02/10/2024

Có một Hà Nội như tôi đã thấy

(KTVN 252) – Tôi sinh giữa năm 1947, thời điểm mà sử sách định danh Hà Nội là “thời tạm chiến” kéo dài đến 10/10/1954. Đó là thời kỳ Thủ đô nước Việt Nam độc lập đã bị thực dân Pháp chiếm đóng và một chính quyền thân Pháp quản lý thành phố. Sau này, xem lại những tấm ảnh của Nguyễn Duy Kiên… chụp cảnh đổ nát của phố phường Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối 1946 đầu 1947 có thể hình dung cái điều tưởng như không thể xảy ra đối với một “Thăng Long phi chiến địa”.

Hồ Gươm đầu thế kỷ XX

Mẹ tôi kể rằng tôi ra đời trong một nhà hộ sinh tư mới mở tạm ở phố Hàng Ngang vào thời điểm mà thành phố còn ngổn ngang đổ nát sau cuộc chiến và người đỡ tôi là một bác sĩ người Hoa, vốn là chồng bà Mộng Điệp nổi tiếng với tên tuổi gắn với cựu hoàng Bảo Đại. Hai anh tôi sinh những năm trước đó thì được bác sĩ Trần Duy Hưng đỡ, nay ông bác sĩ từng là thị trưởng Hà Nội khi nước nhà mới độc lập đã lên chiến khu theo Cụ Hồ kháng chiến. Nhắc đến những chi tiết này để thấy một hoàn cảnh lịch sử không dài nhưng rất đặc thù và đầy thay đổi của Hà Nội…

Trí nhớ bé bỏng của tôi về “Hà Nội thời bị tạm chiếm” không nhiều nhưng sâu sắc nhất là các cuộc vui được tổ chức quanh Hồ Gươm (cách nhà không xa). Đặc biệt là các chợ phiên mở vào dịp Tết, có trưng một con voi cho khách tham quan ở vị trí ngôi nhà số 8 phố Lê Thái Tổ. Ngôi nhà này Cụ Hồ từng lưu trú trong những ngày đầu độc lập nên khi trận chiến 60 ngày đêm nổ ra, quân Pháp đã tấn công và phá huỷ hoàn toàn. Đống đổ nát ấy còn lại cho đến tận những năm chớm Đổi mới thì diễn ra sự kiện “Khách sạn Hà Nội Vàng”, một dự án có kiến trúc cao tầng của nhà đầu tư nước ngoài bị giới KTS và văn hoá phản đối vì thể khối quá lớn, phá vỡ cảnh quan của khu vực hồ Hoàn Kiếm…

Nhà số 8 Lê Thái Tổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc đã bị Pháp thiêu trụi. Tại đây có dự án Hà Nội Vàng và nay là Ngân hàng

Cũng bên Hồ Gươm, phía bờ Đông, trước ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), bốt điện phục vụ cho toàn tuyến xe điện đang xây dở, sau đó một kiến trúc 4 tầng khá đồ sộ được hoàn tất, rồi trở thành nhà Mậu dịch Quốc doanh được coi là lớn nhất cùng với nhà Godard 2 tầng góc Hàng Bài – Tràng Tiền vốn được coi là biểu tượng của nền thương mại thời thuộc địa nay cũng do Nhà nước quản lý, góp phần biến khu vực Hồ Gươm trở thành trung tâm thương mại quốc doanh của thành phố kết nối với Khu Phố Cổ vốn là các cửa hàng tư nhân nhưng qua chế độ mới tiếp tục hoạt động dưới các hình thức như “kinh tiêu mậu dịch”, “hợp tác xã” hay “công tư hợp doanh”… nhưng đã kém phần nhộn nhịp.

Toà nhà đầu phố Tràng Tiền một thời là Bách hoá Tổng hợp, nay là Tràng Tiền Plaza

Trong suốt một thời gian dài cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì một toà nhà khác khi đó cũng được coi là “hoành tráng” (lúc đó chưa có khái niệm “siêu thị”) ở số 5 đường Nam Bộ cũng trở thành một “trung tâm mua sắm”, nhưng ở thời “bao cấp” ấy phần lớn các mặt hàng “nhu yếu” đều được bán bằng tem phiếu.

