Luật Quy hoạch: Còn băn khoăn về tính khả thi
Trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.
Còn băn khoăn về tính khả thi
Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và sắp xếp lại bố cục dự thảo Luật theo hướng hợp lý hơn, gồm 6 Chương và 69 Điều.
Ngoài ra, để bảo đảm kịp tiến độ chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch kinh tế – xã hội của địa phương cho giai đoạn 2021 – 2030, UBTVQH đề xuất QH ban hành một Nghị quyết riêng để yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương được tiến hành các bước chuẩn bị cho công tác quy hoạch theo quy định và chỉ được phê duyệt các quy hoạch phù hợp với quy định của Luật này trong thời gian Luật Quy hoạch chưa có hiệu lực.Liên quan đến các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thi hành của Luật – nội dung mà nhiều ĐBQH còn băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nêu rõ, theo báo cáo của các cơ quan hữu quan được phân công qua rà soát, có 32 Luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến quy hoạch để phù hợp với dự án Luật Quy hoạch. Để bảo đảm tính khả thi, UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý khoản 1, Điều 69 theo hướng Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1. 1.2019; đồng thời, các phương án xử lý đối với từng loại quy hoạch được quy định tại Điều 68. Cụ thể, đối với quy hoạch được quy định tại các điểm a, b và c khoản 1, Điều 5 của Luật Quy hoạch thì thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch; trường hợp nội dung của quy hoạch đó không phù hợp với quy định của Luật này thì phải điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Đối với quy hoạch được tích hợp vào các quy hoạch quy định tại Điều 5 của Luật Quy hoạch thì được thực hiện đến hết ngày 31.12.2020…
Các ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Trần Thị Dung (Điện Biên), Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng)… còn băn khoăn về tính khả thi của các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch quy định trong dự thảo Luật.Đánh giá cao nội dung được chỉnh lý, tiếp thu của dự thảo Luật, nhiều ĐBQH cho rằng dự thảo Luật Quy hoạch trình QH lần này đã được soạn thảo công phu, tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH. Các ý kiến đóng góp của ĐBQH tập trung thảo luận về: Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch và nguyên tắc lập quy hoạch; mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và thẩm quyền lập, thẩm định, quyết định việc phê duyệt quy hoạch; việc tích hợp quy trình phối hợp lập quy hoạch, nội dung quy hoạch và lấy ý kiến về quy hoạch; quy hoạch xây dựng; các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thi hành của Luật.
Cũng từ góc nhìn về tính khả thi, băn khoăn của ĐB Trần Thị Dung tập trung vào Điều 69 về hiệu lực thi hành. Khoản 2, Điều 69, dự thảo Luật quy định: “Chính phủ trình QH sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 2 của Luật này, bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và có hiệu lực chậm nhất từ ngày 1.1.2019”. Phụ lục 2 của dự thảo Luật đã liệt kê các điều luật cần sửa đổi của 32 luật hiện hành.Về điều khoản chuyển tiếp, theo ĐB Nguyễn Văn Hiển, nếu được thông qua, dự thảo Luật sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1.1.2019, tuy nhiên, cũng theo quy định của dự thảo Luật (Khoản 2, Điều 68), đến ngày 31.12.2020, chúng ta mới hoàn thành việc xây dựng các quy hoạch theo hệ thống quy hoạch quốc gia. Trong khi đó, theo Điểm c, Khoản 1, Điều 68, có rất nhiều quy hoạch không được tích hợp và sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1.1.2019. Vậy, trong khoảng thời gian 2 năm, từ 1.1.2019 đến 31.12.2020, thì việc quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực sẽ không có quy hoạch. Mặt khác, “trong khoảng thời gian 2 năm để hoàn thành trên 100 quy hoạch, bao gồm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, chưa kể đến quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, là rất khó khả thi”, ĐB Nguyễn Văn Hiển thẳng thắn.
Theo Khoản 2, Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản phần chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực”. Cho rằng, danh mục các quy định về quy hoạch cần sửa đổi chỉ liệt kê chung về các điều cần sửa đổi có thể chưa đầy đủ, ĐB Trần Thị Dung đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại. Theo đó, nếu không phải sửa đổi toàn diện cả điều mà chỉ phải sửa đổi các điểm, khoản cụ thể thì phải liệt kê chi tiết, tránh trường hợp “không thuộc phạm vi sửa nhưng vẫn sửa”.
Số lượng phải sửa chỉ dừng ở 32 Luật?
Liên quan đến số lượng các luật cần sửa đổi, Cơ quan trình đưa ra danh mục 32 luật. Tuy nhiên, một số ĐBQH cho rằng, số lượng không chỉ dừng ở 32 Luật như Chính phủ trình mà số lượng Luật cần sửa đổi, bổ sung còn tăng hơn nữa. Qua nghiên cứu, con số có thể phải vượt trên 50 Luật có liên quan cần sửa.
Vậy câu hỏi mà ĐBQH đặt ra là: Với thời gian có hiệu lực của Luật Quy hoạch là ngày 1.1.2019 và trong giai đoạn này chúng ta quyết định sửa đổi 32 Luật (hoặc nhiều hơn nữa), đến khi sửa đổi xong 32 Luật (hoặc nhiều hơn nữa), thì liệu Luật Quy hoạch có còn phù hợp với những Luật sửa đổi này không? Lúc đó, chúng ta có quay trở lại sửa Luật Quy hoạch không?Đáng lưu ý hơn, trong hồ sơ dự án Luật Quy hoạch trình QH xem xét thông qua không đề cập đến việc dự kiến sửa đổi, bổ sung nội dung của 32 Luật theo danh mục như thế nào. Để bảo đảm 32 Luật này được sửa đổi và có hiệu lực chậm nhất từ ngày 1.1.2019, thì việc sửa đổi, bổ sung và trình QH xem xét thông qua phải trong năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 trình QH tại kỳ họp này, Chính phủ cũng chưa đề cập, hay đề xuất thời điểm cụ thể để sửa 32 Luật này.
Tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tính khả thi trong việc sửa 32 Luật, sau nhiều lần báo cáo, tiếp thu và tính toán, Chính phủ dự kiến sẽ trình QH sửa hai luật. Một luật là sửa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh có nội dung quy hoạch; và luật này dự kiến sẽ trình QH vào tháng 6 này. “Chính phủ đã có văn bản báo cáo với QH”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Với các Luật còn lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, nếu chưa được sửa sẽ gom trong một luật để sửa các luật có những điều khoản liên quan đến quy hoạch mới. “Chúng ta nói là có 32 Luật nghe thì rất nhiều, nhưng thực chất có nhiều luật chỉ sửa một điều, có luật sửa 2 điều, có luật sửa 3 điều, có 4 luật liên quan đến sửa nhiều điều là Luật Xây dựng, Luật Đất đai…”. Tuy nhiên, qua ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ nghiêm túc rà soát lại xem ngoài 32 Luật đã báo cáo thì còn Luật nào có điều khoản liên quan phải sửa đổi nữa không…
Anh Phương/Theo Đại biểu nhân dân