08/01/2024

Chiến lược phát triển nông thôn bền vững từ du lịch canh nông tại Lâm Đồng

(KTVN 247) – Trong bối cảnh đô thị hóa ồ ạt, nông thôn đã biến đổi nhanh chóng về mọi mặt. Phát triển du lịch canh nông theo hướng hình thành các cộng đồng nông nghiệp cố kết về mặt xã hội, kinh tế và sinh thái, có cấu trúc độc lập tương đối, với các tiện ích và dịch vụ xã hội đầy đủ. Điều đó không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập, mà còn là giải pháp tốt để quảng bá hình ảnh các sản phẩm nông nghiệp đi khắp nơi. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Những mô hình mới, cách làm hay từ du lịch canh nông ở Lâm Đồng đã nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập cho bà con, diện mạo nông thôn mới (NTM) tại địa phương có nhiều khởi sắc.

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỪ THẾ MẠNH NÔNG NGHIỆP

Quan điểm xây dựng NTM của tỉnh Lâm Đồng xuyên suốt các giai đoạn là xây dựng NTM mang tính bền vững trên nền tảng chủ thể là nông dân. Mà muốn nông thôn bền vững thì ngoài những giá trị về kinh tế nông thôn, chất lượng và môi trường sống của người nông dân ở nông thôn cũng phải được quan tâm và tăng lên tỷ lệ thuận với mức sống theo từng giai đoạn.

Chính vì vậy, vấn đề văn hoá, hồn cốt của nông dân cũng được quan tâm, gìn giữ, xây dựng và phát huy. Hướng tới nâng cao chất lượng sống, nâng cao thu nhập và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp thông minh, xây dựng thương hiệu, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ song hành với xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt của vùng nông thôn, xây dựng Mô hình “Làng đô thị xanh” tại các khu dân cư nông thôn, phát triển du lịch canh nông.

Làng hoa Vạn Thành là nơi tụ hội màu sắc trong không gian hoa tươi đẹp, điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Đà Lạt

Bà con nông dân ở nhiều vùng quê bây giờ tự hào rằng, tiện ích cuộc sống của họ đang dần tiệm cận với tiện ích của đô thị, nhưng hồn cốt của nông thôn vẫn được gìn giữ, đó là không gian sống và không gian sản xuất đậm chất nông thôn, tình làng nghĩa xóm chan hoà đậm nét theo từng vùng, từng địa phương đã được hình thành từ bao đời nay.

Đến với hầu hết các vùng nông thôn trên địa bàn Lâm Đồng hôm nay, chắc chắn nhiều người sẽ bất ngờ về sự đổi thay. Không chỉ đường sá khang trang, sạch đẹp mà tư duy của bà con cũng thay đổi mạnh mẽ. Những cảnh quan ở vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và rực rỡ sắc màu, trạng trại, khu nghỉ dưỡng sinh thái, đường bê tông rộng và chắc chắn uốn lượn bên những vườn trái cây, những ruộng lúa được bà con đầu tư và quy hoạch chăm chút đẹp đến ngỡ ngàng.

Để hiện thực hóa Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể; từ đó xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, với quyết tâm chính trị rất cao. Tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Với tinh thần lấy nông dân làm chủ thể, lấy nông nghiệp công nghệ cao là trọng tâm để phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và đạt được nhiều thành tựu đã củng cố thêm niềm tin và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình đều vượt trội so với khu vực và bình quân chung cả nước về tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM. Tính đến tháng 7/2022, Lâm Đồng có 106/111 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu và 27 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM là Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

Trải nghiệm Nông trại cừu tại thành phố hoa Đà Lạt mộng mơ

Có thể khẳng định rằng, công cuộc xây dựng NTM tại Lâm Đồng đang đi đúng hướng, kết quả đạt được đã bao trùm, bao phủ toàn diện về nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng như mọi mặt của đời sống. Thành quả ấy là minh chứng rõ nét, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền đã hợp lòng dân, góp phần làm đổi thay toàn diện đời sống người dân nông thôn, đặc biệt trong phát triển du lịch canh nông đã đạt được nhiều thành tựu.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH DU LỊCH CANH NÔNG BỀN VỮNG

Lâm Đồng không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu ôn hòa và mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hệ thống hồ, rừng, đồi núi, thích hợp cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, canh nông kết hợp các hoạt động thể thao mạo hiểm.

Từ những điều kiện thuận lợi đó, gần 10 năm qua tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều kế hoạch, mô hình mới để phát triển du lịch tại địa phương.

Cụ thể, ngày 10/12/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND về Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh, gồm 25 điểm du lịch canh nông.