Nhà Mậu dịch Quốc doanh (Nguồn: TTXVN)

Thời tạm chiếm, lần đầu tiên tôi đi học, lại là một ngôi trường được coi là sang trọng nhất, có quy mô lớn nhất và kiến trúc đặc trưng nhất thời thuộc địa là Trường Albert Sarraut vốn là trường trung học nhưng đến thời tạm chiếm thì nó mở cả các lớp từ vỡ lòng cho đến tú tài. Tôi chỉ học được hai năm đúng vào thời điểm ta về “tiếp quản” và ngôi trường này được chuyển giao cho chính quyền mới rồi từng bước chuyển thành Cơ quan Trung ương Đảng như ngày nay với kiến trúc đến nay vẫn được bảo tồn rất bài bản.

Trường Albert Sarraut rất rộng, đây là khu học trò nhỏ mà tôi học năm 1954-1955

Rời ngôi trường này tôi qua học cấp I ở Trường Nguyễn Công Trứ (Hàng Than), cấp II Nguyễn Trãi (Phan Đình Phùng) và cấp III Chu Văn An (Thuỵ Khuê)… Tiếp đó vào Đại học Tổng hợp nội trú ở Láng rồi chuyển lên Mễ Trì thì Chiến tranh phá hoại bùng nổ, chúng tôi đi sơ tán lên Thái Nguyên. Tôi mô tả có phần kỹ việc học hành cũng để hình dung cái không gian “lõi” mà tôi sống hàng ngày và quan sát… về một Hà Nội dường như còn khá nguyên vẹn nét xưa cũ mà có nhiều cái nay đã gọi là “di sản”.

Trường Hàng Than (Nguyễn Công Trứ) nơi tôi học Cấp 1

Trường Bưởi Chu Văn An nơi tôi học cấp 3

Phố Hàng Đường tôi ở cũng như các phố thuộc “Khu Phố Cổ” như cách gọi của các nhà bảo tồn, trừ một vài địa điểm bị bom đạn thời diễn ra trận đánh ở Chợ Đồng Xuân rất nổi tiếng, cũng sớm được phục hồi. Mẹ tôi bảo trước 1945 ở Hà Nội số đông nhà chỉ hai tầng là phổ biến, còn như nhà Ông bà Trịnh Văn Bô ở 48 Hàng Ngang đã là hoành tráng (nay ta gọi là đại gia phố cổ).

Phố Hàng Đường và ngôi nhà của gia đình tôi (có cột điện) ở từ 1910 đến nay

Từ những năm làm ăn hưng thịnh (thập kỷ 20, 30), dân số tăng thì xuất hiện các dãy nhà giống nhau liền kề để cho thuê, đó là thời kinh doanh bất động sản phát đạt. Bắt đầu xu hướng xây cao hơn thì gặp thời Nhật, chiến tranh cấm dân dùng sắt thép nên nhà chỉ xây bằng bê tông cốt tre. Phải đến thời tạm chiếm mới mọc lên nhiều nhà 3 thậm chí 4 tầng và đặc trưng rõ nhất là xuất hiện loại cửa xếp (kéo) bằng thép được coi là thời thượng. Nhà tôi vẫn còn dùng cửa lùa bằng những tấm ván khi rút ra và xếp lại thì thành cửa hàng…

Cho tới trước năm Chiến tranh phá hoại lan đến Hà Nội (1965), đám trẻ chúng tôi vẫn hay đi dã ngoại ở mấy địa điểm quen thuộc như Láng, Chùa Trầm, Chùa Thầy hay Đền Voi Phục… đã coi là xa. Phía Bắc đến Yên Phụ, phía Tây đến Kim Mã, phía Nam đến Chợ Mơ là đã bắt đầu nhìn thấy cánh đồng…

Học sinh thời chúng tôi đều nhớ tới kỷ niệm gắn với các địa danh Mễ Trì, Phú Thượng hay Cổ Nhuế là những nơi vào dịp nghỉ hè được điều đi gặt lúa giúp đồng bào… Những công trình mới xây thì ngoài Khu công nghiệp Cao-Xà-Lá (cao su, xà phòng và thuốc lá), sau đó thêm Nhà máy cơ khí trung quy mô thực sự nó là biểu tượng cho công cuộc xây dựng Hà Nội mà trước đó các cơ sở kỹ nghệ trong thành phố chỉ có Nhà máy Điện Yên Phụ của Pháp để lại là tiêu biểu.

