23/05/2024

Hành lang xanh – Cơ hội phát triển một Hà Nội xanh

(KTVN 250) Hành lang xanh (HLX) phía Tây Hà Nội là không gian đặc thù trong cấu trúc đô thị Hà Nội; được hình thành trong quy hoạch thủ đô Hà Nội mở rộng tại QĐ 1259 năm 2012 [1]. Đến nay Hà Nội đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung QĐ 1259 [2], HLX Hà Nội tiếp tục được xác định là một trong những không gian quan trọng vừa ngăn chặn phát triển đô thị hoá tràn lan, vừa phát triển bền vững dựa trên bảo tồn những giá trị môi trường sinh thái và văn hoá truyền thống “Xứ Đoài”. Bài viết chia sẻ gợi ý về định hướng quy hoạch phát triển dựa trên bảo tồn Hành lang xanh phía Tây Hà Nội.

Kiên định với mục tiêu dài hạn

Mục tiêu phát triển HLX Hà Nội tại QĐ 1259, vừa là ý tưởng là giải pháp không gian, vừa là chính sách quy hoạch-quản lý đô thị được vận dụng từ kinh nghiệm quy hoạch VĐX vùng thủ đô London. Sau hơn 10 năm thực hiện, HLX Hà Nội đã thực hiện được mục đích kiểm soát đô thị hoá nhảy cóc lan rộng từ đô thị trung tâm đến vùng nông thôn ngoại vi từ năm 2008 đến nay. Trong quá trình triển khai thực hiện HLX Hà Nội vẫn có nhiều quan điểm trái ngược, chủ yếu từ các nhà môi trường muốn duy trì nó như một cấu trúc Môi trường xanh và chống chịu BĐKH gia tăng, còn các nhà kinh tế và bất động sản muốn loại bỏ HLX và lập luận nó đang cản trở phát triển của thủ đô đang cần quĩ đất xây dựng đô thị.

Khái niệm HLX Hà Nội tương đồng với VĐX đô thị thế giới (Tuyên,2017; Phương Anh, 2018; Nhâm 2024). Các thành phố lớn sau chiến tranh thế giới lần thứ II đã coi VĐX đô thị là giải pháp quy hoạch hiện đại giải quyết tình trạng đô thị hoá lan toả mất kiểm soát. Giải pháp này đã kế thừa từ mô hình thành phố Vườn, áp dụng lần đầu trong quy hoạch thủ đô London (là một trong những chính sách quy hoạch đô thị quan trọng thuộc Khung chính sách quy hoạch quốc gia Vương quốc Anh (NPPF)). Các giai đoạn sau, VĐX phổ biến rộng rãi trên thế giới với tên gọi, chính sách phát triển, hình thái tổ chức không gian khác nhau như: HLX, dải xanh, nêm xanh, rừng đô thị, hạ tầng xanh…, trong đó Hà Nội lựa chọn tên gọi là HLX trong QĐ 1259.

HLX Hà Nội/VĐX thế giới từ lý thuyết đến thực tiễn còn nhiều bất cập, nhiều thành phố loại bỏ hoàn toàn ý tưởng VĐX như thành phố ToKyo Nhật Bản, nhiều thành phố tiếp tục duy trì ý tưởng VĐX theo cách thức riêng phù hợp với bối cảnh quốc gia của họ. Chủ yếu phụ thuộc vào sự quyết tâm chính trị của Chính quyền đô thị và nỗ lực của cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, vai trò và tầm quan trọng của HLX Hà Nội/VĐX thế giới được kiểm chứng trong nhiều thập kỷ và ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đến nay, Hà Nội vẫn kiên định thực hiện mục tiêu dài hạn phát triển HLX Hà Nội. Đây là cơ hội tạo dựng một Hà Nội xanh hơn. Điều chỉnh QĐ 1259 cần cụ thể hoá mục tiêu dài hạn về HLX trên địa bàn vùng nông thôn ngoại vi Hà Nội trên nguyên tắc phát triển dựa trên bảo tồn. Sau đây là 1 số gợi ý định hướng quy hoạch.

Định hướng phát triển vùng nông thôn ngoại vi dựa trên bảo tồn

Thiết lập vành đai kinh tế sinh thái phía tây Hà Nội, cân bằng với vành đai kinh tế đô thị – công nghiệp – logistic phía Đông

Quá trình biến đổi kinh tế – xã hội là yếu tố nền tảng tác động đến khía cạnh tổ chức lãnh thổ toàn thành phố. Các đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội cho thấy không gian đô thị đang mở về phía Đông, tạo ra cơ hội cho vùng phía Tây phát triển kinh tế sinh thái. Tuy nhiên cơ hội này sẽ bị phá huỷ nếu phát triển ồ ạt hoặc tự phát những lĩnh vực kinh tế phi sinh thái.

Cơ hội này cũng có thể trở nên tiêu cực về xã hội và văn hoá bản địa nếu đô thị hoá lấn sang vùng phía Tây dưới 3 hình thức: (1) Ảnh hưởng trực tiếp của đô thị trung tâm, sự bùng nổ đô thị từ tâm; (2) Ảnh hưởng gián tiếp của đô thị trung tâm, sự xuất hiện lối sống đô thị phòng ngủ; (3) Đô thị hoá tại chỗ do dân số tăng với sinh kế không có nền tảng sinh thái.

Các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội
(Nguồn) https://vneconomy.vn/ha-noi-khao-sat-su-quan-tam-cua-nha-dau-tu-doi-voi-du-an-quy-mo-hon-56-nghin-ty-dong.htm

Cả 3 điều này đều có chung một nguồn gốc: nền kinh tế sinh thái của vùng phía Tây không đủ lớn mạnh để trở thành nguồn động lực nội tại, mà vùng này tiếp tục bị xô đẩy theo các động lực ngoại tại, tức là bị khối trung tâm chi phối. Có thể dùng chính sách để xoay chuyển tình huống này. Và chỉ có chính sách mới là công cụ hữu hiệu để tránh cho vùng này thoát khỏi tương lai trờ thành vùng nửa xanh nửa xám.

Vùng ngoại vi các thành phố lớn thường là vùng hậu phương của đô thị trung tâm, phát triển nông nghiệp, cản trở bùng nổ đô thị, bảo tồn thiên nhiên, điều hoà khí hậu, hạn chế tác động thiên tai, cân bằng vật chất, năng lượng, phát thải; lưu truyền giá trị văn hoá bản địa. Phát triển kinh tế sinh thái là chìa khoá duy nhất để HLX hoàn thành chức năng của nó. Do đó cần xác định được khả năng hình thành các chức năng mới bền vững trong HLX từ khía cạnh kinh tế, văn hoá – xã hội, môi trường và hạ tầng là yếu tố tác động đến tổ chức không gian HLX phía Tây Hà Nội

Phát triển nông thôn xanh Hà Nội

HLX Hà Nội chứa đựng vùng nông thôn ngoại vi, tập trung dân cư có mật độ cao nhất trong cả nước. Đây là vùng phát triển nông nghiệp lâu đời và có thể được coi là khu vực mang nhiều đặc trưng điển hình của kinh tế nông nghiệp Việt Nam. GS.TS Doãn Minh Khôi lập luận rằng “HLX Hà Nội có những nét riêng, đặc biệt bởi tính đa dạng bao gồm rất nhiều thành phần khác nhau luôn biến đổi sôi động (đồng ruộng, chùa chiền, làng xã, làng nghề, trang trại…). Khác hẳn các VĐX thế giới, nơi chủ yếu là công viên rừng, các thảm thực vật và thiên nhiên hoang dã khá ổn định và yên tĩnh. Sự khác biệt này cho phép mở rộng khái niệm HLX kiểu Việt Nam”.

Phát triển Nông thôn Xanh Hà Nội, có mục tiêu chính: (1) Duy trì bản sắc văn hoá làng nông thôn truyền thống gắn với cảnh quan nông nghiệp, cảnh quan di tích lịch sử văn hoá; (2) Duy trì vành đai sinh thái nông nghiệp ngăn cản đô thị hoá lan toả; (3) Thúc đẩy mô hình “nén” trong cấu trúc không gian làng.

KGX nông nghiệp trong HLX phía Tây Hà Nội

KGX nông nghiệp là không gian cảnh quan đóng vai trò quan trọng hạ tầng kinh tế nông thôn; là hồn cốt biểu hiện đặc trưng của “nơi chốn”, là yếu tố căn cốt tạo dựng văn hoá bản sắc khu vực nông thôn. Khu vực nông nghiệp ở vùng thuần nông là nơi sản xuất hàng hoá nông nghiệp. Khu vực nông nghiệp ở vùng nông thôn đô thị hoá là động lực tiềm năng phát triển ngành dịch vụ đô thị; du lịch; tạo dựng môi trường sống đô thị; là hạ tầng xanh của đô thị.

Quản lý không gian nông nghiệp hiệu quả cần tạo dựng khuôn khổ pháp lý mới phát triển nông nghiệp đô thị của HLX, lập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để quản lý không gian nông nghiệp ven đô phù hợp với đặc điểm đô thị lớn của mỗi vùng miền, khuyến khích sáng kiến phát triển nông nghiệp đô thị đa dạng từ địa phương.

Phát triển hạ tầng xanh Hà Nội

Theo Mark A. Benedict và Edward T. McMahon (2002), hạ tầng xanh là “…mạng lưới liên kết những không gian xanh nhằm bảo tồn các giá trị và chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang đến các lợi ích cho con người”. Hạ tầng xanh xuất hiện ở tất cả các quy mô, trong không gian lãnh thổ rộng lớn của HLX Hà Nội, lợi ích của Hạ tầng xanh gắn với quản lý không gian trống hiệu quả; mang lại lợi ích cho sức khoẻ và phúc lợi của cộng đồng dân cư đồng hành với lợi ích môi sinh thông qua giải quyết tốt hạ tầng xanh trong bối cảnh đô thị hóa.

Phát triển hạ tầng xanh và quản lý KGX tự nhiên

Phát triển hạ tầng xanh Hà Nội dựa trên các phân vùng sinh thái: (1) Địa hình tự nhiên phía Tây Hà Nội: núi, đồi thấp, đồng bằng cao và đồng bằng thấp; theo dòng chảy sông Hồng và sông Đáy thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. (2) Mạng lưới sinh thái sông, hồ, đầm tự nhiên.

Phân bố KGX (VIUP)

Phát triển hạ tầng xanh, theo nguyên tắc: (i) Phù hợp với điều kiện tự nhiên, (ii) Tăng tỷ lệ không gian xanh công cộng phục vụ cộng đồng như công viên giải trí, khu TDTT ngoài trời; (iii) Tăng tỷ lệ phủ xanh công trình và đường phố trong đô thị vệ tinh, thị trấn và làng; (iv) Duy trì vùng trữ nước, ngập úng phòng BĐKH hoặc thiên tai, (v) Kiểm soát hành lang đê sông Đáy, sông Tích và khu bảo tồn thiên nhiên Ba Vì, Hương Tích hình thành hành lang ĐDSH, (vi) Kiểm soát bảo vệ đất nông nghiệp, xoá bỏ các yếu tố tạo xâm lấn đất nông nghiệp.

Hồi sinh các dòng sông: Sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Tích chảy qua Hà Nội theo chiều Bắc – Nam, tạo thành dạng địa hình 5 bậc thềm thành mạng lưới nước dày đặc, là nguồn gốc của nền nông nghiệp phát triển, cũng là nền tảng của sự phát triển thành thị sau đó. Khai thác các dòng sông phải dựa trên yêu cầu bảo tồn giá trị sinh thái ban đầu của chúng, các hoạt động kinh tế mới phải có giải pháp hồi sinh các dòng sông chết, và kiểm soát môi trường nước.

Hồi sinh các dòng sông

Lợi ích phát triển hạ tầng xanh đảm bảo điều hoà khí hậu, điều tiết lũ lụt. Nhưng cần có kế hoạch phân loại hệ thống sinh thái, gồm: vùng bảo vệ đặc biệt, vùng bảo vệ tích cực, vùng bảo vệ thông thường, vùng bảo vệ linh hoạt. Lập kế hoạch trồng cây xanh, tăng tỷ lệ che phủ rừng. Giảm thiểu tác động và bảo vệ hệ sinh thái HLX phía Tây Hà Nội theo nguyên tắc: phòng tránh, bồi đắp/bù hoàn, giảm thiểu.

Tạo kết nối con người với thiên nhiên

Bảo tồn tài nguyên sinh thái, phục hồi tài nguyên nước, phát triển các hành lang ĐDSH là mục tiêu hàng đầu. Từ đó mục tiêu đó, HLX Hà nội mang đến cơ hội tạo kết nối con người với thiên nhiên, thông qua chương trình phát triển các mô hình kinh tế sinh thái với sự tham gia cộng đồng và TKĐT, thiết kế cảnh quan liên kết xanh đô thị – nông thôn, tạo không gian có ý nghĩa về sức khoẻ, giáo dục, KHCN để người dân tiếp cận với không gian mở. Giải pháp TKĐT, thiết kế cảnh quan HLX chú trọng yếu tố tự nhiên và chất lượng cảnh quan tạo nên hình thái KGX đặc trưng bởi:

(i) các vùng cảnh quan sinh thái (cảnh quan nông nghiệp đô thị, cảnh quan nông nghiệp sinh thái, cảnh quan gò đồi, núi trồng cây lâu năm và lâm nghiệp, các khu bảo tồn thiên nhiên);

(ii) Kết nối dọc – kết nối tự nhiên theo các tuyến dòng chảy của sông tạo thành những hành lang sinh thái ĐDSH. Hệ thống sông, hồ liên kết các vùng cảnh quan sinh thái hình thành các hành lang ĐDSH; đồng thời kết nối các: Di sản văn hoá, (Di tích lịch sử, Làng nông nghiệp và làng nghề); các vùng cây đặc sản; các khu giải trí và TDTT ngoài trời;

(iii) kết nối ngang – kết nối nhân tạo, phát triển hệ thống các tuyến đường xanh dành cho xe bus, xe đạp kết nối từ đô thị trung tâm đến HLX, các tuyến đường rợp bóng cây kết nối từ trung tâm làng đến hoạt động giải trí, TDTT ngoài trời;

(iv) Các trọng điểm thu hút hoạt động là các công trình di sản văn hoá, các vùng cây đặc sản địa phương, và các công viên vùng,  khu giải trí và TDTT ngoài trời phát triển mới.

Thiết lập các không giản mở (hành lang đa dạng sinh thái, đường mòn xanh, khu giải trí, TDTT ngoài trời, công viên quy mô vùng) tạo cơ hội kết nối con người với thiên nhiên, kết nối khu cư trú đô thị/nông thôn với không gian mở.

Kết luận

HLX có chức năng kiểm soát đô thị hoá lan rộng từ đô thị trung tâm đến vùng nông thôn ngoại vi, duy trì không gian văn hoá bản địa và sinh thái tự nhiên tạo nền tảng cho Hà Nội Xanh “Văn minh-Văn hiến-Hiện đại”. Tiếp tục ý tưởng HLX trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch QĐ 1259 sẽ mang đến một Hà Nội xanh hơn trong tương lai. Tuy nhiên, triển khai thực hiện HLX trong thực tiễn đang gặp nhiều thách thức do thiếu các luận cứ khoa học chuyển đổi mô hình tổ chức định cư nông thôn thích ứng bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa và cách tiếp cận đa ngành và đa mục tiêu phù hợp điều kiện đặc thù Hà Nội cho qui hoạch HLX của Hà Nội, đòi hỏi các nhà khoa học quan tâm./.

Tham khảo

1. Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QĐ 1259)

2. Quyết định số 700/QĐ0TTg ngày 16 tháng 6 năm 2023 về Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

3. Phạm Thị Nhâm (2017), “Nghiên cứu quản lý phát triển quy hoạch xây dựng nông thôn mới khu vực ven đô thành phố lớn giai đoạn 2015 – 2035”, Đề tài khoa học cấp Bộ Xây Dựng.

4. VIUP (2024), Tài liệu báo cáo Hội nghị thẩm định đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

​Phạm Thị Nhâm, PVT Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia