25/10/2023

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” – Bài 1: Quy hoạch giao thông Thủ đô không thể sơ sài, lạc hậu, dàn trải

(KTVN) – Sau 5 tháng triển khai lập Quy hoạch Thủ đô, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội gửi công văn tới các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã về việc xin ý kiến về Báo cáo, kèm theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch Thủ đô do liên danh tư vấn tập hợp từ kết quả của 13 đơn vị tư vấn trong liên danh thực hiện. Theo sát tiến trình thực hiện lập Quy hoạch, tác giả cho ý kiến mục Quy hoạch Giao thông do Viện Chiến lược và phát triển giao thông (TDSI) thực hiện.

Nội dung giao thông trong bản thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô

Dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô dày 1.116 trang, nội dung giao thông có 26 trang (0,23%) và 4 bản vẽ minh họa: quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt và Bản đồ hiện trạng giao thông Thủ đô 2022. Nội dung 7 phần, gồm các loại đường bộ, sắt, thủy, hàng không, giao thông đô thị, hạ tầng logistic và đánh giá chung – toàn bộ nội dung copy từ “Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050” do Thủ tướng Chính phủ Theo Quyết định 519/QĐ-TTg năm 2016 và “Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” theo Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2021.

So sánh bản vẽ trong báo cáo mục Quy hoạch giao thông rất sơ sài với bản vẽ do CitySolution trích dẫn: cần làm rõ thông tin Quy hoạch với thực tế, nguồn vốn thực hiện và những bất cập tồn tại, thách thức mới của hệ thống giao thông Thủ đô phải đối mặt

Báo cáo do tư vấn trình bày rất sơ sài thông tin về hiện trạng hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội, phân tích đánh giá hiệu quả đầu tư sau 25 năm triển khai mạng lưới cầu đường, đường sắt Hà Nội theo QHC108/QĐ-Ttg (1998-2023), sau 15 năm mở rộng Thủ đô (2008-2023). Đặc biệt sau 10 năm thực hiện QHC1259 (2011-2021), Thành phố Hà Nội công bố báo cáo rà soát đánh giá, trong đó cho biết “Tỷ lệ đất giao thông/đất xây dựng là 10,07% so với mục tiêu là 18-26% (đạt 46%). Mục tiêu mật độ đường giao thông là 10-13km/km2, thực tế mới đạt khoảng1,83 km/km2 (đạt15%)”.

So sánh bản vẽ trong báo cáo Quy hoạch giao thông rất sơ sài, lạc hậu với bản vẽ do CitySolution trình bày: làm rõ thông tin Quy hoạch với thực tế, những bất cập tồn tại, thách thức để có giải pháp khắc phục trong Quy hoạch Thủ đô

Khác xa với kết quả trên, Tư vấn trình bày trong báo cáo cho biết Hà Nội đã thực hiện 50% cầu và 54% đường các loại, nhưng không cho biết các hạng mục trên được thực hiện trong giai đoạn nào, nguồn vốn ở đâu? Trong 2 tỷ USD xây 4 cầu mới (Vĩnh Thịnh, Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Tuy), Hà Nội vay ODA ¾ cầu, như vậy vốn tự có mới đạt 25%. Trong 20 năm qua Ngân sách Thành phố đầu tư cho đường bộ hàng năm đạt 7-10% nhu cầu vốn theo quy hoạch, do vậy tư vấn chỉ đưa ra tổng số chiều dài đường mà không phân tích rõ đường hiện có, làm mới hay mở rộng, sửa chữa… sẽ ra sai số rất lớn giữa 7-10% với kết quả đạt 54% tổng khối lượng đầu tư hạ tầng đường bộ Hà Nội trong thời gian qua.

