24/11/2017

Gạch ốp lát Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Bước sang năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng mới. Đồng thời, Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập sẽ phải thực hiện các cam kết. Các cam kết này sẽ tác động mạnh đến các ngành trong đó có ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) nói chung, gạch ốp lát nói riêng.


Ảnh minh họa

Thị trường gạch ốp lát tại Việt Nam

Trong khi những ngành sản xuất công nghiệp khác đang tăng trưởng khiêm tốn hoặc dậm chân tại chỗ thì sản xuất gạch ốp lát đã vươn lên tầm cỡ khu vực và thế giới. Tổng công suất hiện đạt tới 500 triệu m2/năm, đứng đầu Đông Nam Á và thứ 6 thế giới. Riêng gạch sản xuất granite hiện có công suất còn khiêm tốn, trên 60 triệu m2/năm.

Ngoài các DN nội địa như Hoàng Gia, VIGLACERA, Đồng Tâm, Thạch Bàn, CMC… còn có sự tham gia của các DN có vốn đầu tư nước ngoài như Taicera, Bạch Mã, Prime… cùng với các DN tư nhân trong nước mới được thành lập không lâu nhưng có năng lực sản xuất rất lớn như Catalan (18 triệu m2/năm), Toko (15 triệu m2/năm), Vitto (36 triệu m2/năm), Tasa (24 triệu m2/năm),… Các chủng loại sản phẩm gạch ốp lát giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc mặc dù đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn có sức cạnh tranh lớn.

Trong giai đoạn 2014 – 2015, hầu hết Cty gạch ốp lát đều đầu tư rất mạnh, tăng công suất thêm hàng chục triệu m2/năm, nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường BĐS. Do đó từ năm 2016 và các năm tới, mức độ cạnh tranh trong ngành gạch ốp lát sẽ là rất khốc liệt, đặc biệt là ở phân khúc gạch ceramic. Các DN trong nước vẫn đứng vững nhờ bảo hộ và đầu tư tốt về mặt công nghệ. Tại thị trường Việt Nam, gạch Trung Quốc đang trực tiếp cạnh tranh với hàng nội địa. Ngoài ra, gạch ốp lát tới từ Malaysia, Indonesia, Ấn Độ… cũng được nhập khẩu với số lượng nhỏ, chủ yếu là các mẫu mã trong nước không có. Hiện tại gạch nội vẫn đang chiếm ưu thế nhờ sử dụng các dây chuyền sản xuất tiên tiến từ châu Âu đảm bảo chất lượng sản phẩm, lợi thế về địa lý giúp giảm giá thành và đáp ứng các nhu cầu đơn hàng từ nhỏ tới lớn. Các sản phẩm gạch nhập khẩu hiện vẫn chịu thuế suất nhập khẩu cao làm giảm tính cạnh tranh so với hàng trong nước.

Các hiệp định thương mại mới ký gần đây như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan… không đe dọa tới ngành sản xuất gạch ốp lát mà còn là cơ hội để các DN trong nước mở ra một số thị trường xuất khẩu mới.

Cơ hội và thách thức

Gạch ốp lát là sản phẩm hỗ trợ cho ngành Xây dựng. Sự phát triển của ngành Xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chính sách vĩ mô. Do đó, khi đánh giá và dự báo mức tăng trưởng của ngành VLXD nói chung hay gạch ốp lát nói riêng người ta thường bắt đầu từ tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng.

Tăng trưởng của ngành Xây dựng phụ thuộc vào các yếu tố như tốc độ đô thị hóa, vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS, lãi suất cho vay và lạm phát… Việc chính phủ luôn duy trì một mức giải ngân vào lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cùng các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng có tác động trực tiếp tới ngành Xây dựng. Trong giai đoạn 2011-2013, chính sách thắt chặt tiền tệ đã đẩy lãi suất cho vay lên mức trên 20%/năm khiến cho nguồn vốn đổ vào đầu tư xây dựng giảm mạnh. Do đó, chu kỳ của ngành xây dựng cũng chịu tác động mạnh từ chu kỳ của tăng trưởng kinh tế, ước tính kéo dài khoảng 3 – 10 năm. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ có một độ lệch nhất định so với tốc độ tăng trưởng GDP. Với những phân tích trên, kết hợp đà hồi phục từ năm 2014, các chuyên gia dự báo mức tăng trưởng hàng năm của ngành trên 6,5%.

