26/04/2017

Cần một đồ án quy hoạch chủ động

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng cho nền kinh tế biển, trong đó có hoạt động du lịch biển, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng khắc phục được những bất cập của giai đoạn vừa qua. Vai trò của công tác quy hoạch kiến trúc có một vai trò rất lớn. Cho đến nay, còn khá nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa có đủ sự quan tâm trên toàn bộ quỹ tài nguyên ven biển thuộc phạm vi địa phương mình, từ góc nhìn chiến lược về công tác quy hoạch kiến trúc, cũng như có cơ sở cho công tác quản lý. Chính điều này đã làm cho quá trình diễn biến phát triển bị manh mún và kém sức hấp dẫn về thu hút đầu tư.

Kiến trúc công trình nhà ở chung cư ven biển với mặt tiền xanh Khu biệt thự Premier Residence (Phú Quốc, Kiên Giang)

Kiến trúc công trình nhà ở chung cư ven biển với mặt tiền xanh Khu biệt thự Premier Residence (Phú Quốc, Kiên Giang)

Bờ biển Việt Nam và vai trò của chính quyền địa phương với quy hoạch kiến trúc
Việt Nam được biết đến như một quốc gia biển với nhiều tiềm năng động lực để hướng tới một nền kinh tế biển phát triển, có sức hút to lớn về du lịch.
Trong những năm vừa qua, vì nhiều lý do, hoạt động du lịch biển đảo ở nước ta cũng còn nhiều bất cập, kết quả đạt được còn quá nhỏ bé so với tiềm năng về biển đảo như đã nói ở trên của nước ta. Tháng 8/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu đặt ra cho du lịch biển thu hút 22 triệu lượt khách quốc tế và 58 triệu lượt khách nội đại, tổng thu từ du lịch biển đạt 200.000 tỷ đồng.
Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng cho nền kinh tế biển, trong đó có hoạt động du lịch biển, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng khắc phục được những bất cập của giai đoạn vừa qua. Vai trò của công tác quy hoạch kiến trúc có tầm ảnh hưởng rất lớn. Cho đến nay, còn khá nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa có đủ sự quan tâm trên toàn bộ quỹ tài nguyên ven biển thuộc phạm vi địa phương mình, từ góc nhìn chiến lược về công tác quy hoạch kiến trúc, cũng như có cơ sở cho công tác quản lý. Chính điều này đã làm cho quá trình diễn biến phát triển bị manh mún và kém sức hấp dẫn về thu hút đầu tư. Nhiều nhà đầu tư muốn thực hiện dự án của mình trên một vị trí, địa điểm nào đó, song họ không thể hình dung được tương lai của khu vực đó sẽ như thế nào. Trên thực tế, nhiều dự án đầu tư đã chết yểu chỉ vì đơn phương và đơn độc. Chúng ta đều biết rằng, một trong những đặc thù của sức hút du lịch của một địa danh nào đó, nó sẽ được gia tăng rất nhiều lần, khi khu du lịch đã đạt được đến một ngưỡng nào đó, cả về quy mô, cấp độ, các tiện ích dịch vụ và hệ thống hạ tầng đô thị. Điều này, một vài nhà đầu tư cũng không thể làm được. Ở một số địa phương đã thành công, bởi chính quyền địa phương đã chủ động đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị, cách làm này tạo tiền đề hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo cho nhà đầu tư dễ dàng hình dung được bức tranh tương lai của khu du lịch đó, mối quan hệ giữa các dự án trong tương lai và mối quan hệ giữa chúng với môi trường dân cư, đời sống và văn hóa địa phương. Đây là mối quan hệ tương hỗ, giữa các lợi ích song trùng. Kiến trúc sư và Nhà đầu tư thường khai thác triệt để yếu tố bản địa vào dự án của mình. Con người địa phương cũng hoàn thiện dần văn hóa ứng xử của mình. Chắc chắn sẽ hình thành được một khu đô thị du lịch sinh thái bền vững.
Khi đã có một lộ trình hợp lý, và kết quả có tốt thật hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng, tầm nhìn của đồ án quy hoạch kiến trúc, đặc biệt là tính nhân văn trong tổ chức không gian kiến trúc ven biển. Trong đó không gian công cộng ven biển là một trong những yếu tố hàng đầu mà các đồ án quy hoạch kiến trúc phải quan tâm. Kể từ sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm cấp phép cho một số dự án ven biển vì quy hoạch kiến trúc không gian đã biến cảnh quan, các bãi tắm trên chiều dài bờ biển trở thành sở hữu riêng của các dự án đó, kể cả người dân địa phương cũng đã mất đi quyền được nhìn thấy biển của quê hương mình. Khách du lịch ở đâu thì biết đó, mặt thoáng ra biển bị bưng bít. Nhiều khu du lịch đã có quy hoạch tuyến đường ven biển, dễ dàng tiếp cận, tầm nhìn ra biển, song phần đất còn lại từ đường ra biển lại bố trí quá dày đặc các nhà hàng dịch vụ sát biển, vô hình chung cũng lại là một sự phản cảm, không kém gì khi không có tuyến đường ven biển. Hiện nay, nhận thức về những bất cập này đã trở thành ý thức trong chỉ đạo công tác quy hoạch kiến trúc của nhiều địa phương, cũng như việc đề xuất ý tưởng của các kiến trúc sư và chủ đầu tư dự án đã được cải thiện nhiều. Bài học về sự sai lầm của nhiều dự án đã được xây dựng trước đây, không dễ dàng có thể khắc phục ngay được.