So sánh bản vẽ và thông tin đường sắt trong báo cáo Quy hoạch giao thông rất sơ sài với bản vẽ do CitySolution trình bày: làm rõ thực tế đầu tư hệ thống vận chuyển nhanh khối lượng lớn (UMRT) Hà Nội bao gồm đường sắt đô thị và BRT mới đạt 14,5%

Không chỉ con số thiếu sót hình vẽ sơ sài, lạc hậu Báo cáo Quy hoạch giao thông không phản ánh hết những bật cập về năng lực quản trị hay hiệu quả khai thác của dự án nhập khẩu vô cùng đắt đỏ và hoàn toàn bị động của loại hình này. Ví dụ BRT vật vã vận hành chậm chạp và lượng khách ít ỏi sau 7 năm (2016-2023). Tuyến ĐSĐT Cát Linh Hà Đông thi công 13 năm, đội vốn nhiều lần, năng lực vận chuyển <10% dự báo. Năm 2023: tiền bán vé 74 tỷ đồng, chi lương hết 97 tỷ đồng, chưa kể chi phí trả gốc và lãi vốn vay, chi phí vận hành, điện. Tuyến đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi đóng băng từ 2014 sau án tham nhũng; Tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dừng lại từ 2019 để vẽ lại nhà ga và lùi tiến độ tới 2031. Chưa có mét đường nào nhưng 2 dự án đã phải chi ra hơn 2 ngàn tỷ đồng; Tuyến Nhổn Ga Hà Nội ngổn ngang hố đào các phố, nhà thầu nước ngoài đã về nước từ 2021 kèm theo yêu cầu đền bù thiệt hại hơn 114 triệu USD mà không hẹn ngày nào quay lại.

Không rõ thực trạng nên đề xuất quy hoạch giao thông không khả thi

Tháng 5/2023 Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã phát biểu tại diễn đàn Quốc Hội: “với cách thức triển khai như hiện nay, việc hoàn thành gần 600km đường sắt đô thị còn lại tại hai thành phố lớn trong vòng 12 năm là bất khả thi”. Nhưng Tư vấn không cập nhật những thông tin rà soát đánh giá sau 10 năm thực hiện QHC 1259 của Hà Nội, phân tích những khó khăn thách thức của Hà Nội hiện tại và 10-20 năm tới để đề xuất các giải pháp khắc phục cụ thể mà vẫn đưa ra những khẩu hiệu xa vời, chép y nguyên bài cũ (đã có từ 2011) vào bản mới (2023) một cách sáo rỗng “Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường sắt đô thị đồng bộ, đủ năng lực thay thế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, làm cơ sở để tái thiết, phát triển đô thị văn minh, hiện đại theo mô hình TOD, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sức khoẻ cộng đồng, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát triển không gian xanh. Nâng cấp, mở rộng các trục Quốc lộ và các trục đường chính hiện có, tăng cường kết nối nhanh nội thành và ngoại thành để giảm mật độ dân số tại khu vực đô thị trung tâm, tạo điều kiện chỉnh trang, cải tạo đô thị trung tâm, đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và khai thác hiệu quả các giá trị đất đai, cảnh quan, sinh thái của khu vực ngoại thành, mở rộng không gian phát triển bền vững.”

Hà Nội đã công bố lập kế hoạch đầu tư hơn 8 tỷ USD (200 nghìn tỷ đồng) cho hạ tầng giao thông 5 năm tới (2021-2025) trong bối cảnh khó khăn hơn trước rất nhiều do đất đô thị đã cạn kiệt, đất tạo mặt bằng giao thông còn thấp, thiếu nguồn lực đầu tư? Câu hỏi đặt ra là Hà Nội 5 năm tới không có tiền để làm 8 tuyến đường sắt đô thị thì 10 triệu dân Hà Nội đi lại bằng gì? Nội dung Quy hoạch giao thông trong Quy hoạch Thủ đô cần đưa ra lời giải, lộ trình cụ thể. Nhưng những nội dung đã được Viện Chiến lược và phát triển giao thông (TDSI) trình bày 26 trang và 4 bản vẽ minh họa trong Báo Báo cáo Quy hoạch Thủ đô tháng 5/2023 đã không đáp ứng nhiệm vụ này

Quy hoạch giao thông trong Quy hoạch Thủ đô cần đổi mới sáng tạo

Hà Nội cần rất nhiều đường đi, bãi đỗ, giao thông công cộng. Nhưng giữa muôn ngàn thiếu thốn, khó khăn mọi nơi thì đâu là trọng tâm, trọng điểm cần bứt phá. Không phải tự dưng mà giữa bộn bề ngổn ngang của các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tháng 9/2023, Hội đồng thẩm định nhà nước đã có kế hoạch thẩm định dự án đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc; Tháng 10/2023 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội triển khai ngay tuyến đường này để giải quyết vấn đề kết nối giao thông.

