14/06/2016

Không gian công cộng: Chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa

Không gian công cộng (KGCC) là nơi thể hiện rõ nhất hình ảnh đặc trưng của đô thị cũng như sự kết nối môi trường sống tự nhiên với người dân. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia quy hoạch, xây dựng thì hiện nay, không gian này đang bị thu hẹp dần, không được quản lý tốt và không được quan tâm đầy đủ khi phát triển những khu đô thị mới với những tòa nhà chung cư cao tầng nằm san sát nhau.


Với những tòa nhà cao tầng nằm sát nhau như thế này thì người dân sẽ khó có không gian sống thư giãn, thoải mái đúng nghĩa.

Thực tế cho thấy, xu hướng “cắt gọt” KGCC dường như đang ngày càng lan rộng. Nếu như trước đây, các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, Thanh Xuân… đều có sân chơi rộng rãi cho cộng đồng dân cư các tòa nhà, thì bây giờ, nhiều diện tích trước kia là khuôn viên nay đã chình ình những tòa ngang dãy dọc chung cư. Không gian vui chơi, thư giãn của trẻ em, người già bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích và có nơi thì mất hẳn như chưa từng hiện hữu. Nhiều vườn hoa, sân chơi công cộng bị chiếm dụng để bán nước, bán đồ ăn…

Tình trạng này xảy ra tại rất nhiều đô thị của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, dù mới được xây dựng nhưng lại nằm trong tình trạng thiếu dịch vụ công cộng và nếu có thì phần lớn đều không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tình trạng “trắng” KGCC tại các KĐT chính là việc đẩy cao mật độ xây dựng lên mức tối đa, ưu tiên nhà ở và dịch vụ thương mại, cắt giảm những phần quỹ đất dành cho trường học, khu vui chơi, cây xanh, chợ dân sinh, y tế…

Đặc biệt, nhiều dự án hiện đang có xu hướng chỉ quan tâm đến phát triển BĐS chứ chưa quan tâm đến đầu tư KGCC như nhà trẻ, trường học, sân chơi cây xanh… Chính vì chưa có ý thức dẫn tới quá thiên lệch phát triển BĐS, nhiều khu đô thị mới phát triển ven đô thiếu vắng khuôn viên cây xanh…

Đơn cử trường hợp tại tổ hợp chung cư thương mại HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chủ đầu tư đã xây dựng 5 – 6 tòa nhà cao trên 30 tầng sát cạnh nhau, tạo nên một không gian bí bách với những khối nhà bê tông nặng trịch không có mấy bóng cây xanh… trong khi mật độ dân cư sinh sống ở đây rất lớn chứ chưa muốn nói đến quá tải.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Hà Nội không phải không có diện tích vườn hoa sân chơi, nhưng không biết tận dụng hoặc thiếu các trang thiết bị cần thiết. Nguyên nhân chính là tư duy của người quản lý đô thị. Việc quản lý KGCC tuy là dịch vụ công, thể hiện vai trò của chính quyền đô thị nhưng người dân cũng có thể giám sát hiệu quả dịch vụ này. Vấn đề ở chỗ quyền hạn người dân được giám sát đến đâu, như thế nào thì vẫn chưa được đề xuất đầy đủ trong các văn bản pháp luật…

Bất cứ đồ án quy hoạch nào đô thị nào cũng phải dành đất cho KGCC nhưng thực tế, không chỉ bị “xô đẩy” ở trong các khu vực đô thị cũ, ngay cả ở các khu đô thị mới được quy hoạch bài bản thì hệ thống công trình công cộng (trường học, vườn hoa, sân chơi, nhà văn hóa…) cũng bị “chen lấn”. “Ở nhiều KĐT, công trình công cộng nếu được xây dựng thì chất lượng không cao, nhiều nơi có quy hoạch nhưng không được xây dựng và bị chủ đầu tư biến tướng thành các công trình có công năng sử dụng khác dễ kiếm lời hơn” – KTS Nguyễn Đức Phổ, Giám đốc Cty CP Kiến trúc Việt cho biết.

Việc thiếu KGCC tại các đô thị đã rõ nhưng vẫn còn những không gian khó mất mà chúng ta chưa tận dụng hết như không gian bờ hồ ở Hồ Tây mới sử dụng ít, chưa xứng đáng với tiềm năng của nó. Vì vậy, những nhà quy hoạch phải biết khai thác và quan tâm, không chỉ tạo ra diện tích mà cần phải có những kiến thức về kinh tế, quản lý để phát triển KGCC hợp lý, hài hòa và hiệu quả.

Để làm được điều đó, trước khi có chủ trương xây dựng các KĐT, các chủ đầu tư cần xác định thận trọng mục đích quy hoạch, ghi nhận ý kiến của người dân về việc họ muốn sử dụng KGCC cụ thể đó ra làm sao và như thế nào. Đây là việc làm tiên quyết để xác định nhiệm vụ và thiết kế quy hoạch bởi dù thế nào đi nữa thì người sử dụng quy hoạch chính vẫn là người dân và là thành phần quan trọng trong việc tạo nên một không gian sống tiện ích đúng nghĩa KGCC

Linh Đan/Báo Xây dựng