Kiến trúc ven biển là một loại hình công trình có đặc thù riêng
Kiến trúc ven biển là một loại hình công trình có đặc thù, không giống như các công trình ở trong trung tâm đô thị hoặc các thành phố xa biển, kể cả về hình thức kiến trúc cũng như các chức năng không gian sử dụng và giải pháp kỹ thuật.
Kiến trúc ven biển thường là những đường phố ưu tiên cho phát triển du lịch, nên yêu cầu về thẩm mỹ rất cần được quan tâm. Và đặc biệt là tính bản địa của mỗi vùng miền, là một yêu cầu rất cần thiết cho các ngôi nhà của nơi chốn đó. Có thể nói, nếu kiến trúc được ra đi từ ưu thế và những khác biệt của khung cảnh thiên nhiên, của môi trường khí hậu ven biển, cùng với mục đích sử dụng công trình cho các đối tượng du lịch, nghỉ dưỡng… đã tạo nên một loại hình kiến trúc mà tự nó đã thể hiện được tiếng nói riêng của nó. Đó chính là sắc thái biển, là hồn nơi chốn của kiến trúc.
Xuất phát từ điều kiện tâm lý sử dụng, thường mặt tiền của các công trình kiến trúc ở biển có kiến trúc logia là khoảng đệm giữa không gian bên trong của căn phòng với không gian thiên nhiên bên ngoài, đây là không gian rất thích hợp cho người sử dụng có điều kiện để nghỉ ngơi, thư giãn ngắm biển. Đó là một đặc điểm có thể không cần cho các loại hình công trình tương tự ở những nơi khác. Cũng nhờ có bộ phận kiến trúc logia hay ban công mà các kiến trúc sư có nhiều cơ hội để tạo hình khác nhau cho công trình kiến trúc của mình, vì thế mà kiến trúc ven biển rất đa dạng và sinh động, rất hấp dẫn và có sức quyến rũ.
Một vấn đề đặt ra là, vì sao cần xây cao tầng và cao tầng như thế nào ở các thành phố vùng ven biển. Điều này được quyết định một cách cẩn trọng bởi đồ án quy hoạch chung, tùy theo tiềm năng phát triển và điều kiện tự nhiên riêng của từng khu vực địa phương. Do giá trị cao của quỹ đất trên chiều dài của tuyến đường ven biển, vì vậy quy hoạch cần được phân chia sao cho có cơ hội cho nhiều dự án công trình. Nhà cao tầng sẽ tiết kiệm được nhiều diện tích xây dựng, tăng được diện tích sàn sử dụng. Tạo được những khoảng giãn cách thông thoáng giữa các công trình, tăng được tầm nhìn ra biển cho những công trình ở lớp phía sau. Đã là công trình phục vụ du lịch ở biển thì một trong những yêu cầu quan trọng cho các căn phòng là cần có hướng nhìn ra biển, những căn phòng này bao giờ cũng có giá bán, giá cho thuê cao hơn.
Quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc mặt tiền tuyến ven biển nên hạn chế công trình có kích thước che chắn quá lớn theo hướng biển. Cần có giải pháp thu hẹp chiều hướng ra biển, song đồng thời lại có được nhiều phòng có tầm nhìn ra biển. Kinh nghiệm cho thấy giải pháp bố trí quy hoạch các công trình có cạnh dài vuông góc với đường ven biển, sẽ là giải pháp tối ưu để đạt được cả hai mục đích: Một là giảm được chiều ngang choán mặt biển, tăng được khoảng thoáng giữa các công trình, tạo điều kiện tầm nhìn ra biển cho các công trình ở lớp phía trong. Hai là tự thân các công trình bố trí như vậy cũng là giải pháp để có được hướng nhìn ra biển tối đa cho các căn phòng của công trình đó. Đây cũng là giải pháp giúp cho gió được lưu thông, không có diện nhà lớn để cản gió, cũng như không bị áp lực của gió lớn từ biển thổi vào, giúp cho độ an toàn của hệ thống cửa được đảm bảo hơn, nhất là khi có hiện tượng gió giật của bão.
Một trong những vấn đề (cùng với xu hướng hiện đại) mà kiến trúc các nhà cao tầng cần được quan tâm đó là những vấn đề về tiết kiệm năng lượng cho các công trình ven biển này như thế nào. Có thể nói rằng, trong kiến trúc nói chung (không riêng gì các công trình ven biển), ở Việt Nam quan tâm đến vấn đề này mới chỉ ở giai đoạn đầu, giai đoạn nhận thức là chủ yếu. Chưa có nhiều các dự án quan tâm đến tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Rõ ràng, đây là một trào lưu mới của xu hướng kiến trúc thời đại. Đối với các công trình ven biển sẽ có nhiều ưu thế để khai thác tài nguyên tự nhiên như: sức gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt và nhiệt lạnh dưới sâu của nước biển…
Trước hết (chưa nói tới việc áp dụng công nghệ mới), cần khuyến khích các dự án khai thác tốt điều kiện tự nhiên như thông gió tự nhiên, tận hưởng gió mát tự nhiên, giảm thiểu tối đa năng lượng điện lưới đối với hệ thống điều hòa không khí và thông gió. Việc kiến tạo môi trường tự nhiên cây xanh ngay trong tòa nhà là một hiệu quả đáng kể cho việc tiết kiệm năng lượng. Một trong những mục tiêu đơn giản nhất là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của trực xạ mặt trời, trong đó việc bố trí hướng nhà hợp lý trên các tuyến ven biển (như đã nói ở trên) đã là một giải pháp rất hiệu quả nhằm tiết kiệm năng lượng. Với các giải pháp thuần túy kiến trúc, với sự quản lý và vận hành tốt tòa nhà đã có thể tiết kiệm được tới 50% công suất tiêu thụ điện thông thường (theo tính toán của GS.TS. Phạm Đức Nguyên).
Đối với công trình kiến trúc cao tầng, bao giờ cũng là kiến trúc có kết cấu kiên cố. Đối với gió bão cũng sẽ không có ảnh hưởng gì đến những bộ phận cơ bản của tòa nhà. Điều còn đáng được quan tâm là hệ thống cửa của tòa nhà, cùng với các chi tiết kiến trúc che chắn khác như lan can logia, các tấm che mưa, che nắng… cần được chú ý để bảo đảm bền vững và an toàn cho tòa nhà. Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ và vật liệu xây dựng mới, không khó để lựa chọn được các giải pháp và vật liệu hợp lý, khắc phục được những ảnh hưởng của đặc thù khí hậu biển.
