Ngày 13/9, giá nhôm thế giới vượt mốc 3.000 USD/tấn lần đầu tiên trong 13 năm do những lo ngại về nguồn cung.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán chuyển động trái chiều do lạm phát kỷ lục tại Mỹ làm gia tăng quan ngại rằng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ siết chặt chính sách tiền tệ.
Các thông tin mới về khả năng Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra thương mại mới đối với Trung Quốc cũng góp phần gây tâm lý lo ngại trên thị trường, đồng thời ảnh hưởng đến sự lạc quan sau các thông tin lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc đã có các cuộc thảo luận vào ngày 10/9 nhằm cải thiện quan hệ thương mại song phương.
Sau thời gian khởi đầu tháng Chín đầy lạc quan tại thị trường châu Á, tâm lý thị trường bắt đầu chững lại và đi xuống sau khi các dữ liệu ngày 10/9 cho thấy lạm phát tại điểm sản xuất ở Mỹ tăng mạnh trong tháng Tám lên mức cao kỷ lục 8,3% do nhu cầu tăng mạnh trong khi cung ứng và thị trường lao động chưa kịp phục hồi để đáp ứng.
Một phần dẫn tới tình trạng lạm phát kỷ lục là do giá cả hàng hóa tăng mạnh, đặc biệt khi xuất hiện các thông tin giá nhôm vượt mức 3.000 USD/tấn lần đầu trong 13 năm.
Giá nhôm tăng chủ yếu do nhà sản xuất quặng bauxit hàng đầu thế giới là Guinea rơi vào bất ổn chính trị trong khi sản lượng tại Trung Quốc thấp.
Những dữ liệu kinh tế tại Mỹ càng làm gia tăng những đồn đoán về việc Fed sẽ siết chặt chính sách tiền tệ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell từng ám chỉ ngân hàng này có thể sẽ dần thu hẹp chương trình mua trái phiếu – vốn là động lực chính cho quá trình phục hồi kinh tế và thị trường vốn của Mỹ thời gian qua – vào cuối năm nay.
Những dữ liệu mới công bố cuối tuần qua khiến các nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ đẩy nhanh kế hoạch trên. Bức tranh cụ thể sẽ sáng rõ hơn khi Mỹ công bố các dữ liệu mới trong ngày 14/9.
Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tuần qua, cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ nhuộm đỏ khi xuất hiện các thông tin Tổng thống Biden đang xem xét yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra thương mại mới với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ cũng được cho là đang xem xét các chi nhánh của Trung Quốc và tác động của nhóm này tới nền kinh tế Mỹ, thực hiện các cuộc thảo luận về thỏa thuận thương mại đã ký kết dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
Chuyên gia Rodrigo Catril, từ Ngân hàng quốc gia Australia, cho rằng ban đầu thị trường giao dịch một cách tích cực nhờ những hy vọng rằng Mỹ-Trung chuẩn bị nối lại đối thoại cấp cao sẽ giúp giảm một số loại thuế.
Tuy nhiên, thông tin về cuộc điều tra mới lại khiến thị trường chuyển động theo hướng ngược lại.
Trong ngày giao dịch 13/9, thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,5% – mức giảm sâu nhất tại châu Á, trong khi các thị trường khác như Singapore, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng giảm.
Ngược lại, Tokyo, Thượng Hải, Sydney, Seoul và Wellington tăng. Các thị trường châu Âu như London, Paris và Frankfurt đều tăng điểm trong phiên giao dịch sáng 13/8./.