20/03/2019

Cẩn thận với rác quy hoạch, rác kiến trúc tại Đà Lạt!

Bản đồ án quy hoạch mới khu Hòa Bình của Đà Lạt vừa công bố đã gây bất ngờ không chỉ với các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Đà Lạt và những người Đà Lạt sống lâu năm ở thành phố sương mù, mà trong phần lớn các ý kiến trao đổi khắp nơi gửi về tòa soạn Người Đô Thị hai ngày qua, đều thể hiện cảm trạng bất an trước những mất mát có thể nhìn thấy của Đà Lạt, trong một bản đồ án xa lạ với nhiều giá trị đặc hữu đã làm nên “ADN của thành phố sương mù” này.

Ý kiến dưới đây của kiến trúc sư Chế Quang Thọ, một người đang sống ở Đà Lạt, cho thấy rõ hơn sự “lạc đường” trong định hướng quy hoạch của đồ án đang gây tranh cãi.

Chợ Đà Lạt 1952. Ảnh Đặng Văn Thông

Chợ Đà Lạt 1952. Ảnh Đặng Văn Thông

Rạp Hòa Bình ngày nay. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Rạp Hòa Bình ngày nay. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Kiến trúc hay quy hoạch phản ánh rõ nét về tầm nhìn, văn hóa, tư tưởng hay ý chí của chính quyền và xã hội. Nhưng có lẽ, ngay cả những thứ chúng ta đập đi cũng phản ánh được điều đó, nó biểu hiện thái độ ứng xử của chúng ta đối với những giá trị của lịch sử. Một thành phố sẽ vô hồn, trống rỗng, nếu như không biết giữ gìn những giá trị riêng.

Trải qua bao cuộc đổi thay, Đà Lạt đã đi từ kiến trúc thanh lịch, sang trọng của các biệt thự Pháp ẩn dưới tán thông, đến những kiến trúc hiện đại, khúc chiết, tân kỳ, đánh dấu thời kỳ người Việt làm chủ (thập niên 1950-1975), nhưng vẫn hài hòa trong tổng thể xây dựng và cảnh quan chung. Để có được điều đó, có lẽ đã sự nhất quán trong tầm nhìn, triết lý, một sự trân trọng, cũng như tình cảm quý mến xuyên suốt dành cho thành phố này.

Đà Lạt đang quá tải trước áp lực dân số, của du lịch giải pháp chung cho tình trạng này là giãn dân số ở lõi trung tâm, xây dựng các vùng vệ tinh, đồng thời có thể bảo tồn, chỉnh trang các công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử là cần tính toán khoa học và có giải pháp hợp lý. Việc quy hoạch khu phố mới, cao tầng phải tính toán ở khu vực phù hợp.

Liệu việc đập đi xây lại mới đó chúng ta có đủ sức và đủ tâm hay thậm chí là hy sinh để làm hay không, hay chúng ta lại tạo nên một thứ rác cao cấp và để lại những di chứng nặng nề cho thế hệ mai sau: rác quy hoạch, rác kiến trúc rối như tơ vò, không biết phải gỡ nút thắt từ đâu.

KTS Chế Quang Thọ (Đà Lạt)/Người Đô thị