Một trong những vấn đề quan trọng và đáng chú ý hơn cả đối với kiến trúc ven biển là môi trường xâm thực của khí hậu biển. Trong đó, độ bền và tuổi thọ của kết cấu cơ bản tòa nhà lại là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu – cụ thể là kết cấu bê tông cốt thép (BTCT) của tòa nhà. Ở Việt Nam chúng ta, từ 1960 đến nay, đối với công trình ven biển cũng đều áp dụng theo quy phạm xây dựng thông thường, ít chú ý đến vấn đề chống ăn mòn của kết cấu BTCT, chính vì vậy đã làm giảm tuổi thọ của công trình. Các công trình xây dựng ven biển bằng xi măng thường sẽ bị phá hủy sau 10 đến 30 năm (thậm chí, chất lượng thi công không tốt, chỉ sau 5 đến 7 năm, kết cấu BTCT đã bị phá hủy). Trong khi cấp công trình xác định tới 100 năm.
Độ bền thực tế của kết cấu BTCT phụ thuộc vào mức độ xâm thực của môi trường và chất lượng vật liệu sử dụng, cùng các yếu tố khác như: cường độ bê tông, mác chống thấm, chủng loại xi măng, phụ gia, loại cốt thép, chất lượng thiết kế, thi công, quản lý dự án và sử dụng công trình. Đối với khâu thiết kế, cần phải chú ý quan tâm tới phân vùng môi trường biển đối với vị trí xây dựng cụ thể của công trình kiến trúc đó. Cụ thể các vùng như: vùng ngập nước, vùng ven biển, vùng khí quyển đến 20km và vùng đất nước ngầm bờ biển cách mép nước đến 250m. Trên chiều dài bờ biển Việt Nam, mức độ xâm thực của môi trường biển cũng có những khác nhau, song nhìn chung độ ẩm ở Việt Nam là rất cao, hàm lượng Ion Cl trong không khí khá lớn, dẫn đến việc ăn mòn thép trong bê tông cốt thép (BTCT). Vận tốc gió ở bờ biển Việt Nam thuộc loại trung bình, không lớn, nhưng lại có những đợt gió rất lớn hàng năm (lên tới 140km/h) thổi vào đất liền tới 20~30km.
Hiện nay, ở Việt Nam, cũng đã có những nghiên cứu thành công đáng kể, giúp cho việc chống lại sự ăn mòn của muối sun phát, bảo đảm độ bền, giữ được tuổi thọ của kết cấu công trình. Cụ thể nhà máy X18 (Bộ Quốc phòng) đã sản xuất được loại xi măng chịu mặn cho công trình ven biển, đó là loại xi măng Pooclăng bền sun phát mác cao (PCHS30), sử dụng loại xi măng này, có thể bảo đảm độ bền vĩnh cửu cho công trình. Cần lưu ý, bỏ thói quen thiết kế thông thường, ít nhất phải quan tâm tới việc bổ sung phụ gia bền sun phát cho kết cấu BTCT đối với các công trình này trong vùng môi trường biển.
Tóm lại, môi trường biển Việt Nam xâm thực mạnh hơn môi trường biển nhiều nước trên thế giới, do nhiệt độ, độ ẩm không khí cao, thời gian ẩm ướt lớn, nồng độ muối Cl cao, môi trường xây dựng dễ bị nước và cốt liệu có nhiễm mặn. Nhà nước cần sớm hoạch định một chiến lược chống ăn mòn và bảo vệ cho kết cấu bê tông và BTCT vùng biển. Đây là một trong những điều kiện tích cực bảo đảm tính bền vững cho các dự án kiến trúc ven biển Việt Nam.

