Theo một chuyên gia, tình trạng đô thị hóa đang diễn ra quá nhanh cùng với việc thiếu quy hoạch tổng thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng ở nhiều nơi như hiện nay.
Trước kia, xung quanh đô thị là những cánh đồng lớn, khả năng hút nước và tích trữ nước tốt. Còn nay, những cánh đồng được bê tông hóa, không có khả năng hút và tích trữ nước. Khi mưa lớn, lượng nước bắt buộc dồn qua hệ thống cống, mương dẫn và gây ngập úng tại một số khu vực.
Thực tế, tình trạng cứ mưa là ngập đã diễn ra suốt nhiều năm qua, bất chấp những nỗ lực “giải cứu” của các cơ quan chức năng. Nhưng nếu đổ lỗi hoàn toàn cho hạ tầng cũ thì không đúng, bởi những khu đô thị mới, hệ thống thoát nước cũng mới sao vẫn ngập?
Lý giải nguyên nhân, một chuyên gia trong ngành cho biết trong quá trình đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư thường không đầu tư hạ tầng thoát nước đầy đủ và cũng không dành tỷ lệ đất phát triển công viên, cây xanh theo đúng quy định. Điều này dẫn đến tình trạng ngập úng tại đô thị.
Trong bối cảnh đó, các dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước Hà Nội vừa qua lại chưa giải quyết một cách tổng thể vấn đề thoát nước thành phố. Nhiều dự án mới dừng lại ở mức cải tạo hệ thống cũ.
Một nguyên nhân khác, theo chị Nguyễn Phương Anh (Hà Nội), là do ý thức của người dân. Chợ rong, hàng quán san sát lòng đường. Túi nilon, rác thải vứt ra che kín cả miệng cống thì nước mưa khó thoát.
Bàn về giải pháp, nhiều ý kiến cho rằng để chữa trị tận gốc “căn bệnh” ngập lụt ở Hà Nội, trước hết các nhà quản lý cần sớm khắc phục tình trạng phát triển đô thị tùy tiện, thiếu quy hoạch như hiện nay. Đồng thời với việc tăng cường cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn Thủ đô.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cũng đồng tình rằng Hà Nội cần cập nhật quy hoạch thoát nước với việc thực hiện quy hoạch đô thị hiện nay. Quy hoạch thoát nước phải được thực hiện và kết nối với quy hoạch chung. Đồng thời, cần dùng các biện pháp hiện đại hơn trong việc quản lý hệ thống cống thoát nước của đô thị.
“Thành phố cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này, bởi đây là vấn đề dân sinh bức xúc trong nhiều năm qua”, ông Liêm chia sẻ.
Bên cạnh quy hoạch thì việc nâng cao ý thức của người dân cũng là một trong những biện pháp cấp thiết. “Hơn bao giờ hết, mỗi người dân phải nâng cao ý thức sinh hoạt cộng đồng có như thế Hà Nội mới bớt ngập sau những trận mưa lớn”, chị Nguyễn Phương Anh góp ý.
Đồng quan điểm, ông Liêm lưu ý thêm: “Người dân nên vì lợi ích của chính mình, chứ không nên vì một chút tiện lợi mà ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước và mỹ quan chung của đô thị”.