Phần lớn ý kiến nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Giải pháp đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành” diễn ra tại TP.HCM sáng 28/3, cho rằng việc huy động vốn không khó, thu hút đầu tư cũng thuận lợi, đền bù giải tỏa không quá phức tạp, nhưng triển khai chưa như mong đợi. Nếu không đẩy nhanh sân bay Long Thành thì vốn đầu tư có khả năng sẽ đội lên gấp đôi.
Loay hoay chưa rõ mô hình đầu tư
Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng việc chọn từ “loay hoay” là chính xác, để mô tả việc đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành. Ông Nam nói dự án này vẫn chưa rõ mô hình đầu tư. Quốc hội đã thông qua phương án tiền khả thi, nhưng hiện phương thức đầu tư vẫn đang rập khuôn theo mô hình đầu tư dự án công, không phải đối tác công tư như chủ trương.
Xây dựng sân bay Long Thành vẫn đang loay hoay, vì chưa rõ mô hình đầu tư. |
Cũng theo ông Nam, đầu tư theo hình thức đối tác công tư có nghĩa là có tiền đầu tư Nhà nước và tư nhân trong, ngoài nước. Ở lĩnh vực đầu tư sân bay có nhiều phương thức. Trên thực tế có nhiều kiểu làm sân bay của các nước như Trung Quốc, Nga, Campuchia…, với rất nhiều cách đầu tư công tư. Trong khi dự án đầu tư sân bay Long Thành triển khai theo hình thức nào thì chưa rõ.
“Một dự án đầu tư chỉ thật sự bắt đầu khi làm rõ được việc ai đầu tư? Họ xuống tiền với tư cách nào, là nhà đầu tư hay là tổ chức tín dụng? Họ xuống tiền bao nhiêu, khi nào và cho hạng mục đầu tư nào? Khi có đủ hành lang pháp lý cho dòng tiền chuyển dịch thì lúc đó dự án mới thật sự bắt đầu”, ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nguồn lực đầu tư cho dự án sân bay Long Thành sẽ được giải quyết chi tiết, cần nhất là phải bắt đầu từ thực hiện giải phóng mặt bằng để giữ đất theo quy hoạch. Giải pháp ông đưa ra là cần nghiên cứu bài học phát triển đô thị của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đừng để có một sân bay hiện đại và một đô thị xập xệ
Câu chuyện nguồn lực đầu tư, bài toán vốn để xây dựng sân bay cần được giải quyết theo hình thức hợp tác công tư tách bạch từng gói thầu, và thực thi cuốn chiếu trên từng hạng mục. Bài toán này cũng có hướng giải nếu định hướng và có phương án xử lý tốt từ mấu chốt đất đai.
Ông Dương Trung Quốc nói thêm cần giải quyết bài toán quy hoạch bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiên cứu sâu với các nhà nghiên cứu về quản lý phát triển đô thị. Dù trải qua nhiều lần bàn thảo tại Quốc hội, ông “có cảm giác rằng” mọi người chỉ bàn về sân bay, trong khi toàn bộ không gian xung quanh bị sân bay tác động”.
Các chuyên gia cho rằng cần làm nhanh sân bay Long Thành nếu không muốn đội vốn. Ảnh: V.D |
“Ai cũng biết đây sẽ là một đô thị gắn liền với sân bay. Trên thực tế, bây giờ người dân đã xây dựng các công trình dân sinh không chỉ ở Long Thành mà còn ở Nhơn Trạch. Cần có tầm nhìn lớn hơn, nếu không ta sẽ có một sân bay rất hiện đại đi cùng một đô thị xập xệ”, ông Dương Trung Quốc cảnh báo.
Làm nhanh nếu không muốn đội vốn gấp đôi
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, ông Đỗ Tất Bình, nhấn mạnh một thành phố có thể có tới 20 triệu dân như TP.HCM “không có lý do gì có 1 sân bay. Cần mở rộng Tân Sơn Nhất song song với xây dựng sân bay Long Thành.
Ông Bình khẳng định cần xây dựng nhanh sân bay Long Thành, vì ngoài việc đáp ứng vận tải thì giá thành xây dựng đang tăng gấp đôi sau 5 năm. Ông dự kiến nếu lùi lại 5 năm (so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025) thì giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỷ USD, thay vì 5,4 tỷ như dự tính hiện nay.
Vị này cũng đưa ra ví dụ năm 2007, nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác với mức đầu tư 200 triệu USD. Đến 7 năm sau, nhà ga T2 của Nội Bài được đưa vào khai thác với giá trị 800 triệu USD, trong khi diện tích chỉ lớn hơn 40%.
“Nên cần làm và phải làm nhanh”, ông Bình nhấn mạnh.
Trên 15.000 người phải di dời
Về phía địa phương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Hưng, thông tin tỉnh đang thiết lập khu tái định cư. Tuy nhiên theo ông Hưng, trên thực tế tổng diện tích dự án sân bay Long Thành lớn hơn 5.000 ha và là dự án này lớn nhất từ trước đến nay ở tỉnh Đồng Nai. Trong 5.000 ha xây dựng sân bay có 1.800 ha đất cao su.
Quanh khu vực xây dựng sân bay Long Thành nhiều năm nay cảnh mua bán đất luôn nhộn nhịp, nhiều thời điểm còn diễn ra sốt ảo, giá bị đẩy cao gấp nhiều lần ăn theo dự án. |
Việc giải tỏa cũng diễn ra khá tốt, vì người dân biết khu vực mình đang ở xây sân bay nên chủ động di dời, đối thoại với chính quyền để thống nhất giá bồi thường.
Tuy nhiên, công tác di dời cũng vấp phải nhiều khó khăn, điển hình khối lượng nhân khẩu quá lớn, trên 15.000 người. Việc ổn định công việc cho người dân cũng là thách thức.
GS.TS Đặng Hùng Võ nhận định nếu muốn làm nhanh phải thay đổi phương thức đền bù giải tỏa. Việc “chiều lòng” hơn 4.800 hộ dân không phải dễ. Bởi thông thường, Nhà nước thu hồi đất thì sẽ bồi thường cho người dân bằng tiền. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhiều người dân muốn được bồi thường diện tích đất thu hồi bằng một diện tích đất tương ứng.
Trong tổng số diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án thì có tới 85% diện tích đất nông nghiệp. Ông Võ kiến nghị cơ quan chức năng cần tính tới việc thay đổi phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, bồi thường diện tích đất thu hồi bằng một diện tích đất khác (có thể không cùng loại đất) giá trị tương xứng. Việc thay đổi phương án bồi thường giải phóng mặt bằng này có nhiều khả năng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2015.
Dự án có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn một, chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm.
Tổng mức đầu tư cho dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD).
Dự án có diện tích đất thu hồi hơn 5.000 ha, ảnh hưởng khoảng 47.000 hộ dân.
Chi phí giải phóng mặt bằng hơn 23.000 tỷ đồng.