03/02/2016

Công trình tôn giáo tín ngưỡng xây mới – Những vấn đề bàn luận

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – 20 năm qua, trong hệ thống các công trình tôn giáo tín ngưỡng (TGTN) xây mới, nổi trội hơn cả là những công trình nhà thờ thiên chúa giáo xây mới tại các địa phương. Loại hình này được thiết kế với bố cục, cấu trúc, kiến trúc cảnh quan, vật liệu sử dụng, các mô típ trang trí rất cách điệu, sáng tạo, thậm chí trở thành một “dấu ấn” mới cho nhà thờ thiên chúa giáo ngày nay. Ở các thể loại công trình TGTN xây mới khác, một số đã kế thừa từ hình thức kiến trúc truyền thống song cũng có rất nhiều công trình lại có ngôn ngữ, hình thức kiến trúc hiện đại, thuận lợi cho các nhu cầu tín ngưỡng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn mới của cư dân. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bất cập, những khoảng trống từ nhận thức đến hành động, thiếu giải pháp quản lý đồng bộ và hơn cả là một định hướng chiến lược bền vững. Chưa muộn để có một cuộc “cách mạng” về định hướng và giải pháp quản lý thực tiễn, hiệu quả trong nhiệm vụ phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa – kiến trúc dân tộc.

chua-co-8

Sử dụng mầu sắc cho mặt tiền khác truyền thống, chùa Đại Nam, Bình Dương

 

GIÁ TRỊ THẨM MỸ KIẾN TRÚC – CHỦ ĐẦU TƯ HAY NHÀ THIẾT KẾ?
ThS.KTS. Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia

Trong xây dựng công trình TGTN mới, hiện người ta đang vận dụng một cách máy móc, thiếu sáng tạo, mới chỉ tập trung mọi nỗ lực nhằm tạo ra một công trình bền vững về công năng và đạt được cái đẹp theo ý thích của chủ đầu tư. Tức là chỉ thoả mãn công năng mà hạn chế khả năng sáng tạo của các kiến trúc sư thiết kế. Bên cạnh những công trình đạt được giá trị thẩm mỹ kiến trúc, còn nhiều công trình mắc lỗi trong thiết kế, xây dựng, thẩm mỹ công trình. Trong khi đó, công tác rà soát thực trạng, nghiên cứu tổng thể cũng như những định hướng cho người dân, người làm nghề và các nhà quản lý chưa có. Đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, công nhân lành nghề có khả năng đáp ứng các yêu cầu đặc thù của công việc cũng như nắm rõ cấu trúc kiến trúc truyền thống chưa được đào tạo bài bản. Các công trình còn xây dựng theo ý tưởng chủ quan của chủ đầu tư… Đó là những nguyên nhân dẫn đến sự lai căng, khập khễnh trong hình thức kiến trúc, trong bố cục của các công trình TGTN xây mới hiện nay.

XU HƯỚNG KIẾN TRÚC NÀO ĐỂ LỰA CHỌN?
TS. Tạ Hoàng Vân – Viện Kiến trúc Quốc gia

Công trình TGTN xây mới được hiểu là những công trình được xây dựng trên địa điểm mới, có hồ sơ thiết kế được cấp phép xây dựng. Thực tế, hiện nay chúng ta chưa có sự thống nhất cho các công trình xây mới này. Các văn bản quản lý ngành Xây dựng mới chỉ coi các công trình TGTN này như một loại hình công trình dân dụng thông thường, chưa nhấn mạnh tính đặc thù về hình thức kiến trúc, chưa có kiểm soát về chất lượng xây dựng công trình, quan tâm đến nhu cầu xây dựng đáp ứng cho các hoạt động tôn giáo hơn là hình thức và thẩm mỹ. Mặt khác những công trình TGTN này mặc dù là loại công trình văn hóa nhưng ngành Văn hóa lại chưa có chế tài kiểm soát và quản lý. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến những bất cập. Mặt khác, trong những xu hướng kiến trúc truyền thống, hoài cổ hay hiện đại… chúng ta sẽ lựa chọn xu hướng nào? Làm sao để công trình TGTN xây mới vừa mang đậm tính tâm linh vừa thể hiện được bản sắc kiến trúc dân tộc đương thời? Vào lúc này, việc rà soát, đánh giá các loại hình công trình TGTN xây mới cần được đặt ra và làm trên diện rộng. Từ những kết quả đó sẽ làm căn cứ để các nhà quản lý ngành Xây dựng đưa ra văn bản quản lý đối với loại hình công trình này, tránh xa đà kiểu “bình cũ rượu mới”.

