23/12/2021

Hội thảo “Xu hướng phát triển công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam”

“Xu hướng phát triển công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam” là xu hướng tất yếu để xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam xanh và bền vững. Đây cũng chính là lý do chọn chủ đề cho phần hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện “Tuần lễ công trình xanh 2021” thu nhỏ do Viện Kiến trúc quốc gia và Tạp chí Kiến trúc Việt Nam thực hiện, được tổ chức vào ngày 24/12/2021, tại Viện Kiến trúc Quốc Gia – 389 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Từ năm 1990, một số nước trên thế giới đã nhen nhóm hình thành dạng công trình hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thích ứng các điều kiện khí hậu, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước và vật liệu cũng như giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo điều kiện sống cho cộng đồng. Đến nay, làn sóng này đã và đang lan rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới. Làn sóng phát triển công trình xanh đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, trở thành “Cuộc cách mạng Công trình xanh” trong lĩnh vực xây dựng và lan tỏa tới hơn 100 quốc gia.

Về mặt nhận thức, Việt Nam không bị chậm hơn so với các quốc gia Đông Nam Á. Singapore thành lập hoạt động công trình xanh vào đầu năm 2005, Việt Nam thành lập vào năm 2007, Thái Lan & Malaysia thành lập vào năm 2008-2009. Tuy nhiên, về vấn đề thực thi, tốc độ xây dựng công trình xanh tại Việt Nam so với các quốc gia top 3 trong khu vực thì còn chậm.

Từ năm 2010 trở đi, Việt Nam mới bắt đầu khoảng thời gian thực thi, trải qua 10 năm (2012-2021) thì số lượng công trình xanh của Việt Nam tính đến tháng 5/2021 đã được hoàn thành và có chứng nhận là 174 công trình. Số lượng đang được thiết kế và thi công chưa có chứng nhận khoảng 100-150 công trình.

So với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, số lượng đạt công trình xanh của Thái Lan hiện gấp đôi Việt Nam, Malaysia có tỉ lệ cao hơn Việt Nam, riêng Singapore hiện nay có khoảng từ 4.000 đến 5.000 công trình đã hoàn thành.

Đối với khu vực khác trên thế giới, nhiều quốc gia đã khởi động công trình xanh vào khoảng đầu thập niên 1990 (Anh bắt đầu vào khoảng năm 1993, Mỹ bắt đầu vào năm 1998). Tại Mỹ hiện nay có khoảng 100.000 công trình, chỉ riêng bang Texas (với 25 triệu dân bằng ¼ so với dân số Việt Nam) năm 2020 đã có gần 3.000 công trình xây dựng theo chứng chỉ LEED.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê tính đến tháng 5/2021, lượng công trình đã được cấp chứng chỉ công trình xanh của Việt Nam là 174 công trình. Riêng năm 2020 là 41 công trình. Đây là những con số mà Việt Nam cần phải chấp nhận và xem đây là một cơ hội vì tỷ lệ xây dựng của Việt Nam còn tương đối lớn.

Như vậy, “Xu hướng phát triển công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam” là xu hướng tất yếu để xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam “xanh” và bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển công trình xanh tại Việt Nam có thể nói là hướng đi rõ rệt nhất để nâng cao chất lượng các công trình xây dựng và đáp ứng nhu cầu sống chất lượng cao cho người dân; Đồng thời tạo sự phát triển mạnh mẽ thành thị và nông thôn Việt Nam. Xu hướng này cũng đã trải qua trên 10 năm thực thi bước đầu và chuyển tiếp từ nghiên cứu để đi vào thực tiễn với sự nỗ lực của Đảng, nhà nước, các tổ chức quốc tế cũng như sự nhận thức, vào cuộc tích cực của xã hội, đặc biệt là các nhà tư vấn thiết kế, các chủ đầu tư.

Phát triển công trình xanh tại Việt Nam vào thời điểm này xét thấy cần bước sang một giai đoạn mới quyết liệt và hiện thực hóa cao hơn nữa.

Do vậy, vấn đề “Phát triển Công trình xanh tại Việt Nam sau 10 năm thực thi” là vấn đề cần thiết để đặt ra vào thời điểm này. Việt Nam cần có một chương trình khảo sát, tổng kết, đánh giá trên quy mô toàn quốc về thực tiễn phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay với những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc… Từ đó đề ra những mục tiêu, chính sách mới, phù hợp; Tạo động lực mới cho công cuộc phát triển công trình xanh mạnh mẽ tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Cần thêm thông tin, bạn đọc vui lòng liên hệ

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam                                             

Điện thoại: 024. 37620132

Email: tcktvn@gmail.com