23/01/2023

Công tác thanh tra góp phần nâng cao hiệu lực quản lý trong quy hoạch, xây dựng

(KTVN 242) – Công tác thanh tra luôn góp phần quan trọng trong việc thực hiện pháp luật xây dựng; bảo đảm trật tự, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và bất động sản. Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã có những chia sẻ về kết quả của công tác thanh tra, chất lượng đoàn thanh tra trong năm 2022 và những kế hoạch sắp tới để phát huy tốt hơn vai trò của Thanh tra trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và bất động sản.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

PV: Thưa ông, lực lượng Thanh tra Bộ Xây dựng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật và chính sách của nhà nước; đồng thời góp phần ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và bất động sản… Để thực hiện tốt những nhiệm vụ đó, Ông có thể chia sẻ những kế hoạch, kết quả đã đạt được của đơn vị trong năm 2022 vừa qua?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Trong năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 28 kết luận thanh tra, các kết luận đã kiến nghị, cụ thể:

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Thực hiện rà soát văn bản quản lý, điều chỉnh bổ sung nội dung để đảm bảo công tác công bố, công khai đồ án quy hoạch xây dựng đã phê duyệt, tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật được chấp thuận để tổ chức, cá nhân có trách nhiệm biết rõ, quản lý, giám sát quá trình thực hiện; rà soát toàn bộ các đồ án đã đến kỳ rà soát theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009 để xem xét, đánh giá quá trình thực hiện, kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn; chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt các đồ án Quy hoạch xây dựng, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, nhất là đối với việc điều chỉnh chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc; chấn chỉnh công tác cấp giấy phép xây dựng, thực hiện đầy đủ việc kiểm tra xây dựng theo giấy phép xây dựng quy định tại Điều 104 Luật Xây dựng 2014; kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm của chủ đầu tư xây dựng dự án, công trình trên địa bàn; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có vi phạm…

Đối với các chủ đầu tư: Thực hiện việc đăng tải đầy đủ các thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh; khắc phục các vi phạm về quy hoạch chi tiết xây dựng và xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định; lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì và chuyển kinh phí bảo trì theo quy định; thực hiện phê duyệt lại dự toán, giảm trừ thanh, quyết toán theo kết luận thanh tra.

Đồng thời, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 186.048 triệu đồng, trong đó, xử lý về dự toán theo đúng quy định của pháp luật số tiền 51.715,3 triệu đồng; giảm trừ khi thanh, quyết toán số tiền 288,2 triệu đồng; thu hồi về tài khoản chủ đầu tư số tiền 50,5 triệu đồng; thu hồi về tài khoản của Thanh tra Bộ số tiền 8.328,5 triệu đồng; xử lý khác về kinh tế số tiền 120.803,5 triệu đồng (đây là số tiền về thu và xử lý kinh phí bảo trì nhà chung cư); kiến nghị xử lý hành chính đối với 81 tổ chức và 13 cá nhân; ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 tổ chức, số tiền 3.180 triệu đồng.

Đối với công tác triển khai các đoàn thanh tra: Đến ngày 31/10/2022, Thanh tra Bộ đã thực hiện 20 đoàn theo kế hoạch và đột xuất (đạt 125%).

Cụ thể, 16/16 đoàn theo kế hoạch 2022 đạt 100%, gồm: 02 Đoàn thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng tại Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Bộ Giao thông – Vận tải (đã ban hành kết luận) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; 03 đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại 03 tỉnh: Lào Cai, Hậu Giang, Tuyên Quang; 08 đoàn thanh tra hai chuyên đề về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tại 08 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương, Long An.

Đối với công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật: Thanh tra Bộ đã ban hành Kế hoạch quán triệt, phổ biến Nghị định 16/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 126/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

Ngày 08/4/2022, Thanh tra Bộ đã chủ trì tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Nghị định 16/2022 trực tiếp tại Bộ Xây dựng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ Xây dựng, lãnh đạo các Sở Xây dựng, Thanh tra Xây dựng của 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và trực tuyến với hơn 700 điểm cầu là các địa phương trên toàn quốc.

Phối hợp tham gia tổ chức 04 hội nghị phổ biến quán triệt Nghị định tại Học viện Cán bộ quản lý và xây dựng đô thị ngày 20/4/2022, tại TPHCM ngày 12/5/2022, tại Nam Định ngày 27/5/2022 và một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Các Hội nghị đã phổ biến nhiều nội dung mới, hướng dẫn thực hiện, giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đưa Nghị định vào cuộc sống, góp phần vào việc ổn định, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước ngành Xây dựng, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xây dựng.

Đồng thời, góp ý kiến và tham gia các cuộc họp về Dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và các dự án Luật như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, dự thảo Quy chuẩn soát xét, bổ sung, sửa đổi QCVN 07:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật; tham gia ý kiến về Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng; tham gia cùng Lãnh đạo Bộ giải đáp các vướng mắc, khó khăn theo đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội nhà thầu liên quan đến công tác thanh tra.

