13/12/2019

Ký ức một thời

(Tạp chí KTVN 226) – Những ngày đầu thành lập

Thấm thoát thế mà đã 40 năm. Bốn mươi năm hoạt động và phát triển, Tiền thân Viện Tiêu chuẩn hóa Xây dựng (sau là Viện nghiên cứu Kiến trúc, và nay là viện Kiến trúc Quốc gia) luôn luôn tâm niệm một điều: đóng góp sao được nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, cho công cuộc cả nước là một công trường hùng vĩ, “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đàng hoàng là Xây dựng phải có phép, và Xây dựng đúng phép, đúng tiêu chuẩn.

Dù mang tên gì đi nữa – Viện Tiêu chuẩn hóa và Điển hình hóa Xây dựng, tên khai sinh, và sau đó là Viện Tiêu chuẩn hóa và thiết kế điển hình – Viện luôn quan tâm tới việc phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn cũng như thiết kế điển hình. Chính vì thế ngay từ những năm đầu thành lập, khi Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước tổ chức hội nghị về quản lý chất lượng xây dựng tại Việt Trì (Phú Thọ) thì Viện cũng đem tiêu chuẩn lên giới thiệu. Đồng thời ban hành các tập thông báo thiết kế điển hình và có giới thiệu tới Thư viện Khoa học Kỹ thuật Trung ương. Để mọi người hiểu rõ hơn về hoạt động tiêu chuẩn hóa, Viện tổ chức Hội nghị giới thiệu quy trình biên soạn và ban hành Tiêu chuẩn Nhà nước về Xây dựng cho cán bộ trong ngành.

Hội nghị công tác tiêu chuẩn quy phạm xây dựng

Hội nghị công tác tiêu chuẩn quy phạm xây dựng

Trong quá trình hoạt động, Viện thấy cần thiết phải có Bộ Tiêu chuẩn Nhà nước về Xây dựng để giúp các cơ quan chức năng có công cụ tốt hơn trong việc quản lý xây dựng, cũng như để đội ngũ kỹ thuật có công cụ hữu hiệu trong thực thi nghề nghiệp, cũng như hỗ trợ trong đào tạo, năm 1992 Viện đã tổ chức sưu tập được 310 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về Xây dựng, chế bản lại thành một khổ thống nhất (khổ lớn), chia thành 5 tập theo chủ đề. Đơn giản vậy, nhưng đây có thể coi là một kỳ công của Viện vì ngoài việc sưu tầm sao cho được đầy đủ nhất, tốt nhất bộ Tiêu chuẩn Nhà nước về Xây dựng, phân loại phải khoa học và chế bản không có sai sót so với bản gốc.
Đây là cơ sở để năm 1996, Bộ Xây dựng quyết định cho xuất bản tuyển tập Tiêu chuẩn Xây dựng của Việt Nam gồm 11 tập. Tuyển tập này thống nhất về toàn bộ các Tiêu chuẩn Việt Nam và Tiêu chuẩn ngành về Xây dựng đã có đến tháng 1-1997 nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu cho các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng trong cả nước.

Viện trưởng Nguyễn Việt Châu tại buổi sinh hoạt học thuật năm 2002

Viện trưởng Nguyễn Việt Châu tại buổi sinh hoạt học thuật năm 2002

Đặc biệt trong 3 năm (1995-1997), Viện đã chủ trì biên soạn thành công Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam với sự hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia cố vấn Úc, và sự cộng tác của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước. Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam được biên soạn cho phương thức quản lý mới. Quản lý theo “Mục tiêu” chứ không quản lý theo “Biện pháp”. Phương thức quản lý này phù hợp với các việc chuyển đổi cơ chế kinh tế từ tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, tạo điều kiện khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ nhằm hội nhập với cộng đồng quốc tế.

Việc Bộ Xây dựng ra Quyết định ban hành Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam là một sự kiện quan trọng không chỉ với Ngành Xây dựng mà còn có ý nghĩa vì quan hệ mật thiết đối với đời sống hàng ngày của mọi công dân.

Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam là văn bản quy định các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ đối với hoạt động xây dựng để đạt được các yêu cầu đó, do Bộ Xây dựng thống nhất ban hành.

Từ khi 3 tập của bộ Quy chuẩn và các Tiêu chuẩn Xây dựng xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta càng thấy giá trị của Bộ Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam đầu tiên mà Viện Kiến trúc Quốc gia có phần đóng góp tích cực và hữu hiệu.

Cùng chung ý chí và hành động, sục sôi sứ mệnh nghiên cứu khoa học ngành

Bất kỳ một hoạt động nào, nếu khơi gợi được sự tham gia của từng thành viên tập thể, cộng đồng đều dẫn đến thành công, nhiều khi là những thành công bất ngờ. Tài của lãnh đạo là lôi cuốn được mọi người cùng chung một ý chí vì thành công của tập thể.

Lãnh đạo Viện Tiêu chuẩn hóa Xây dựng và sau này là Viện Nghiên cứu Kiến trúc đều có những việc làm để cán bộ trong Viện cảm thấy muốn đóng góp hiểu biết của mình cho thành tích chung của Viện.

Năm 1992, Viện trưởng Phạm Kinh Cương phát động phong trào nghiên cứu trong toàn Viện qua việc đăng ký đề tài cấp cơ sở. Tôi cũng tham gia một đề tài. Đó là đề tài Danh mục Tiêu chuẩn Ngành trong Xây dựng. Không chỉ giới thiệu tiêu chuẩn, Danh mục này còn chỉ ra địa chỉ hiện có của tiêu chuẩn nhằm giúp cho những ai cần tiêu chuẩn biết tìm tiêu chuẩn đó ở đâu. Vì thế, tôi phải đi tới các Trung tâm thông tin, thư viện của các Bộ, Ngành: Xây dựng, Thủy lợi, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải và Bưu điện. Có tới 6 địa chỉ tìm tài liệu trong Danh mục. Trong quá trình thực hiện đề tài tôi nhận được sự giúp đỡ của cán bộ các nơi đó, đặc biệt là cán bộ Vụ Khoa học Bộ Thủy lợi. Thanh quyết toán đề tài nhanh gọn, không phải giải trình. Nộp sản phẩm, lĩnh tiền. Dù kinh phí mỗi đề tài ít nhưng hiệu quả lớn.

Mỗi đề tài hoàn thành là một đóng góp trong hoạt động Tiêu chuẩn hóa của Viện.

QCXDVN-Tap3(1997)

QCXDVN-Tap1(1996) QCXDVN-Tap2(1997)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bộ 03 tập Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam (giai đoạn 1996 – 1997)

Đồng thời với Danh mục trên, tôi còn lập Danh mục Tiêu chuẩn Nhà nước về Xây dựng của riêng mình. Đặc biệt của Danh mục này là ngoài việc sắp xếp, phân loại sao cho dễ thấy, dễ tìm còn theo dõi được diễn biến của tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn nêu trong Danh mục thay thế tiêu chuẩn nào trước đó được ghi chú rõ ràng. Khi có tiêu chuẩn được thay thế bởi tiêu chuẩn mới ban hành cũng được ghi chú kịp thời.

Một kỷ niệm với các danh mục này là tôi nhanh chóng thỏa mãn yêu cầu của cán bộ Trung tâm thông tin Khoa học kỹ thuật Bộ Xây dựng khi họ cần có danh mục Tiêu chuẩn Xây dựng nông nghiệp.

Rồi Viện trưởng Nguyễn Việt Châu và Phó Viện trưởng Nguyễn Bá Đang với hoạt động khoa học của Viện. Đây cũng chính là thời kỳ nở rộ các đề tài về Kiến trúc đô thị, Bảo tồn di sản, Di tích Kiến trúc, giữ gìn bản sắc của các đô thị, ngôi làng truyền thống trong sự phát triển. Tất cả nhằm sao cho các đô thị, các vùng nông thôn phát triển hồn cốt của mình, không lẫn nơi này với nơi kia. Ngoài Hội nghị Khoa học thường kỳ của Viện, còn có Hội nghị Khoa học Nghiên cứu viên trẻ được tổ chức hai năm một lần. Thành quả là tập Báo cáo Khoa học Nghiên cứu viên trẻ trình bày những ý tưởng khoa học, những công trình đang được thực hiện của mình, những gì tiếp thu được qua việc tham gia các khóa học trong và ngoài nước, đã đem lại nhiều nhận thức sống động về nghề nghiệp. Có môi trường hoạt động rộng mở, thỏa sức tung hoành càng giúp sự gắn kết trong hoạt động khoa học, chuyên môn của Viện./.

Nguyễn Quang Minh – Nguyên Cán bộ Viện Nghiên cứu Kiến trúc