Nhưng cũng phải nhận rằng người Pháp đã rất có lý và thành công khi ngay từ đầu đã quy hoạch giao thông nội đô bằng 5 tuyến xe điện được hoàn thiện chỉ trong hai thập kỷ, tạo ra hệ thống giao thông công cộng rất hợp lý và hiệu quả, không chỉ giúp việc đi lại mà còn kết nối thị trường ngoại thành với nội thành qua các ngôi chợ “đầu mối” như Đồng Xuân, Chợ Hôm, Chợ Mơ, Chợ Cửa Nam…, toa tàu nào cũng có những cái móc để treo quang gánh…

Học sinh như chúng tôi phần lớn sử dụng tàu điện, ít dùng phương tiện cá nhân… Tàu điện duy trì đến tận thập kỷ 80, do khó khăn chung ngày càng xập xệ nhưng vẫn tiện ích, cho đến khi chấm dứt hoạt động thì cũng là lúc giao thông nội thị bắt đầu có nguy cơ ngày càng rối loạn vì thiếu các phương tiện công cộng và gia tăng các phương tiện cá nhân mà đến nay vẫn là một vấn nạn của Hà Nội không dễ cải thiện…

Gần đây, tôi gặp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại quê hương Đà Nẵng trước ngày ông mất không lâu. Đối với thế hệ chúng tôi, ca khúc “Những ánh sao đêm” là một bản tình ca thật đẹp chứa đựng ước mơ thống nhất và dựng xây đất nước. Ông nói với tôi rằng vào thời điểm sáng tác bài hát này, Hà Nội còn rất nghèo và thiếu thốn mọi bề. Tránh cái nóng trong những ngày mất điện, ông lên gác thượng của một ngôi nhà ở phố Huế để hóng gió trời, thấy từ công trường xây dựng khu Kim Liên theo công nghệ của Liên Xô hay Triều Tiên lắp ghép các kết cấu bê tông, ánh điện hàn loé sáng trên bầu trời mà mơ ước tới cái tương lai “xây cho nhà cao… cao…cao mãi”.

Hà Nội – Không ảnh chụp Nhà hát thành phố, phía xa là bãi sông Hồng

Khi đó các ngôi nhà tập thể này cũng chỉ có 4 tầng đã là cái gì thật mới mẻ với Hà Nội và để được ở đó phải đủ một tiêu chuẩn nào đó cho dù nhà vệ sinh, thậm chí bếp phải dùng chung, không có thang máy nhưng có đường dốc trượt để dắt xe đạp.

Hồi tôi học ở Trường Chu Văn An, trên đường đi bộ về nhà, đôi lúc đám học trò chúng tôi còn tạt vào đầu đường Hoàng Văn Thụ để xem công trường xây dựng nhà cao tầng (nay là trụ sở Bộ Kế hoạch & Đầu tư) thấy những cái cần trục cẩu những tấm panel lắp ráp sàn đã thấy là “cực kỳ hiện đại” rồi…

Sau khu Kim Liên, các khu nhà xưa gọi là “tập thể” nay gọi là “chung cư” bắt đầu mọc lên để giải quyết nhà chủ yếu cho cán bộ nhà nước, tạo ra dấu ấn đặc trưng nhất của kiến trúc Hà Nội “thời kỳ quá độ lên CNXH” kèm theo các hiện tượng, từ tự phát trở thành một “công nghệ” nhằm mở rộng không gian cho các chủ nhân vốn là đối tượng thu nhập không cao (như “vung vẩy” mở không gian, lắp “chuồng cọp”…), kể cả những thời khó khăn phải chăn nuôi lợn gà ngay trong chỗ cư trú của mình…

Giờ đây, những ngôi nhà này đã quá xuống cấp lại lọt sâu trong lõi thành phố rất cần phải cải tạo để bảo đảm mỹ quan và an toàn đang là một gánh nặng của Hà Nội ngày nay. Nhưng ở góc độ khác nếu có giải pháp tốt thì cũng tạo ra một không gian để xây mới những công trình hiện đại làm đẹp cho Hà Nội vì phần lớn nó đã lọt vào những khu đất vàng trong trung tâm thành phố hiện nay.

