22/04/2023

Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc làng cổ vùng Đông Nam Bộ

(KTVN 243) – Lịch sử dựng làng truyền thống vùng Đông Nam Bộ nằm trong bối cảnh chung của cuộc khai phá vùng đất Thuỷ Chân Lạp xưa. Trong quá trình khai phá, cư dân Việt ở đây đã tạo ra phương thức sản xuất và không gian cư trú phù hợp thích ứng với tự nhiên. Yếu tố tự nhiên và yếu tố nhân văn đã cùng chi phối việc phát triển cảnh quan của vùng và xác lập không gian làng trên vùng đất này. Tuy nhiên, cùng với những chuyển biến tích cực về đời sống xã hội, quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ trong thời gian vừa qua đã gây nên những áp lực chuyển đổi mạnh mẽ đối với không gian kiến trúc – cảnh quan các ngôi làng nông thôn nói chung và đặc biệt là với các ngôi làng cổ thuộc khu vực Đông Nam Bộ nói riêng. Bài viết đề xuất các giải pháp tổ chức không gian kiến trúc làng cổ vùng Đông Nam Bộ nhằm phát triển bền vững, đồng thời phù hợp với đặc điểm tự nhiên, thích ứng với quy luật thay đổi kinh tế xã hội văn hóa làng cổ vùng Đông Nam Bộ.

Đặt vấn đề

Xem xét các công trình kiến trúc thấp tầng ở làng cổ Đông Nam Bộ, có thể phân phong cách kiến trúc làm 3 dạng như sau: phong cách truyền thống (công trình tôn giáo, tín ngưỡng) với vật liệu có niên đại 300 năm trở lại đây; Phong cách Tây phương từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1975 và tản mạn các hình thức kiến trúc đương đại từ năm 1975 đến nay.

Thời gian gần đây, do tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, một số làng cổ (Phú Hội, Đông Hòa Hiệp…) đã được nhà nước quan tâm đầu tư công tác bảo tồn, người dân ý thức được trách nhiệm trong việc giữ gìn cảnh quan truyền thống. Các ngôi làng này còn giữ được cấu trúc tổng thể với các không gian đặc trưng: ở, sản xuất, tôn giáo tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, sản xuất. Và đặc biệt là các ngôi nhà cổ vẫn được bảo tồn nguyên trạng.
Tùy vào các ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của làn sóng đô thị hóa, không gian làng cổ có thể có những mức độ biến đổi chuyển hóa khác nhau. Các yếu tố ảnh hưởng đó có thể là nội sinh (internal), hoặc ngoại sinh (external). Ở vùng Đông Nam Bộ, một vùng đã có những biến đổi sâu sắc về hình thái kinh tế và sinh kế người dân, các loại hình không gian làng cổ cũng vì thế mà biến đổi mạnh mẽ và phức tạp theo sự chuyển đổi kinh tế – xã hội.

Về mức độ biến đổi không gian, có thể phân ra thành 3 dạng chính: Dạng 1: Biến đổi hoàn toàn; Dạng 2: Biến đổi 1 phần, đồng thời chuyển hóa; Dạng 3: Gần như còn nguyên trạng.

Việc phân loại mức độ chuyển hóa của các làng cổ là để đánh giá mức độ chuyển hóa của chúng theo các yếu tố về tiêu chí đánh giá, từ đó đưa ra mức độ chuyển hóa để có những định hướng cho phù hợp với quy luật kinh tế xã hội mà vẫn giữ được tinh thần của những giá trị văn hóa phi vật thể. Như vậy, dù đánh giá các mức độ chuyển hóa không gian kiến trúc, nhưng trong tiêu chí không thể không đề cập đến các giá trị phi vật thể, bên cạnh các giá trị vật thể về không gian làng và công trình.

