30/09/2022

Đặc trưng kiến trúc đô thị trong không gian Trục di sản Đông – Tây, Thành phố Đà Lạt

(KTVN 240) Qua thăng trầm và biến cố lịch sử, Đà Lạt có nhiều yếu tố đặc thù và duy nhất, có khả năng trở thành một đô thị di sản. Trục di sản Đông – Tây là khu vực tập trung quỹ kiến trúc cũ có giá trị và là nhân chứng lịch sử của Đà Lạt. Kiến trúc đô thị Trục di sản Đông – Tây có bề dày và tiến trình lịch sử, mang trên mình mã ADN rõ nét và độc đáo, đây là khu vực có định hướng và nền tảng phát triển qua các thời kỳ, được phê duyệt theo Quyết định 704/QĐ-TTg. Việc nghiên cứu và làm rõ các đặc trưng kiến trúc đô thị trong không gian Trục di sản Đông – Tây là cơ sở để xác định tiềm năng và mục tiêu phát triển phù hợp cho khu vực trong tương lai.

KHÁI NIỆM TRỤC DI SẢN ĐÔNG TÂY

Thành phố Đà Lạt đã xác lập 2 trục chính đi qua vùng lõi: Trục di sản Đông – Tây theo hướng D’Ran về Cam Ly và trục cảnh quan cây xanh Bắc – Nam. Trục di sản Đông – Tây là khu vực có yếu tố đặc trưng duy nhất về tự nhiên, tập trung quỹ kiến trúc cũ có giá trị và là nhân chứng lịch sử của Đà Lạt, được phê duyệt theo Quyết định 704/QĐ-TTg 2014. Toàn bộ trục di sản được xác định một vùng bảo vệ trải dài liên kết trục đường Đông – Tây bao gồm: (1) Các công trình di sản; (2) Bao cảnh quanh di sản; (3) Các công trình có giá trị cao về văn hóa, lịch sử, kiến trúc; (4) Không gian đường phố trên trục chính và các công trình kiến trúc, cảnh quan có liên quan. Kiến trúc đô thị Trục di sản Đông – Tây có bề dày và tiến trình lịch sử, mang trên mình mã ADN rõ nét và độc đáo.

Sơ đồ vị trí khu vực Trục di sản Đông – Tây (Nguồn: tác giả)

TỔNG QUAN VỀ KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ KHU VỰC TRỤC DI SẢN ĐÔNG – TÂY QUA CÁC THỜI KÌ PHÁT TRIỂN

Kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc

Giai đoạn 1900-1923, điểm mốc quan trọng đầu tiên, Đà Lạt nằm trên vị trí sườn đồi, bên hồ Xuân Hương, việc xây dựng chủ yếu nằm trên trục đường Trần Phú – Trần Hưng Đạo thuộc khu vực Trục di sản Đông – Tây ngày nay. Thập niên 1930-1940, không gian kiến trúc đô thị được kiến tạo bởi những KTS Pháp tài năng, có ảnh hưởng ở Đông Dương như Alexandre Léonard, Paul Veysseyre hay Arthur Kruze…. triển khai trên thành quả các đồ án quy hoạch, chỉnh trang đô thị của triết lý 6 tấm bản đồ (Paul Champoudry, Jean O’Niel, Ernest Hébrard, H. Mondet, Louis Georges Pineau, Jacques Lagisquet). “Phương Tây” hay “rất Tây” là cách nói chung thời bấy giờ khi nhắc về một không gian di sản với nhiều biệt thự xinh đẹp mà người Pháp để lại sau gần 30 năm xây dựng thành phô (1915-1945). Đà Lạt tiếp cận rất sớm với phương pháp, tư duy quy hoạch hiện đại, từ mục tiêu, ý tưởng quy hoạch đến giải pháp thực hiện đều chịu ảnh hưởng nhất định bởi văn hóa phương Tây. Vì vậy, sản phẩm quy hoạch, kiến trúc khu vực Trục di sản Đông – Tây là khắc họa rõ nét về không gian và thời gian của một giai đoạn lịch sử, tạo ra sắc thái đô thị rất đặc trưng, khác biệt trong hệ thống đô thị Việt Nam và Thế giới.