Với tôi, Cầu Long Biên luôn là một điểm nhấn không thể không nói đến của Hà Nội, cây cầu bắc ngang Sông Hồng vắt qua 3 thế kỷ. Ba phần tư của đầu thế kỷ XX, nó là cây cầu duy nhất nối Hà Nội với con đường đi Hải Phòng và tản đi vùng tả ngạn sông Hồng. Từ ngày bé, tôi thường đi lại trên chiếc cầu này khi cùng Mẹ, lúc cùng Bà Nội vì bờ bên kia vừa là nơi bên ngoại tôi sinh sống (Nhà máy rượu và phố Ái Mộ) và quê Bà Nội ở Ngọc Thuỵ. Rồi tôi được chứng kiến nó bị tàn phá như thế nào trong Chiến tranh phá hoại, khiến mọi người muốn qua sông phải đi cầu phao lắp ở mạn Vĩnh Tuy.

Mãi đến 1985, cùng một lúc, Hà Nội có thêm hai cây cầu đều lớn là cầu Thăng Long (Trung Quốc khởi công 1974 và Liên Xô khánh thành 1985) và cầu Chương Dương… Việc có đến 3 cây cầu không chỉ giúp giao thông giữa hai bờ có hiệu quả hơn mà còn giúp Hà Nội bắt đầu quan tâm hơn đến việc phát triển sang bờ Bắc.

Cầu Thăng Long – Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lễ khánh thành

Có một câu chuyện được một cựu sĩ quan quân đội người Hà Nội từng tham gia thẩm vấn bại tướng De Castrie sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong câu chuyện trao đổi lúc giải lao, viên tướng Pháp vốn xuất thân từ một gia thế quý tộc đã đưa ra nhận xét rằng: khi mới từ Pháp qua Đông Dương trước khi lên Điện Biên, Ông có vài ngày dừng lại ở Hà Nội và lấy làm lạ khi đặt ra câu hỏi “Vì sao thành phố lại quay lưng lại với dòng sông của mình?”.

Nhận xét ấy bắt nguồn từ con đê chạy dài từ Yên Phụ đến Vĩnh Tuy đã chắn tầm mắt mọi người không nhìn thấy con Sông chảy dọc phía Đông thành phố. Thực ra con đê ấy mới dựng cách đây sắp đầy một trăm năm, sau cơn lụt năm 1925-1926. Việc khuất tầm nhìn ấy cũng khiến phía ngoài đê từ một bãi vốn là bến thuyền rồi nơi dỡ các bè gỗ, nứa và lâm sản thả trôi từ thượng nguồn về… dần dần thành một khu dân cư ô hợp và dày đặc, đến nay dù đã rất nỗ lực quy hoạch lại nhưng vẫn là một điều không dễ làm đẹp cho bờ Nam dòng sông Hồng trên địa phận nội thành.

Câu chuyện liên quan đến việc hạ giải con đê này trước áp lực đô thị hoá từng ồn ào một thời khiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải đến khảo sát hiện trường để tìm phương cách giải quyết, cho đến nay từng bước nó đã trở thành một con lộ huyết mạch chạy dọc thành phố để tới cây cầu lớn và đẹp nhất mang tên Nhật Tân, cửa ngõ ra Sân bay Nội Bài và kết nối vùng dân cư phía Tây Hồ Tây…

Thông xe cầu Chương Dương

Giờ đây Hà Nội sắp có thêm nhiều cây cầu mới, chắc chắn sẽ thúc đẩy bờ phía Bắc sông Hồng phát triển và rất có thể nó là tiền đề cho việc chỉnh trang lại khu đô thị ngoài bãi sông. Nó cũng hiện thực hóa ước mơ được nhiều người nói tới từ lâu là biến không gian cực đẹp của Bãi Phúc Xá hứa hẹn sẽ hình thành một không gian xanh tô điểm cho vẻ đẹp và mang đến phúc lợi cho người dân Thủ đô…