Tiêu chí phân loại mức độ chuyển hóa không gian kiến trúc làng cổ

Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc làng cổ vùng Đông Nam Bộ

Giải pháp đối với Làng cổ biến đổi hoàn toàn

Về cơ bản, với các làng đã và đang tăng trưởng nhanh tốc độ đô thị hóa thì cấu trúc không gian tổng thể bị thay đổi nhiều và diễn ra sự biến đổi mạnh trên cơ sở mở rộng về quy mô và tăng mật độ xây dựng. Điều này dẫn đến cảnh quan tự nhiên bị thu hẹp và mối tương quan giữa kiến trúc và không gian bị phá vỡ. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới xuất hiện thêm một số các không gian tiện ích phụ trợ như sân thể thao, trường mầm non, trụ sở ủy ban… và đặc biệt là các khu sản xuất làng nghề đối với các làng có nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Đối với mô hình làng đô thị hóa, việc bảo tồn theo điểm hoặc theo khu nhỏ sẽ khả thi, qua đó, giữ lại hoặc phục hồi một khoảng không gian truyền thống để lưu giữ, giới thiệu những sản phẩm tinh xảo và công nghệ truyền thống (coi như lưu giữ phần “hồn” của giá trị gốc) để phục vụ công tác nghiên cứu và khách thăm quan du lịch trong môi trường phát triển mới… Như vậy sẽ duy trì được phần nào môi trường kinh tế – xã hội – văn hóa (thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, hàng thủ công địa phương, lễ hội…) và bảo tồn chất lượng môi trường tự nhiên và tài nguyên.

Nhận diện sự chuyển hóa các làng cổ Đông Nam Bộ biến đổi hoàn toàn

Đối với mỗi làng, tùy vào điều kiện cảnh quan và quỹ đất, điểm/khu lưu giữ giá trị truyền thống được đề xuất bao quanh các công trình công cộng truyền thống (điểm đỏ trên bản đồ) và không gian mở của làng (điểm xanh trên bản đồ). Các quy định, giải pháp cụ thể sẽ được nghiên cứu và thực hiện tại các đồ án quy hoạch nông thôn mới hoặc các đồ án quy hoạch chi tiết, trong đó, thể hiện được vai trò hoạt động, thúc đẩy sự tham gia, sự cộng sinh của các giá trị văn hóa, cũng như tạo dựng không gian kiến trúc làng. Ngoài ra, đối với không gian mở rộng, cần bổ sung các công trình công cộng và quỹ đất cư trú mới phù hợp với cảnh quan và tiến trình đô thị hóa, nhằm đảm bảo phục vụ sự tăng trưởng của dân cư tại chỗ.

Giải pháp đối với Làng cổ biến đổi một phần – chuyển hóa

Chiến lược phát triển các làng cổ đã và đang phát triển mạnh nền kinh tế tại chỗ dựa trên việc nâng cao tính hấp dẫn của khu vực bằng cách phát huy giá trị mang tính “vùng miền” và củng cố cơ cấu kinh tế – xã hội. Theo đó, các hoạt động nghề truyền thống và các di sản văn hóa – thiên nhiên của làng cổ và vùng phụ cận sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược kinh tế của các làng sinh thái trong tương lai. Để chiến lược thành công, việc cần thiết cần làm là nhận dạng các yếu tố cấu thành của không gian làng cổ để phát triển và trang bị cho làng những công cụ để bảo vệ và phát triển không gian làng theo những hướng độc đáo, phù hợp nhất với giá trị nội tại của làng. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cũng cần phải đáp ứng được nhu cầu của dân cư tại chỗ và dân cư trong tương lai.

Nhận diện sự chuyển hóa các làng cổ Đông Nam Bộ biến đổi một phần

Tổ chức không gian làng cổ mô hình này cần tập trung vào hình thức tổ chức sản xuất cụ thể (hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, hoạt động chế biến đồ ăn truyền thống, hiệp hội các nghệ nhân…), qua đó hỗ trợ nền kinh tế địa phương và cho các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cùng cam kết xây dựng giá trị chung nhất mang tính đặc trưng của địa phương.

