14/12/2022

Điểm tựa để du lịch Lạng Sơn cất cánh

(KTVN) – Lạng Sơn là Tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng đồ sộ với số lượng lớn các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình tâm linh nổi tiếng, đã và đang có đủ các loại hình du lịch phục vụ mọi đối tượng du khách… Tuy nhiên, xứ Lạng vẫn chưa trở thành điểm đến lý tưởng, điểm dừng chân thú vị và điểm quay trở lại hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Vậy làm thế nào để phát huy những thế mạnh sẵn có, đưa du lịch Lạng Sơn “cất cánh”?

Nhắc tới Xứ Lạng với đa dạng cảnh quan nhưng vẫn không thể không nhắc tới núi Mẫu Sơn – “Đà Lạt vùng Đông Bắc”, các di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với quá trình hình thành, đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Những di tích cổ sinh học, khảo cổ học thời tiền sử, sơ sử Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng từ mấy chục vạn năm trước; Di tích nền văn hóa Bắc Sơn – Mai Pha sau này; Di tích ghi dấu chiến công chống giặc ngoại xâm như: Ải Chi Lăng, đường số 4, khởi nghĩa Bắc Sơn, khu du kích Ba Sơn; Di tích văn hoá – nghệ thuật như: Đình Nông Lục (Bắc Sơn), chùa Tam Giáo, chùa Thành, chùa Tiên, đền Kỳ Cùng, đền Cửa Tây, đền Tả Phủ, Đoàn Thành (thành phố Lạng Sơn)… Tất cả những di tích lịch sử này đã được đưa vào thi ca:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa.

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.

Ai lên Xứ Lạng cùng anh.

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…”.

Giống như các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng cùng địa hình miền núi, du lịch Lạng Sơn có đủ các loại hình đã và đang khai thác hoặc hình thành như du lịch danh thắng, lịch sử, tín ngưỡng, cộng đồng, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, leo núi…

Chùa Tam Thanh, một danh thắng tâm linh nổi tiếng. (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Tuy nhiên, nếu so sánh từng cảnh sắc, loại hình thì một số địa phương lại có thế mạnh, ưu điểm hơn Lạng Sơn. Ví dụ: Chinh phục các cực Bắc – Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây – A Pa Chải (Lai Châu); Chinh phục đỉnh núi Phanxipang cao nhất Đông Dương (Lào Cai), các ngọn núi cao tiếp theo sau ở Lai Châu; Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang ở Sa Pa (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Căng Chải (Yên Bái); thác nước hùng vĩ Bản Giốc (Cao Bằng)… thì Lạng Sơn lại chưa có. Dù rằng về cảnh quan, Lạng Sơn cũng có những địa danh độc đáo như thảo nguyên Hữu Lũng đẹp nguyên sơ với giống ngựa bạch cả ngàn con mà không nơi nào sánh được.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Lạng Sơn có khoảng 350 địa điểm danh thắng, 300 lễ hội đa sắc màu, độc đáo của các dân tộc thiểu số làm tiền đề phát triển du lịch. Có thể thấy số lượng điểm danh thắng, di tích ở Lạng Sơn nhiều nhưng hiệu suất về lưu trú, tiêu dùng của du khách lại không tăng theo tỷ lệ thuận. Đặc biệt, thế mạnh, bản sắc và sản phầm du lịch của Lạng Sơn nói riêng và của các địa phương kề cận trong vùng lại chưa kích thích du khách đến hoặc đến nhưng không đủ lôi cuốn níu kéo khách lưu trú và không đủ quyến rũ, hấp dẫn để du khách quay trở lại.

Núi Tô Thị, phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác, liên kết giữa các tỉnh phía Đông – Tây Bắc bộ thời gian qua là hướng đi đúng nhưng chưa đủ, dù đã tạo thành sức ép, yêu cầu lớn trong việc tìm ra loại hình, đặc thù dựa trên thế mạnh của mỗi địa phương để cạnh tranh trong hợp tác phát triển.

Vậy đâu là thế mạnh để làm điểm tựa cho du lịch Lạng Sơn khởi sắc và phát triển, không đi vào lối mòn trộn lẫn ấy?

Thế mạnh để làm điểm tựa cho du lịch Lạng Sơn chính là giao thương, thương mại trong và ngoài nước, là hệ thống giao thông gắn kết với Hà Nội và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng nhanh chóng, thuận lợi. Đó là những thế mạnh, điểm tựa vững bền mà không tỉnh miền núi phía Bắc nào có được.

Trong đó về thương mại, Lạng Sơn không chỉ là đầu mối giao thương giữa các tỉnh trong nước, mà còn là giữa Việt Nam với Trung Quốc và tương lai gần là cầu nối Trung Quốc với ASEAN. Nhìn vào số lượng, cấp độ cửa khẩu, chợ biên giới và số lượng phương tiện giao thông, cùng các mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng ngày tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma của Lạng Sơn mới thấy sự tấp nập, phát triển của thương mại nơi đây, không đâu có được.

Núi Đại Tượng, phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Về giao thông, Lạng Sơn là trung điểm, đầu mối giao thương đường bộ với các tỉnh trong nước vùng Đông Bắc – Tây Bắc, Bắc – Nam cũng như với Trung Quốc (đặc biệt là tỉnh Quảng Tây) được hình thành từ lâu và ngày càng nâng cấp phát triển.

Trong đó, kết nối Bắc – Nam có tuyến đường sắt trên 120 năm tuổi, nay là tuyến liên vận quốc tế với khổ đường rộng 1,435m và tổng chiều dài tuyến Hà Nội – Nam Quan khoảng 150km và thời gian di chuyển khoảng hơn 4 giờ đồng hồ. Nếu sử dụng loại phương tiện này có thể ngắm được cảnh quan, phù hợp cho việc du lịch trong ngày hay du lịch quốc tế vì vào đến Nam Ninh (Trung Quốc) nhưng chưa được quảng bá rộng rãi.

Bên cạnh đó, có đường quốc lộ 1A chất lượng cao với khoảng cách tương đương đường sắt và thời gian di chuyển mất gần 3 giờ, thậm chí di chuyển bằng xe máy cũng chỉ mất 3,5 giờ là những yếu tố thuận lợi cho việc kết nối Lạng Sơn với Hà Nội, nguồn khách chủ lực.

Nằm trong lòng núi Đại Tượng là Chùa Tiên – Một ngôi chùa nhỏ được xây dựng từ thế kỷ XV (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Nhưng trên thực tế, đặc tính thương mại nổi trội và giao thông kết nối thuận lợi này lại chưa được khai thác hoặc chưa được kết hợp giữa du lịch thương mại cửa khẩu với du lịch văn hóa, ẩm thực đặc sắc của địa phương, cũng như kinh tế đêm phục vụ và phát triển du lịch, hấp dẫn du khách.

Việc kết nối ngang giữa các huyện nội tỉnh phía Đông – Tây của Lạng Sơn (Bắc Sơn – TP. Lạng Sơn) cũng như tuyến Lộc Bình, Mẫu Sơn liên kết với tỉnh Quảng Ninh chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng, cản trở việc liên kết du lịch trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, cản trở việc tạo thành tour tuyến hợp tác, liên kết vùng, khai thác tối đa các lợi thế cảnh quan khác biệt, giao thương trong vùng cũng như quốc tế.

Sự thuận tiện về giao thông và đa dạng loại hình du lịch giúp cho Lạng Sơn có đủ những tour tuyến trong ngày, thậm chí nội dung chương trình bao gồm cả việc tham quan thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc). Đồng thời, thương mại, kinh tế cửa khẩu, chợ đường biên giúp thu hút khách.

Đền Mẫu Thượng Soài Sơn (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Thế nhưng, tìm hiểu các tour tuyến và lượng khách nội địa đến Lạng Sơn chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh và khách quốc tế chủ yếu đến từ Quảng Tây (Trung Quốc). Những năm trước đại dịch COVID-19, dù lượng khách đến nhiều nhưng hầu hết du khách chỉ đi về trong ngày với mức chi tiêu rất khiêm tốn. Các khu du lịch sinh thái cộng đồng ở huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng tuy phát triển nhưng du khách chủ yếu đi từ Thái Nguyên sang nghỉ dưỡng rồi quay về trong ngày do thiếu điểm lưu trú chất lượng, chưa thuận tiện trong liên kết giao thông với trung tâm TP. Lạng Sơn và các điểm vui chơi, giải trí chưa hấp dẫn, khác biệt.

Là vùng đất của nhiều dân tộc vùng cao như Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ… chung sống với các phong tục, tập quán đặc sắc, chợ phiên, ẩm thực giàu bản sắc, trang phục độc đáo, những ngôi nhà tường trình đất 2 tầng khác biệt. Nếu chăm chút, đầu tư tập trung bổ khuyết các chức năng, Lạng Sơn có thể phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, vừa quảng bá rộng rãi nét đẹp truyền thống của các dân tộc tại Lạng Sơn tới cộng đồng trong nước và quốc tế.

Về văn hóa ẩm thực, Lạng Sơn cũng làm say lòng du khách gần xa với các món ăn, hương vị đặc trưng, khác biệt như: Lợn quay lá mắc mật, vịt quay, khâu nhục, phở chua, khẩu sli, nem nắm, rượu Mẫu Sơn… đây đều là tinh túy, độc đáo khó quên dù thưởng thức ở nhà hàng sang trọng hay quán nhỏ ven đường hay trong chợ đêm.

Món ăn “mảy nhừng” độc đáo của đồng bào dân tộc xứ Lạng. (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Bên cạnh đó là những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng từ sự ưu đãi của thiên nhiên như: na dai Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên, lê Tràng Định, thạch đen. Còn nhóm sản phẩm lâm nghiệp, dược liệu gồm: Hoa hồi, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ; nhựa thông, quế, sở, chè, dược liệu, đào (làm cảnh, lấy quả). Sản phẩm chăn nuôi có thịt lợn, trâu, bò, trứng gia cầm, thủy sản (nước ngọt) đều là những sản vật của riêng Lạng Sơn.

Về văn hóa: Dù có chợ đường biên, chợ Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa, có đồng bào dân tộc tập trung mỗi 12 âm lịch hàng tháng nhưng Lạng Sơn cần có thêm một Trung tâm ẩm thực Lạng Sơn để tạo thành tour “Khám phá ẩm thực xứ Lạng” di chuyển bằng tàu hỏa trong ngày. Tại trung tâm ẩm thực này, nếu kết hợp giới thiệu văn hóa, văn nghệ, nghi thức, tục lệ đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn như Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay thì chắc chắn sự hấp dẫn, lôi cuốn sẽ nhân lên gấp bội. Trung tâm ẩm thực không chỉ kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà còn góp phần quảng bá ẩm thực Lạng Sơn ở mức độ quốc gia, để mọi cư dân, đồng bào dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn Lạng Sơn đều được tạo công ăn việc làm chính đáng, ổn định, phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Thành cổ Lạng Sơn hay còn gọi là Đoàn thành (phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn) là di tích lịch sử cấp quốc gia. (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Về giao thương: Dù là đầu mối giao thương của vùng Đông – Tây Bắc bộ, giao thương hàng hóa các tỉnh Việt Nam với Trung Quốc, cửa ngõ kinh tế ASEAN – Trung Quốc nhưng Lạng Sơn lại chưa có một Trung tâm Triển lãm – hội chợ quốc gia giới thiệu sản phẩm chất lượng của Việt Nam. Với lợi thế về địa chính trị của tỉnh, Lạng Sơn phải xây dựng một Trung tâm Triển lãm – hội chợ thương mại quốc tế Trung Quốc – ASEAN như TP. Nam Ninh (Trung Quốc) đã xây dựng với đầy đủ chức năng của một đô thị thương mại hiện đại, phát triển với các hoạt động xúc tiến thương mại thường xuyên. Đây sẽ là yếu tố hạt nhân – tạo thị, kích thích phát triển của cả khu vực kinh tế, không chỉ vùng biên mà cả Lạng Sơn nói chung.

Núi Phai Vệ về đêm – Niềm tự hào nơi biên cương xứ Lạng (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Về giao thông: Để hoàn thiện được đồng bộ, bên cạnh việc hoàn thiện các tuyến đường kết nối Đông – Tây trong tỉnh cũng như với các tỉnh lân cận, Lạng Sơn cần đầu tư cơ sở hạ tầng để trở thành Trung tâm logistic phía Bắc Việt Nam, góp phần lưu trữ, bảo quản hàng hoá (nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi), trung chuyển phương tiện vận chuyển, giảm tải nạn ùn ứ, ách tắc trên tuyến đường, bến bãi như trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

Về đầu tư: Việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch là cần thiết nhưng cũng cần lưu ý để phát triển bền vững. Thời gian qua, đỉnh núi Mẫu Sơn – địa danh “đệ nhất hùng quan”, “Đà Lạt của vùng Đông Bắc” quanh năm sương mù bao phủ, những ngày giá lạnh còn có tuyết rơi đã được Lạng Sơn chú trọng mời gọi đầu tư, mục tiêu là thúc đẩy du lịch, nhưng tại đó, người dân của tỉnh vẫn được tận hưởng cảnh quan của xứ sở, quê hương mình chứ không phải chịu chi phí lớn hay phát triển du lịch mà phá vỡ cảnh quan chung, mất đi kế sinh nhai, công ăn việc làm của người dân… như một số dự án đã thực hiện ở các địa phương khác.

Đỉnh núi Mẫu Sơn – địa danh “đệ nhất hùng quan” (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Không chỉ kêu gọi đầu tư vào những khu vực có lợi thế cảnh quan, nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, nhanh chóng thu lợi nhuận mà Lạng Sơn cần quan tâm, kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức cùng đóng góp, khôi phục các làng nghề truyền thống, kiến trúc nhà tường trình hai tầng đặc trưng của đồng bảo Tày, Nùng như ở bản Khuyến (Lộc Bình), Cao Lộc, Đình Lập… hay đầu tư xử lý môi trường Bắc Sơn với các lò gạch sản xuất ngói âm dương đặc trưng, hệ thống nhà sinh hoạt văn hóa của bản, xe điện sử dụng trong các khu du lịch cộng đồng Hữu Liên (Hữu Lũng), Bắc Quỳnh, Long Đống (Bắc Sơn) để không đi theo lối mòn nhỏ lẻ, xa rời và không thuộc về đồng bào Lạng Sơn.

Nguồn tài nguyên vô hạn là văn hóa, ẩm thực được lồng ghép trong lợi thế thương mại giao thương – khác biệt từ địa thế, chắc chắn sẽ là điểm tựa, tạo nên sự bứt phá phát triển khác biệt và bản sắc của du lịch Lạng Sơn. Nếu được đầu tư khai thác thích đáng “mỏ vàng khổng lồ” các lợi thế này, du lịch Lạng Sơn hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, độc đáo và khác biệt.

KTS Nguyễn Phú Đức

Thực hiện: Quang Tuyền – Thiết kế: Đức Thịnh