29/08/2016

Đô thị hóa và mối quan hệ giữa Thành phố và Môi trường

Đô thị hóa và sự bành trướng của thành phố

Đô thị hóa trên thế giới diễn ra ở tốc độ nhanh và có phạm vi khá rộng lớn. Năm 2007 đánh dấu lần đầu tiên dân số thế giới sinh sống trong các khu vực đô thị chiếm 50% tổng dân số (United Nations, 2013). Dự báo là số dân sinh sống trong các khu vực đô thị tiếp tục tăng và sẽ chiếm 70% vào năm 2050. Ở góc độ kinh tế, tiến trình đô thị hóa diễn ra một cách tự nhiên, tuân thủ quy luật cung cầu, phản án lợi ích, cơ hội, và chi phí của sự quần tụ các hoạt động kinh tế (agglomeration) tại các thành phố.


(nguồn: Ashui.com)

Thành phố có được những lợi thế kinh tế khi lao động và doanh nghiệp tập trung ở mật độ cao, điều mà khu vực nông thôn không thể có được. Doanh nghiệp được hưởng lợi khi quần tụ vì họ có thể chia sẻ nguồn lao động dồi dào với tay nghề đa dạng và do đó giảm chi phí tìm kiếm và tuyển dụng lao động phù hợp nhu cầu. Doanh nghiệp cũng được lợi vì họ chia sẻ các dịch vụ, tiện ích, và các doanh nghiệp cung ứng trung gian. Bên cạnh đó, thành phố cũng cho phép doanh nghiệp trở nên sáng tạo hơn. Đối với lao động, thành phố đem lại cho họ cơ hội để tương tác với nhau, tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm, và do đó tạo điều kiện để họ phát triển (Glaeser & Redlick, 2009). Nói cách khác, thành phố và đô thị tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, giao tiếp xã hội (social interaction), phát kiến (innovation) và cơ hội nghề nghiệp cho người dân. Bên cạnh đó, cư dân đô thị được hưởng nhiều tiện nghi và tiện ích với chi phí thấp hơn như dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, giải trí, và giao thông (nhất là giao thông đường dài và xuyên biên giới). Đặc biệt đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, các thành phố lớn được ưu tiên trong những dự án phát triển hạ tầng và giao thông như sân bay quốc tế, xe lửa đô thị (metro), lại là nơi tập trung các cơ sở y tế lớn có chất lượng cao. Người dân càng sinh sống gần những thành phố này như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, họ càng có cơ hội được hưởng các tiện nghi và tiện ích với chi phí tốt và có chất lượng sống cao. Một số lợi ích khác về mặt sức khỏe, giao thông, và một số khía cạnh của vốn xã hội cũng có thể tăng theo mức độ nén của đô thị (Bartholomew & Ewing, 2008; Clifton, Ewing, Knaap, & Song, 2008; R. Ewing & Dumbaugh, 2009; Nguyen, 2010). Và thành phố càng phình ra về mặt quy mô, mức độ tập trung lao động và việc làm càng tăng thì lợi ích do quần tụ cho cả doanh nghiệp và người lao động (urbanization economies) càng lớn (O’Sullivan, 2007).


Hình 1. Xu hướng gia tăng dân số và phân bổ giữa thành thị và nông thôn giai đoạn 1950 – 2050. Nguồn: United Nations (2013)

Hình 1 thể hiện dự báo xu hướng dân số, số dân trong khu vực nông thôn và tỉ lệ dân thành thị từ 1950 đến 2050 do Ban dân số thuộc Liên Hiệp Quốc đưa ra (United Nations, 2013). Mô hình dự báo toàn cầu này cho thấy đánh giá của các nhà khoa học là đến 2020, số dân trong khu vực nông thôn sẽ ngừng tăng và ổn định ở mức 3 tỉ. Trong khi đó tỉ lệ dân thành thị sẽ tiếp tục tăng đến gần 70% tại ngưỡng thời gian là năm 2050.