Tổ chức không gian làng cổ có cấu trúc độc lập tương đối (tự cung tự cấp) sẽ theo hướng hình thành các cộng đồng cố kết về mặt xã hội, kinh tế và sinh thái, với các tiện ích và dịch vụ xã hội đầy đủ. Trong làng có thể có các cộng đồng nhỏ hơn, cùng chia sẻ các giá trị về sinh thái, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Sự đóng góp của giải pháp phân khu dựa vào đặc điểm không gian kiến trúc hiện trạng (sau chuyển hóa) là sẽ gìn giữ được tính toàn vẹn các giá trị đặc trưng của tài nguyên, lưu giữ được các không gian sản xuất truyền thống, thể hiện sự đa dạng của các xã hội trong lịch sử. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả, tích cực cơ sở hạ tầng có thể kế thừa, đường giao thông và hệ thống hạ tầng được nâng cấp đồng bộ, đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, phát triển và bảo vệ môi trường.

Đối với các không gian thành phần cần có đầy đủ các không gian chức năng và tiện ích hiện đại, phù hợp với chiến lược phát triển hiện đại hóa – công nghiệp hóa, nhưng vẫn cần có định hướng để các không gian kinh tế – sản xuất biến đổi từ từ và hiệu quả. Qua đó, phát huy được tiềm năng để phát triển kinh tế và thuận lợi trong quản lý, bảo vệ di sản vật thể và di sản phi vật thể.

Giải pháp đối với Làng cổ gần như còn nguyên vẹn

Do vị trí địa lý của các làng này không thuận lợi trong việc tăng trưởng kinh tế, sức tăng của dân số hầu như là tăng cơ học, địa bàn đất đai rộng, không chịu sức ép xây dựng, nên vẫn giữ được cấu trúc tổng thể, các không gian đặc trưng, các công trình tôn giáo tín ngưỡng (đình, chùa, miếu, nhà thờ họ) và nhiều nhà cổ được bảo tồn nguyên trạng. Sự thay đổi dễ nhìn ra nhất ở các kiến trúc nhà ở, các khuôn viên nhóm nhà ở biến đổi theo xu hướng: bị phá vỡ, biến dạng, hình thành các gia đình với khuôn viên nhỏ. Nhà ở truyền thống xuống cấp dần theo năm tháng. Mỗi khuôn viên gia đình xuất hiện thêm 1 ngôi nhà trệt xây mới kết cấu gạch – bê tông ngay bên cạnh ngôi nhà truyền thống. Kiến trúc các ngôi nhà mới này không ăn nhập với ngôi nhà truyền thống.

Nhận diện sự chuyển hóa các làng cổ Đông Nam Bộ gần như còn nguyên vẹn

Giải pháp chiến lược cho mô hình làng dạng này sẽ gắn với cải tạo chỉnh trang, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bảo tồn tổng thể – các thành phần cảnh quan (nhà ở, chợ, miếu thờ, đường đi lối lại…), đặt trong mối liên hệ khung cảnh tự nhiên, giữ nét cảnh quan đặc trưng làng cổ Đông Nam Bộ.

Đối với các làng gần như còn nguyên vẹn thì việc lưu giữ các hình thái kiến trúc ở đặc trưng; kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu truyền thống của địa phương và duy trì khoảng không gian sinh thái tự nhiên sẽ dễ dàng hơn. Nhưng trong tương lai, các làng cổ này sẽ dần biến đổi và chuyển sang trạng thái biến đổi một phần hoặc biến đổi hoàn toàn, do vậy, giải pháp phát triển mở rộng/lan tỏa – chuẩn bị sẵn quỹ đất, cải thiện khu vực xung quanh phù hợp với địa hình và điều kiện tự nhiên. Đặc biệt, cần có những giải pháp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên hợp lý và xử lý các chất thải sinh hoạt, rác thải sản xuất trong tương lai.

