03/06/2021

KTS ASEAN: Cơ hội và thách thức

Khi mỗi quốc gia thành viên ASEAN hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng bộ quy trình quản lý hành nghề (nhiều khi mang tính bảo hộ) thì việc có được Chứng chỉ công nhận KTS ASEAN sẽ là yếu tố thuận lợi trong việc tiếp cận môi trường hành nghề rộng lớn hơn.

Tại sao cần đăng ký KTS ASEAN?

Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập từ năm 1967 với mục đích thể hiện tình đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Vào ngày 31/12/2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC).

Để chuẩn bị cho sự ra đời và vận hành này của một thực thể kinh tế, các quốc gia thành viên ASEAN đã cùng nhau nghiên cứu, đề ra các quy ước, nguyên tắc đối với các hoạt động phát triển chung, trong đó có Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN (ASEAN Multual Recognition Arrangement on Architectural Services – sau đây viết tắt là Thỏa thuận). Có thể nói, nội dung chính – linh hồn của Thỏa thuận là việc công nhận và hình thành một Đăng bạ (Directory) KTS hành nghề đến từ tất cả các nước thành viên, được công nhận là có trình độ chuyên môn nghề nghiệp như nhau trên toàn lãnh thổ ASEAN. Các KTS có tên trong Đăng bạ được gọi là KTS ASEAN.

Bên cạnh việc đề cao tinh thần ASEAN trong việc cung cấp các dịch vụ về kiến trúc, hướng tới các mục tiêu phát triển và hội nhập, Thỏa thuận có thể được hiểu như một rào cản kỹ thuật trong bối cảnh trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực hành nghề kiến trúc giữa các nước thành viên còn chưa đồng đều. Cộng đồng AEC sẽ là một động lực thúc đẩy để hình thành sự dịch chuyển lao động bao gồm cả trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kiến trúc giữa các nước thành viên ASEAN, trở thành một KTS ASEAN chính là điều kiện cần để trong những năm tới, khi AEC vận hành đồng bộ với những yếu tố tự do kèm những rào cản kỹ thuật buộc phải có, các KTS Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong những thị trường bên kia đường biên giới.

Vậy, KTS sẽ được lợi gì sau khi được công nhận và cấp Chứng chỉ KTS ASEAN? Câu hỏi này đôi khi vẫn được một vài đại biểu nêu ra tại các phiên họp của Hội đồng KTS ASEAN hoặc những cuộc họp liên quan. Lợi ích trực tiếp có thể không thấy, thậm chí không có, nhưng lợi thế gián tiếp hiện tại và lợi ích ở tương lai, trong bối cảnh hội nhập sâu tại khu vực chắc chắn là rất lớn. Khi mỗi quốc gia thành viên ASEAN hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng bộ quy trình quản lý hành nghề (nhiều khi mang tính bảo hộ) thì việc có được Chứng chỉ công nhận KTS ASEAN sẽ là yếu tố thuận lợi trong việc tiếp cận môi trường hành nghề rộng lớn hơn.

Hiện tại, cơ hội hành nghề của các KTS Việt Nam là rất lớn, cơ hội hợp tác với các tổ chức tư vấn, các KTS quốc tế cũng thuận lợi. Nhưng chúng ta cũng chưa có một số liệu khảo sát nào thống kê phần, hạng mục dịch vụ kiến trúc (ý tưởng, thiết kế, gia công, chủ trì,…) do KTS Việt Nam đảm nhiệm; thể loại công trình kiến trúc, vai trò và giới hạn công việc do KTS Việt Nam thực hiện. Rõ ràng, sự chủ động hội nhập trong hành nghề kiến trúc đương nhiên sẽ đi cùng với những điều kiện nhất định.

Điều kiện để trở thành KTS ASEAN (?)

KTS ASEAN là một KTS được Hội đồng KTS ASEAN chấp nhận, thông qua một quy trình đánh giá, và được ghi tên và đăng bạ các KTS ASEAN, được phong danh hiệu KTS ASEAN. Điều kiện để được đăng ký là KTS ASEAN như sau:

  • Đã hành nghề liên tục không dưới 10 năm kể từ khi tốt nghiệp, trong đó phải có ít nhất 5 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề;
  • Đã có ít nhất hai năm đảm nhận trách nhiệm chủ trì công việc kiến trúc quan trọng;
  • Đáp ứng các yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) ở mức độ thỏa đáng theo quy định tại quốc gia xin đăng ký;
  • Đáp ứng và bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành về đạo đức hành nghề tại quốc gia xin đăng ký.
    Cụ thể nguyên tắc đánh giá, công nhận KTS ASEAN bao gồm:

a) Hoàn thành một Chương trình đào tạo về kiến trúc được công nhận

  • Một ứng viên đăng ký với Ủy ban Giám sát để được ghi danh là KTS ASEAN (AA) phải có bằng chứng nhận tốt nghiệp một chương trình đào tạo đại học được công nhận chính thức hoặc tương đương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  • Thời gian đào tạo các KTS phải không ngắn hơn 5 năm đào tạo liên tục theo một chương trình chính quy tại một trường đại học được cơ quan thẩm quyền là Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoặc một chương trình quy đổi được công nhận là tương đương.

b) Tư cách để hành nghề độc lập

Các ứng viên xin đăng ký phải có giấy phép/chứng chỉ hành nghề kiến trúc do Cơ quan thẩm quyền quản lý nghề nghiệp của nước sở tại cấp.

c) Có kinh nghiệm hành nghề kiến trúc liên tục từ 10 năm trở lên kể từ ngày tốt nghiệp, trong đó ít nhất phải có 5 năm đã được cấp chứng chỉ/giấy phép hành nghề;

  • Một KTS hoặc một người hành nghề kiến trúc có đủ tư cách để được đăng ký là KTS ASEAN (AA) nếu họ có ít nhất 10 năm hành nghề liên tục sau khi tốt nghiệp đại học, trong đó phải có ít nhất 5 năm có chứng chỉ/giấy phép hành nghề. Việc đánh giá kinh nghiệm hành nghề thực tế cần được thực hiện thông qua:
  • Nộp báo cáo mô tả loại hình các công việc, quy mô, mức độ quan trọng, và mức độ đảm trách các công việc kiến trúc đó trong khoảng thời gian 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học (Mẫu báo cáo xem tại Phụ lục 2). Báo cáo phải thể hiện được rằng ứng viên có thực tế hành nghề, trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng kiến thức về kiến trúc, kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực xử lý đánh giá, có quyết định về kỹ thuật hoặc kiến trúc của dự án hoặc công trình;
  • Trong một số trường hợp, có thể phải qua một cuộc phỏng vấn để kiểm tra các thông tin về các công việc đã hoàn thành và đánh giá sự đáp ứng các yêu cầu của việc đăng ký;
  • Các cuộc phỏng vấn sẽ được thực hiện bởi một Hội đồng chuyên môn có từ ba thành viên trở lên. Trong quá trình phỏng vấn, ứng viên cần chuẩn bị để trả lời các câu hỏi về kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực kiến trúc, mức độ am hiểu công tác khảo sát, quy hoạch, thiết kế, xây dựng, chế tạo, sản xuất, vận hành, bảo dưỡng và nghiên cứu (liên quan đến kinh nghiệm hành nghề), và các quy định về hành nghề kiến trúc.
  • Các kinh nghiệm hành nghề kiến trúc có thể bao gồm: kinh nghiệm thiết kế, chuẩn bị hồ sơ thi công, giám sát hoặc những kinh nghiệm khác như các công việc có yếu tố kỹ thuật, kinh tế và hành chính nhưng liên quan trục tiếp đến công việc kiến trúc.

d) Phải có ít nhất 2 năm đảm nhận các công việc kiến trúc quan trọng:

Công việc kiến trúc quan trọng là công việc yêu cầu thực hiện các quyết định độc lập về chuyên môn, các công trình và dự án phải có quy mô, giá trị hoặc mức độ phức tạp đáp ứng yêu cầu và KTS phải trực tiếp chịu trách nhiệm về công việc thực hiện. Nhìn chung, một KTS có thể được coi là chịu trách nhiệm về các công việc kiến trúc quan trọng khi:

  • Thực hiện lập quy hoạch, thiết kế, điều phối và thực hiện dự án tương đối phức tạp;
  • Tham gia trong các dự án lớn với trách nhiệm và khối lượng công việc lớn;
  • Thực hiện những dự án có yếu tố mới lạ, tổng hợp hoặc công việc đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ môn.