Nhìn chung trên cả nước, thị trường BĐS đang dần ấm lên từ những tháng cuối năm 2014. Điều này không chỉ làm tăng kỳ vọng vào ngành BĐS, mà sẽ phục hồi một loạt ngành có liên quan khác của nền kinh tế như: Xây dựng, VLXD nói chung, gạch ốp lát nói riêng và nội thất (gỗ, bóng điện, dây điện…). Bên cạnh đó, ngoài những hỗ trợ về tài chính (như gói tín dụng 30 nghìn tỷ, chính sách tăng tín dụng cho BĐS), thì Luật Nhà ở (có hiệu lực từ 01/7/2015) và Luật Kinh doanh BĐS (có hiệu lực từ 01/11/2015) với nhiều điểm mới, phù hợp với thị trường hiện nay cũng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thị trường BĐS phát triển theo hướng sôi động hơn, cạnh tranh hơn.

Tốc độ đô thị hóa ở mức 31% hiện nay sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2025. Như vậy, nhu cầu về nhà ở để đáp ứng cho khoảng 30 triệu dân hiện tại sẽ tăng lên khoảng 46 triệu dân đến 2025. Dựa vào những phân tích trên cơ sở này, chúng tôi dự báo nhu cầu gạch ốp lát tới năm 2020 vào khoảng 570 triệu m2.

Tuy nhiên, trong thời gian tới gạch ốp lát Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức bởi những yếu tố: Với vị thế là nước sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạch ốp lát lớn nhất thế giới trong suốt 15 năm qua, các động thái của ngành gạch ốp lát Trung Quốc đều có tác động mạnh tới tăng trưởng sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu của toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, từ năm 2016 và các năm tới, mức độ cạnh tranh trong ngành gạch ốp lát sẽ là rất khốc liệt, đặc biệt ở phân khúc gạch ceramic bởi tăng trưởng của ngành công nghiệp gạch ốp lát ở Việt Nam mạnh hơn với nhu cầu tiêu thụ 500 triệu m2 so với 350 triệu m2, xuất khẩu và nhập khẩu đều duy trì khoảng 30 triệu m2. Tức đã xuất hiện cung vượt cầu cục bộ tại thị trường nội địa. Từ đó hình thành cuộc đua tranh giành thị trường, tranh giành khách hàng giữa các nhà sản xuất trong nước dẫn đến cạnh tranh khốc liệt về giá. Điều này dẫn đến lợi nhuận biên của mọi DN đều giảm theo thời gian và hệ lụy về lâu dài các DN không còn lợi nhuận để tái đầu tư, đặc biệt không còn ngân sách để đầu tư vào nghiên cứu phát triển (công nghệ, thiết kế…), xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối… Song song đó ngành gạch ốp lát lại thiếu sự liên kết giữa các nhà tư vấn thiết kế, thi công và các sản xuất kinh doanh gạch ốp lát. Nhiều dự án chung cư sử dụng gạch giá rẻ, chất lượng kém nhập từ Trung Quốc nhưng giới thiệu với người mua căn hộ là gạch của Cty A, B, C… sản xuất trong nước. Do vậy, đòi hỏi các DN gạch ốp lát phải xây dựng mục tiêu, chiến lược sản xuất; xây dựng chương trình (lộ trình) một cách chi tiết, cụ thể để thực hiện mục tiêu chiến lược đó. Vấn đề thực tế hiện nay là mỗi DN phải đánh giá hiện trạng và khả năng cạnh tranh của mình; nghiên cứu và so sánh các sản phẩm của mình với các sản phẩm trong khu vực và các nước khác trên thế giới để từ đó có giải pháp hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu thay vì cạnh tranh phá giá lẫn nhau.

Lê Đăng Minh
TS, Đại học Văn Hiến – Giám đốc điều hành Tập đoàn Hoàng Gia