So sánh bản vẽ trong báo cáo mục Quy hoạch giao thông rất sơ sài với bản vẽ do CitySolution trình bày: Mô phỏng phân tích GIS để chọn tuyến giao thông trọng điểm trên nền bản đồ đô thị có hoạt động cường độ cao kết nối với đô thị vệ tinh đầu tư lớn nhưng hoạt động còn rất hạn chế.

Điều đó cho thấy dự án đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc mang tính kích hoạt, bứt phá để giải thoát cho hàng loạt bế tắc trong tổng thể phát triển mà Quy hoach Thủ đô cần giải quyết: đó là kết nối Trung tâm Hà Nội với đô thị vệ tinh Hòa Lạc, kết nối giữa trung tâm Ba Đình với các trụ sở bộ ngành Tây Hồ Tây và Mễ Trì; Các trường Đại học, viện nghiên cứu nội đô với trung tâm giáo dục đại học, đổi mới sáng tạo dọc tuyến… đồng thời giải tỏa bế tắc của hàng trăm dự án BĐS để hoang hóa trong suốt 15 năm qua.

Tuyến đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc dài 38km, trị giá hơn 65 ngàn tỷ đồng (gần 3 tỷ USD) đã được JICA nghiên cứa trong báo cáo “Điều tra thu thập dữ liệu cho tuyến buýt nhanh (BRT) tại Hà Nội” (công bố 2014) cho biết: với dự báo 400 nghìn khách/ngày thì sau 48 năm khai thác (2016-2064) mới hoàn vốn. Tỉ lệ hoàn vốn nội bộ kinh tế EIRR = 10,9%, thấp hơn 12% – chỉ số tối thiểu trong “Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá năng lực của hoạt động trong lĩnh vực công” của Ngân Hàng Phát triển Châu Á (ADB). Tỉ lệ hoàn vốn nội bộ tài chính (FIRR) là âm (-) do đầu tư lớn và doanh thu từ vé không đủ – do vậy không hấp dẫn với các định chế tài chính quốc tế. Trong 20 năm qua, hầu hết các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam gặp nhiều bất ổn, ngoài lý do quản trị dự án yếu kém, có một phần năng lực tư vấn giao thông trong nước rất hạn chế, nay để tiếp cận theo lối cũ, quy trình cũ sẽ rủi ro rất lớn, do vậy cần cách tiếp cận mới.

Sơ đồ “Một hệ thống” tích hợp các ứng dụng công nghệ số trong Quy hoạch tích hợp do tư vấn quốc tế thực hiện có thể ứng dụng trong Quy hoạch Thủ đô – Nguồn: City Solution

Sau một thời gian chậm nhịp, các quốc gia Trung Á, Trung Đông, Trung Quốc, ASEAN, Nam Mỹ đã tăng tốc triển khai hàng ngàn dự án đầu tư hạ tầng lớn, dùng giải pháp “Một hệ thống” tích hợp các ứng dụng (GIS, BIM, MIS, IoT, AI) để triển khai. “Một hệ thống” gộp các thành phần: Hệ thống thông tin địa lý (GIS) với chức năng quản trị tài nguyên đất đai tự động hóa cao để giải phóng nguồn lực đầu tư từ không gian phát triển dự án, vượt qua những bất cập trong quản lý đất đai hiện trạng. Hệ thống quản lý thông tin xây dựng (BIM) không chỉ tối ưu hóa quản lý xây lắp công trình, kiểm soát tiến độ, chi phí mà còn kết nối trực tiếp các đối tác phân phối, cung ứng toàn cầu, cũng là đường dẫn kết nối các nhà tài trợ đầu tư, cấp vốn cho dự án. Hệ thống quản trị thông tin dự án (MIS) đảm bảo sự tin cậy, chính xác minh bạch, gia tăng giá trị đầu tư, cũng là tạo dòng đầu tư từ các đối tác trong nước và các tổ chức tài chính quốc tế. Các ứng dụng tích hợp với thông tin Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) nên tạo ra sức mạnh tổng hợp, có thể đáp ứng những yêu cầu của dự án đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc nhanh chóng, hiệu quả, đúng với tinh thần: “Tư duy mới – Tầm nhìn mới – Cơ hội mới – Giá trị mới” trong thực hiện Quy hoạch Thủ đô.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng)