn, resost đẹp, đẳng cấp tiêu chuẩn quốc tế. Có những dự án khai thác quỹ đất hiện có, nhưng cũng có dự án lại lấn về phía biển hay lấn biển tạo quỹ đất mới, tạo dựng quy hoạch khu ở, đô thị, tuyến phố mới khang trang, văn minh như bờ Đông sông Hàn (Đà Nẵng), Rạch Giá (Kiên Giang) hay xây dựng các công trình vui chơi giải trí như Bãi Cháy (Quảng Ninh)… Việc thu hút dự án đầu tư bằng mọi giá của các địa phương dẫn đến tình trạng đầu cơ đất, buôn bán bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng ven biển làm cho giá đất bị đẩy cao hoặc chấp thuận bất kể loại hình công nghiệp nào dẫn đến môi trường, hệ sinh thái biển bị xâm hại nghiêm trọng, tài nguyên đất bị sử dụng lãng phí, các khu đất đẹp ven biển trở thành không gian sử dụng trong dự án riêng của các nhà đầu tư, khai thác tối đa mật độ và quy mô tầng cao công trình…

Tất cả những thực tế trên đã phá vỡ cảnh quan và chất tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực và dẫn đến hệ lụy cộng đồng dân cư địa phương không được hưởng lợi từ các dự án này. Người dân không có lối ra và không có bãi biển để thưởng thức cảnh quan và hưởng bầu không khí biển như trước đây, các khu vực dân cư ven biển không còn đất để sản xuất, thậm chí chịu hậu họa lớn. Ninh Thuận với hai khu vực dân cư ven biển quy mô trên cả ngàn ha như Thái An thích hợp trồng cây ăn quả ngon như nho, cam theo quy hoạch dự kiến xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân nhưng sau hơn 10 năm đã dừng không triển khai. Các hộ dân không được cải tạo xây dựng nhà cửa, không đầu tư sản xuất được trên đất để hoang hóa, thậm chí nhận tiền đền bù nhưng không di dời được đến nơi mới, trở thành nợ xấu khiến đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Nhà nước, chính quyền địa phương đã có những chính sách quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cảng biển nhằm phát triển các khu vực ven biển, nâng cao đời sống nhân dân. Một số địa phương, dân cư chuyên đánh bắt hải sản đã được Nhà nước cho vay vốn đầu tư tàu vỏ sắt thay thế thuyền gỗ… là dấu hiệu tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ cải thiện đời sống, đồng thời gắn liền với việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi với các nhà giàn cũng đánh dấu mốc chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Mặc dù các địa phương đều có quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu vực ven biển nhưng thiếu nghiên cứu, đầu tư đồng bộ đảm bảo việc đánh bắt – bảo quản – chế biến hải sản quy mô lớn, công nghệ cao, giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Thực tế, những công đoạn này vẫn do bà con tự đầu tư, quy mô nhỏ và công nghệ không tiên tiến.

Nha Trang (Ảnh: tác giả)

Nha Trang (Ảnh: tác giả)

Trong các khu dân cư, ngoài một số hạng mục hạ tầng thiết yếu như trường, đường, điện được đầu tư thì các vấn đề về môi trường, rác thải, mẫu mã kiến trúc, công nghệ sản xuất, giống cây… cũng chưa thực sự được nghiên cứu, quan tâm, kiểm soát. Tình trạng này càng tạo sự chênh lệch điều kiện sống và tách biệt giữa cư dân làng xóm cũ và các cư dân khu đô thị, dự án mới.

Kinh tế biển đảo

Ngoài những đảo vì lí do an ninh quốc phòng thì các đảo, huyện đảo có chủ trương và điều kiện phát triển kinh tế đều được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp lớn nhỏ, tư nhân tham gia đầu tư, lập dự án và cũng không tránh khỏi tình trạng đầu cơ đất như các khu vực ven biển nêu tại phần trên. Thậm chí có đảo ở vị trí yêu cầu cao về an ninh quốc phòng còn để xảy ra tình trạng đầu cơ đất hay người nước ngoài mua bán ẩn danh. Đối với các huyện đảo, đảo như: Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Bình Ba, Phú Quý, Thổ Châu… việc đầu tư vẫn chỉ ở các thiết chế tối thiểu như trường, trạm, đường xá cơ bản, chưa đủ để nâng điều kiện, chất lượng sinh hoạt về điện, nước ngọt… lên mức cao cấp, chưa kể đến các công trình thiết chế văn hóa khác. Có nơi hết trung học cơ sở thậm chí học xong bậc tiểu học là trẻ em về đất liền với ông bà để học cấp cao hơn, đời sống gia đình ly tán. Cư dân sống chủ yếu là ngư nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ và hoạt động cá thể, khó có điều kiện phát triển kinh tế hơn.

