14/07/2020

Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều với người Việt hiện đại

(KTVN 228) – LTS: Lịch sử để lại những chứng nhân tiến biển của người Việt cổ và hôm nay những người Việt hiện đại đang tiếp bước công cuộc tiến biển ngày càng mạnh mẽ. Chúng ta đang gặp những thách thức nào khi đô thị hóa tiến biển? Phải chăng cần thiết đi tìm những lối ra cho vấn đề này?

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục chia sẻ về việc tiếp cận một hướng đi với mô hình HỆ SINH THÁI ĐÔ THỊ BIỂN ĐA CHIỀU (không phải là đô thị đơn độc) với các cấu trúc sinh thái có thể kế thừa các quần cư cũ, các giá trị bản địa đồng thời mềm dẻo, linh hoạt và năng động để có thể tiếp nhận các cấu trúc không gian mới, các cấu trúc văn hóa, xã hội mới, tiếp nhận sự sáng tạo hơn của con người đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu với tư duy bồi hoàn môi trường sinh thái bản địa trong suốt vòng đời dự án phát triển.

Đảo Song Ngư, Nghệ An - Nguồn ảnh: Phú Đức

Đảo Song Ngư, Nghệ An – Nguồn ảnh: Phú Đức

Biển với người Việt hiện đại

Là một đất nước của sông ngòi và bờ biển chạy suốt 3.000km, mô hình đô thị nhỏ với những con phố liêu xiêu, gắn thị dân với giao thương hàng hóa trên sông nước và biển đã tạo cho Việt Nam một dạng cư trú độc đáo duy trì đến tận ngày nay – Một sáng tạo của người Việt đậm chất bản địa.

Quay về nguồn cội, “phố Việt” khởi đầu chỉ một dãy quán bán hàng chạy từ bến sông đi lên để đón hàng hóa, vốn chủ yếu do giao thông thủy cung ứng quanh vùng. Hàng hóa bán chạy và quán xá mọc lên như nấm, tạo thị và cảng thị từ những con phố nhỏ như vậy mà thành. Kẻ Chợ, Phố Hiến, Vân Đồn, Kỳ Lừa, Bao Vinh, Hội An, Gia Định, Chợ Lớn, Phố – bến Ninh Kiều với Chợ nổi ngã ba sông, phố cổ Hà Tiên… hình thành do buôn bán từ cảng thị với tàu bè trong và ngoài nước. Các Đô thị – Cảng thị với những khu phố cổ lừng danh trong ngoài nước đã là chứng nhân tiến biển của người Việt cổ.

Và ngày nay, chúng ta cần suy nghĩ về không gian biển trên nền nhân bản với các sự lựa chọn mới – “Đô thị biển”, nơi cư trú tương lai trong bối cảnh gia tăng dân số ở Việt Nam (mỗi năm khoảng hơn 1,5 triệu người sinh ra).

Lãnh thổ biển Việt Nam và vùng duyên hải kéo dài của Việt Nam có vai trò rất quan trọng và đã hình thành những khu vực định cư biển nổi tiếng trong lịch sử với các đặc trưng sinh thái riêng biệt: Hạ Long, Vân Đồn, Đồ Sơn, Bến Thủy, Ba Đồn, Hội An, Cần Giờ…

Và, với lịch sử chinh phục biển, các biến số kinh tế, xã hội và chính trị của chính nó khiến bất kỳ ai quan tâm đến vận mạng dân tộc cũng không thể bỏ qua câu hỏi: Việt Nam là quốc gia biển hay là một quốc gia cạnh biển? Câu hỏi đó cần đến sự đồng thuận to lớn của dân tộc để khẳng định quan điểm chung rằng: Lãnh thổ cư trú tương lai của Việt Nam là Chuỗi đô thị biển và nền kinh tế chủ đạo của Việt Nam trong tương lai dựa vào biển cả nhiều hơn là từ đất liền.

Những nguyên nhân nào dẫn đến tiến biển ngày càng mạnh mẽ của người Việt hiện đại?

Tích tụ dân cư đô thị: Dẫn dắt bởi những người di cư trẻ, đô thị hóa ở Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á, tăng 3% mỗi năm kể từ 2010 so với trung bình khu vực là 2,5%. Đặc tính này chủ yếu do quá trình di dân nông thôn – đô thị thúc đẩy. Đến 2009, mỗi năm 1,2% dân di chuyển đi khỏi nơi gốc, trong đó di cư đến TPHCM là 30% và Hà Nội là 10%. Xu hướng ly hương càng tăng nhanh từ 2015 đến nay, chủ yếu ở độ tuổi 20-29.