Những gì diễn ra từ ngót 40 năm Đổi mới cho đến hôm nay đã mang lại một diện mạo ngày càng mới mà quy mô và tính đa dạng của nó khiến khó dùng ký ức của một người mà mô tả được, nhất là từ cái mốc 2008, khi Hà Nội mở rộng bằng cách sáp nhập tỉnh Hà Tây rộng lớn và Xứ Đoài giàu văn hoá. Rồi sau khi có Luật Di sản Văn hóa (2000) gần như đồng thời phát hiện ra di chỉ Hoàng thành Thăng Long. Rồi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội (2010), Di chỉ Hoàng thành trở thành Di sản Văn hoá của nhân loại.

Đó là những cái mốc thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc Đổi mới trên vùng đất Thủ đô của chúng ta ngày càng rộng lớn. Biết bao công trình hạ tầng, những khu đô thị mới rất hiện đại và đa phong cách, những kết nối giao thông hiệu quả trong đó có 2 tuyến đường sắt đô thị sau những khởi động rất mệt nhọc nay đã lăn bánh và tiếp tục khát vọng nối dài các khoảng cách…

Trong ký ức của thế hệ chúng tôi không thể quên các công trình xây dựng được đánh dấu như những cái mốc cho sự phát triển ngày càng tăng tốc ấy.

Hà Nội – Nhà thờ Lớn (Cathédrale St Joseph) buổi tan lễ

Khách sạn hiện đại đầu tiên Daewoo (Hàn Quốc đầu tư) khởi công 1996 rồi đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam (2000); Khu đô thị đồng bộ và hiện đại đầu tiên Ciputra (liên doanh với Indonesia) khởi công 2002; chiếc cầu vượt đầu tiên dài ngót nửa cây số ở Cầu Giấy (2006); sân vận động Mỹ Đình (2003); cầu Vĩnh Tuy (2005) và xa lộ Thăng Long (Láng – Hoà Lạc) dài ngót 30km… được xây dựng gắn với dịp kỷ niệm 1.000 năm… là những cái “mới” đầy ấn tượng nhưng cũng với thời gian, biết bao công trình xây dựng mang tầm hoành tráng không kém đã lấp dần những khoảng trống trên không gian Hà Nội nay đã rộng lớn hơn xưa… gắn với những khu đô thị, hệ thống hạ tầng…

…Và tên tuổi của các tập đoàn trong nước như Vingroup, Sungroup, Vinaconex… mặc dù còn gặp nhiều thử thách trong phát triển nhưng chắc chắn nó sẽ làm thay đổi diện mạo Thủ đô yêu quý của chúng ta ngày một bền vững… mà không ký ức của một cá nhân nào chứa nổi…

Tuy nhiên, có một điều cần nói bắt nguồn từ một ký ức xa xưa hơn cuộc đời của một con người, đó là lịch sử gắn liền với sự kiện mở rộng Thủ đô mà chưa mấy ai nhắc tới. Đó là việc Ba Vì đã nằm trong lòng Thủ đô Hà Nội. Hơn nửa thiên niên kỷ trước, Ức Trai Nguyễn Trãi trong sách “Dư Địa Chí” của mình đã định vị Ngọn Ba Vì là “Sơn Tổ” của Quốc gia. Đó phải coi là một vận hội gắn kết Thủ đô với vùng Sơn Tổ và Đất Tổ, bên cạnh sông Hồng “chở nặng phù xa” như tên gọi dân gian là sông Cái, nay có Ba Vì soi bóng sông Đà.

Biểu tượng linh thiêng “Núi Tản – Sông Đà” nay đã thuộc Hà Nội. Cần có một mối quan tâm, một nhận thức đầy đủ và một quy hoạch toàn diện để tôn vinh và phát huy “Sơn Tổ” cũng như vùng đất Ba Vì xứng với danh vị của nó được xác định trong quá khứ xa xưa và toả sáng lâu dài trên Thủ đô của đất nước… Những chính sách đặc thù cũng như Luật Thủ đô được Quốc hội mới thông qua cho phép chúng ta hy vọng vào một Hà Nội “ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”…

Nhà sử học Dương Trung Quốc