02/08/2016

Con đường được mệnh danh ‘cuống rốn’ của Sài Gòn xưa

Dài chưa đầy một cây số nhưng tập trung những cơ sở thương mại, khách sạn, bưu điện đầu tiên của thành phố, đường Đồng Khởi (xưa là Catinat) được xem là con đường nổi tiếng nhất và là linh hồn của Sài Gòn.

Năm 1861 khi quân Pháp chiếm được Sài Gòn, con đường đã có một quá trình dài góp mặt vào sinh hoạt của cư dân. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn năm xưa, nó được biết đến nhiều vì ở đầu đường – giáp với bờ sông Sài Gòn – từng là nơi vua nhà Nguyễn đến nghỉ ngơi (nên còn được gọi là Bến Ngự).

Tuy nhiên, từ trước năm 1865, nó cùng 25 con đường khác chỉ mang số thứ tự kế tiếp nhau, từ 1 đến 26. Đến ngày 1/2/1865, Đề đốc De La Grandière mới đặt tên cho từng con đường một và đường số 16 được đặt là Catinat – tên một vị thống chế người Pháp.

Catinat được thực dân Pháp sử dụng làm trung tâm của bộ máy thuộc địa, tập trung hầu hết các cơ quan quan trọng của chính quyền. Đầu tiên, dinh Thủy sư Đề đốc, cơ quan đầu não của thực dân Pháp tại Viễn Đông được xây dựng ở góc đường Mossard – Gouverneur (nay là Nguyễn Du – Lý Tự Trọng).

con-duong-duoc-menh-danh-cuong-ron-cua-sai-gon-xua
Đường Đồng Khởi thời Pháp thuộc đã là con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn, được nhà báo Lucien Bodard ví như cái cuống rốn của Sài Gòn.

Tiếp đó, Nha giám đốc Nội vụ (Dinh Thượng thơ) cũng được xây, hướng ra đường Catinat, ở phía đối diện dinh Thủy sư Đề đốc. Đến đầu năm 1880, nhà thờ Notre Dame (Nhà thờ Đức Bà) được xây dựng ngay trên lộ trình con đường Đồng Khởi chạy qua.

Năm 1886, trụ sở chính Sở Bưu chính và Viễn thông (nay là Bưu điện trung tâm TP HCM) được khởi công trên khu đất đối diện với mặt trái nhà thờ, nằm giữa con đường Catinat và đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng). 4 năm sau, nhà hát Tây (nay là Nhà hát thành phố) được khánh thành trên giao lộ đường Bonard (nay là Lê Lợi) và Catinat, trở thành nơi biểu diễn thường xuyên của những đoàn hát từ phương Tây đến.

Vào thời kỳ này, đường Catinat được xem là bộ mặt sinh hoạt của cả Sài Gòn – thành phố thuộc địa đầu tiên ở vùng Viễn Đông. Không chỉ có trụ sở các cơ quan đầu não của chính quyền mà hàng loạt nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại sang trọng đầu tiên của Sài Gòn cũng mọc lên trên con đường này.

Continental – khách sạn đầu tiên ở Sài Gòn hoàn thành năm 1880 – là nơi dừng chân của các viên chức, sĩ quan cao cấp của Pháp đến công tác xứ thuộc địa, là chỗ tụ hội của những du khách thập phương. Trước thế chiến thứ nhất, nơi đây từng đón tiếp hai nhân vật rất nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương là thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (giải Nobel văn chương năm 1913) và nhà văn Pháp lừng danh André Malraux, tác giả tiểu thuyết La condition humaine (Thân phận con người 1933).

con-duong-duoc-menh-danh-cuong-ron-cua-sai-gon-xua-1

Đường Đồng Khởi năm 1969, lúc này được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành đường Tự Do.