6 tấm bản đồ lịch sử hình thành Trục di sản Đông Tây

Kiến trúc đô thị thời kỳ 1954-1975

Đà Lạt dưới sự quản lý của chính quyền miền Nam, kế hoạch phát triển Đà Lạt tương đối quy mô, quan tâm chỉnh trang đô thị và xây dựng các công trình công cộng. Thập niên 1960, thành phố chỉ tập trung xây dựng các công trình phục vụ lợi ích trước mắt, vấn đề môi sinh của Đà Lạt bị các học giả đương thời lên tiếng báo động. Sau khi người Pháp rời đi, có những bước chuyển tiếp của xã hội chính trị, dễ dẫn đến đứt gãy giá trị. Tuy nhiên, các KTS tên tuổi của Sài Gòn thời bấy giờ có quá trình nghiên cứu lịch sử kiến trúc đặc thù của đô thị này để hình thành một hình thái, triết lý phát triển mới, tạo ra sự tiếp biến khá êm đềm cho Đà Lạt. Đây là thời kỳ chuyển tiếp từ một thành phố do người Pháp kiến tạo, làm chủ sang một thành phố của người Việt với diện mạo hiện đại, diễn ra cuối thập niên 1950.

Kiến trúc đô thị thời kỳ 1975 đến nay

Đà Lạt chuyển hóa thành đô thị đa chức năng. Trước sự xuống cấp của cảnh quan, môi trường, nhiều đồ án quy hoạch, chỉnh trang thành phố được thực hiện, đặc biệt quan tâm đến khu vực Trục di sản Đông – Tây. Sự phát triển đô thị tiến dần vào khu vực chóp nón bảo vệ, kiến trúc hiện đại sau ngày Giải phóng đã cho thấy vẫn đang trong giai đoạn tìm tòi thử nghiệm. Gần đây, kiến trúc khu vực Trục di sản Đông – Tây có những tiến triển rõ rệt cả về hình thức lẫn nội dung, sự hội nhập và mở cửa nền kinh tế đem lại những ảnh hưởng mới trong sáng tạo và tư duy về kiến trúc với những hiện tượng tích cực cũng như tiêu cực. Mặt khác, xuất hiện nhiều công trình kiến trúc mang tính sao chép, lượm lặt, mang dáng dấp xa lạ, lạc lõng. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã thúc đẩy sự phát triển của Trục di sản Đông – Tây dẫn đến sự bùng nổ trong xây dựng, nhiều vấn đề cụ thể đã được đặt ra như nhu cầu cấp thiết về quy hoạch, thẩm mỹ kiến trúc, hiện đại, dân tộc, bản sắc,…

Tiến trình phát triển Trục di sản Đông – Tây qua các bản đồ (Nguồn: tác giả)

CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC ĐẶC TRƯNG TRỤC DI SẢN ĐÔNG – TÂY

Văn hóa – lịch sử

Sự hình thành của khu vực Trục di sản Đông – Tây diễn ra trong sự giằng co dai dẳng giữa yếu tố: Văn hóa bản địa và văn hóa phương Tây với cách tổ chức một đô thị lý tính kiểu châu Âu suốt bốn thập niên (1900-1940). Dẫn đến sự giao thoa văn hóa, trở thành yếu tố khơi gợi văn hóa bản địa, tác động trực tiếp đến ngôn ngữ kiến trúc tại Trục di sản Đông – Tây.

Kinh tế – xã hội

Sự đa dạng trong thành phần cư dân: cư dân bản địa (Lạch, Chil, Srê ở xã Tà Nung); Người Đà Lạt gốc Bắc; Người Đà Lạt gốc Thừa Thiên – Huế; Người Đà Lạt gốc Nam, Ngãi, Bình, Phú; Người Hoa; Người Pháp;…. Đa dạng tôn giáo: đạo Phật, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Cao Đài,… hình thành đặc trưng kiến trúc khu vực đa sắc tộc, tạo nên nét đặc sắc cho khu vực Trục di sản Đông – Tây.

Các yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển kiến trúc đặc trưng Trục di sản Đông Tây

Điều kiện tự nhiên

Điều kiện môi trường thiên nhiên độc đáo của vùng Đà Lạt: địa hình, địa thế, khí hậu thời tiết, vật liệu địa phương,… Khí hậu khu vực Trục di sản Đông – Tây mang nhiều sắc thái của một xứ ôn đới, quanh năm mát mẻ. Địa hình liên tục thay đổi chia cắt không gian thành những khu vực riêng biệt rõ nét. Các không gian trong bản quy hoạch đầu tiên của người Pháp đã rất tôn trọng địa hình, các khu nhà thấp tầng “Nhà xây không cao quá ngọn thông”. Công trình cao hơn ngọn thông chỉ là điểm nhấn, cái tháp, cái chóp nhà hoặc khối tích lớn thì phải lùi sâu vào trong rừng thông. Đây là cơ sở tác động đến hình thức kiến trúc và cách thức xây dựng các kiểu công trình đặc thù ở khu vực Trục di sản Đông – Tây phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Cảnh quan