Tương ứng với xu hướng đô thị hóa tăng cao, quy mô thành phố và số lượng thành phố có dân số cao cũng ngày càng tăng. Vào đầu thế kỷ XX, toàn thế giới chỉ có 16 thành phố với dân số 1 triệu hoặc hơn, và những thành phố này đều nằm ở những nước phát triển (United Nations, 2013). Đến năm 2000, có 449 thành phố với cùng mức dân số như trên và khoảng ¾ số thành phố này thuộc các quốc gia đang phát triển. Dự báo cho thấy tỉ lệ dân thành thị sinh sống ở những thành phố có quy mô lớn (hơn 5 triệu dân) sẽ chiếm 17-22% tổng dân thành thị. Hiện nay số dân cư thành thị ở những đại đô thị (megacity) với quy mô dân số trên 10 triệu chiếm 10% (United Nations, 2013). Số lượng các đại đô thị cũng nhanh chóng gia tăng. Hình 2 minh họa số lượng các đại đô thị vào đầu mỗi thập kỷ từ năm 1960 và được Stewart et al. (2015) dự báo đến năm 2020.


Hình 2. Số lượng các đại đô thị từ năm 1960 đến năm 2020 (dự báo). Nguồn: Stewart et al. (2015)

Tuy nhiên khi thành phố càng phát triển về mặt không gian, theo cả chiều rộng lẫn chiều cao, mật độ dân số tăng và số lượng doanh nghiệp tăng thì chi phí giao dịch và chi phí cơ hội cũng tăng theo (Economics, n.d.). Những chi phí nói trên (diseconomies) phát sinh khi những bất tiện do kẹt xe, do chi phí ngoại tác tiêu cực (externalties) từ các hoạt động kinh tế khác nhau. Áp lực gia tăng dân số và phát triển kinh tế cũng tác động tiêu cực đến sử dụng đất và quy hoạch đất tại khu vực rìa đô thị và khu vực nông thôn. Áp lực nói trên cũng tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, và góp phần không nhỏ vào biến đổi khi hậu.

Thế kỷ XXI đánh dấu sự hình thành các cộng đồng kinh tế mở và sự bùng nổ của mậu dịch xuyên biên giới. Thế kỷ này cũng đánh dấu nhiều phát kiến và sáng tạo khoa học công nghệ và kinh tế. Thành tựu trong công nghệ viễn thông ra đời thay đổi cách thức giao tiếp giữa người với người. Vé máy bay và tàu lửa trở nên tương đối rẻ hơn, điều kiện về hạ tầng giao thông vận tải ngày càng thuận tiện. Các thỏa thuận song phương và đa phương tạo điều kiện để hàng hóa và đầu tư từ nước ngoài thâm nhập sâu vào nền kinh tế nội địa. Tất cả những yếu tố kể trên và những yếu tố khác tạo ra sự di chuyển linh hoạt (mobility) của lao động. Họ có thể tự do di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ thành phố này này đến thành phố khác, và từ nông thôn vào thành thị. Đây là cơ sở để có thể tin rằng các thành phố, đô thị, và đại đô thị trên thế giới sẽ luôn có động lực để phát triển về mặt kinh tế-xã hội và sẽ tạo ra những thay đổi tương ứng về mặt môi trường. Những yếu tố kể trên đòi hỏi chính quyền phải có chính sách và chiến lược dài hạn đối phó phù hợp ở cấp độ quốc gia và địa phương.

Đô thị hóa tại Việt Nam

Báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (Asian Development Bank, 2012) nhận định gia tăng dân số đô thị ở châu Á hiện ở mức bùng nổ chưa từng có trong lịch sử. Từ năm 1950, đã có thêm 1,4 tỉ dân số các thành phố ở châu Á. Khoảng 537 triệu dân tăng trong giai đoạn 1950-1985, nhưng giai đoạn 1985-2000 đã có 465 triệu dân tăng thêm, và dự kiến giai đoạn 2000 – 2020 sẽ có 822 triệu dân tăng thêm. Báo cáo này cho thấy Việt Nam có thể chỉ mất 90 năm để đạt mức đô thị hóa là có 50% dân số sinh sống tại các thành phố và các vùng đô thị, và điều này sẽ diễn ra trước năm 2050. Trong khi đó, quá trình này sẽ mất trung bình 95 năm cho toàn châu Á và 210 năm cho vùng Mỹ Latin và Caribbean.