Còn tại các khu kinh tế biển đảo trọng điểm ở các vùng, miền: Vân Đồn ( miền Bắc), Vân Phong (miền Trung) và Phú Quốc (miền Nam) không chờ đến giờ mới có hiện tượng đầu cơ, đẩy giá đất lên cao và các hệ lụy của việc đầu tư ồ ạt, không kiểm soát lại ảnh hưởng đến phần đô thị hiện hữu. Việc ngập lụt lớn trong khu dân cư cũ chưa từng xảy ra tại đảo Phú Quốc vừa qua một phần lớn là do các dự án lớn bao quanh đảo có cốt nền cao và không có đủ hệ thống thoát nước từ lõi đảo ra biển. Những hậu họa này là lời cảnh báo trong công tác quy hoạch và kiểm soát phát triển kinh tế biển đảo bền vững. Các đảo Cát Hải, Cô Tô, Lý Sơn, Côn Đảo, Nam Du, Hải Tặc… được đầu tư giao thông, tăng cường loại hình, phương tiện lưu thông đang trên đà phát triển du lịch, cũng rơi vào tình trạng thiếu, yếu trong kiểm soát đầu tư, phát triển. Một số đảo trở thành sở hữu của một chủ đầu tư lớn như Tuần Châu, đảo Rều (Quảng Ninh), hòn Tằm (Khánh Hòa). Các dự án ở các huyện đảo, đảo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai thác du lịch, nghỉ dưỡng chứ chưa tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác các yếu tố, đặc tính – thế mạnh của địa phương như ngư nghiệp, cây trồng, sản vật, chế biến hải sản nên chưa tạo công ăn việc làm hay đem lại lợi ích thực sự cho cư dân bản địa. Một số các đảo như quần đảo Trường Sa, 11 điểm mốc cơ sở quốc tế của Việt Nam không phải ai cũng biết hết hay có điều kiện để được đến tận nơi. Tuy đây không phải là nơi để tạo kinh tế nhưng nếu tạo các tour du lịch đến các địa danh này cũng sẽ thu hút khách du lịch, đặc biệt là tăng thêm sự yêu mến, tự hào của mỗi công dân Việt Nam đối với tình yêu Tổ quốc mình. Điều này còn ý nghĩa hơn cả kinh tế.

Phát triển liên kết mạng trong kinh tế

Liên kết dọc Bắc – Nam trong vùng có hay không?

Trong những năm gần đây, những tuyến giao thông ven biển theo hướng Bắc – Nam đã tạo ra những cung đường mới ngắm nhìn và tăng thêm giá trị cảnh quan của biển, đồng thời kích thích, tạo cơ sở cho việc phát triển kinh tế ven biển và hướng ra biển.

Về lý thuyết, các vùng lân cận có đặc tính tương tự đều được đặt các tên vùng kinh tế: Quảng Ninh, Hải Phòng nằm trong vùng tam giác phát triển Bắc Bộ, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ… nhưng trên thực tế các địa phương vẫn xây dựng các bản quy hoạch riêng lẻ, không liên kết trong cơ cấu ngành, lĩnh vực. Chính vì vậy, Ninh Thuận dù có cảnh quan thiên nhiên biển đẹp nhất thế giới, những khu rừng bảo tồn nhưng không có sân bay riêng và các dự án kêu gọi đầu tư không được các tỉnh trong cùng vùng kinh tế chia sẻ. Nếu có dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch thì các loại hình cũng lại nhang nhác như các dự án đã từng xây dựng trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ đó. Thế là mất đi sự độc đáo, đặc sắc của mỗi tỉnh thành và sản phẩm lại không tạo thành chuỗi cung ứng khác nhau.