LỐI ĐI NÀO ĐỂ CHUYỂN TẢI HỒN CỐT CHÙA VIỆT?
KTS. Trần Huy Ánh – Hội KTS Việt Nam

Về vai trò, sức mạnh của thần linh cũng đã xuất hiện trong thời gian vừa qua ngày một nhiều. Người ta đi đền, phủ quá đông, rải tiền công đức khắp nơi, đốt nhiều vàng mã, tranh ấn, cướp lộc mỗi dịp lễ hội đang là vấn đề nhức nhối trong công tác quản lý sinh hoạt tôn giáo mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập đến rất nhiều trong thời gian vừa qua. Không chỉ người dân mà nhiều tăng sĩ, tín đồ cũng có những nhận thức văn hóa sai lạc, tha hóa về đạo đức; lợi dụng niềm tin của nhân dân để thu gom tiền công đức không chỉ để xây đền, chùa hoành tráng mà còn trang bị phương tiện, tiện nghi phục vụ cuộc sống riêng mình, xa rời lối sống thanh bạch, thoát tục của người tu hành.
Về mặt kiến trúc, các công trình TGTN xây mới vẫn còn vấp phải những lỗi phổ biến như: Xây đền, chùa, làm tượng, đúc chuông quá lớn, đua tranh theo những kỷ lục phù phiếm; Sao chép mẫu mã công trình mà không có sự nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo trong thiết kế khiến nhiều công trình có kiểu dáng na ná nhau. Cùng một mẫu cổng chùa, đền được nhân bản ở nhiều nơi hoặc đem mẫu cổng chùa dựng vào đền… Việc không tôn trọng ngôn ngữ kiến trúc vùng, miền đã khiến tình trạng xuất hiện ngày một nhiều những ngôi chùa, đền có kiểu dáng kiến trúc ở đồng bằng Bắc Bộ tại các vùng, miền khác (như miền Trung, miền Nam). Tô son, đắp vẽ những mẫu hoa văn xa lạ; đưa những tượng thờ, linh vật ngoại lai vào công trình; Lạm dụng vật liệu xây dựng, thiết bị trang trí hiện đại như lát gạch men trong chùa; sơn tượng bằng màu sơn công nghiệp và lắp đèn điện tử trên tượng…

ĐÀO TẠO CHƯA THEO KỊP

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Nên đánh giá các công trình TGTN xây mới từ hai nhận thức là: Bối cảnh nền kinh tế thị trường và sự chuyển đổi không gian đô thị. Năm 2008, đánh dấu bước chuyển của loài người khi hơn 50% con người sống ở đô thị. Do vậy, các công trình TGTN hiện nay cũng dần chuyển hóa mang tính chất đô thị nhiều. Còn lại, những công trình ở nông thôn cần được bảo vệ, tôn tạo theo hướng phát huy cao giá trị truyền thống. Sở dĩ có tình trạng “loạn kiến trúc” ở các công trình TGTN thời gian qua là do chúng ta chưa đặt cao vai trò của công tác đào tạo cho những người làm trong lĩnh vực này. Các sinh viên được đào tạo ở các trường Kiến trúc – Xây dựng chưa am hiểu nhiều những kiến thức cơ bản về loại hình kiến trúc này, đặc biệt là chùa sẽ là một khoảng trống lớn. Vì vậy, cần sự đánh giá tổng thể để đưa ra các loại hình kiến trúc đặc trưng cho từng loại hình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng. Từ đó tìm ra những tiêu chí cơ bản nhất của nó để khuyến cáo, hướng dẫn cho các địa phương thực hiện, đồng thời khuyến khích những sáng tạo đi lên từ truyền thống đã có chứ không mang tính lai tạp, kệch cỡm.

CẦN MỘT QUY HOẠCH NGÀNH
TS.KTS. Trương Văn Quảng – Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia

Xây dựng hệ thống các cơ sở TGTN thực sự trở thành một bộ phận cấu thành không gian văn hóa – xã hội của cộng đồng dân cư và làm tăng giá trị các không gian văn hóa – lịch sử và kiến trúc – cảnh quan của đô thị và nông thôn là việc làm cần thiết trong lúc này. Hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy trong cải tạo, trùng tu và xây mới công trình TGTN còn thiếu tính đồng bộ, nhất là trong quy hoạch xây dựng. Sự phối hợp đa ngành còn lỏng lẻo. Trong quy hoạch còn mang tính thụ động, dựa trên hệ thống cơ sở tôn giáo có sẵn, đất đai có sẵn… Việc quy hoạch vị trí mới để xây dựng hệ thống cơ sở tôn giáo còn ít được quan tâm, trong khi các tổ chức và cá nhân lại khá chủ động trong việc này. Do vậy, rất cần coi quy hoạch hệ thống cơ sở TGTN là quy hoạch ngành và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy. Cũng cần lồng ghép nội dung này trong quy hoạch xây dựng vùng, đô thị, nông thôn… để tạo sự phân bố, bình đẳng giữa các loại hình tôn giáo. Công tác quản lý trên tập trung vào 2 nội dung là cấp đất và cấp phép xây dựng. Công tác quy hoạch này sẽ gắn kết không gian tôn giáo với tổng thể không gian sống của cộng đồng dân cư; Giáo dục về tinh thần, góp phần xây dựng hình ảnh và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh, toàn vùng.

TẠO CHÍNH SÁCH ĐỂ TIẾT KIỆM TÀI NGUYÊN
KTS Nguyễn Phú Đức – Sở Quy hoạch Hà Nội

Xây dựng hệ thống các cơ sở TGTN thực sự trở thành một bộ phận cấu thành không gian văn hóa – xã hội của cộng đồng dân cư và làm tăng giá trị các không gian văn hóa – lịch sử và kiến trúc – cảnh quan của đô thị và nông thôn là việc làm cần thiết trong lúc này. Hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy trong cải tạo, trùng tu và xây mới công trình TGTN còn thiếu tính đồng bộ, nhất là trong quy hoạch xây dựng. Sự phối hợp đa ngành còn lỏng lẻo. Trong quy hoạch còn mang tính thụ động, dựa trên hệ thống cơ sở tôn giáo có sẵn, đất đai có sẵn… Việc quy hoạch vị trí mới để xây dựng hệ thống cơ sở tôn giáo còn ít được quan tâm, trong khi các tổ chức và cá nhân lại khá chủ động trong việc này. Do vậy, rất cần coi quy hoạch hệ thống cơ sở TGTN là quy hoạch ngành và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy. Cũng cần lồng ghép nội dung này trong quy hoạch xây dựng vùng, đô thị, nông thôn… để tạo sự phân bố, bình đẳng giữa các loại hình tôn giáo. Công tác quản lý trên tập trung vào 2 nội dung là cấp đất và cấp phép xây dựng. Công tác quy hoạch này sẽ gắn kết không gian tôn giáo với tổng thể không gian sống của cộng đồng dân cư; Giáo dục về tinh thần, góp phần xây dựng hình ảnh và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh, toàn vùng.

TS. Tạ Hoàng Vân – Viện Kiến trúc Quốc gia (Viar)