Tiến trình đô thị hóa tại Việt Nam từ sau năm 1975 là kết quả của kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau như phát triển kinh tế, quy hoạch sử dụng đất, di dân tự do và chính sách di dân cưỡng bức. Hệ quả của phát triển kinh tế là nền kinh tế chuyển đổi từ phụ thuộc vào nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù quá trình phát triển kinh tế không đồng nghĩa với đô thị hóa hay hiện đại hóa, nhưng thực tế tại Việt Nam và Trung Quốc cho thấy khi chính sách kinh tế cởi mở tạo điều kiện đón FDI thì những làng quê vùng ven các thành phố lớn cũng nhanh chóng thay đổi (Leaf, 2002). Đô thị hóa ngay lập tức diễn ra ở vùng ven, các khu công nghiệp và nhà máy mọc lên đáp ứng nhu cầu cần đầu tư. Một số hộ nông dân cũng chuyển sang loại hình kinh tế dịch vụ hoặc đáp ứng nhu cầu cần lao động giản đơn của nhà máy, đặt dấu chấm hết cho nông nghiệp và nông thôn.

Nhân tố quy hoạch sử dụng đất cũng đóng vai trò quan trọng tác động thúc đẩy đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh ở Việt Nam và Trung Quốc (Nguyễn, 2012). Trong nghiên cứu chính sách bảo hộ đất nông nghiệp của Trung Quốc, Lichtenberg & Ding (2008) đã tóm lược các yếu tố mang thuộc tính định chế và chính sách ảnh hưởng đến tốc độ đô thị hóa thậm chí bên trong khu vực được nhà nước tuyên bố ưu tiên bảo vệ. Theo các tác giả trên, những chính sách tác động đến chi tiêu công, xây dựng dàn trải nhảy cóc, hay tác động đến buôn bán quyền sử dụng đất nông nghiệp có thể cộng hưởng tạo ra áp lực đô thị hóa ở khu vực nông thôn. Quy hoạch cho phép phát triển dàn trải nhảy cóc (urban sprawl) tức việc xây dựng các khu đô thị tại vùng nông nghiệp dọc các trục lộ không kết nối liên tục với đô thị hiện hữu mà cách khoảng như cóc nhảy. Quy hoạch đô thị theo hình thái này giúp chính quyền địa phương giảm bớt chi phí bồi thường và những phiền toái so với lấy đất và bồi thường cho dân thành thị. Hiện tượng phát triển đô thị hóa ra ngoài ranh giới đô thị theo kiểu dàn trải nhảy cóc tại Việt Nam cũng được Bertaud & Malpezzi (2003) đề cập trong nghiên cứu so sánh về chính sách quy hoạch tại các quốc gia đang phát triển. Hai tác giả trên nhận xét rằng ở các quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình phát triển, đô thị hóa được khuyến khích hoặc cho phép xảy ra trong vùng nông nghiệp vì chi phí thấp. Trên thực tế chính sách khuyến khích xây dựng mới tránh xa trung tâm thành phố hiện đang là chính sách được thực hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân tố quan trọng khác thúc đẩy đô thị hóa ở Việt Nam cần được nhắc đến là nhân tố di dân tự do và di dân cưỡng bức (Đặng, 2006). Di dân tự do thường xảy ra do nhu cầu kinh tế và do đó theo xu hướng phổ biến là từ nông thôn ra thành phố, từ thành phố nhỏ đến thành phố lớn, từ phía Bắc vào phía Nam. Chính sách di dân cưỡng bức xảy ra được thực hiện theo hướng từ thành phố ra các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và biên giới, từ đồng bằng lên vùng núi và trung du. Chính sách này đã có từ những năm 1960 ở phía Bắc và sau 1975 thì được áp dụng đối với toàn quốc. Riêng chính sách nói trên được áp dụng sau 1975 ở các vùng đô thị phía nam như Thành phố Hồ Chí Minh có tên là “đi Kinh tế Mới”.

