Kiểm soát tiếng ồn trong công trình
“Bài toán chống ồn đã có đáp số là một giải pháp kiến trúc tinh tế”, đó là nhận xét của Trần Đức – nghiên cứu sinh khoa kiến trúc Đại học Bách khoa Prague về những công trình nằm ven xa lộ cao tốc ở một số nước châu Âu.
Trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 và từ đầu thế kỷ 21 đến nay, tại rất nhiều các cuộc hội thảo quốc tế, các nhà khoa học vẫn khẳng định “kiểm soát tiếng ồn” vẫn là nhiệm vụ trong tương lai. Còn hiện tại để thực hiện trọng trách này, các nhà nghiên cứu sản xuất và ứng dụng đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu và đạt được những kết quả to lớn. Trong đó, các giải pháp chống ồn đối với công trình dân dụng được chú trọng về mặt tính năng kỹ thuật, tính thẩm mỹ yêu cầu trong thi công xây dựng và được chia theo mục đích xử lý:
– Cách âm nội thất.
– Cách âm ngoại thất.
Những vấn đề trên đồng thời được nghiên cứu và phát triển, trong giới hạn của bài viết chúng tôi muốn đề cập đến giải pháp chống ồn ngoại thất, nhằm ứng dụng một số giải pháp giảm tiếng ồn hiệu quả mới đối với khu vực chịu ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn (gần đường giao thông, khu cách ly công nghiệp hay trong khu dân cư trong đô thị và thành phố lớn hiện nay).
Các giải pháp cách âm, chống ồn ngoại thất chủ yếu theo các dạng chính sau:
– Sử dụng vật liệu hút âm, cách âm trên bề mặt công trình.
– Dùng tường chắn âm ven công trình.
– Giải pháp mặt đứng công trình kết hợp vật liệu âm thanh để khử âm, phản xạ âm.
Các nghiên cứu cho thấy, loại panel được làm từ xi măng, gỗ, đá, xốp… vẫn là loại vật liệu cổ truyền thông dụng đảm bảo sự kín đáo tốt cũng như giảm bớt tiếng ồn khá hiệu quả. Nó có nhiều ưu điểm là không yêu cầu sử dụng thiết bị đặc biệt khi lắp đặt, bảo trì thay thế đơn giản. Những sáng tạo mới giúp cho hệ thống này có những tính năng âm học ưu việt, tỷ lệ cường độ âm thanh lý tưởng.
Giải pháp cách âm sử dụng tường chắn bằng các vật liệu triệt âm, phản xạ âm được dùng hiệu quả ở ven đường giao thông sát với các khu dân cư. Tường cách âm kiểu phổ thông sử dụng vật liệu gỗ, bê tông dạng thanh, được sắp xếp theo tính toán nhằm mục đích phản xạ âm và giảm cường độ âm do giao thông gây ra.
Hiện nay với sự phát triển của tấm xi măng có cốt liệu gia cường lưới sợi tổng hợp bọc polyme hay tấm ultrascreen hoạt động như một rào chắn âm thanh bởi nó phản xạ âm nhờ những lớp durock. Ngoài ra, điểm hấp dẫn khác của nó là thời gian lắp đặt nhanh, chi phí thấp nhờ được làm bằng vật liệu tái sinh.
Tiếng ồn từ giao thông
Theo các nhà khoa học, điều kiện bình thường cho sinh hoạt của con người là cường độ tiếng ồn phải luôn dưới 50 dexiben. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, khó có thể khống chế cường độ tiếng ồn ở mức đó, nhất là các thành phố lớn đông dân cư, xe cộ đi lại suốt ngày đêm.
Để giảm bớt tiếng ồn, các thành phố lớn trên thế giới đã chuyển bớt các trung tâm thương nghiệp ra ngoại thành để giãn bớt mật độ người và xe cộ vào nội thành mua sắm hàng hoá, đồng thời cấm các loại xe có động cơ bấm còi inh ỏi trên đường, thay thế còi xe âm lượng cao bằng còi âm lượng thấp, tháo gỡ các loa truyền thanh có âm lượng cao, ở các đầu mối giao thông trong thành phố đều lắp máy đo tiếng ồn để báo hiệu cho lái xe và người đi đường được biết cường độ tiếng ồn.
Qua máy đo tiếng ồn, ta thấy khi một chiếc xe ô tô tải phóng qua, tiếng ồn phát ra khoảng 65 dexiben. Nếu một xe chở hàng cỡ lớn phóng qua, tiếng ồn sẽ lên tới 70 – 75 dexiben. Gặp đèn đỏ, xe giảm tốc độ, tiếng ồn sẽ là 70 dexiben.
Nếu đường hơi chật, gặp lúc nhiều xe ô tô tránh nhau, tiếng ồn sẽ vượt quá 80 dexiben. Qua đó chúng ta có thể thấy, ở những khu vực đầu mối giao thông không những không khí bị ô nhiễm mà tiếng ồn cũng gây ô nhiễm rất nghiêm trọng. (Theo bộ sách 10 vạn câu hỏi Vì sao bảo vệ môi trường? – NXB Khoa học & Kỹ thuật)
Tiếng ồn đang vượt chuẩn
Theo ông Đặng Dương Bình, trưởng phòng quản lý môi trường và khí tượng thuỷ văn, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất (TN-MT&NĐ) Hà Nội, kết quả đo ồn hằng năm cho thấy tiếng ồn do giao thông đô thị lại không có xu thế giảm.
Theo Sở TN-MT&NĐ, người Hà Nội phải chịu đựng tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép – nhưng còn ở mức độ nhẹ nếu so với TP.HCM… Theo kết quả quan trắc mức ồn tại 13 thành phố, thị xã của Bộ Xây dựng, mức ồn cao nhất là 82 – 85 dB, xảy ra tại ngã tư Điện Biên Phủ – Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM).
Ngày 13.3, TS Nguyễn Đinh Tuấn, chi cục trưởng bảo vệ môi trường cho biết: “Theo các kết quả quan trắc mới nhất của Chi cục Bảo vệ môi trường về tiếng ồn của khu dân cư dọc các tuyến đường giao thông chính ở TP.HCM, tại bất kỳ điểm đo nào tiếng ồn cũng vượt tiêu chuẩn cho phép”.
Tại các tuyến đường có mật độ xe cao như: Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Ba Tháng Hai đoạn vòng xoay Phú Lâm, mức trung bình của tiếng ồn do các phương tiện giao thông gây ra là trên 78 dB, trong khi tiêu chuẩn cho phép tối đa là 70 dB. Riêng tiếng ồn vào ban đêm (từ 22 – 6g sáng hôm sau), so với tiêu chuẩn cho phép (50 dB) thì kết quả quan trắc đo được ở đoạn đường nào cũng vượt tiêu chuẩn 1 – 2 lần. (Theo Tuổi Trẻ)
Bài KTS Trần Đức | Ảnh Tường Huy ( Kinh tế đô thị )