Căn phòng số 214 của khách sạn Contiental cũng từng là nơi ở của Graham Greene – người đã thai nghén và cho ra đời quyển tiểu thuyết nổi tiếng The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng). Sau Continental, Majestic được khánh thành năm 1925 cũng thuộc loại những khách sạn kỳ cựu của Sài Gòn nằm ở góc đường Catinat và Luro (nay là Tôn Đức Thắng) nhìn ra bờ sông Sài Gòn, do một thương nhân người Hoa giàu có và nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ là Hui Bon Hoa (chú Hỏa) xây dựng theo đồ án thiết kế của một kiến trúc sư Pháp. Rồi đến năm 1930 là sự xuất hiện của Grand Hotel Sai Gon.

Cũng trên cung đường dài chưa đầy một cây số này, một loạt các cơ sở thương mại, dịch vụ đầu tiên của Sài Gòn cũng được hình thành. Sớm nhất là Hãng tàu Denis Frère mọc lên ở đầu đường, phía bờ sông. Sau đó là hiệu thuốc đầu tiên của cả Sài Gòn nằm ở góc Catinat và Bonard (Lê Lợi), khai trương năm 1865. Rồi hiệu bán đĩa hát Ménestrel (gần nhà hàng Bông Sen ngày nay), rạp Catinat (nằm trên một con hẻm đâm ra đường Catinat), nhà hàng Brodard…

Không chỉ có các cửa hàng dịch vụ của người Pháp, Trung tâm Saigon trên đường Catinat và các đường chung quanh từ năm 1904 đã bắt đầu xuất hiện các cửa hàng thương mại kinh doanh của người Việt như: cửa hàng nhiếp ảnh của Jean-Pierre Trọng, nhà in của Nguyễn Văn Toán (Đinh Thái Sơn hay Phát Toán), nhà in Lê Phát Tân, cửa hàng bán xe đạp, làm bánh mì của nhà nhiếp ảnh Lê Văn Ba…

con-duong-duoc-menh-danh-cuong-ron-cua-sai-gon-xua-2
Đường Đồng Khởi hiện nay vẫn là con đường sầm uất và có giá đắt đỏ nhất Sài Gòn. Ảnh:Trung Sơn

Trong quyển Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca xuất bản năm 1909 tại Sài Gòn, tác giả Nguyễn Liên Phong đã mô tả khung cảnh náo nhiệt trên đường Catinat: Nhứt là đường Ca-ti-na/Hai bên lầu các, phố nhà phân minh/ Bực thềm lót đá sạch tinh/ Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều/ Máy may mấy chỗ quá nhiều/ Các tiệm tủ ghế dập dều phô trương/… Nhà in, nhà thuộc, nhà chà/ Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son/… Phong lưu cách điệu ai bằng/ Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa/ Thứ năm, thứ bảy, thứ ba/ Với đêm chúa nhựt hát nhà hát Tây

Thời bấy giờ, người Pháp đã so sánh Catinat với đại lộ Canebière của thành phố Marseille vì tập trung những cửa hàng sang trọng nhất của thành phố, nơi dạo chơi của giới thượng lưu thuộc địa trong những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất xa xôi này.

Còn nhà báo Pháp Lucien Bodard thì ví đường Catinat như cái cuống rốn của Sài Gòn. Đấy là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của thế giới thuộc địa.

Năm 1954, sau khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam, đường Catinat được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi thành Tự Do và nơi đây vẫn là con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn. Sau năm 1975, một lần nữa, con đường được đổi tên thành Đồng Khởi cho đến nay. Có thể nói đường số 16 – Catinat – Tự Do – Đồng Khởi là một trong số rất ít những con đường kỳ cựu nhất, là chứng nhân của những thăng trầm trong lịch sử đất Sài Gòn.

Sau hơn 150 năm, hiện Đồng Khởi vẫn tiếp tục là một trong những con đường sầm uất và sang trọng bậc nhất và là nơi lắng nghe nhịp đập của vùng đất Sài Gòn. Điều này cũng được thể hiện khi bảng giá đất trên con đường này được xếp vào loại đắt nhất thành phố, khoảng 600 triệu động một mét vuông.

Theo Trung Sơn/VnExpress.net