21/01/2023

Khai thác vốn văn hóa từ một công trình biểu tượng: Cầu Long Biên

Thực trạng ứng xử với tài sản văn hóa hiện nay của Việt Nam ra sao, nó có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng và một quốc gia? Tài sản văn hóa là của ai? Và việc bảo tồn, nghiên cứu, phát huy, sáng tạo và ứng dụng giá trị của tài sản văn hóa sẽ thực hiện như thế nào? Tác giả xin được nêu một cách tiếp cận hoàn toàn mới qua cách ứng xử với Cầu Long Biên.

Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều loại vốn văn hóa

Đó là nhận định của PGS.TS Đinh Hồng Hải, Trưởng bộ môn Nhân học văn hóa, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” ngày 17/12/2022.

Cũng tại Hội thảo, một thuật ngữ mới – “Tài sản Văn hóa “ đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới trong Kết luận tại Hội thảo. Theo đó, tài sản văn hóa là những tài sản vô hình như hệ tư tưởng, phong tục, tập quán, kinh nghiệm hay những tài sản hữu hình như các công trình kiến trúc, nghệ thuật. Đó là những kho tàng vô giá nếu chúng ta biết cách khai thác, đặc biệt khi tài nguyên vật chất ngày càng cạn kiệt. Vốn văn hóa bao gồm tất cả các thành tố vật thể và phi vật thể, tự nhiên và văn hóa… phải chăng là một dạng tài sản đang ẩn tàng trong các thành tố văn hóa của quốc gia? Chúng đóng vai trò là những tài sản được kế thừa từ quá khứ và không ngừng gia tăng giá trị theo thời gian. Là một nguồn tài nguyên to lớn của đất nước, đặt ra những câu hỏi cấp thiết là: Vốn văn hóa nằm ở đâu? Tài sản văn hóa là gì? Chúng ta cần phải sử dụng tài sản văn hóa cho phát triển bền vững như thế nào? Loại tài sản này cần được bảo vệ bằng những cơ chế, chính sách như thế nào? Để trả lời những câu hỏi nêu trên, chúng ta có thể lấy một ví dụ cụ thể về vấn đề khai thác vốn văn hóa từ một công trình biểu tượng: Cầu Long Biên.

Ứng xử với Cầu Long Biên như một tài sản văn hóa

Cầu Long Biên khởi công 1898, hoàn thành 1902. Cây cầu có vai trò quan trọng và duy nhất của tuyến đường sắt đường bộ vượt sông Hồng trong suốt TK20. Năm 1967, cầu bị bom Mỹ phá hỏng và năm 1972 trận bom thứ hai đã làm gãy đổ 9/19 nhịp cầu. Năm 1973, cầu được nối lại bởi dàn thép dã chiến và tiếp tục được khai thác với cường độ cao, tải trọng lớn. Năm 1986, mặc dù có thêm 2 cây cầu mới (Thăng Long và Chương Dương), cầu Long Biên vẫn là cây cầu đường sắt trọng yếu nhưng dần bị hư hỏng do không được duy tu sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp nhanh chóng

Theo ý kiến của các chuyên gia, nhà văn hoá và lập luận khoa học thì Cầu Long Biên là di sản đô thị có giá trị… vấn đề là chúng ta ứng xử với di sản này như thế nào khi di sản đã bị bom đạn phá huỷ một phần. Trong việc khắc phục thì đã biến dạng hơn 50%: 9/19 nhịp cầu cũ đã thay thế bằng dàn cầu dã chiến từ 1973. Sau 75 năm (1947-2023) khai thác vượt tải với cường độ cao, duy tu hạn chế khiến cầu hư hỏng, nguy cơ sụp đổ, mất an toàn nhưng tàu hoả và người xe vẫn qua lại hàng ngày. Đã có nhiều ý kiến bảo tồn tha thiết, kèm theo các đề xuất rất lãng mạn. Nhưng khi cầu rỉ hoét đi qua rung bần bật, thủng cả sàn thì vẫn không có hồ sơ vẽ ghi hiện trạng, theo dõi đánh giá chất lượng tổng thể, đo lường biến dạng cảnh báo nguy hiểm… mà chỉ có cách làm vá víu tình thế. Phải chăng cây cầu đang được ứng xử thừa cảm xúc nhưng thiếu khoa học? Để cứu vãn cây cầu hư hỏng hoàn toàn, việc cấp bách là cần củng cố cầu cho an toàn. Khi đã an toàn thì cây cầu có sẵn đường ray khổ 1,45m, đủ gánh chịu đoàn tàu nhẹ chở khách chạy 12km từ ga Yên Viên về ga Hà Nội, giải toả áp lực qua sông Hồng, giải cứu cho cầu Chương Dương hiện quá tải 5-8 lần. Bảo tồn, phục dựng nguyên trạng 19 nhịp cầu sẽ tốn vài trăm triệu USD mà không rõ dùng để làm gì là điều xa xỉ, nhưng lập hồ sơ hiện trạng số, làm cơ sở đến lập trình các bước củng cố, khai thác tức thời/gia cường khai thác mở rộng/phục dựng, nâng công suất khai thác… chỉ mất chi phí rất nhỏ, chỉ là số lẻ. Hồ sơ số chính là phương án chủ động huy động đầu tư – nếu ưu tiên vốn  trong nước không phải vay mượn, nhờ cậy bên ngoài thì có lợi ích nhiều mặt.

Hồ sơ hiện trạng cầu Long Biên từ nguồn tư liệu Lưu trữ TW1 và khảo sát thực địa do các KTS Hà Nội với sự trợ giúp công nghệ số hóa của các chuyên gia quốc tế (Nguồn: CitySolution&OCArchitect)

Hầu hết các cây cầu sắt trên khắp thế giới được Bảo tồn bằng cách khai thác đúng chức năng. Cầu Long Biên là tuyến giao thông vượt qua sông Hồng giải cứu các cây cầu qua sông đang ách tắc trầm trọng. Khai thác ngay nguyên trạng của nó sau khi gia cường đảm bảo an toàn và từng bước mở rộng phục dựng. Dùng hàng ngày thì sẽ giữ hàng ngày. Đứng ngoài mà ca ngợi, than thở, tiếc nuối thì tự nó rỉ sét và sập đổ – Một mũi tên trúng 2 mục đích .

Đề xuất Cầu Long Biên 2 tầng: Đường sắt đô thị/Đường sắt ngoại ô (Suburban Railway) và đường bộ. Thảo luận chuyên gia và cộng đồng sử dụng cầu tầng 2 có làm đường sắt hoặc đường bộ. (Nguồn: CitySolution & OCArchitect)

Nguồn kinh phí bảo tồn từ chính việc cung cấp dịch vụ giao thông và dịch vụ thương mại từ chính hạ tầng nhà ga và các không gian phát triển dọc tuyến – theo định hướng TOD (Transit Orient Develoment): phát triển, canh tân đô thị dọc theo tuyến đường sắt đô thị… Giải phóng nguồn lực để tự cân đối cho đầu tư, chống sập đổ, nâng cao an toàn trùng tu, nâng cấp, phục dựng nguyên dạng cầu.

Phương án mở rộng Cầu Long Biên 2 làn Đường sắt đô thị và đường bộ. Tầng 2 dành cho đi bộ (Nguồn: CitySolution &OCArchitect)

Các KTS Hà Nội đã hợp tác với các chuyên gia quốc tế để xây dựng phương án và công bố, thảo luận truyền thông và sớm báo cáo Thành phố theo Chương trinh hợp tác về lĩnh vực quy hoạch kiến trúc trên địa bàn Thủ đô do Thành phố Hà Nội đã ký với Hội KTS (ngày 29/9/2022).

Tác giả và các thành viện Hội KTS Hà Nội tại Lễ ký kết chương trình hợp tác giữa UBND TP Hà Nội và Hội KTS Việt Nam, Hà Nội

Qua ví dụ về cầu Long Biên, chúng ta có thể khẳng định rằng cây cầu này chính là một công trình biểu tượng của Việt Nam. Nhiều chuyên so sánh giá trị giống như tháp Eiffel của Pháp và tượng Nữ thần Tự do của Mỹ. Để bảo vệ cây cầu này như một tài sản quốc gia, Việt Nam cần định danh cầu Long Biên là một tài sản văn hóa theo trình tự 4 bước: (1) Bảo vệ; (2) Bảo tồn; (3) Khai thác; (4) Phát huy. Tiếp theo cần có một quy trình thể chế hóa tài sản văn hóa bao gồm: (1) Xác định giá trị (của đối tượng văn hóa); (2) Lập tiêu chí thể chế hóa; (3) Lập quy trình (bảo vệ – bảo tồn – khai thác); (4) Luật hóa.

Trong bối cảnh vấn đề tiếp cận vốn văn hóa hay tài sản văn hóa ở Việt Nam còn mới mẻ thì giai đoạn nhận diện, bảo vệ là quan trọng, đồng thời nên thông qua trường hợp cụ thể để hình thành phương pháp cũng như xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp. Trong khi chờ đợi quy trình thể chế hóa, chúng ta cần có một chính sách bảo vệ, đây là điều hết sức cấp thiết. Tiếp đó sẽ là bảo tồn và phát huy giá trị của loại tài sản văn hóa này. Có như vậy thì những ứng xử với Cầu Long Biên mới có được những bước đột phá để xây dựng chính sách phù hợp. Hy vọng Hà Nội sẽ sử dụng hiệu quả vốn văn hóa từ công trình biểu tượng này. Nếu thành công, đây sẽ là một bước đột phá về chính sách trong việc khai thác các nguồn lực văn hóa cho phát triển bền vững mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc tới trong Kết luận tại cuộc Hội thảo vừa qua.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội