10/10/2024

Hà Nội trong tôi!…

(KTVN 252) – Một hình hài Hà Nội hiện đại, văn hóa, văn minh, giàu bản sắc trong thế kỷ XXI đang dần hiển hiện với những khát vọng phát triển lớn lao và khi ấy sông Hồng – dòng sông vĩ đại sẽ chảy trong lòng thành phố với đô thị sông Hồng, trở thành trục trung tâm phát triển kiến trúc văn hóa, cảnh quan và di sản của Thành phố ngàn năm tuổi.

1

Hà Nội hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Hà Nội mới chỉ rộng 150km2 với gần 450 ngàn người, tập trung đông đúc tại nội thành nơi có Hoàng Thành, Khu Phố Cổ, Khu Phố Pháp. Thời ấy, nói đến vườn Bách Thảo, Depo tàu điện ở phố Thụy Khê, gần Trường Bưởi, nay là Trường THPT Chu Văn An, cạnh Hồ Tây là đã thấy xa lắm và dân cư cũng rất thưa thớt.

Sau khi Thủ đô được tiếp quản (10/10/1954), dân số tăng nhanh cùng với sự phát triển các khu nhà ở tập thể mới được xây dựng, như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Quỳnh Mai, Thanh Xuân… Và đến hôm nay, trải qua 70 năm phát triển Hà Nội đã rộng tới 3.344km2, dân số lên tới 7,5 triệu người, trở thành một trong số đô thị lớn nhất thế giới.

Cùng với sự phát triển chung về kinh tế – xã hội, thì diện mạo kiến trúc Hà Nội cũng không ngừng biến đổi. Nhiều người sau hàng chục năm đi xa trở về đã không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường rộng thênh thang, nườm nượp xe ôtô, xe máy… hai bên là các tuyến phố mới với các tòa chung cư, khách sạn, văn phòng cho thuê có kiến trúc hiện đại, cao hàng chục tầng cùng vô vàn siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng rực rỡ biển hiệu quảng cáo, đêm đêm sặc sỡ đèn màu…

Còn nhớ, sau ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), công tác quy hoạch xây dựng Hà Nội được Bác Hồ và Bộ Chính trị rất quan tâm. Khi nghe báo cáo đồ án quy hoạch xây dựng mở rộng Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện… tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi”. Bác cũng nhắc “công tác quy hoạch phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có Ban Phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lỗi lầm, lãng phí”, hay “quy hoạch thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải đảm bảo vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp”.

Bức ảnh chụp Bác tại Hội nghị báo cáo Bộ Chính trị về Quy hoạch xây dựng mở rộng Hà Nội ngày 16/11/1959 đã trở thành tư liệu vô giá của ngành quy hoạch xây dựng Thủ đô và của cả nước. Dẫn ra như vậy để thấy quy hoạch xây dựng Hà Nội có tầm quan trọng như thế nào.

Một Hà Nội hôm nay với những kiến trúc, cảnh quan, công trình tràn đầy sức sống mới

2

Thời gian trôi thật nhanh. Mới đó đã 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô. Tôi là người Hà Nội, tự hào mà nhận thế, bởi tôi sinh ở làng, nhưng cả cuộc đời lại lớn lên và gắn bó với thành phố yêu thương này.

Hà Nội trong tôi có một cái gì đó thật đặc biệt, gần gũi và thân thuộc. Nó không hề giống Bangkok hay một đô thị hiện đại nào đó trên thế giới như Tokyo, Seoul, Trùng Khánh, Thượng Hải… mà tôi đã có dịp đi qua, cho dù hôm nay Hà Nội đã xây dựng được một khối lượng kiến trúc khổng lồ với hàng ngàn công trình được cải tạo và xây dựng mới cùng hệ thống hạ tầng giao thông đa chiều và đa tầng, mang lại cho thành phố cổ và cũ này một diện mạo mới theo hướng văn minh – hiện đại.

Đó là một Hà Nội với Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Sân vận động Quốc gia, Trụ sở các Bộ như Công An, Nội vụ, Tài nguyên – Môi trường, Bộ Ngoại giao (mới), Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà Quốc hội được xây dựng tại nơi Hội trường Ba Đình cũ…

Đó là một Hà Nội với các chung cư cao 20-30-40 tầng, thậm chí lên tới gần 80 tầng mang phong cách kiến trúc quốc tế như tòa nhà Keangnam nổi tiếng; là các khu đô thị mới như Ciputra, Times City, Royal City, Trung Hòa – Nhân Chính, Nam Trung Yên, Nam Thăng Long, Tây Hồ Tây, Linh Đàm… hay bên kia mạn Bắc sông Hồng là các khu đô thị Vincom Villages, Việt Hưng, Sài Đồng…

Đó là một Hà Nội được bao quanh với các tuyền đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4… cùng các tuyến đường sắt trên cao và cả tàu điện ngầm đã và sẽ được xây dựng. Có thể kể ra: tuyến đường sắt trên cao Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông, Nam Thăng Long – Tây Hà Nội và tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Tuyến đường cao tốc trên cao ở vành đai 3 từ Mai Dịch qua Khu đô thị Bắc Linh Đàm dài 9 km. Vành đai 2 là tuyến từ Nam cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở dài 5km, do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư; rồi tuyến tầu điện ngầm dài 6km có vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD, với điểm đầu từ phố Trần Hưng Đạo đến điểm cuối đặt tại nút giao thông Nguyễn Trãi…

Không thể kể hết ra đây những đổi thay của kiến trúc – đô thị Hà Nội làm ngỡ ngàng nhiều người đi xa trở về. Sự phát triển của Hà Nội như một quy luật tất yếu của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế đã mang đến cho Thành phố này những thuận lợi to lớn để tạo nên sự đổi thay ngoạn mục, nhưng cũng đặt ra biết bao thách thức.

