07/08/2015

Không gian công cộng đang bị thu hẹp và biến dạng

Xây dựng, phát triển không gian công cộng bền vững trong đời sống đô thị nói riêng và cuộc sống nói chung luôn là một thách thức, nhất là hiện nay nhiều công trình lớn đang được xây dựng tại các đô thị. Và thật đáng tiếc, đây là vấn đề cần giải quyết, vì nhiều không gian công cộng đang bị xâm hại.

Dù ở thời kỳ lịch sử nào thì không gian công cộng vẫn là một phần không thể thiếu ở các đô thị. Vì hệ thống không gian công cộng không chỉ góp phần làm nên sự hài hòa của cấu trúc đô thị, mà còn giúp người dân có không gian sống, không gian sinh hoạt thoải mái, trong lành, đáp ứng nhu cầu sử dụng thời gian rỗi. Nhắc tới không gian công cộng, chúng ta thường hình dung đến không gian của các địa điểm gần gũi với cuộc sống như công viên, khu vui chơi, quảng trường, đường sá, vỉa hè… Và từ xưa đến nay, không gian công cộng thường được hiểu là nơi diễn ra các sinh hoạt chung của một cộng đồng dân cư cụ thể, vừa mang nét chung vừa có nét đặc thù của cộng đồng sinh hoạt tại đó. Bất kỳ đô thị nào cũng có không gian công cộng, và thậm chí không gian công cộng còn góp phần tạo nên sức sống, nét riêng của mỗi đô thị; góp phần tạo cảnh quan đô thị, tạo môi trường sống lành mạnh, nâng cao chất lượng sống cộng đồng. Từ điển mở wikipedia viết rằng, sự hình thành, phát triển, thay đổi của không gian công cộng phụ thuộc vào sự phát triển, đặc điểm của đời sống cộng đồng, vốn không giống nhau giữa những nền văn hóa khác nhau và ở các thời điểm khác nhau. Trong không gian công cộng, người sử dụng vừa là người quan sát, vừa là người tham gia các hoạt động chung. Hình thức hay hoạt động của mỗi người trong không gian công cộng thường gây ảnh hưởng tới người khác, vì thế, không gian công cộng được coi là nơi diễn ra những “xung đột” xã hội, cũng như là nơi của các hòa giải xã hội giữa các tổ chức và cá nhân. Có thể tham khảo các nhận định nêu trên để thấy vai trò quan trọng của không gian công cộng trong cấu trúc mỗi đô thị, vừa không thể thiếu, lại không được phép kém chất lượng để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đô thị.

Bên cạnh các điểm đến hấp dẫn của các đô thị như Công viên Thống Nhất, Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ (Hà Nội), Công viên Đầm Sen, Công viên Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh),… thì có một thực tế là một số không gian công cộng đã và đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Trong khi nhiều đô thị lớn đang ngày càng mở rộng diện tích và một số đô thị mới tiếp tục ra đời, thì dường như không gian công cộng càng bị thu hẹp. Các công viên ở Hà Nội – hình thức không gian công cộng gần gũi và phổ biến với người dân Thủ đô, là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt cộng đồng, có đặc thù qua từng thời điểm lịch sử khác nhau. Ngày nay công viên không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí mà còn tích hợp nhiều công năng khác như là nơi tập thể dục, nơi nghỉ ngơi,… Song, so với trước đây, quỹ đất dành cho công viên chỉ còn 0,3%, tỷ lệ bình quân chưa đạt 1 m2 /người, lại phân bố không đều, ba trong bốn công viên lớn đều ở trung tâm thành phố. Hầu hết công viên cũ cũng bị thu hẹp diện tích sử dụng chung, chen vào đó là nhà hàng, khu dịch vụ, lều lán kinh doanh nhỏ, lẻ… Một số dự án công viên mới như Công viên Yên Sở, Công viên Tuổi Trẻ bị cắt giảm diện tích so với quy hoạch, hoặc là tích hợp các công năng không đúng với tiêu chí của không gian công cộng, phục vụ cộng đồng. Ngoài hệ thống công viên, các vườn hoa được xây dựng mới hầu như rất ít, trong khi những vườn hoa như vườn hoa Con Cóc, vườn hoa Quán Thánh,… cũng bị xâm hại.