Tiếp đó, ngày 23/10/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2291/QĐ-UBND về việc ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông” và “Tuyến du lịch canh nông” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Nhằm tạo hành lang pháp lý kịp thời để phát triển mô hình du lịch mới, ngày 13/4/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 933/QĐ-UBND Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo hoạt động đầu tư, kinh doanh các mô hình du lịch canh nông theo đúng định hướng, chuyên nghiệp và bền vững, cụ thể gồm 04 yếu tố: Du lịch và Nông nghiệp; Thu hút du khách; Mua bán sản phẩm nông nghiệp; Giáo dục – nâng cao tri thức cho du khách.

Lâm Đồng cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch trên nền tảng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những trải nghiệm thú vị của một ngày làm nông và thưởng thức chính nông sản mình chăm sóc, thu hoạch, chế biến… Tận hưởng, trải nghiệm không gian từ trang trại đến bàn ăn.

Với sự hỗ trợ của tổ chức JICA – Nhật Bản, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” – đây là thương hiệu dùng để quảng bá các hình ảnh du lịch canh nông đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Một số dự án điển hình như The Barn Home Farm Đà Lạt; Mây Lang Thang Đà Lạt….

Đến nay, đã có 10 đơn vị du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Thông qua việc tìm kiếm trên các kênh website (http://dalat-info.vn/; http://svhttdl.lamdong.gov.vn); Du lịch thông minh gồm cổng thông tin http://dalat.vn; Ứng dụng du lịch thông minh – DaLatCity du lịch thông minh đã giúp khách du lịch biết đến Đà Lạt như một điểm đến hấp dẫn và được Tạp chí New York Times của Mỹ bình chọn là một trong 52 điểm đến du lịch hàng đầu của thế giới và 9 địa điểm tuyệt vời của châu Á vào năm 2016.

Được biết, năm 2023, tỷ lệ phối hợp với UBND TP. Đà Lạt tiếp nhận và cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 11/761 đơn vị du lịch canh nông trong toàn tỉnh, đạt 2%; tỷ lệ ứng dụng giải pháp chuyển đổi số trong du lịch đạt 38%; tỷ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng so với cả nước đạt 50%; tỷ lệ quỹ đất nông nghiệp kết hợp du lịch đạt 72%; tỷ lệ tiêu chuẩn quốc tế về doanh thu đạt 100%.

Đến nay, Lâm Đồng phát triển du lịch canh nông trên diện tích hơn 300ha của 33 điểm được cấp giấy phép hoạt động với các loại hình trải nghiệm như tham quan hái dâu, ngắm hoa tại vườn, một ngày làm nông để cùng sản xuất, chế biến, thưởng thức nông sản ngay tại trang trại. Hiện loại hình du lịch này đã phát huy thế mạnh, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch, giải quyết việc làm và quảng bá sản phẩm nông sản. Lợi nhuận thu được có thể gấp 3 lần so với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với doanh thu lên đến khoảng 6 tỷ đồng/1ha/1 năm.

Lâm Đồng trong thời gian qua đã khai thác rất tốt loại hình du lịch canh nông, tạo một điểm nhấn các du khách trong và ngoài nước khi đến Lâm Đồng thông qua du lịch canh nông để trải nghiệm sản xuất, tiếp cận các trình độ khoa học công nghệ và trao đổi sản phẩm ngay trên trang trại, đồng thời mang tính chất giáo dục đến những sản phẩm mới, tạo ra loại hình sản phẩm du lịch mới, độc đáo đạt chuẩn quốc tế về doanh thu cũng như một số du khách đến các điểm du lịch canh nông.

NHỮNG KHÓ KHĂN KHI TRIỂN KHAI MÔ HÌNH DU LỊCH CANH NÔNG

Tuy có những thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhưng Lâm Đồng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện vì là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông. Do đó, chưa thể phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của loại hình du lịch chất lượng cao này. Những hạn chế có thể kể đến bao gồm:

Thứ nhất, sản xuất trang trại thiếu tính bền vững do chưa kết hợp chặt chẽ giữa quá trình sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nên chưa nâng cao giá trị nông sản. Bên cạnh đó, trang trại chưa kết nối bài bản với các khu điểm và các dịch vụ du lịch khác.

Thứ hai, dịch vụ du lịch canh nông phần lớn do tự phát, do đó việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, chưa tạo ra được các điểm du lịch canh nông độc đáo, hấp dẫn.

Thứ ba, chưa có cơ chế chính sách phù hợp, cơ quan quản lý còn lúng túng, định hướng phát triển du lịch canh nông chưa đảm bảo các tiêu chí để xây dựng công trình phụ trợ, nên chưa khai thác hết các thế mạnh, tiềm năng vốn có.

Thứ tư, chủ trang trại là nông dân, chưa đào tạo chuyên môn về phát triển du lịch, chưa thực sự chú trọng đến sản phẩm, truyền thông chưa được quan tâm.

Định hướng du lịch canh nông Lâm Đồng

MỘT SỐ HOẠCH ĐỊNH, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH CANH NÔNG 

Để phát triển du lịch canh nông thành thương hiệu mỗi khi nhắc tới Lâm Đồng, tại Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 đã xác định, các thung lũng nông nghiệp đô thị đuợc bảo tồn và dỡ bỏ dần các nhà kính; Không gian nông nghiệp kết nối với tuyến cảnh quan đô thị; Tổ chức một phương pháp tiếp cận nông nghiệp mới tôn trọng môi trường và phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp như khám phá trang trại, giáo dục về nông nghiệp, đường dạo tìm hiểu quy trình sản xuất nông nghiệp, các điểm thưởng thức sản phẩm nông nghiệp…

Đồng thời, ngày 04/01/2023, UBND TP Đà Lạt ban hành Quyết định số 14/QĐ- UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Làng hoa Xuân Thành tại xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt) với quy mô 20ha/180ha; Phân khu chức năng: Khu trung tâm điều hành chung; Dịch vụ phức hợp (Doanh nghiệp); Công viên vườn thực vật; Lưu trú kết hợp chăm sóc sức khỏe; Dịch vụ âm nhạc; Lưu trú; Làng nghề hoa truyền thống; Trải nghiệm – làm nông; Khu nuôi cấy mô; Trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ cao lĩnh vực du lịch; Trình diễn canh tác – giới thiệu sản phẩm.

Tiếp đó, ngày 29/3/2023, UBND TP Đà Lạt đã ban hành Quyết định số 832/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Làng Hoa Vạn Thành (TP Đà Lạt) với Tổng diện tích đồ án quy hoạch: 23,0/152ha. Chức năng Khu số 1: Nhà điều hành – hỗ trợ du lịch, doanh nghiệp làm dịch vụ, xuất khẩu hàng tại chỗ, sản phẩm chính là hoa; Khu số 2: Quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Khu dược liệu chăm sóc sức khỏe, Trải nghiệm văn hóa bản địa, Dịch vụ âm nhạc du lịch, Sản phẩm chính; Khu số 3: Khu lưu trú kết hợp trải nghiệm, Du lịch làng nghề; Khu số 4: Không gian giáo dục, đào tạo, Tổ chức ngoại khóa cho trẻ em; Khu số 5: Khu dịch vụ lưu trú, cắm trại, team building; Khu vực ngoài ranh: Kết nối các điểm du lịch tại các khu vực lân cận thuộc làng hoa; Kết nối theo tuyến du lịch trong TP Đà Lạt.

Đặc biệt, Đề án triển khai thực hiện xây dựng mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” trên địa bàn TP. Đà Lạt do UBND Tỉnh ban hành tại Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 23/11/2019 đã xác định khu vực có diện tích khoảng 180ha tại thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi, phù hợp với các định hướng, tiêu chí lựa chọn để xây dựng mô hình “Làng đô thị xanh” thí điểm đầu tiên của cả nước.

Tựu chung lại, để tạo điều kiện thuận lợi trong cơ chế triển khai và giúp cho việc nhân rộng phát triển các mô hình du lịch canh nông, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cần những giải pháp sau:

Thứ nhất, gắn chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao với xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng tiêu chí vừa đảm bảo lợi ích kinh tế lẫn lợi ích môi trường sinh thái, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, hài hòa với đặc điểm tự nhiên của Khu vực Tây Nguyên.

Thứ hai, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn đối với các sản phẩm chủ lực như rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, dược liệu; Gắn du lịch canh nông với việc phát triển các nhãn hiệu chứng nhận đặc biệt là chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và nhiều nhãn hiệu nông sản khác, với tiêu chí từ trang trại đến bàn ăn cũng như gắn kết chặt chẽ với nhiều loại hình du lịch khác, để tạo ra chuỗi trải nghiệm thú vị trọn vẹn cho du khách.

Thứ ba, Tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm lợi thế cạnh tranh trên thị trường như: rau, hoa, chè, cà phê, đặc sản, dược liệu; mở rộng liên kết sản xuất theo tiêu chí doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã là trung tâm, nông dân là chủ thể…, từ đó tạo ra một mối liên kết thật sự hiệu quả, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển gắn với vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương xứng. Đơn giản hóa và có quy chuẩn rõ ràng về thủ tục hành chính liên quan đến du lịch canh nông./.

Ghi chú nguồn:

https://tgroup.vn/travel-guide/da-lat-la-dia-diem-li-tuong-de-loai-hinh-du-lich-canh-nong-phat-trien-manh-me

http://dulich24.com.vn/du-lich-thanh-pho-bao-loc/cao-nguyen-bao-loc-id-5596

https://daotaonec.edu.vn/mo-hinh-du-lich-canh-nong/

https://www.dalattrip.com/dulich/da-lat-phat-trien-du-lich-ben-vung-gan-voi-xuat-khau-tai-cho/

http://lamdongtv.vn/tin-tuc-n19371/trai-nghiem-thu-vi-du-lich-canh-nong-da-lat.html

Việt Khoa