Kể từ năm 1986 sau khi chính sách quốc gia thay đổi mở đường cho phát triển kinh tế và mở cửa đối với đầu tư nước ngoài, dân số thành thị tăng nhanh và mức độ đô thị hóa diễn ra với tốc độ lớn (World Bank, 2011). Sự phát triển này được thể hiện qua sự bành trướng của các đô thị lớn tiêu biểu là hai vùng đô thị – một với lõi là Thành phố Hồ Chí Minh và một với lõi là thành phố Hà Nội. Cả hai thành phố đều mở rộng địa giới hành chính, và có diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho hoạt động kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Và những vùng ven hai thành phố này đều đã nhanh chóng được đô thị hóa, trở thành những khu công nghiệp và khu dân cư chạy dọc các quốc lộ huyết mạch. Dưới góc độ kinh tế, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa có mối quan hệ tương quan lớn: yếu tố này ảnh hưởng lên yếu tố kia và ngược lại, yếu tố kia ảnh hưởng yếu tố này.


Hình 3. So sánh tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng GDP giai đoạn 1960 – 2010. Nguồn: World Bank (2011)

Hình 3 cho thấy mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa được so sánh trong giai đoạn 1960 đến 2010 giữa các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc, và Việt Nam. Dữ liệu xác nhận mối tương quan giữa hai yếu tố nói trên khá chặt chẽ. Đô thị hóa phản ánh tăng trưởng kinh tế quốc gia (đo bằng tăng trưởng GDP trên đầu người) ở Việt Nam cho dù Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa đi sau những nước được so sánh.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là nhờ vào vai trò của các thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những thành phố được xếp loại đặc biệt trong hệ thống phân loại các đô thị ở Việt Nam. Cư dân hai thành phố này có cơ hội được hưởng các tiện nghi và tiện ích với chi phí thấp và có chất lượng sống cao hơn hẳn so với các tỉnh và thành phố khác ở Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI cũng thường cân nhắc chọn một trong hai thành phố để đặt cơ sở kinh doanh nhất là trong lĩnh vực dịch vụ thương mại và văn phòng. Với lợi thế là cửa ngõ của hàng không, người dân sinh sống ở đây dễ dàng di chuyển đến những vùng khác và những quốc gia khác. Và cả hai thành phố đều có những trường đại học lớn và những trung tâm y tế quốc gia có chất lượng tốt nhất. Những yếu tố trên tạo ra động lực thu hút lao động và doanh nghiệp, làm gia tăng dân số và mức độ đô thị hóa ở tốc độ cao.

Bảng 1 so sánh tốc độ gia tăng dân số giữa Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, và chỉ số cho toàn quốc trong giai đoạn 2005 đến 2013 (ước tính sơ bộ). Bảng cho thấy tốc độ gia tăng dân số ở hai thành phố lớn vượt xa chỉ số toàn quốc. Hiện nay ước tính dân số chính thức cuối năm 2014 của Tp. Hồ Chí Minh là 7.955.000 và của Hà Nội là 7.067.000. Tuy nhiên, số liệu thực tế có thể cao hơn số ước tính do những vấn đề về kỹ thuật thống kê, và có khả năng ít nhất là Tp. Hồ Chí Minh là một đại đô thị với dân số mấp mé hoặc bằng 10 triệu.

  2005 2007 2008 2009 2010 2011 2012 Sơ bộ 2013
Toàn quốc 1,17 1,09 1,07 1,06 1,05 1,04 1,06 1,05
Hà Nội 2,02 1,37 .. 1,41 1,80 2,08 1,65 1,47
TP. Hồ Chí Minh 3,71 3,75 3,27 3,61 2,53 1,90 1,94 2,01

Bảng 1. So sánh tốc độ tăng dân số trung bình toàn quốc, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh 2005 – 2013. Nguồn: Tổng Cục thống kê Việt Nam (2015)