Kế đến là các quảng trường (như Đông Kinh Nghĩa Thục, Cách mạng Tháng Tám…), các hồ (Hồ Gươm, Thiền Quang, Ngọc Khánh…) và vỉa hè, lòng đường… cũng bị xâm phạm, biến thành nơi buôn bán, để xe, hàng quán ăn uống,… gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Điều này không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương.

Không chỉ các công viên, hiện nay còn có thể bắt gặp hình ảnh các ngôi đền, chùa – với không gian rộng rãi, thoáng mát, tĩnh mịch, không chỉ là nơi dành cho những sinh hoạt tâm linh của cộng đồng, mà còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý giá, cũng bị ngang nhiên xâm phạm. Không đâu xa, ngay ở Hà Nội, các kiến trúc đền – chùa có ý nghĩa di tích lịch sử và văn hóa như: đền Đồng Thuận, chùa Quang Hoa, chùa Vân Hồ, chùa Vĩnh Trù,… trở thành nơi ăn ở, sinh hoạt của nhiều hộ gia đình, thậm chí thành nơi buôn bán của người dân trong khi lẽ ra, đây phải là nơi tôn nghiêm, phải được gìn giữ, bảo tồn. Điều đáng nói là việc lấn chiếm các di tích này lại diễn ra công khai, mà không có sự can thiệp của cơ quan chức năng. Và sai phạm kiểu này diễn ra đã nhiều năm nhưng dường như ít được quan tâm giải quyết, và các di tích quan trọng như vậy tiếp tục bị xâm phạm, bị biến thành địa điểm sinh hoạt xô bồ?

Sự phát triển của không gian công cộng tại các đô thị Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức và chưa phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Có thể thấy nhiều dự án xây dựng mới chỉ ưu tiên cho nhà ở, khu mua sắm, dịch vụ – những thứ có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn cho chủ đầu tư. Rất ít sự ưu tiên cho các khu vui chơi cho trẻ em, các khu sinh hoạt cộng đồng, các vườn hoa, cây xanh. Ngay cả với những dự án xây dựng không gian công cộng thì cũng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về diện tích mà thường sẽ là cắt giảm. Kể cả những dự án đã xây dựng được một phần rồi cũng sẽ bị giảm diện tích ở phần còn lại. Không những thế, khi xây dựng các không gian công cộng tại các đô thị, dường như nơi thực hiện dự án quy hoạch ít chú trọng đến việc phải xây dựng sao cho phù hợp với người sử dụng?

Trong khi một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu khi xây dựng các không gian công cộng, cần có sự tham vấn của những người sử dụng, bởi họ chính là một phần của không gian công cộng, chỉ họ mới có thể biết chính xác mình cần gì, và sẽ làm gì trong không gian đó. Giống như việc khi thiết kế một ngôi nhà, việc đầu tiên là kiến trúc sư phải tham vấn ý kiến người sử dụng để có bản thiết kế vừa đẹp, vừa tiện nghi, giúp chủ nhà sử dụng ngôi nhà một cách thoải mái và phù hợp. Nhu cầu của con người mới là yếu tố quan trọng lôi cuốn người khác sử dụng không gian công cộng. Tất nhiên khi tham gia không gian công cộng, cá nhân có mục đích cụ thể đáp ứng nhu cầu của bản thân, nhưng mẫu số chung là đều tìm đến sự thoải mái, tiện nghi, trong lành, và được thư giãn. Có nhiều cách con người tham gia vào các không gian công cộng. Theo một tổ chức tư vấn về kiến trúc có uy tín toàn cầu thì con người sử dụng không gian công cộng theo ba thể loại hành động khác nhau: một là hành động thiết yếu; hai là hành động phụ; và ba là hành động mang tính xã hội. Trong ba thể loại nêu trên, loại đầu, vì là thiết yếu, sẽ luôn diễn ra bất kể điều kiện bất lợi của môi trường, vì sự lựa chọn hết sức hạn chế. Hai loại sau chỉ diễn ra khi người ta cảm thấy thích môi trường đô thị, muốn ở lại lâu hơn yêu cầu, và vì thế, được coi như là thước đo chất lượng không gian đô thị. Nói cách khác, không gian công cộng có chất lượng càng cao nếu trong đó có càng nhiều hoạt động mang tính phụ và xã hội. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn, được thừa nhận qua thực tế xây dựng, sử dụng không gian công cộng trên thế giới. Cần chú trọng yếu tố con người để tạo nên không gian khiến người ta lựa chọn không chỉ vì cần, mà còn vì thích, vì muốn.

Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng, cách thức tổ chức không gian công cộng ở đô thị Việt Nam chưa hợp lý, nên chưa mang lại hiệu quả sử dụng cao.

Sự phân bố không đồng đều các không gian công cộng khiến cho nơi thì quá tải, nơi lại đìu hiu. Những khu di dời để giảm tải cho nội đô lại thường được ưu tiên diện tích cho nhà ở, các khu thương mại dịch vụ, rất ít diện tích cho vườn hoa hay khu vui chơi dành cho cộng đồng. Rất hiếm các không gian công cộng mới có xu hướng mở, gần gũi thiên nhiên. Nhiều đô thị Việt Nam lúc nào cũng trong tình trạng ngột ngạt, bụi bặm, thiếu màu xanh và thiếu các không gian để thư giãn. Nhu cầu giành lại các không gian công cộng như trở nên xa xỉ không chỉ bởi thiếu ý tưởng tốt mà trên nền những đô thị quá nhỏ bé và đông đúc, thì đây cũng có vẻ là nhiệm vụ khó khả thi. Một thí dụ về việc xây dựng một không gian công cộng trên nền có sẵn của một thành phố đông đúc bậc nhất thế giới là từ một hệ thống đường sắt trên cao không được sử dụng nữa, thậm chí có nguy cơ bị dỡ bỏ nhưng cộng đồng dân cư tại TP New York (Mỹ) đã có ý tưởng biến nó thành một công viên trên cao – công viên High Line. Công viên này sau đó không chỉ thu hút người sử dụng mà còn góp phần nâng cao giá trị đất đai của khu vực chung quanh, tạo thêm việc làm cho nhiều người dân.

Một thí dụ khác về việc giành lại không gian công cộng cho các đô thị là ở TP Tô-rôn-tô (Ca-na-đa). Từ một bãi đỗ xe, chính quyền thành phố này đã xây dựng thành một bờ biển với cát trắng và nhiều khu vui chơi, lối đi dạo, chỗ nghỉ ngơi cho mọi người. Ý tưởng không chỉ làm đẹp thêm cho thành phố mà còn tạo thêm điểm đến lý tưởng cho người dân vào dịp cuối tuần. Hy vọng hai thí dụ trên có thể phần nào gợi mở những ý tưởng cho việc giành lại các không gian công cộng trên nền những đô thị đông đúc của Việt Nam hiện nay.

Các “vấn nạn” liên quan không gian công cộng tại một số đô thị ở Việt Nam không phải là mới, nhưng dường như vì “cha chung không ai khóc” nên khó có thể quy trách nhiệm cho một đơn vị cụ thể nào. Xu hướng không gian công cộng ngày càng xấu đi là điều đáng báo động. Nếu tầm nhìn và việc quản lý đã yếu, nếu khâu xử phạt chưa dứt khoát, thì cũng phải đề cập tới một nguyên nhân khác nữa, là sự thiếu trách nhiệm của nhiều người dân. Vì vậy việc phát triển, duy trì bền vững không gian công cộng tại các đô thị của Việt Nam không chỉ là vấn đề của một người, hay của một cấp, ngành nào mà là vấn đề chung của xã hội, cần sự quan tâm thích đáng và có hiểu biết, để đô thị Việt Nam ngày càng đẹp và văn minh hơn.

Theo Nhân dân