Chủ trì dự thảo báo cáo và tham gia cùng Lãnh đạo Bộ làm việc với các Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ làm việc tại Bộ Xây dựng.

Qua đánh giá, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Xây dựng trong 05 năm qua đã đạt được nhiều kết quả như: Thực hiện tốt việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của ngành thanh tra; triển khai nhiều giải pháp, biện pháp; chủ động tham mưu tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực Bộ quản lý trong thời gian qua; chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, từ gốc đối với một số vấn đề được dư luận, đông đảo người dân quan tâm như công tác quản lý và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư, tham mưu trình Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 02-CT/BXD chấn chỉnh và giải quyết tình trạng vi phạm về kinh phí bảo trì; Văn bản số 580/TTr định hướng Thanh tra các Sở Xây dựng 63 tỉnh thành phố triển khai thực hiện thanh tra 02 chuyên đề về quỹ bảo trì nhà chung cư và việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

PV: Năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng thực hiện thanh tra chuyên ngành với 02 chuyên đề trên diện rộng, trong đó có việc thanh tra quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đã tạo tín hiệu mới tích cực đối với những người có thu nhập thấp. Vậy, Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Thực tế cho thấy, việc đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đã đạt một số kết quả ban đầu song chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn do ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ngoài ra, một số địa phương chưa chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư và quỹ đất để xây dựng nhà ở giá rẻ cho người dân.

Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, chủ đầu tư khi chậm triển khai, bố trí 20% quỹ đất không phù hợp, không đúng quy hoạch ban đầu để xây dự án nhà ở xã hội được cho là giải pháp kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, theo đúng tinh thần của Chính phủ và Bộ Xây dựng với kỳ vọng xây dựng hơn 01 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, qua thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án, các quỹ đất tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị có thể nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai, góp phần hoàn thiện thể chế “gỡ khó” cho phát triển nhà ở xã hội.

PV: Đối với chuyên đề thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đã đạt được những kết quả gì?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Qua công tác thanh tra 10 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã và đang tiến hành thanh tra đối với 08 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An; hướng dẫn Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh thành phố còn lại thực hiện kịp thời nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu Chủ đầu tư gửi kinh phí bảo trì vào tài khoản, quyết toán số liệu để bàn giao sang cho Ban quản trị nhà chung cư.

Tại tỉnh Bắc Giang: Kết quả thanh tra đối với 07 chủ đầu tư, 03 Ban quản trị nhà chung cư (tại 10 nhà chung cư) là hơn 30 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 460 triệu đồng; tại tỉnh Quảng Ninh: Kết quả thanh tra 08 chủ đầu tư, 07 Ban quản trị nhà chung cư (tại 11 nhà chung cư) khoảng 97,8 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 180 triệu đồng; tại 04 tỉnh Bình Dương: 04 chủ đầu tư (04 nhà chung cư) trên địa bàn là hơn 68 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 280 triệu đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra tình trạng căng băng rôn tại các nhà chung cư, các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền, gây mất mỹ quan đô thị, tạo ra dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của các địa phương đã giảm rõ rệt.

Công tác Thanh tra có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật và chính sách của nhà nước

PV: Xuất phát từ thực tiễn qua quá trình thanh tra, Ông đánh giá như thế nào về chế tài và khung pháp lý xử lý tranh chấp chung cư hiện nay? Chúng ta cần làm gì để tăng cường hơn nữa việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền đồng bộ các quy định pháp luật, hướng dẫn về quản lý, sử dụng nhà chung cư, như: Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và các Thông tư: số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016; số 02/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016, số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng.

Xuất phát từ thực tiễn qua quá trình thanh tra và căn cứ các quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ Xây dựng đã báo cáo Bộ trưởng ban hành chỉ thị chỉ ra 07 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt và đưa ra 04 nhóm giải pháp chính đã nêu tại Chỉ thị số 02: (1) Đối với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 04 nhiệm vụ; (2) Đối với chủ đầu tư: 05 nhiệm vụ; (3) Ban quản trị nhà chung cư: 05 nhiệm vụ; (4) Cơ quan quản lý nhà ở và cơ quan thanh tra các cấp: 05 nhiệm vụ.

Trước đó, ngày 15/9/2021, Thanh tra Bộ đã tham mưu để trình Bộ trưởng ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15/9/2021 “Về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư”, nhằm nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích cho người dân, góp phần ổn định chính trị xã hội và an ninh trật tự tại các địa phương.

Đồng thời, Thanh tra Bộ đã kiến nghị bổ sung vào Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng 23/26 hành vi chưa được quy định, tăng mức xử phạt tối đa đối với 03 hành vi có mức xử phạt thấp, đặc biệt tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi liên quan vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư; các biện pháp khắc phục hậu quả có tính răn đe và có tính khả thi cao trên thực tiễn.

Như vậy, các quy định nêu trên đã đầy đủ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hầu hết các hoạt động có liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Các quy định này đã giúp việc quản lý, sử dụng nhà chung cư từng bước đi vào nền nếp, khắc phục được cơ bản những tồn tại trước đây.

Thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng qua công tác thanh tra: Tiếp tục rà soát các quy định về pháp luật nhà ở, kinh doanh bất động sản để kiến nghị việc sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

PV: Nhân dịp bước sang năm mới, Ông có thể chia sẻ về việc xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023 có điểm gì mới so với các năm trước đây?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Chúng tôi xác định việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm là nhiệm vụ quan trọng, nhằm phủ kín và phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành; tập trung vào một số vấn đề nổi cộm hiện nay; bảo đảm cân đối trong hoạt động thanh tra, các dự án được thanh tra có quy mô lớn, mang tính đại diện cho ngành, lĩnh vực được thanh tra; không chồng chéo và phù hợp với nhân lực của đơn vị.

Đồng thời, thực hiện quy định của Luật Thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ đã phối hợp với các đơn vị có chức năng xây dựng kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra một số Bộ ngành liên quan rà soát, thống nhất loại bỏ các cuộc thanh tra có trùng lặp.

Đối với hình thức tổ chức thực hiện, căn cứ vào trình độ, năng lực của lực lượng cán bộ và khả năng tổ chức, Thanh tra Bộ phân bổ lực lượng thực hiện công việc năm 2023, như sau: 60% lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ giao, trong đó: 50% lực lượng thực hiện các nhiệm vụ như tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; 10% lực lượng dự phòng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đột xuất được Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ giao; 40% lực lượng thực hiện kế hoạch thanh tra 2023 được Bộ trưởng phê duyệt.

Trường hợp cần thiết bổ sung nhân lực, Thanh tra Bộ sẽ đề xuất trưng tập công chức, viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp tại các Cục, vụ thuộc Bộ và Sở Xây dựng địa phương để tham gia đoàn thanh tra.

Đối với hoạt động giám sát đoàn thanh tra, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường và thực hiện nghiêm theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một số cuộc thanh tra, các quy định nội bộ của Thanh tra Bộ.

Thanh tra Bộ đang xây dựng Chương trình triển khai Kế hoạch thanh tra 2023, dự kiến thời gian thu thập thông tin, tài liệu trước khi ban hành quyết định thanh tra, thời gian thanh tra; phân công cụ thể Trưởng đoàn, Giám sát đoàn thanh tra đảm bảo khoa học, đúng quy định của pháp luật.

Sau khi rà soát và thống nhất, trong dự thảo Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Xây dựng không trùng lặp với các Bộ ngành có liên quan, với cơ cấu như sau:

Thứ nhất, Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc Bộ Xây dựng.

Thứ hai, Thanh tra chuyên ngành đối với công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do Bộ (ngành), địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư; công tác quản lý nhà nước về Xây dựng trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại Ủy ban nhân dân tỉnh trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra chuyên đề về “Việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hoạt động kinh doanh bất động sản tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh thành phố” tại một số tỉnh trực thuộc Trung ương và khu đô thị.

Thứ ba, Thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Bộ trưởng để phục vụ công tác quản lý nhà nước và kiểm tra xác minh giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ (từ 02 đến 04 đoàn); đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra (nếu cần).

PV: Theo Ông, để ngăn chặn vấn đề điều chỉnh quy hoạch của các chủ đầu tư, cũng như thực thi, giám sát vấn đề quản lý xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt tại một số dự án, khu đô thị, cần có giải pháp gì?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Theo tôi, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan, điều chỉnh hoạt động quản lý theo thực tiễn.

Cần đổi mới lý luận, phương pháp về quy hoạch, phát triển đô thị; sửa đổi quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn về nhà chung cư, quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng thời, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ các quy định pháp luật, trong đó có một số nội dung như: Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng quy hoạch, ngăn chặn có hiệu quả việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện; thực hiện nghiêm túc và thực chất việc xin ý kiến nhân dân, cộng đồng trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, cần xử lý kịp thời, triệt để các sai phạm theo quy định pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao năng lực, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm các quy định trong thực hiện nhiệm vụ.

Phải đầu tư đồng bộ giữa phát triển nhà ở, công trình thương mại dịch vụ và các công trình khác với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong toàn thành phố, trong từng khu vực và từng dự án.

Các địa phương khi lập kế hoạch đầu tư (trong đó có đầu tư công) hàng năm và 5 năm cần gắn kết chặt chẽ, huy động các nguồn lực và bố trí đủ vốn cho công tác đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn Ông về cuộc trao đổi, Xuân mới Quý Mão 2023 sắp tới chúc ông nhiều sức khỏe, chúc Thanh tra Bộ Xây dựng năm mới thành công mới, thắng lợi mới!

Bình Minh (thực hiện)