Kiến trúc hoa sen khiến sân bay Long Thành ‘tăng chi phí’
Thiết kế sân bay Long Thành, nhà hát đa năng ở Hà Nội theo ý tưởng hoa sen được cho có thể khiến giá thành thi công tăng lên.
Bộ Giao thông Vận tải vừa xem xét, lựa chọn phương án thiết kế lấy ý tưởng từ hình ảnh bông hoa sen cách điệu cho kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Mới đây, Hà Nội cũng có kế hoạch xây dựng nhà hát 2.000 chỗ ngồi, hình dáng như 5 bông sen nổi trên mặt nước tại quận Cầu Giấy, từ nguồn vốn xã hội hoá.
Sau khi mẫu thiết kế hoa sen cho các công trình lớn được đưa ra, giới chuyên gia văn hóa, kiến trúc đã có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có lo lắng việc quá chú trọng đến kiến trúc cách điệu sẽ làm đội chi phí của công trình.
Nhà hát đa năng 2000 chỗ ngồi ở Cầu Giấy, Hà Nội được đề xuất thiết kế theo mô hình 5 bông hoa sen. |
Mái nhà ga hình hoa sen chỉ ‘tăng chi phí một chút’
Theo Tổng công ty cảng hàng không (ACV) – đại diện chủ đầu tư, tiêu chí cuộc thi tuyển kiến trúc sân bay Long Thành do Hội đồng gồm các lãnh đạo bộ, ngành và các hội nghề nghiệp đưa ra, đó là công trình phải có công năng, hiệu quả sử dụng cao, chi phí thấp, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường…
Về dấu ấn kiến trúc thì phải là công trình hiện đại, đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam.
Đại diện ACV cho biết, nếu nhà ga được thiết kế đơn giản quá thì không mang tính dân tộc. Nên thay vì mái nhà ga phẳng lỳ, các đơn vị thiết kế đã đưa ra nhiều ý tưởng như hình lá dừa nước, hoa sen, cây tre… Mặc dù được cách điệu song mái nhà ga hình hoa sen cũng như các hình khối khác đều phải đảm bảo chịu lực, chịu được gió, ánh sáng tự nhiên; đảm bảo kỹ thuật công năng khai thác hàng không. Thiết kế nhà ga không ảnh hưởng việc kết nối với các công trình khác như sân đỗ, giao thông, đường băng…
“Nhóm chuyên gia đầu ngành đã xem xét kỹ các thiết kế thi tuyển để lựa chọn một phương án tối ưu nhất. Phương án mái nhà ga theo biểu tượng hoa sen chỉ tăng chi phí một chút so với mái nhà ga thông thường”, đại diện ACV nói.
Theo vị này, ở nhiều nước trên thế giới, sân bay được thiết kế đơn giản là do tiêu chí của họ chỉ thiết kế nhà ga theo công năng, không cách điệu để giảm chi phí.
‘Đề bài có tính biểu tượng là vòng kim cô, hạn chế sáng tạo của kiến trúc sư’
Ủng hộ đưa biểu tượng vào các công trình công cộng song yêu cầu phải hài hòa với cảnh quan, không gian. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội, nói: Công trình kiến trúc là biểu hiện của văn hóa và sáng tạo của cộng đồng. Nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các công trình biểu tượng như nhà hát Sydney (Australia), các công trình văn hóa ở London, Nga, Pháp đều mang tính biểu tượng cao.
Theo ông, ở Hà Nội đã có nhiều công trình tạo dấu ấn như Đài truyền hình Hà Nội là cột phát sóng, công viên Hòa Bình là chim hạc. Cầu dây văng Nhật Tân có chi phí cao hơn các cây cầu bê tông khác bắc qua sông Hồng, song Hà Nội vẫn quyết tâm xây dựng vì đây là biểu tượng kiến trúc “rồng nhả ngọc”, tạo điểm nhấn cho khu vực phía Bắc sông Hồng.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cho biết, cũng có công trình chưa thực hiện được do chi phí cao như tòa nhà hình bông lúa ở đường Phạm Hùng, hay công trình có biểu tượng không phù hợp như tòa nhà Hàm Cá Mập.
“Trong xây dựng, biểu tượng văn hóa dân tộc của Việt Nam không nên bó hẹp với hình tượng hoa sen, trống đồng, cây tre… vì các hình tượng này rất phổ biến, mà nên xem xét các hình tượng khác gắn với văn hóa Việt, quan trọng là xem xét hài hoà không gian, tính thẩm mỹ, hiệu quả sử dụng và kinh tế”, ông Nghiêm nói.
Nhớ lại thời gian làm Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, ông Nghiêm cho biết: “Có rất nhiều chủ đầu tư đề xuất các công trình có biểu tượng hoa sen, trống đồng, nhà quản lý phải xem xét có phù hợp hay không nên nhiều công trình đã bị từ chối”.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng cho rằng, công trình mang biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam không nhất thiết phải là hoa sen, cây tre hay trống đồng. Nếu đề bài cần có tính biểu tượng thì các kiến trúc sư “luôn bị ám ảnh về hình tượng truyền thống, đó là vòng kim cô, hạn chế sáng tạo của kiến trúc sư”.
“Với một công trình lớn thì quan trọng nhất là phải đáp ứng được công năng sử dụng do nhà đầu tư đưa ra. Chi phí xây dựng công trình phù hợp với khả năng kinh tế”, ông Tùng nói.
KTS Phạm Thanh Tùng dẫn ra nhiều công trình hiện đại của Nhật không mang kiến trúc truyền thống, song người ta vẫn thấy bản sắc của người Nhật. Đó là các chi tiết không rườm rà, thể hiện đặc trưng của đất nước công nghiệp hiện đại.
Mẫu thiết kế nhà ga Long Thành được chọn lựa qua cuộc thi tuyển phương án kiến trúc. |
Họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng ở Việt Nam, nhiều người thường có quan niệm phải “nghĩ ra biểu tượng nào đó áp vào các công trình”. Trong khi một công trình sống được sẽ có ngôn ngữ riêng của nó, không cần thiết phải sống tầm gửi vào một biểu tượng nào.
Theo ông, mô hình nhà hát đa năng hình dáng như 5 bông sen nổi ở Hà Nội là “miễn cưỡng, khô cứng”. Do đó, nhà quản lý cần ra đề bài để các kiến trúc sư được thỏa sức sáng tạo. Nếu công trình bắt buộc mang tính dân tộc thì chỉ cần bố trí nội thất bên trong, thay vì đưa áp đặt ngoại cảnh theo khuôn mẫu nào đó.
Đoàn Loan/Theo Vnexpress.net