16/09/2023

Hà Thành Thập tam trại

(KTVN 245) – Thập tam trại là tên gọi dân gian để nói về một vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long (nay bao gồm các địa danh: Thủ Lệ, Vạn Phúc, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Kim Mã, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Cống Vị, Cống Yên, Vĩnh Phúc, Xuân Biểu, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Giảng Võ) được vị công thần triều Lý tên Nguyễn Quý Công (Hoàng Phúc Trung hay Ông Hoàng Lệ Mật) người làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) lập công lớn và được vua ban thưởng tước lộc, song Ông đã không nhận mà tâu vua cho dân nghèo ở bản quán được vượt sông Nhị Hà sang khai hoang lập ấp ở phía tây thành Thăng Long, khai khẩn vùng đất hoang, lập 13 trại vừa là 13 ấp quân cơ để bảo vệ kinh đô, vừa là tạo nên các làng nghề, nông nghiệp trù phú, cung cấp các nhu yếu phẩm cho Kinh thành Thăng Long, như làng Ngọc Hà dệt lụa, trồng hoa, Hữu Tiệp nghề mộc, trồng hoa (Thời Pháp gọi chung với làng Ngọc Hà là Trại Hàng Hoa), Hào Nam trồng rau, Đại Yên làng thuốc.

Đền núi Sưa – đình Đại Yên – đền Đống Nước – đình tổng Vạn Phúc

Hiện nay, các làng nghề truyền thống xưa cũng đã có nhiều biến đổi do thời gian, nhưng dấu ấn về một vùng đất đặc biệt của chốn kinh kỳ vẫn còn đâu đó giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Qua khảo sát thực tế của nhiều sử gia, người dân vùng Thập tam trại hầu hết tự nhận mình là con cháu dòng dõi họ Hoàng ở Lệ Mật (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên).

Dân 13 trại còn giữ nhiều truyền thống nghề nghiệp của quê cũ Lệ Mật là nghề làm thuê đi tìm lá thuốc Nam và nghề bắt rắn…

Làng nghề thuốc Đại Yên đến nay vẫn có hộ dân tiếp tục duy trì

Trải qua nhiều biến đổi, Thập tam trại lúc đầu chỉ do một vài dòng họ khai khẩn, sau đông mới lập thành làng xã. Tuy vậy, giữa nơi ở mới (kinh quán) và quê cũ (cựu quán) vẫn có sợi dây liên kết. Chính vì vậy, hàng năm, cứ vào ngày 23/3 âm lịch, tại hội làng Lệ Mật, người dân Thập tam trại cũng tổ chức mừng ngày đức “Thánh tổ” đưa dân sang khai hoang lập ấp phía tây kinh thành. Các trại đều cử người và đem lễ vật về cúng tế. Ứng với câu đồng dao cổ vẫn được người dân Thập tam trại truyền tai nhau:

Đến ngày hăm ba tháng Ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.

Năm 2023, Lễ hội kỉ niệm 980 năm Thập tam trại được quận Ba Đình long trọng tổ chức ngày 20/3 âm lịch: rước đi đền Núi Sưa (quận Ba Đình) và quận Long Biên tổ chức ngày 23/3 âm lịch: rước về đình Lệ Mật (quận Long Biên).

Trong cả không gian phố phường của Quận trung tâm lịch sử với chức năng Trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, chỉ sau lớp nhà phố phía ngoài là hệ thống các làng của Thập tam trại len lỏi với đầy đủ thiết chế của làng thuần Việt xưa: Cổng làng – đường độc đạo – chùa đình đền – những ngôi nhà thôn quê nhỏ nhắn và nghề truyền thống… Bên cạnh đó là những lễ hội của từng Làng – Trại, của Thập tam trại với sự tham gia của đông đảo cư dân địa bàn, của liên quận cũng đã nói lên tình yêu, sự gắn bó với mảnh đất quê hương này.

Lễ kỉ niệm 980 năm Thập Tam Trải: Lễ rước đi tại đền núi Sưa (Ba Đình)

và rước về đình Lệ Mật (Long Biên)

Cùng với các khu vực không gian quy hoạch kiến trúc đặc thù: Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm chính trị Ba Đình, khu phố Pháp thì Thập tam trại cũng chính là đặc điểm – giá trị bản địa “Làng trong Phố” đặc thù, chuyên biệt của quận Ba Đình lịch sử. Nếu gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, không gian, làm tốt công tác thông tin quảng bá và khai thác tốt trong sự liên kết tour – tuyến “Hoàng thành Thăng Long – các trấn thành phía Tây (đền Voi Phục), phía Bắc ( Đến Quán Thánh )”… sẽ trở thành sản phẩm du lịch “Trở về nguồn cội” của quận Ba Đình góp phần cho nhân dân thấm, hiểu tình yêu quê hương và du khách tìm hiểu, khám phá về vùng đất Ba Đình “địa linh, nhân kiệt” này./.

Bài và ảnh: ThS.KTS Nguyễn Phú Đức