Thời hạn 2 năm này được thực hiện trong khoảng thời gian sau khi được cấp chứng chỉ/giấy phép hành nghề.

e) Duy trì việc Phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD)

  • Việc phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing professional development – CPD) phải được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu cập nhật các kỹ năng nghề nghiệp, mở rộng kiến thức, tìm kiếm những lĩnh vực mới có ứng dụng các công nghệ, phương pháp hành nghề mới và các đổi thay trong các lĩnh vực xã hội và sinh thái. Chứng chỉ xác nhận đã tham gia các chương trình CPD sẽ được Cơ quan thẩm quyền quản lý nghề nghiệp yêu cầu mỗi khi cấp mới hoặc gia hạn đăng ký.
  • Các mục tiêu của chương trình CPD nhằm tăng cường nhu cầu học tập suốt đời và là cơ sở để các KTS định kỳ nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng hành nghề. Yêu cầu của Ủy ban Giám sát về Phát triển nghề nghiệp liên tục là trong khoảng thời gian 2 năm phải tham gia một chương trình CPD với tổng thời gian đào tạo liên tục khoảng 2 tuần.
  • Mỗi KTS ASEAN (AA) được yêu cầu cung cấp chứng chỉ xác nhận đã thực hiện việc Phát triển nghề nghiệp liên tục theo đúng các yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền quản lý nghề nghiệp.

g) Tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và đạo đức xã hội

  • Các chuẩn mực về đạo đức hành nghề: Tất cả các KTS có nguyện vọng được đăng ký như một KTS ASEAN (AA) phải tự nguyện tuân thủ các chuẩn mực đạo đức hành nghề kiến trúc quốc tế được nước sở tại công nhận và các chuẩn mực đạo đức hiện hành khác. Cụ thể, một trong các tiêu chuẩn đạo đức hành nghề là KTS phải đặt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sức khỏe, an ninh của cộng đồng cao hơn các lợi ích của bản thân cũng như khách hàng và đồng nghiệp, chỉ được hành nghề trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Ủy ban Giám sát (MC) được yêu cầu phải xác nhận rằng khi đăng ký các KTS phải ký các bản cam kết tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nói trên;
  • Trách nhiệm nghề nghiệp: Các KTS ASEAN phải chịu trách nhiệm cá nhân về các hoạt động nghề nghiệp của mình theo các yêu cầu của Chứng chỉ hành nghề đồng thời theo các quy định hiện hành của pháp luật;
  • Trong quá trình hành nghề kiến trúc của mình, mỗi KTS ASEAN không được có các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc đạo đức tại Việt Nam hoặc bất cứ quốc gia nào;
  • Mỗi KTS ASEAN đều phải tuân thủ các luật lệ về đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực mà họ hành nghề;

Qua những nguyên tắc và yêu cầu như trình bày trên đây, việc đăng ký được công nhận là KTS ASEAN tương đối đơn giản đối với KTS Việt Nam. Duy có yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD), thực chất là yêu cầu thường xuyên tham gia các quá trình đào tạo cập nhật, nâng cao về trình độ chuyên môn nghề nghiệp, có thể còn chưa thành thói quen đối với các KTS Việt Nam đang hành nghề. Tuy nhiên, với sự kết hợp của KTS với các trường đào tạo, sự ra đời của những diễn đàn kiến trúc, những câu lạc bộ chuyên ngành,… thì yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục chắc chắn sẽ trở nên dễ dàng đáp ứng, thực sự có hiệu quả.

KTS Vũ Anh Tú/TCKT