Kinh tế vỉa hè – Kinh tế đô thị
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Có một nhận định quan trọng về hình ảnh của đô thị Việt Nam là “Hè phố phản ánh thực trạng tình hình kinh tế, văn hóa xã hội của mỗi đô thị”. Nói đến hè phố ở đô thị Việt Nam, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến những gánh hàng rong, những hàng quán bên đường. Sự tận dụng không gian vỉa hè, phần nào làm cản trở lưu thông, gây khó khăn cho những người đi bộ. Nhưng phải thừa nhận rằng, kinh tế vỉa hè là một phần tất yếu không thể thiếu trong các đô thị Việt Nam, đặc biệt là với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Kinh tế vỉa hè bắt đầu từ đâu?
Câu chuyện khi bắt đầu nghiên cứu những vấn đề về hè phố cho thấy, kinh tế hè phố bắt đầu từ những hạt nhân kinh tế nhỏ lẻ vùng nông thôn. Những vùng ngoại ô, khi những ngày nông nhàn, hoặc những vụ vào mùa với những sản vật cây trái phong phú, người nông dân thường có tư duy đưa về thành thị sẽ bán được dễ dàng với giá cao. Một điều hết sức tự nhiên, chính những sản vật thơm ngon ở vùng quê, và tính thơm thảo, chất phác của người dân thôn quê đã mang tới cho người đô thị những hương vị quê nhà phong phú, tươi ngon.
Khi những người dân mang những sản vật lên thành phố, lẽ dĩ nhiên, họ sẽ đi khắp các phố phường, ngõ hẻm để rao bán. Dần dà, họ “đậu” tại một nơi cố định để nhiều người biết hơn, thuận tiện hơn và dễ liên lạc hơn. Và hè phố chính là nơi đầu tiên khơi nguồn bày bán những sản vật này. Từ những quang gánh, trở thành quán nhỏ, dần trở nên lâu đời và là một phần vãn hóa không thể thiếu trong đô thị Việt Nam. Chính vì vậy, không khỏi ngạc nhiên cho những thói quen của người đô thị khi phải đi tới tận góc phố này để có hàng chè Tàu thơm mát, con hẻm nọ có quán bánh đa, đầu phố kia có chị ngồi bán hủ tiếu đã bám trụ trong nhiều năm nay.
Khái niệm kinh tế vỉa hè
Quá trình hình thành nền kinh tế vỉa hè ở nước ta cho thấy: “Kinh tế vỉa hè thực ra là một bộ phận của khu vực kinh tế phi chính thức, với sự phát triển tự nhiên từ lối sống, phương thức buôn bán thương mại nhỏ lẻ tồn tại từ lâu đời”. Dù không được “danh chính ngôn thuận” thừa nhận ở khía cạnh tích cực trên các văn bản pháp lý nhưng sức sống và giá trị của nó vẫn bền bỉ, tồn tại do nhu cầu thực tế của người dân đô thị, đó là đáp ứng nhu cầu dịch vụ hàng hóa giá rẻ, tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Có thể hiểu, “kinh tế vỉa hè” là khái niệm tạm dùng để chỉ các hoạt động mua bán, kinh doanh của người dân có liên quan đến vỉa hè, được phân loại làm hai nhóm đối tượng chính: (1) Nhóm cố định (kinh doanh ở các nhà mặt phố sử dụng vỉa hè làm không gian đệm để làm lối ra vào, chỗ để xe tạm hoặc mở rộng không gian kinh doanh hay các bãi để xe); (2) Nhóm lưu động (gồm các phương thức buôn bán ngay trên vỉa hè như quán nước, gánh hàng rong, quán ăn, bán vé số…). Trong đó, nhóm cố định bắt buộc phải đăng ký kinh doanh và sử dụng vỉa hè, còn nhóm lưu động thì không có chế tài đăng ký chịu sự quản lý của Ban quản lý trật tự đô thị thuộc UBND phường.
Văn hóa vỉa hè
Qua quá trình sử dụng, còn có thể nhận thấy vỉa hè thể hiện rất rõ lối sống sinh hoạt của người dân. Người dân Việt theo thói quen dễ dãi, tạm bợ. Cho dù ngày nay, phương tiện xe thô sơ được dần thay thế bằng xe cơ giới: xe máy, xe hơi, nhưng đâu đó vẫn còn mang tính “tạm thời”. Tấp vội bên đường mua ổ bánh mì, gói xôi; ngồi lề đường xì xụp một tô mì; nhâm nhi ly cà phê bên đường… tất thảy đều có thể “cơm hàng cháo chợ”, phục vụ “tận răng” có ngay trước mắt và mọi việc diễn ra ngay tại vỉa hè. Lối sinh hoạt này đã ăn sâu vào thói quen của người dân. Hiện nay, siêu thị mở ra nhiều, hàng quán, nhà hàng dọc bên đường vẫn nhiều, nhưng các hàng quán vỉa hè vẫn song song tồn tại chính từ thực tiễn thói quen sinh hoạt.
Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa, dân cư ở đô thị ngày càng đông hơn. Đất chật người đông, dần dà, không gian sống ngày càng thu nhỏ lại. Người dân cảm thấy ngột ngạt ngay tại không gian sống của mình, dần kéo ra các không gian mở, công viên – vỉa hè là nơi họ có thể giao lưu gặp gỡ, ăn uống, mua bán. Những hoạt động cơ bản này trở thành một phần không thể thiếu, nhất là với giới trẻ hiện nay.
Kinh tế vỉa hè – Sức sống của đô thị
Hiện nay trên thế giới, rất nhiều không gian vỉa hè đang được quay trở lại theo đặc tính của nó. Quảng trường Times (New York, Mỹ) đã thử nghiệm khi chặn xe và tạo thành không gian vỉa hè cho người dân sinh hoạt. Song chính từ thử nghiệm đó, con phố này trở nên nhộn nhịp hơn và người dân thích thú hơn với nó.
Thành phố Sanfrancisco (Mỹ), đã thay đổi những khu vực đậu xe dọc 2 bên đường để chuyển đổi thành các vỉa hè giúp các hoạt động ngoài trời, ăn uống ngay tại khu vực này trở nên sôi động hơn.
Các thành phố lớn như Tokyo, Seoul, Singapore các khu phố ẩm thực đã được quay trở lại trên các vỉa hè với sự tổ chức gọn gàng ngăn nắp, vệ sinh an toàn thực phẩm, được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng trong và ngoài nước.
Ở Việt Nam, khu vực kinh tế phi chính thức chưa được đề cập trong chính sách kinh tế – xã hội. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế trong ba thập niên vừa qua (từ năm 1986 đến nay) là một cuộc đại chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ và sự tăng trưởng rõ nét của khu vực phi chính thức. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu trong những năm qua đã chứng minh khu vực phi chính thức là nguồn cung cấp việc làm phi nông nghiệp lớn nhất. Như vậy, mặc dù tình trạng phi chính thức đã phổ biến ở Việt Nam, khu vực phi chính thức không chỉ là hiện tượng kinh tế đơn lẻ mà nó đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, đến an sinh xã hội; nhưng hệ thống chính sách công đến nay vẫn chưa đề cập đến tình trạng kinh tế phi chính thức.
Các chuyên gia quốc tế đánh giá khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra ít nhất 20% GDP và số lao động phi chính thức đã tham gia tích cực trong nền kinh tế quốc gia. Trong đó, kinh tế vỉa hè với số lao động phi chính thức ở khu vực thương mại chiếm 31% và dịch vụ chiếm 26%. Kinh tế phi chính thức chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh tế, việc làm. Năm 2007, kinh tế phi chính thức cũng đã đóng góp gần 11 triệu trong tổng số 22 triệu lao động phi nông nghiệp. Vỉa hè trở thành nơi tạo ra việc làm và thu nhập của số lớn cư dân nghèo đô thị.
Về mặt quảng bá hình ảnh du lịch, một trong những điều du khách thích thú đến Việt Nam là tận hưởng những món ăn địa phương, mua sắm những món hàng địa phương và được trao đổi, giao tiếp với lại người dân địa phương. Đầu năm 2014, Phòng Nghiên cứu vỉa hè (Lab vỉa hè – SLAB) của Viện Công nghệ Massachusetts – MIT (Mỹ) do giáo sư Annette Kim điều hành đã cùng với nhóm nghiên cứu ở Việt Nam ghi nhận hơn 3.800 hoạt động diễn ra trên vỉa hè của 6 phường trên địa bàn TP HCM và phỏng vấn 250 người bán hàng rong. Kết quả thống kê là có trên 150 hoạt động vỉa hè khác nhau tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh (Q.1 và Q.5). Qua đó có thể thấy rõ sức sống của các hoạt động diễn ra phong phú tùy theo khu vực, tùy theo địa điểm và thời gian. Những hoạt động này hiện tại đang phục vụ cho người dân địa phương. Vậy tại sao chính quyền thành phố không khai thác yếu tố sinh động, đa dạng của các loại hàng rong, kinh tế vỉa hè để đưa vào trong sản phẩm du lịch nhằm khai thác tốt hơn nhu cầu du lịch cho khách du lịch nước ngoài?
Kinh tế vỉa hè trong quá trình phát triển không gian thương mại đô thị
Trong quá trình quy hoạch đô thị, các nhà nghiên cứu thường dùng phương pháp nghiên cứu xã hội, văn hóa và con người trên từng khu vực quy hoạch (Ethnography), giúp hiểu rõ hơn những tác động ảnh hưởng có thể xảy ra trong qua trình quy hoạch xây dựng. Vỉa hè cần phải được nghiên cứu từ người sử dụng tại khu vực đó hơn là đơn thuần tính không gian thực thể của khu vực. Điều đó có thể lý giải tại sao một số khu vực khác nhau của một đô thị, chúng ta có thể thấy những gánh bán hàng rong tập trung nhiều hơn, hoặc loại hình buôn bán nào ở từng con phố có sự khác biệt.