Đô thị bành trướng do được tiếp sức từ quá trình dịch cư nông thôn, dễ hiểu tại sao gia tăng các khu dân cư tự phát bên rìa thành phố, chúng được dấu đằng sau vô số khu đô thị hiện đại, những khu quy hoạch mới. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ thị trường bất động sản rất sôi động, kéo theo nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất. Chính xu hướng tích tụ dân cư đô thị cũng là một thuận lợi của đô thị hóa ven biển, nếu chúng ta xây dựng Chuỗi đô thị biển.

Một góc Nha Trang - Nguồn ảnh:  Doãn Đức

Một góc Nha Trang – Nguồn ảnh: Doãn Đức

Biến đổi khí hậu đe dọa cư trú truyền thống ở hai đồng bằng châu thổ lớn nhất: Việt Nam đang đối mặt với sự tác động ngày càng xấu đến hai đồng bằng chính là Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) từ biến đổi khí hậu, xây 18 con đập thủy điện trên toàn hệ thống sông Mê Kông, khai thác cát và nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún toàn diện và xâm nhập mặn nặng nề vào sông, kênh rạch và đồng ruộng…

Việc cấp thiết hiện nay là tìm cách tích tụ dân cư tại hai đồng bằng, đặc biệt ở các cửa sông và vùng biển thuận lợi về sinh thái để xây dựng mô hình Đô thị biển tương tác đa chiều với hệ sinh thái tự nhiên, quần cư và nhân văn tại chỗ, để trụ lại mà ứng phó biến đổi khí hậu, trụ lại để giữ hai đồng bằng châu thổ quan trọng nhất của Việt Nam.

Đặc biệt xu hướng di dân từ nông thôn vào đô thị đang ngày càng mạnh mẽ ở lớp trẻ, để lại sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực tại chỗ, kéo theo sự xáo trộn lớn về định cư nông thôn với những suy thoái không hề nhỏ ở cả ba mặt: môi trường sinh thái tự nhiên, quần cư và nhân văn.

Hiện tượng trên xảy ra đầu tiên ở những vùng giáp biển, các con sông và vùng đất bị nhiễm mặn đang ngày càng lan rộng trên bản đồ thủy văn. Nếu gọi đúng tên, chúng ta đang lùi dần nhường chỗ cho những rủi ro có thể để hai đồng bằng căn cốt của dân tộc lún sụt và chìm trong nước. Việc nghĩ ra các dự án cho phát triển chỉ là những kế sách tạm thời nếu con người bản địa rút lui về các thành phố lớn nằm sâu trong đất liền, nhiều điều kiện sống hơn.

Những thách thức đô thị hoá khi tiến biển

Bắt đầu đô thị hóa, năm 1989, đô thị Việt Nam chiếm 5% diện tích và dưới 13% dân số. Thời điểm đó, cả nước có 62 đô thị, chỉ duy nhất TPHCM dân số hơn 1 triệu người, một đô thị 0,5-1 triệu người (Hà Nội), 18 đô thị dân số 100.000-500.000 người, 42 đô thị còn lại dưới 100.000 người.

Hai mươi năm sau, năm 2009, dân số đô thị ước tính chiếm 30% dân số. Và năm 2020 dân đô thị gần 40% với 811 đô thị – con số đô thị gấp 13 lần với kỳ tích là 2 thành phố trên 10 triệu dân.

Dự tính đến 2030 dân số đô thị tăng đến 50% với hơn 50 triệu người (Tổng cục Thống kê và UNDP).

Năm 2019, thống kê chính thức dân số TPHCM là 8,9 triệu dân và Hà Nội sau khi phình to đột ngột là 8,11 triệu. Thành phố không phải nơi chỉ để ngủ và đăng ký hộ khẩu, mà luôn có thêm 1/3 dân co dãn theo chân việc làm, cơ hội, du lịch và trao đổi…, dẫn đến TPHCM có số dân sinh sống thực trên 13 triệu và Hà Nội là 11 triệu.

Nếu không có chính sách đô thị hóa hợp lý, hai thành phố này sẽ tăng tự phát dân số lên 15-20 triệu để gia nhập 20 siêu thành phố lớn nhất thế giới. Cả hai thành phố, theo ý chí lãnh đạo kỳ vọng sẽ đóng vai con gà đẻ trứng vàng, đã không còn giải pháp đáp ứng đủ nhà ở, hạ tầng, việc làm, giảm ô nhiễm và dính kết xã hội trong thời gian quá ngắn như vậy, nói chi đến tăng trưởng và ứng phó thảm họa, dịch bệnh.

