Để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Khởi nghiệp hiện đang là chủ đề được quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế sâu rộng hơn thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới…
Giấc mơ “quốc gia khởi nghiệp” (Start-up Nation) sẽ không còn xa một khi cả hệ thống chính trị – kinh tế vào cuộc. Tuy nhiên, hiện các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn chung chung, mơ hồ, chưa đi vào bản chất của khởi nghiệp nên vẫn chưa thể khởi sắc. Trong điều kiện, hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chỉ nên đầu tư tập trung cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nước ta mới hy vọng tăng tốc để phát triển đất nước – đây là con đường duy nhất để chúng ta sớm đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai không xa.
Thực chất “phong trào” khởi nghiệp hiện nay
Hiện nay chủ đề khởi nghiệp (START-UP) tại Việt Nam mạnh ai nấy làm, đang rất loạn về khái niệm, định nghĩa lẫn tính ứng dụng vào thực tiễn. Đã đến lúc Nhà nước và các Bộ/Ban/Nghành liên quan cần phối hợp thành một Chương trình Quốc gia và đưa ra một khái niệm chuẩn, có thể là định nghĩa mở nhưng mạch lạc về khoa học và các tiêu chí cho các dự án khởi nghiệp quốc gia được tài trợ hơn là chỉ phổ biến qua các phong trào khởi nghiệp như mốt. Vì bản chất của phong trào và các cái mốt thời thượng là sẽ rất mau lạc điệu.
Từng được mời làm giám khảo cho nhiều chương trình Start-up ở các trường đại học ở Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM và cả các chương trình Start-up mang tên “Siêu thủ lĩnh” do VTV6 khởi xướng trong 3 năm liên tiếp, phải nói hầu hết mang nặng tính trình diễn, phương pháp thực hiện không có cái mới, na ná nhau theo kiểu cho các em viết ý tưởng start-up, sau đó tổ chức để sinh viên thuyết trình rồi giám khảo hỏi đáp, chấm điểm nhưng thời lượng rất ít nên không thể đi sâu vào thực chất một dự án khởi nghiệp để đo đếm được về tài chánh, hiệu quả, tính khả thi và sự bền vững.
Chúng ta rất thiếu nghiên cứu và phát triển (R&D) khoa học đúng bài bản làm nền tảng cho khởi nghiệp. Hiện nay, phần lớn các dự án Start-up ở nước ta hầu hết đẩy toàn bộ trách nhiệm này cho các bạn trẻ. Họ tự suy nghĩ ra các ý tưởng rất lãng mạn nhưng không xuất phát từ kinh tế thị trường và ít được hổ trợ của giới khoa học. Start-up theo kiểu “thông minh” lãng mạn như thế sẽ cầm chắc thất bại. Trên thực tế các tập đoàn hùng mạnh, các quốc gia phát triển không làm như thế. R&D phải luôn gắn với thị trường và xuất phát từ đặt hàng của thị trường qua các cộng đồng doanh nghiệp & các tập đoàn, nhà đầu tư và sự hổ trợ của cả một hệ thống vườn ươm khởi nghiệp bài bản.
Mô hình Thiết kế tòa nhà văn phòng khởi nghiệp F – VILLE – FPT Soflware, Hòa Lạc, Hà Nội
Với 100 tỉ đồng để Start-up trong 5 năm cho một TP HCM rộng lớn là một số vốn dù có nhiều hơn mọi năm nhưng vẫn rất hình thức và thiếu đánh giá đúng tiềm năng của TP HCM. Một ví dụ cụ thể, từ thập niên “90 thế kỷ trước thì hệ thống các trường đại học Canada mỗi năm có 5.000 dự án Start-up ngắn hạn, mỗi dự án trị giá từ 3.000-5.000USD/ vào một kỳ nghỉ hè 3 tháng, dành chu cấp cho sinh viên viết dự án khởi nghiệp (một nửa là của nhà trường và một nửa là chính phủ tài trợ). Start-up ngắn sẽ đánh giá lời lỗ rất cụ thể sau 6 tháng, khi vào đầu năm học sau thì sinh viên phải hoàn trả 5.000USD cho nhà trường nếu không muốn bị lưu ban một năm. Với cách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp như vậy chính phủ Canada đã giúp sinh viên có những bước khởi đầu rất thật để làm quen với các dự án start-up và đón nhận cả những bài học đau thương, để khi ra trường các bạn không còn bỡ ngỡ.