Thật vậy, ở phương diện tương tác của con người, xã hội và văn hóa trên các không gian vỉa hè, có thể thấy rõ hơn yếu tố sinh hoạt, về sự thỏa hiệp và thương lượng giữa con người với con người. Ví dụ, khi người bán hàng rong đặt quầy hàng tại không gian đó, tức đã có sự thỏa hiệp với chủ nhà đồng ý cho để tạm hoặc cho thuê mặt bằng để dựng quầy hàng. Hoặc cũng có thể từng thời điểm khác nhau, trên cùng một vị trí, sẽ có những quầy hàng rong khác nhau, đó chính là sự thỏa hiệp và cam kết giữa những người bán hàng rong với nhau. Đặc thù vỉa hè của các đô thị Việt Nam, khi nhìn nhận trên yếu tố con người, xã hội và văn hóa, sẽ thấy sự đa dạng, phong phú và cuốn hút. Và giá trị vỉa hè của đô thị Việt Nam hoàn toàn khác biệt so với các nước khác trên thế giới.
Vậy, tại sao phải “làm sạch” nguồn kinh tế, nguồn thu và nguồn văn hóa dồi dào ở vỉa hè các đô thị Việt Nam. Để các đô thị Việt Nam lạnh băng, không khác gì một góc nào đó của Singapore, Malaysia hay nơi nào đó hoàn toàn xa lạ, không thuộc về Việt Nam? Chúng ta không nên đánh đồng toàn bộ các vỉa hè và “dọn sạch” chúng để trở thành một đô thị nào đó xa lạ trên thế giới. Điều này vô hình dung đã đánh mất luôn những giá trị nhân văn, tính hỗ trợ lẫn nhau, sự giàu có về văn hóa của vỉa hè và tính đặc thù của đô thị Việt Nam, là đặc trưng riêng và chính là điều đang hấp dẫn các du khách tham quan.
Các giải pháp tích cực của TP Hồ Chí Minh
Tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, đội ngũ thanh tra xây dựng là đơn vị hoạt động tích cực trong việc chấn chỉnh làm sạch vỉa hè. Và họ làm sạch sẽ, bay biến những giá trị văn hóa phong phú của vỉa hè theo những chỉ đạo của cấp trên cho thấy sự phủ nhận mạnh mẽ của sự tồn tại đáng lẽ là chính đáng này. Thật khó hiểu khi thấy những quy định của Việt Nam về vỉa hè và làm sạch vỉa hè lại đi ngược với trào lưu của thế giới, khuynh hướng mang không gian vỉa hè và kinh tế vỉa hè gần gũi với người dân hơn, hiện đang được các đô thị lớn trên thế giới áp dụng.
Qua quá trình nghiên cứu vỉa hè ở TP. Hồ Chí Minh, một giải pháp tốt trong việc tổ chức hoạt động thương mại – là cách chính quyền phân chia không gian vỉa hè (cho những vỉa hè rộng trên 3m). Bằng cách tạo 1 vạch sơn trắng, từ lòng đường tới vạch sơn giành cho đậu xe máy, sau vạch sơn là giành cho người đi bộ và các hàng rong. Quy định đó, góp phần chỉnh trang vỉa hè, tạo sự thuận tiện hơn cho người đi bộ, cho những hàng quán dọc bên đường. Nãm 2006, đề án “Thí điểm quy hoạch nơi bán hàng rong tại quận 1” của TP HCM, thí điểm tổ chức khu vực kinh doanh ăn uống thực hiện với những người bán hàng rong tại 3 địa điểm trên địa bàn: trên lề đường Nguyễn Văn Chiêm (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Phạm Ngọc Thạch) và khu vực Công viên cảng Bạch Đằng (đối diện Ngân hàng Sài Gòn Công Thương). Thiết nghĩ, những ý tưởng tốt như trên cần phải được phát huy nhằm tôn tạo sự trật tự cho đô thị, nhưng vẫn không đánh mất cái cốt lõi về văn hóa của vỉa hè ở TP. Hồ Chí Minh – Nơi được các du khách nước ngoài ưu ái gọi là “thành phố vỉa hè”.
Lời kết
Vỉa hè nên được xem là một phần không thể thiếu của các đô thị, và là phần hồn đặc trưng giúp các đô thị của Việt Nam khác biệt với các đô thị trên thế giới. Dưới góc độ quản lý nhà nước cần xem xét các yếu tố xã hội, văn hóa, thương mại hơn đơn thuần là yếu tố không gian. Việc duy trì được tính đặc trưng của vỉa hè ở Việt Nam sẽ giúp cân bằng và hài hòa được nhiều nhu cầu thực tế. Cần có một phương thức quản lý vỉa hè để không ảnh hưởng tới người đi bộ. Đồng thời để có được vỉa hè sạch sẽ, mỹ quan, chất lượng, giá cả phục vụ tốt, nhưng vẫn không thay đổi được hình thái văn hóa xã hội vốn có của nó./.
Ths.Kts Lê An Giang
Giám đốc điều hành Công ty Kiến trúc GKA
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 200-2016