Đô thị Việt Nam đi lên với hình thái dàn trải, phát triển xôi đỗ với chủ yếu là nền kinh tế hộ gia đình, liệu có đương đầu với tương lai bất định nhiều thảm họa của thế kỷ 21?

Tổ chức kinh tế thế giới – OECD đánh giá có 5 điểm nghẽn lớn đối với tương lai đô thị Việt Nam:

1. Trình độ lao động đô thị thấp (Năm 2015 có 80% lao động đô thị không bằng cấp chuyên môn), lại chỉ tập trung lao động bậc cao ở thành phố lớn;

2. Hạ tầng giao thông yếu kém khi đất giao thông Hà Nội bình quân đầu người là 4,8m2, TPHCM là 2,9m2 bằng 20-25% chuẩn quốc tế. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh sử dụng ô tô cá nhân ồ ạt làm tắc nghẽn đô thị, trong khi giao thông công cộng chỉ gánh được 8-11% (Số lượng xe cá nhân bán ra tăng 39%/năm, dẫn đầu Đông Nam Á);

3. Đô thị hóa đi kèm với thách thức môi trường nghiêm trọng gây nguy cơ cho sức khỏe dân cư và nền kinh tế (Chỉ riêng bụi mịn PM theo chuẩn WHO là 20ug/m3/năm, thì HN là 150-180ug/m3 và TPHCM là 96ug/m3);

4. Bành trướng đô thị lấn vành đai nông nghiệp và tự nhiên ở ngoại vi, phát triển lạc hậu về hình thể theo mảng, biến tướng về chức năng (theo vết xe đổ mở rộng Hà Nội năm 2008, khi ôm trọn hành lang xanh gồm hơn 1.000 làng cổ xứ Đoài, vành đai nông nghiệp sông Nhuệ, lấn Xứ Mường huyền thoại Hòa Bình và vùng đất thiêng Mê Linh, tức đã “thanh toán” vùng xanh ngoại vi bao bọc Hà Nội mà vẫn chưa hình thành được cấu trúc);

5. Dân cư đô thị đang thực sự mất dính kết xã hội – Đánh mất dần gốc văn hóa bình đẳng làng xã lấy cộng cảm cộng đồng ngàn năm để phát triển.

Điều này cho thấy, Việt Nam cần xây dựng một tầm nhìn lớn và dài hạn tới cả trăm năm, ngàn năm để “tích tụ dân cư” và văn hóa sinh thái bản địa tại chính những nơi biển tiến ở cả hai đồng bằng châu thổ đang có tới gần 40 triệu người sinh sống. Bởi chỉ sự tích tụ dân cư để trụ lại mới có thể duy trì và đương đầu để phát triển lâu dài.

Một góc Bà  Rịa - Vũng Tàu - Nguồn ảnh: Doãn Đức

Một góc Bà Rịa – Vũng Tàu – Nguồn ảnh: Doãn Đức

Một lối ra – Xây dựng hệ sinh thái đô thị biển đa chiều

Với những gì đã trình bày ở trên, chúng tôi, những người làm công tác nghiên cứu định cư con người, quy hoạch và xây dựng nơi cư trú cho đô thị và nông thôn tại Hà Nội và TPHCM đã cùng thảo luận để đề xuất nghiên cứu mô hình không gian cho Hệ sinh thái đô thị đa chiều tại vùng biển ViệtNam-môhìnhthíchứngđểtíchtụdânsố nhanh nhất và tốn ít tài nguyên phát triển nhất, trong điều kiện đô thị hóa và biến đổi khí hậu.

Đây là tầm nhìn dài hơi và có tính thực tiễn cao đòi hỏi nghiên cứu liên ngành giữa quy hoạch không gian, sinh thái tự nhiên, sinh thái nhân văn và định cư con người. Chúng ta sẽ xây dựng một Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều (chứ không phải là đô thị đơn độc) với các cấu trúc sinh thái có thể kế thừa các quần cư cũ, các giá trị bản địa đồng thời mềm dẻo, linh hoạt và năng động để có thể tiếp nhận các cấu trúc không gian mới, các cấu trúc văn hóa, xã hội mới, tiếp nhận sự sáng tạo hơn của con người đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu với tư duy bồi hoàn môi trường sinh thái bản địa trong suốt vòng đời dự án phát triển.

Gọi đó là một Hệ sinh thái đô thị đa chiều, bởi bản chất, mô hình không gian đô thị này tương tác đa chiều với môi trường tự nhiên bao chứa nó, thông qua các cấu trúc kinh tế, xã hội, môi trường, thể chế và quản lý phát triển để tạo ra nền kinh tế tuần hoàn bền vững về mặt sinh thái.