Mối quan hệ giữa đô thị và môi trường

Đánh giá của giới học giả đối với mối quan hệ giữa đô thị hóa và môi trường nhìn chung là tích cực dựa khi xem xét yếu tố quần tụ hoạt động kinh tế và hình thái đô thị ở mức độ nén cao (Asian Development Bank, 2012). Mật độ dân số cao giúp cho việc cung cấp các dịch vụ công ích như điện, nước, xử lý nước thải, giao thông cho dân đô thị có chi phí rẻ hơn ở khu vực nông thôn. Một số nghiên cứu về hình thái đô thị được thực hiện tại Hoa Kỳ chứng minh mức độ nén của thành phố có tác động làm giảm tiêu thụ điện cho mục đích sưởi ấm, giảm nhiên liệu cho mục đích di chuyển và giảm phát thải CO2 do việc di chuyển (Bartholomew & Ewing, 2008; Reid Ewing & Cervero, 2001; Stone, Mednick, Holloway, & Spak, 2007; Stone & Rodgers, 2001). Thành phố cũng là nơi tập trung nhiều ngành dịch vụ, vốn không cần tài nguyên thiên nhiên, và không gây ô nhiễm ở mức độ như các ngành sản xuất đang dần dần lùi ra xa thành phố. Thậm chí, đô thị hóa có thể làm giảm thiểu mức độ ô nhiễm khi đo bằng CO2 (Asian Development Bank, 2012). Tuy nhiên mối quan hệ có vẻ tốt đẹp giữa đô thị và môi trường như trên không phải là điều đương nhiên xảy ra ở mọi khía cạnh liên quan đến môi trường và hoàn toàn vô điều kiện.

Cần nhắc lại là mặc dù đô thị hóa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và lao động sinh sống và làm việc trong khu vực đô thị, nhưng đô thị hóa cũng phát sinh bất tiện và chi phí (diseconomies). Những bất tiện và chi phí nói trên do kẹt xe và do các yếu tố ngoại tác tiêu cực (externalties) của những hoạt động kinh tế. Vì là nơi tập trung một lượng lớn doanh nghiệp và lao động, thành phố cũng là nơi tập trung các nguồn tài nguyên gồm tài chính, vật chất, và năng lượng phục vụ các hoạt động kinh tế và đời sống của con người. Và thành phố cũng tạo ra một lượng vật chất khổng lồ dưới hình thức sản phẩm của quá trình sản xuất và rác thải phát sinh từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cư dân. Mức độ đô thị hóa càng cao, hoạt động kinh tế càng mạnh mẽ, lượng tài nguyên được tiêu thụ càng lớn, và lượng vật chất được tạo ra cũng sẽ lớn.

Sự ra đời của chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) gắn liền với quá trình đô thị hóa gia tăng dân số đô thị và gia tăng thu nhập (disposable income) của họ. Báo cáo của công ty McKinsey (Dobbs et al., 2012) cho thấy trước năm 2025 sẽ có tổng cộng 1 tỉ người trong tổng số cư dân sinh sống tại các thành phố có thu nhập đủ cao để gia nhập vào lực lượng những người tiêu dùng quan trọng. Tương ứng với mức tiêu dùng nói trên thì cũng sẽ có sự bùng nổ xây dựng và đầu tư vào hạ tầng. Và dự kiến sẽ có tổng cộng hơn 30 ngàn tỉ USD hàng năm từ tiêu dùng và đầu tư sẽ được bơm vào kinh tế toàn cầu tại thời điểm nói trên do chủ nghĩa tiêu dùng ở các vùng đô thị. Điều quan trọng mà báo cáo chỉ ra là chỉ có 600 đô thị trên thế giới với 20% dân số thế giới nhưng sẽ tạo ra hơn ½ lượng GDP toàn cầu (hơn 30 ngàn tỉ USD) trước năm 2025. Trong số 600 thành phố thì 440 thành phố hiện đang ở những nền kinh tế đang phát triển (emerging markets) bao gồm cả thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Và những thành phố này sẽ tạo ra 47% tăng trưởng kinh tế toàn cầu[1] trong giai đoạn nói trên (Dobbs et al., 2012). Như vậy một lượng lớn hàng hóa và dịch vụ toàn cầu sẽ được tạo ra và tiêu thụ đáp ứng nhu cầu của cư dân và doanh nghiệp ở những thành phố và đô thị này. Xu hướng trên cho thấy những thành phố thuộc những nền kinh tế đang phát triển sẽ đóng vai trò quan trọng đến những vấn đề mang tính toàn cầu như dòng chảy của vốn, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường, và cả biến đổi khí hậu. Và chính những dân cư và chính quyền của các thành phố sẽ phải có trách nhiệm tương ứng.