Khởi nghiệp với dự án ngắn là những bước chạy đà thông minh và giúp các em tránh bớt ảo tưởng làm tỷ phú ngay qua đêm (?) và đóng góp thực chất thiết thực vào nền kinh tế.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Khởi nghiệp là giai đoạn sớm nhất trong vòng đời của mỗi doanh nghiệp khi người sáng lập ra nó hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình. Theo Neil Blumenthal – CEO của Công ty Warby Parker thì “một doanh nghiệp khởi nghiệp là một doanh nghiệp bắt đầu hoạt động để giải quyết một vấn đề còn chưa rõ ràng và thành công thì không được đảm bảo”. Với nhiều người, hoạt động khởi nghiệp được hiểu đơn giản là theo đuổi những quyết định mạo hiểm trong tương lai, đây là quá trình gần như không thể thiếu trong kinh doanh nhưng do tính chất rủi ro nên không phải doanh nghiệp nào khởi nghiệp cũng thành công.
Quốc gia khởi nghiệp chính là quốc gia dám đầu tư cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo cho dù không đảm bảo chắc chắn nó sẽ thành công.
Ixarel được gọi là quốc gia khởi nghiệp. Phải hiểu thêm rằng mỗi người dân Ixaren là một sự tổng hợp “3 trong 1” của tinh thần công dân: Nông dân, Chiến binh và Doanh nhân. Hiệu quả và năng suất trong mỗi dự án, chiến dịch mà người Ixarel đã đạt được thật quá sức tưởng tượng, đáng để người mình học hỏi. Chỉ riêng ngành nông nghiệp của Ixrael đang có giá trị gấp 100 lần Việt Nam. Họ đầu tư tối đa khoa học công nghệ tiên tiến cho những mảnh đất vốn khô cằn của vùng sa mạc. Thay vì ngồi nghĩ về những thất bại, người Ixrael luôn chú trọng tìm kiếm cơ hội của tương lai. Văn hóa của họ nằm ở 3 yếu tố then chốt: có sáng kiến, chấp nhận rủi ro và tốc độ.
Hiểu một cách đơn giản, “quốc gia khởi nghiệp” là quốc gia dành sự ưu tiên cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có hoạt động đầu tư mạo hiểm (đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo với tư duy chấp nhận rủi ro) nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Trong điều kiện, hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chỉ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam mới hy vọng tăng tốc để phát triển đất nước – đây là con đường duy nhất để chúng ta sớm đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai không xa.
Nếu chúng ta vẫn phát triển với một tốc độ như hiện nay, thì theo ước tính chúng ta có thể trở thành nước công nghiệp vào năm 2050 (tức là cần đến khoảng 35 năm nữa). Để đất nước có thể đạt được mục tiêu trên sớm hơn, chỉ có con đường duy nhất là chúng ta phải hành động, đó là tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này còn rất nhiều việc để làm và phải làm, với một tinh thần rất quyết liệt, và tập trung cao độ. Việc đầu tiên đó chính là tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được sinh ra và phát triển, hay nói một cách khác là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Cấu thành của một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gồm một số thành phần cơ bản là:
Nhà nước: Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng thành công Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, Nhà nước ban hành cơ chế tạo lập và bảo hộ tài sản trí tuệ của mọi tổ chức, cá nhân, quy định phương thức chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, cho phép thành lập và tạo cơ chế vận hành các loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm, kể cả của Nhà nước (giai đoạn đầu) và tư nhân, các loại hình tổ chức dịch vụ trong thị trường công nghệ. Các Quỹ đầu tư sẽ là nơi cung cấp các vốn mồi cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Song hành với việc cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, Nhà nước cần đi trước một bước “để làm gương” cho các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong lĩnh vực này. Nếu Nhà nước “không dám đầu tư mạo hiểm” thì sẽ tạo ra tâm lý e ngại cho các thành phần kinh tế khác cũng không dám đầu tư.
Đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt thực hiện những cơ chế, chính sách phù hợp để sớm đạt mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia khởi nghiệp. Chiến lược đó cần tập trung vào năng lực cạnh tranh quốc gia với chiến luợc phát triển 6 mũi nhọn cơ bản nhất trong 20 năm tới là Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Du lịch thông minh, Công nghiệp phụ trợ, Dịch vụ – phân phối và Giáo dục đào tạo của Việt Nam. Đánh giá tăng trưởng bằng thước đo chứ không phải bằng báo cáo, phải làm rõ tỷ trọng đóng góp vào GDP quốc gia.
Ưu tiên là hoạt động đầu tư mạo hiểm (đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo với tư duy chấp nhận rủi ro “venture capital”) nhằm phát triển kinh tế – xã hội.
Các nhóm “start up”: chính là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Họ xây dựng doanh nghiệp từ chính những ý tưởng kinh doanh, ý tưởng sáng tạo của mình. Khi được đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ có nguồn lực biến những ý tưởng của mình thành hiện thực. Tất nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều thành công, thậm chí tỷ lệ thành công rất thấp, nhưng một khi đã thành công họ sẽ tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế.
Các nhà đầu tư: có hai hình thức đầu tư. Một là, các nhà đầu tư thiên thần, là những nhà đầu tư tự nguyện, họ chấp nhận rủi ro. Nếu thành công thì cùng nhau chia sẻ lợi nhuận, còn nếu thất bại thì sẽ chấp nhận cùng chịu rủi ro. Hai là, các nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư hay các tổ chức tài chính. Các quỹ sẽ thay mặt nhà đầu tư quản lý nguồn vốn, sử dụng đội ngũ tư vấn pháp lý và tư vấn kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro. Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp sáng tạo: đây được hiểu là nơi tạo ra các dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong quá trình hoạt động. Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp là nơi liên kết các nhà đầu tư với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Họ là một tổ chức trung gian độc lập nhằm tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về ý tưởng kinh doanh, tìm kiếm các nhà đầu tư, các vấn đề liên quan đến pháp lý, sở hữu trí tuệ…
Liệu Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp?
Muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp, Việt Nam phải thay đổi tư duy từ gốc rễ các khái niệm khởi nghiệp, tránh làm theo phong trào và nghiêm túc từ việc tạo lập và vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành phần như trên là điều bắt buộc và không dễ dàng, nhất là khi chúng ta còn đang chập chững bước vào nền kinh tế thị trường.
Chúng ta phải biết rằng, tiền (vốn) chỉ là chuỗi cuối cùng và là hệ quả của quá trình Start-up. Khởi nghiệp ở Việt Nam phải thay đổi tư duy ngay từ bây giờ bởi bản chất Start-up là biến không thành có. Bản chất khởi nghiệp là phải có nghiên cứu và phát triển R&D. Viết các dự án khởi nghiệp phải được sự hổ trợ của Nhà nước & các Hiêp Hội mời những chuyên gia về lĩnh vực đó để tư vấn (Coaching, Mentoring,…). Nếu đã có nhiều tiền đổ vào rồi thì khởi nghiệp cái mới làm gì nữa.
Ở Việt Nam, dù rằng khái niệm “Ngân hàng sở hữu trí tuệ” (IP Bank) còn khá mới.Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh quốc gia đã được phổ biến rộng rãi. Chúng tôi đang viết dự án cho TP HCM & Bộ KH&CN về vấn đề này. Nếu Bộ này cùng Bộ KHĐT, Bộ Tài chính cùng chủ trì chương trình Quốc gia khởi nghiệp bằng các cơ chế mới cho Ngân hàng sở hữu trí tuệ, đây là hướng phát triển mới sẽ thành công với nhiệm vụ đưa khoa học công nghệ đóng góp trực tiếp vào GDP quốc gia, các nhà khoa học và chuyên gia thông qua IP Bank đóng góp vào ngành sản xuất, tạo ra lợi nhuận và có cổ tức.
Lịch sử dân tộc đã chứng minh rằng niềm tin có giá trị vô cùng quan trọng để đi đến thành công. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ dù ta yếu hơn địch và thiếu thốn mọi bề nhưng chúng ta vẫn vẽ ra được viễn cảnh thắng lợi, thống nhất đất nước khi đó chính là một trong những giá trị lớn để tập hợp tinh thần dân tộc, đoàn kết nhân dân cả nước. Thời kỳ xây dựng và khởi nghiệp, áp dụng vấn đề niềm tin là trách nhiệm chính của mỗi CEO và doanh nghiệp phải làm sao để chứng minh sản phẩm dịch vụ thật tốt, có chất lượng, phải truyền được thông điệp, viễn cảnh tốt đẹp để thuyết phục được nhà đầu tư rót vốn và khách hàng tin tưởng vào sản phẩm của mình thì mới thành công trong kinh doanh. Khởi nghiệp cuối cùng là vượt khó để biến cái không thành có, thiếu niềm tin thì rất khó đi đến tận cùng để thành công./.
Nguyễn Hữu Thái Hòa
Giám đốc chiến lược VNPT
Giám đốc Trung Tâm Khoa Học Tư Duy CTS (Bộ Khoa Học & Công Nghệ)