Liên kết Đông – Tây

Các tuyến giao thông và mối liên hệ vùng kinh tế biển hiện về danh nghĩa mới chỉ theo trục dọc Bắc – Nam mà chưa được nghiên cứu khai thác, đầu tư liên kết vùng, quốc tế theo trục Đông – Tây. Với chiều ngang hẹp và lợi thế biển, các vùng kinh tế biển của chúng ta hoàn toàn có thể là nơi trung chuyển hàng hóa cho các nước không có biển như Lào hay các vùng xa biển như phía Bắc của các nước Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Đầu tư giao thông, hạ tầng logistic lớn sẽ là cơ hội cho kinh tế biển chuyển sang hướng mới. Sự liên kết này cũng giúp cho các khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ, nhất là khu vực Tây Nguyên phát triển theo, thậm chí sự liên kết Đông – Tây với các vùng khí hậu, địa hình khác biệt này cũng sẽ tạo ra sự liên kết các tour du lịch đa dạng (Đà Lạt vùng núi – lạnh, còn Ninh Thuận biển – hoang mạc). Khi đó sân bay Liên Khương (Đà Lạt) sẽ gánh khách của Ninh Thuận, Bình Thuận chứ không nhất thiết phải đến duy nhất từ sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) nữa.

Nha Trang (Ảnh: tác giả)

Nha Trang (Ảnh: tác giả)

Điều tiết trong mạng lưới ngành nghề, lĩnh vực

Cách làm hiện nay tỉnh nào mạnh tỉnh đó làm cho mỗi khu công nghiệp lớn của tỉnh nào đó cũng lại thiếu vùng nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ. Ví dụ cả khu vực Nam Trung bộ hiện nay tình trạng điện gió, điện mặt trời nhiều và chiếm các khu đất rộng lớn. Việc liên kết ngành, lĩnh vực của các địa phương trong vùng kinh tế biển trên cơ sở xác định các tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương để khai thác hiệu quả nhất trong sự liên kết. Sự hợp tác, liên kết thật sự giữa các địa phương có cùng địa thế, điều kiện giúp tránh hoặc giảm thiểu tối đa việc lệ thuộc nhập nguyên liệu, ảnh hưởng sản xuất như đợt dịch Covid-19 này hay chính sách thể chế chính trị bên ngoài thay đổi. Phương thức này cũng giúp cho các địa phương trong vùng kinh tế biển khai thác hiệu quả quỹ đất, tiết kiệm tài nguyên cũng như nguồn lực tài chính so với c đầu tư dàn trải và phong trào hiện nay. Việc liên kết vùng cũng giúp kiểm soát việc đầu cơ bất động sản trong vùng, giảm thiểu tiêu hao nguồn lực xã hội vào đầu cơ mà không vào lĩnh vực sản xuất, sinh lời, gây lãng phí. Đồng thời, sự liên kết vùng trong phân định chức năng, lĩnh vực cũng góp phần giảm thiểu sự phát triển không vì mục đích gì của số lượng đô thị các loại, lãng phí đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời dành đất cho các chức năng sản xuất, đặc biệt là đất nông nghiệp chất lượng cao. Liên kết vùng, thậm chí là hợp tác quốc gia liên quan cũng giúp giải quyết các vấn đề chung như hạn nặng ở vùng Tây Nam bộ, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cùng nhau phát triển. Đó mới chính là động lực cho cả một vùng, tạo thành các cực phát triển liên kết cùng nâng cao chất lượng cuộc sống, đủ tạo khác biệt và đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Cả nước có 28/63 Tỉnh, Thành phố liên quan đến biển, biển đảo, dễ hiểu kinh tế biển ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của Việt Nam chúng ta. Kinh tế Ven biển – Biển – Biển đảo hiện nay đang khai thác tối đa trong đầu tư, đầu cơ bất động sản, phát triển đô thị ồ ạt, chưa thực sự hợp tác, liên kết quan tâm phát huy giá trị cảnh quan, sinh thái biển và tập trung cân đối nhân lực – điều tiết quỹ đất cho các ngành nghề phát triển bền vững, nhất là nông nghiệp chất lượng cao. Tài nguyên biển và hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tâm và Tầm của các nhà hoạch định kinh tế và quy hoạch theo cấp độ và không chịu áp lực của bất kể thế lực nào chính là lối ra kinh tế, hiệu quả nhất cho kinh tế biển – biển đảo Việt Nam hôm nay và ngày mai. Đây là thời cơ khi mà các tỉnh đang thực hiện Quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch mới trong khi không có quy hoạch Vùng kinh tế nào thực sự được phê duyệt hay định hướng để hợp tác, liên kết phát triển bền vững./.

KTS Nguyễn Phú Đức

Tag: biển đảo, hướng biển, kinh tế biển, liên kết, nguyễn phú đức,