Trong một nghiên cứu đánh giá mức độ hiệu quả của đô thị trong quá trình sử dụng tài nguyên để tạo ra sản phẩm và rác thải, các học giả (Stewart et al., 2015) đã nghiên cứu 27 đại đô thị có trong báo cáo của McKinsey và đưa ra một số kết luận quan trọng. Về việc sử dụng năng lượng, các đại đô thị này tiêu thụ 9% lượng điện và 10% lượng xăng trên thế giới. So với các thành phố hay đô thị nhỏ, mức độ đô thị hóa (được đo bằng diện tích sàn nhà được xây dựng) càng cao thì việc tiêu thụ năng lượng tăng cao. Tuy nhiên khó có thể kết luận về tính hiệu quả khi xem xét kỹ mối quan hệ giữa sử dụng tài nguyên và quy mô phát triển (theo dân số) của các đại đô thị vì có trường hợp đại đô thị tiêu thụ ít điện năng vì một bộ phận cư dân nghèo sử dụng rất ít hoặc không sử dụng điện. Và một số đại đô thị có mức tiêu hao điện năng hay nước sạch thấp vì dân cư có hành vi tiêu dùng có trách nhiệm hơn và chủ động tiết kiệm nước sạch hoặc điện trong quá trình sử dụng. Điểm quan trọng khác là 27 đại đô thị này thải ra một lượng rác chiếm 13% lượng rác thải trên thế giới.

Các nghiên cứu quan trọng trên cung cấp bằng chứng thực tế cho thấy mức độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế sẽ tạo áp lực rất lớn lên lượng vật chất và tài nguyên mà các đô thị hấp thụ cũng như lượng vật chất mà chúng tạo ra. Áp lực này tác động đến việc quản trị và quản lý đô thị của chính quyền thành phố, buộc họ phải trở nên tích cực và năng động hơn trong việc tìm kiếm chính sách tác động hiệu quả đến các quá trình liên quan. Ví dụ, chính quyền địa phương phải đối phó với áp lực lên chính sách sử dụng đất và quy hoạch đất tại khu vực rìa đô thị và khu vực nông thôn khi chi phí phát triển bất động sản bên trong thành phố tăng cao. Áp lực nói trên có thể tác động lên cả việc thực hiện chính sách ở cấp độ quốc gia. Ví dụ khi các hoạt động kinh tế của một thành phố tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên thuộc phạm vi địa lý lớn hơn ranh giới hành chính của một thành phố hay một tỉnh.

Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra đối với chính quyền sẽ là làm sao để hoạt động kinh tế và đời sống trong các thành phố, các vùng đô thị trở nên hiệu quả hơn. Nói một cách khác việc xây dựng thành phố trở nên “xanh” hay thân thiện với môi trường hơn sẽ đóng góp quan trọng cho những mục tiêu phát triển hướng đến sự bền vững. Một cách cụ thể hơn, chính quyền cần quan tâm đến những chính sách tác động tích cực với môi trường liên quan đến việc sử dụng tài nguyên như nước, đất đai và nhiên liệu hóa thạch, và các chính sách tác động đến rác thải và xử lý rác.

Nguyễn Lưu Bảo Đoan
(Trích trong báo cáo nghiên cứu NAFOSTED II4.5-2012.09-02 do Nguyễn Trọng Hoài chủ biên / Theodothivietnam.org)

Tài liệu tham khảo:
Asian Development Bank. (2012). Key Indicators for Asia and the Pacific 2012. Retrieved from http://www.adb.org/publications/key-indicators-asia-and-pacific-2010
Bartholomew, K., & Ewing, R. (2008). Land Use–Transportation Scenarios and Future Vehicle Travel and Land Consumption: A Meta-Analysis. Journal of the American Planning Association, 75(1), 13–27. http://doi.org/10.1080/01944360802508726
Bertaud, A., & Malpezzi, S. (2003). The spatial distribution of population in 48 world cities: implications for economies in transition. Madison.
Clifton, K., Ewing, R., Knaap, G., & Song, Y. (2008). Quantitative analysis of urban form: a multidisciplinary review. Journal of Urbanism: International Research on Placemaking and Urban Sustainability, 1(1), 17–45. http://doi.org/10.1080/17549170801903496
Dobbs, R., Remes, J., Manyika, J., Roxburgh, C., Smit, S., & Schaer, F. (2012). Urban world. McKinsey & Company. Retrieved from http://www.mckinsey.com/insights/mgi/research/urbanization/urban_world_cities_and_the_rise_of_the_consuming_class\npapers2://publication/uuid/C1BBC14A-B51F-43FC-AE92-CAC2DB6E346E
Đặng, A. (2006). Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở các tỉnh miền núi. Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Xã hội học. Nhà Xuất bản Thế giới, Hà Nội.
Ewing, R., & Cervero, R. (2001). Travel and the Built Environment: A Synthesis. Transportation Research Record, 1780(1), 87–114. http://doi.org/10.3141/1780-10
Ewing, R., & Dumbaugh, E. (2009). The Built Environment and Traffic Safety: A Review of Empirical Evidence. Journal of Planning Literature, 23(4), 347–367. http://doi.org/10.1177/0885412209335553
Glaeser, E. L., & Redlick, C. (2009). Social Capital and Urban Growth. International Regional Science Review, 32(3), 264–299. http://doi.org/10.1177/0160017609336079
Leaf, M. (2002). A Tale of Two Villages. Cities, 19(1), 23–31. http://doi.org/10.1016/S0264-2751(01)00043-9
Lichtenberg, E., & Ding, C. (2008). Assessing farmland protection policy in China. Land Use Policy, 25(1), 59–68. http://doi.org/10.1016/j.landusepol.2006.01.005
Nguyen, D. (2010). Evidence of the impacts of urban sprawl on social capital. Environment and Planning B: Planning and Design, 37(4), 610–627.
Nguyen, Đ. (2012). Các nhân tố chuyển đổi sử dụng đất ở góc độ quy hoạch vùng. Tạp chí Quy hoạch Đô thị. 11: 39-43.
OECD (2013). Greening Household Behaviour: Overview from the 2011 Survey, OECD Studies on Environmental Policy and Household Behaviour, OECD Publishing.
O’ Sullivan, A. (2007). Urban economics. 6th Edition. McGraw-Hill Irwin, New York, NY.
Stewart, I., Kennedy, C. a., Stewart, I., Faccini, A., Cersosimo, I., Mele, R., … Sahin, A. D. (2015). Energy and Material Flows of Megacities. Proceedings of the National Academy of Sciences, 1–6. http://doi.org/10.1073/pnas.1504315112
Stone, B., Mednick, A. C., Holloway, T., & Spak, S. N. (2007). Is Compact Growth Good for Air Quality? Journal of the American Planning Association, 73(4), 404–418. http://doi.org/10.1080/01944360708978521
Stone, B., & Rodgers, M. O. (2001). Urban Form and Thermal Efficiency: How the Design of Cities Influences the Urban Heat Island Effect. Journal of the American Planning Association, 67(2), 186–198. http://doi.org/10.1080/01944360108976228
United Nations. (2012). Achieving the MDGs with Equity, (June), 1–2.
United Nations. (2013). World Economic and Social Survey 2013. New York: United Nations. Retrieved from http://esa.un.org/wpp/documentation/pdf/WPP2012_ KEY FINDINGS.pdf
World Bank. (2011). Vietnam urbanization review : technical assistance report. Washington DC: World Bank. Retrieved from http://documents.worldbank.org/curated/en/2011/11/15817674/vietnam-urbanization-review-technical-assistance-report

[1] http://www.mckinsey.com/insights/urbanization/urban_world