Những yếu tố chính tạo nên cảnh quan đặc thù của Trục di sản Đông – Tây là: (1) Địa hình nhấp nhô mềm mại của cao nguyên, (2) Hệ thống suối (Camly), hồ tự nhiên, (3) Nền xanh phong cảnh của rừng thông, thảm cỏ, hoa, động vật, thực vật phong phú, (4) Hệ thống di sản kiến trúc Pháp,… tạo nên những lớp cảnh quan đa dạng, mang lại vẻ đẹp và bản sắc riêng cho khu vực. Đây là cơ sở cho các thiết kế quy hoạch cảnh quan, kiến trúc thiết kế dựa theo cảnh quan, ẩn mình trong thiên nhiên. Tác động rất lớn vào quá trình xây dựng và phát triển hình thái kiến trúc qua nhiều giai đoạn.

HÌNH THÁI KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ ĐẶC TRƯNG KHU VỰC TRỤC DI SẢN ĐÔNG – TÂY

Đặc trưng kiến trúc đô thị Trục di sản Đông – Tây

Đặc trưng kiến trúc đô thị Trục di sản Đông – Tây có hai mảng chính kiến tạo nên diện mạo: (1) Mảng công trình thời thuộc địa mang sắc thái cổ kính, hoa mỹ và ấm cúng của vùng Trung, Bắc Âu; (2) Mảng kiến trúc hiện đại xuất hiện từ 1954-1975 với hình thái mạnh mẽ, đề cao những giải pháp, công năng là tác phẩm của những KTS người Việt sáng giá. Cả hai mảng đều được cộng hưởng thêm yếu tố bản địa, tạo nên dấu ấn riêng không thể trộn lẫn của khu vực so với các đô thị khác.

Đặc điểm chung của các công trình kiến trúc tiêu biểu khu vực Trục di sản Đông – Tây dựa vào thiên nhiên có sẵn, nhẹ nhàng nép mình vào khung cảnh, tạo lập công trình có dáng dấp như một sản phẩm của tự nhiên. Các kiến trúc đẹp đều có bố cục tổng thể theo hình khối nằm ngang ổn định, gắn kết chặt chẽ với mặt đất và thường giật cấp nếu địa hình dốc, không làm thay đổi địa hình khu vực xung quanh. Kiến trúc có tỉ lệ nhỏ, không quá nổi bật so với thiên nhiên, số tầng nhà không cao, chiều cao tầng không lớn. Nếu công trình có quy mô khá lớn, thường giật cấp, có mái ngói, màu sơn nhẹ nhàng, các chi tiết kiến trúc kỹ càng, trau chuốt. Đặc trưng hình thái này hiện nay vẫn được duy trì, song song với sự phát triển mạnh mẽ của công trình mới với khối tích lớn và hình thức đa dạng như các khổ kính to, vật liệu, kết cấu phong phú, khá khó khăn để gìn giữ nét hài hòa cho cảnh quan chung.

Về phong cách và ngôn ngữ kiến trúc, qua thời gian dài xây dựng phong cách kiến trúc có nhiều thay đổi, từ phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ đơn giản với những cửa cuốn vòm, hành lang bao quanh mặt bằng hình chữ nhật; phong cách Tân cổ điển với những trang trí phong phú sáng tạo như những kiểu lợp mái bản thạch và cửa sổ tròn trên mái; phong cách kiến trúc địa phương Pháp thể hiện ở các kiểu biệt thự; phong cách kiến trúc Hiện đại với những dường nét ngang bằng xổ thẳng,… Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa Trục di sản Đông – Tây là nước Pháp. Nếu nó mang dấu ấn của các nhà kiến trúc Pháp, hiện tượng giao lưu này là tự nhiên; ngược lại hình thái kiến trúc tại khu vực này chịu ảnh hưởng bởi tính bản địa đặc trưng của Đà Lạt, tạo nên kiểu kiến trúc độc đáo đầy bản sắc.

Hiện trạng di sản kiến trúc Trục di sản Đông – Tây

Có sự tập trung tương đối của các di sản dọc theo trục Đông – Tây. Hệ thống các công trình di sản được bảo tồn bao gồm công trình công cộng và quỹ biệt thự: Gồm 08 công trình công cộng, 03 biệt thự bảo tồn nhóm 1, 28 biệt thự bảo tồn nhóm 2 và nhiều biệt thự khác. Đây chính là các công trình xây dựng ghi dấu lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt từ hơn một thế kỷ qua.