Sơ đồ giải pháp tổ chức không gian làng cổ Đông Nam Bộ

Kết luận

Cấu trúc không gian kiến trúc làng cổ vừa phản ánh vừa bị chi phối bởi các yếu tố: quản trị, kinh tế – xã hội; văn hóa – lịch sử; môi trường tự nhiên – biến đổi khí hậu. Đồng thời phải thỏa mãn 15 tiêu chí thuộc 03 nội dung chính: thích ứng với điều kiện kinh tế; thích ứng với điều kiện xã hội và thích ứng với điều kiện môi trường. Trong đó, thuộc tính quan trọng nhất đối với không gian làng cổ Đông Nam Bộ thích ứng là tính linh hoạt và quan hệ biện chứng giữa yếu tố khả biến và bất biến trong quá trình chuyển hóa cấu trúc không gian.

Hiện nay, phần lớn các làng cổ Đông Nam Bộ đang ở mức độ chuyển hóa một phần không gian kiến trúc (07 làng), số làng còn nguyên trạng là 04 làng, số làng biến đổi hoàn toàn là 03 làng. Nhìn về khía cạnh xu hướng, các làng hiện nay có mức độ chuyển hóa thấp thì trong tương lai, không gian kiến trúc của các làng này sẽ dần tịnh tiến và sẽ bị biến đổi hoàn toàn. Do vậy, khi áp dụng vào thực tiễn triển khai các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch nông thôn mới hay quy hoạch chi tiết, cần có những bước thu thập dữ liệu nhằm đưa ra được các dự báo ngắn hạn, dài hạn, khi đó, quy mô của các phân khu sẽ cụ thể và phù hợp hơn./.

Tài liệu tham khảo

1. Phan Xuân Biên, 2023. Miền Đông Nam Bộ con người và văn hóa. NXB Đại học Quốc Gia TPHCM.
2. Trần Trung Chính, 2014. Kế thừa di sản định cư trong kế hoạch phát triển.
3. Trần Đức Cường, 2021. Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển Vùng Đất Nam Bộ. NXB Khoa học Xã hội.
4. Lê Trí Dũng, 2010. Báo cáo tổng kết khoa học Đề tài Làng Phú Hội – Ban QL Di tích và danh thắng.
5. Vũ Hoài Đức, 2019. Đặc điểm và sự biến đổi cấu trúc không gian khu phố cũ Hà Nội. Luận án tiến sĩ trường Đại học kiến trúc Hà Nội, Hà Nội.
6. Ngô Trung Hải, 2017. Cấu trúc không gian đô thị thích ứng trong quá trình chuyển hóa không gian đô thị Việt Nam (lấy Hà Nội làm ví dụ nghiên cứu). Luận án Tiến sĩ Viện Kiến Trúc Quốc gia, Hà Nội.
7. Nguyễn Văn Hồng, Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Thị Cầm Mi, 2021. Nghiên cứu xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho tỉnh Bình Dương. Bài đăng trên Tạp chí khoa học Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, đăng ngày 04/06/2021.
8. Khuất Tân Hưng, 2014. Làng cổ Đường Lâm với những tiêu chí bảo tồn và phát triển bền vững. Tạp chí Kiến trúc & Xây dựng số 15, tháng 8-2014.
9. Nguyễn Tuấn Minh, 2021. Mô hình tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn mới kế thừa giá trị văn hóa truyền thống các vùng miền. Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới gian đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
10. Nguyễn Thanh Lợi, 2010. Lịch sử phát triển đình làng Đông Nam Bộ. Tập chí Khoa học trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh. Số 03/2010.
11. Linh Nga, 2022. Bà Rịa – Vũng Tàu ứng phó với biến đổi khí hậu: Tập trung vào đê biển và rừng chắn sóng. Báo điện tử của Bộ Tài nguyên và môi trường, đăng ngày 22/09/2022.
12. Ngô Văn Lệ – Huỳnh Ngọc Thu – Ngô Thị Phương Lan, 2016. Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Đông Nam Bộ trong tiến trình phát triển xã hội ở Việt Nam. NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật.

THS.KTS NGUYỄN THÀNH CÔNG – Giám đốc trung tâm Kiến trúc quy hoạch nông thôn, Viện Kiến trúc Quốc gia