Ý tưởng xây dựng “Khung đánh giá phát triển Hệ sinh thái đô thị đa chiều” đã được khởi động bởi Viện Tài nguyên Môi trường và Viện Nghiên cứu Định cư trong tọa đàm ngày 7/3/2020 tại Hà Nội.

Các chuyên gia đa ngành từ quy hoạch đô thị, quy hoạch cảnh quan, quản lý phát triển đô thị, sinh thái học đô thị và môi trường, không gian biển và kinh tế biển, đa dạng sinh học và du lịch sinh thái, địa chất thủy văn, đập lớn và xã hội học định cư… đi đến thống nhất cao về Ý tưởng (concept) và Phương pháp luận (methodology) cũng như các nội dung và cách làm việc để kết nối phát triển đô thị ven biển khi quan niệm rằng: Việt Nam phải tiến ra biển và làm chủ biển Đông trong thế kỷ 21.

Không thể có con đường lùi vì chúng ta đã có Biển với Người Việt cổ và bây giờ là Hệ sinh thái Đô thị biển với Người Việt hiện đại. Hai thành tố này cần kế thừa và phát huy một cách có khoa học và có tương tác đa chiều trong thời đại cần sự cân bằng giữa công nghệ và sinh thái.

Gợi ý những định tính của Hệ sinh thái đô thị đa chiều (HSTĐTĐC)

– Định nghĩa: HSTĐTĐC là một hệ thống hoàn chỉnh do con người tạo ra trên lãnh thổ biển và các đảo, duy trì và phát triển trên cơ sở thích ứng lâu dài và liên tục với các qui luật khách quan của hệ sinh thái tự nhiên (hay gọi là Môi trường sinh thái tự nhiên) bao chứa nó.

HSTĐTĐC là một tập hợp các không gian di sản vật thể và phi vật thể tại chỗ với cấu trúc không gian đô thị mới, có cấu trúc hay tổ chức rõ ràng, được điều chỉnh bởi các quy luật của nền kinh tế tuần hoàn, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau thông qua các cấu trúc hay tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội mà con người tạo lập.

Theo thời gian, hệ sinh thái quần cư biển kiểu mới sẽ hình thành để nuôi dưỡng nó, đồng thời tự thích ứng và phát triển qua dòng chảy hoạt động đa dạng của con người. HSTĐTĐC thường là đại diện cho các dạng thức đặc trưng của môi trường sinh thái tự nhiên, nhân văn và quần cư biển duy nhất của một cộng đồng, một tộc người hay một quốc gia.

– Tính chất:

+HSTĐTĐC vì vậy có tính đại diện, nổi trội, duy nhất trường tồn với thời gian lịch sử để kể câu chuyện về một bối cảnh phát triển định cư mới của con người tại một vùng biển lịch sử và địa lý đặc trưng, và không thể có sự trùng lặp về loại hình, quy mô, tính chất, đặc điểm và giá trị.

+HSTĐTĐC có thể được nghiên cứu theo nhiều cách khác nhau. Chúng có thể là các nghiên cứu lý thuyết hoặc các nghiên cứu thực nghiệm, hoặc xem xét sự khác biệt giữa các dạng đô thị sinh thái biển khác nhau trong cùng HSTĐTĐC, để hiểu rõ hơn cách chúng vận hành.

Các nghiên cứu có thể được thực hiện ở nhiều quy mô khác nhau, từ các nghiên cứu toàn bộ hệ thống, cho đến chỉ nghiên cứu các mô hình không gian hay xây dựng các bộ chỉ số đánh giá sự phát triển của chúng trong vòng đời xây dựng và vận hành.

+HSTĐTĐC được kiểm soát bởi cả hai yếu tố bên ngoài và bên trong. Các yếu tố bên ngoài như thiên nhiên, khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, đa dạng sinh học,… là yếu tố gốc ảnh hưởng lên HSĐTBĐC.

Các yếu tố bên trong như tổ chức không gian cư trú, di sản và văn hóa, các cấu trúc hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường, cơ chế vận hành và quản lý, cách thức tương tác và liên kết các thành phần của chúng kiểm soát các quá trình phát triển của HSTĐTĐC đồng thời lại bị phụ thuộc và kiểm soát bởi chính HSTĐTĐC đó như một “sự cân bằng động” để chúng tồn tại và hoàn thiện.

Tính chất “cân bằng động” cũng nói lên điều kiện hình thành và tương tác đa chiều của một HSTĐTĐC mà con người tạo ra trong lịch sử tiến biển, không bao gồm những sinh thái tự nhiên chưa có sự tác động của con người./.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục

Tag: đô thị biển, hệ sinh thái đa chiều, nguyễn hồng thục,