Hà Nội như một cơ thể khoác trên mình chiếc áo quá rộng của một đô thị lớn vào loại hàng đầu thế giới về diện tích, nhưng còn đang rất thiếu nhiều yếu tố để cấu thành nên một đô thị hiện đại có tầm vóc trong khu vực và thế giới.

Các khu đô thị mới (không dành cho người nghèo đô thị) được xây dựng hiện đại, đem đến cho Hà Nội một bộ mặt kiến trúc mới đầy lãng mạn, nhưng nhiều nơi lại không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Một thời gian dài, công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị bị buông lỏng. Không hiếm dự án khu đô thị mới được xây dựng theo kiểu chia lô bán nền, thiếu không gian xanh, mặt nước và không gian công cộng để phục vụ nhu cầu của cuộc sống. Nhiều nơi không có hệ thống giáo dục công lập như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo mà thay vào đó là các trường quốc tế với học phí tính bằng hàng trăm, hàng ngàn USD.
Nhiều khu đô thị mới do thiếu sự gắn kết với nhau nên trở thành các ốc đảo có bộ mặt kiến trúc giàu sang nhưng cô độc. Nhiều khu nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội xây xong bị bỏ hoang, không người sử dụng vì nhiều lý do, gây lãng phí làm bức xúc xã hội…

Hà Nội vốn là thành phố của cây xanh, mặt nước, nhưng trong quá trình đô thị hóa và phát triển, hơn 50% diện tích đó đã biến mất để nhường chỗ cho các khu đô thị và công trình mới.

Sông Hồng, dòng sông Mẹ, dòng sông đã hàng vạn năm cần mẫn chở phù sa bồi đắp để tạo nên hình hài của mảnh đất Rồng bay, nhiều năm dài bị lãng quên. Nhiều đoạn chảy qua khu vực Hà Nội bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải, phế thải độc hại do chính cư dân thành phố này đổ xuống (?!).

Hà Nội là thành phố chứa đựng trong đó một bề dày lịch sử văn hóa với bao tầng lớp. Hàng trăm di tích đình, đền, chùa, miếu… những dấu tích kiến trúc trong khu vực Hoàng thành; rồi các Khu Phố Cổ, Khu Phố Pháp và kiến trúc mới được xây dựng sau ngày 10/10/1954, mà đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập quốc tế, chính là những lát cắt đa chiều phản ánh sự phát triển liên tục, thăng trầm và mâu thuẫn của kiến trúc thành phố ngàn năm tuổi.

Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2021)

3

Tôi không phải là người thích mơ mộng hão huyền và hoài cổ. Nhưng tôi thực sự ấm lòng mỗi khi đi trên những con đường thân quen của Hà Nội cũ rợp mát bóng cây, với các công trình xây dựng theo trường phái kiến trúc Đông Dương do các KTS người Pháp thiết kế như: Phủ Chủ Tịch, Nhà Hát Lớn, Tòa Khâm (nay là Nhà khách Chính phủ), Bảo tàng Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp, Thư viện Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ, Trụ sở Bộ Ngoại giao… hay các ngôi biệt thự vườn mang phong cách kiến trúc miền Nam nước Pháp nằm chung quanh khu vực quảng trường Ba Đình, trên các phố như: Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ và đâu đó trên nhiều đường phố khác của Thủ đô trải qua bao tháng năm vẫn còn đó, bền vững, lộng lẫy, kiêu sa, đẹp đến nao lòng trước các kiến trúc hỗn tạp của nền kinh tế thị trường hôm nay.

Khu Phố Cổ Hà Nội với những tên phố “Hàng” độc đáo mà hiếm một đô thị cổ nào trên thế giới có được vẫn còn đó. Cuộc sống nơi đây vẫn sôi động, bán mua suốt ngày đêm, minh chứng sống động của một Thăng Long thành phồn hoa đô hội, cách đây hơn mười thế kỷ, cho dù nhiều ngôi nhà ống đặc trưng, lô xô mái ngói thâm nâu đã mất dần đi, để thay thế vào đó là các khách sạn mini, nhà phố nhiều tầng, kiến trúc lai căng, kệch cỡm.

Hà Nội của tôi đang đổi thay để phù hợp với sự phát triển của thời đại. Vừa mới đây, Luật Thủ đô, Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, được Quốc hội khóa XV thông qua.

Một hình hài Hà Nội hiện đại, văn hóa, văn minh, giàu bản sắc trong thế kỷ XXI đang dần hiển hiện với những khát vọng phát triển lớn lao và khi ấy sông Hồng – dòng sông vĩ đại sẽ chảy trong lòng thành phố với đô thị sông Hồng, trở thành trục trung tâm phát triển kiến trúc văn hóa, cảnh quan và di sản của Thành phố ngàn năm tuổi.

Nhưng cho dù phát triển đến đâu, hiện đại đến đâu, thì mãi vẫn còn đó một không gian văn hóa lịch sử trải dài suốt ngàn năm. Một Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội cổ kính với danh thắng Hồ Gươm, Hồ Tây, cùng hàng ngàn di tích đền, đình, chùa, miếu và di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành chứa đựng bao trầm tích của cuốn biên niên sử hào hùng và bi tráng của một thuở ông cha ta dựng nước và giữ nước.

Và đó chính là hồn cốt, là bản sắc văn hóa của Hà Nội – Thành phố Hòa bình, Thành phố Sáng tạo.

Tòa nhà Keang Nam (khánh thành năm 2012)

Hà Nội của tôi vẫn đang đổi thay!

KTS Phạm Thanh Tùng