Hiện trạng di sản kiến trúc khu vực Trục di sản Đông – Tây (Nguồn: tác giả)

Công trình công cộng

Chủ yếu ảnh hưởng theo các kiểu kiến trúc chính thống Châu Âu như kiến trúc Romansque (Nhà thờ Con Gà), kiến trúc Gothic (khối nhà nguyện trong trường nữ tu Couvent Des Oiseaux), kiến trúc Modern (khách sạn Palace, khách sạn Du Parc),…

Công trình biệt thự

Hình thái kiến trúc đô thị đặc trưng khu vực Trục di sản Đông Tây

Có thể phân loại thành những phong cách chính như sau:

– Phong cách Cổ điển: nhận thấy ở những biệt thự thời kỳ đầu, tuy không cầu kỳ và chuẩn mực như các công trình ở Hà Nội, Sài Gòn cùng thời.

– Phong cách địa phương Pháp (Normandy/Provence/Bretagne/Savoie/Basque): Các hình thức kiến trúc địa phương Pháp du nhập vào Trục di sản Đông – Tây được thể hiện dưới nhiều hình thức, một số theo nguyên mẫu, một số khác thay đổi để phù hợp với khí hậu địa phương và một số kết hợp với kiến trúc Việt Nam tạo nên một hình thức kiến trúc mới. Phổ biến nhất, do đa số biệt thự được xây dựng để phục vụ nhu cầu ở, nghỉ dưỡng của người Pháp tại Đông Dương, nên họ muốn truyền tải văn hóa, mang hơi thở đời sống, phong tục ở quê hương họ sang Việt Nam.

– Phong cách bản địa (hơi hướng Đông Dương): Tuy không thật sự có phong cách Đông Dương rõ nét như một số công trình khác ở Hà Nội, Sài Gòn, song cũng đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng những biệt thự phong cách này.

– Phong cách ArtDecor: Đây là điểm nhấn đáng chú ý trong quỹ biệt thự Đà Lạt với những biểu hiện rất duyên dáng và độc đáo trong các chi tiết trang trí của biệt thự.

– Phong cách Cận hiện đại: Sử dụng vật liệu mới, tiên tiến của thời đó, tuy giản lược bớt các chi tiết song lại đạt được sự phóng khoáng, mạnh mẽ của những công trình tiên phong.

KẾT LUẬN

Hình thái kiến trúc đô thị đặc trưng khu vực Trục di sản Đông Tây

Trục di sản Đông – Tây là khu vực tập trung quỹ kiến trúc cũ có giá trị và là nhân chứng lịch sử, có tiềm năng trở thành không gian di sản đô thị quan trọng bậc nhất của Đà Lạt. Kiến trúc đô thị khu vực Trục di sản Đông – Tây có bề dày và tiến trình lịch sử, mang trên mình “mã ADN” rõ nét và độc đáo. Hình thái và bản sắc đô thị khu vực Trục di sản Đông – Tây được quyết định bởi hai nhân tố: kiến trúc và cảnh quan đô thị đặt trong tổng thể tự nhiên làm nên “hệ giá trị đặc trưng” có một không hai của thành phố này. Trục di sản Đông – Tây giống như một cơ thể con người, có các giai đoạn hình thành phát triển bùng nổ và thoái trào. Quá trình phát triển kiến trúc đô thị tại khu vực này là sự tiếp nối các bề dày phát triển mà qua đó, mỗi thời kỳ đều để lại những dấu ấn trong cơ thể đô thị. Các dấu ấn này có thể là sẹo, nhưng cũng có thể là những mốc son, góp phần tạo nên cá tính riêng và là yếu tố không thể tách rời của đô thị. Quá trình phát triển và tái thiết đô thị khu vực Trục di sản Đông – Tây trong tương lai, cần đi theo các trọng tâm chính mà văn hóa và lịch sử phát triển đô thị là yếu tố then chốt không thể lãng quên, chối bỏ và tách rời./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Pascal Bourdeaux & Olivier Tessier (2013), Đà Lạt. Et la carte créa la ville…, Viện Viễn đông Bác Cổ, NXB Tri thức, TPHCM.

2. Nguyễn Thị Lệ Quỳnh (2022), “Thích ứng công trình kiến trúc xây dựng mới vào không gian Trục di sản Đông – Tây Thành phố Đà Lạt”, Luận văn thạc sĩ, Đại học Kiến trúc TPHCM.

3. Thủ Tướng Chính Phủ (2014), Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, Hà Nội.

4. UBND TP Đà Lạt (2008), Địa chí Đà Lạt, NXB Tổng hợp TPHCM.

TS.KTS Phạm Phú Cường; KTS Nguyễn Thị Lệ Quỳnh/Trường Đại học Kiến trúc TPHCM