Thiết kế kiến trúc khu nhà ở cao tầng ven biển tại Phú Quốc (Kiên Giang)

Thiết kế kiến trúc khu nhà ở cao tầng ven biển tại Phú Quốc (Kiên Giang)

Đâu là hình ảnh ấn tượng của những thành phố ven biển
Có thể có rất nhiều ấn tượng về kiến trúc ven biển của một địa phương, một thành phố tùy thuộc vào những góc nhìn khác nhau đối với khung cảnh của những công trình kiến trúc đó. Tuy nhiên, thường có 2 loại hình ảnh ấn tượng về nó.
Một là: góc nhìn hẹp với tầm nhìn ngắn. Với những góc nhìn này thì đặc thù về chi tiết, ngôn ngữ kiến trúc rất quan trọng. Đòi hỏi phong cách kiến trúc của từng tác giả công trình, tuy không phải là một song cùng có chung sự khai thác các yếu tố địa phương, có chung sự khai thác vật liệu địa phương và có chung tiếng nói về văn hóa đặc sắc của địa phương… Tất cả những yếu tố này sẽ hội tụ tạo nên hình ảnh ấn tượng riêng cho thành phố ven biển đó. Tuy nhiên, làm thế nào để có được những cái chung nhằm tạo nên ấn tượng, khi mà mỗi tác giả lại có cái “tôi” của mình. Kinh nghiệm cho thấy quyết định sự thành công này là do công tác thiết kế quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. Việc cấp phép xây dựng cũng không thể dễ dãi, cần có những quy định chung một cách nghiêm ngặt. Trước hết, đồ án quy hoạch cần phải có một ý tưởng tốt về bố cục tạo hình, biết tạo cơ hội tốt cho sáng tạo của những bước thiết kế tiếp theo. Sự thành công ở góc nhìn này, nơi người ta có thể trực tiếp tiếp cận, sống ở trong nó, hít thở cái không khí đời sống của nó. Đó là cái ấn tượng sâu sắc nhất về văn hóa, lối sống của cư dân xứ sở đó, có cả âm thanh và nụ cười. Tất cả những điều này được bao trùm trong những không gian kiến trúc do các kiến trúc sư sáng tạo ra. Tất cả các tiểu kiến trúc đều được bàn tay con người chăm chút, cố ý công phu nhưng lại duyên dáng như vô tình. Đó là những ấn tượng không thể nào quên trong lòng du khách. Trên thực tế ở nước ta, ngoại trừ kiến trúc trong một số khu resort, ở các khu công cộng thì còn vụng về lắm, ý thức đầu tư xây dựng còn tùy tiện, rất kém về thẩm mỹ kiến trúc, làm tổn hại đến văn hóa chung của thành phố du lịch.
Hai là: góc nhìn toàn cảnh với tần nhìn xa. Với những góc nhìn này thì đặc thù về phong cách bố cục nhịp điệu, cấu trúc phông nền của các tổ hợp cao tầng trọng tâm và phân bố, phối hợp một cách có chủ định với phong cảnh thiên nhiên vốn có của nó. Đây có thể nói là một trong những quyết định chuyên môn quan trọng nhất để tạo nên hình ảnh ấn tượng có sức sống quyến rũ nhất về thành phố ven biển đó. Điều này chính là sự thành công của đồ án quy hoạch. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để có hình ảnh ấn tượng về một thành phố hay chỉ là một khu phố, một tuyến đường, cần phải có một đồ án quy hoạch chủ động. Nghĩa là, một đồ án quy hoạch có tác giả và được duyệt. Không thể chỉ là đồ án quy hoạch với kết quả là các quy định bằng chính sách, các quy định chung chung có tính khống chế về chiều cao tầng nhà, về mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất. Đây là loại hình đồ án quy hoạch bị động, vì cách này đã phụ thuộc vào ý đồ xây dựng của các chủ đầu tư, thường họ sẽ thiết kế và xây dựng tối đa theo điều kiện cho phép của chính sách đã quy định. Đây là những kết quả ngẫu nhiên, mà hầu hết hình ảnh các thành phố chúng ta đang là như vậy. Với sự giàu có về tiềm năng của các thành phố ven biển, trong giai đoạn vừa qua tốc độ xây dựng và phát triển cũng khá nhiều, song để nói về hình ảnh ấn tượng về một thành phố ven biển nào đó ở Việt Nam cũng còn hết sức manh mún, cho dù đó là Quảng Ninh, Nha Trang hay Vũng Tàu! Trên thực tế cho thấy, sự thành công ở góc nhìn toàn cảnh của nhiều thành phố ven biển trên thế giới. Cho người ta hình ảnh ấn tượng về sự hùng vĩ, ngợi ca sức sống của thành phố đó, không chỉ là ấn tượng về sự phồn vinh mà còn biểu hiện ý chí và sức sáng tạo không ngừng của con người thành phố, đất nước đó. Đây cũng chính là bản tuyên ngôn quyến rũ và hấp dẫn du khách hãy đến với họ.

Kết luận
Chúng ta tuy là một quốc gia giàu có về thiên nhiên và tài nguyên biển, tiềm năng phát triển kinh tế ven biển là rất lớn. Song không có một tầm nhìn khoa học, một chiến lược quy hoạch bền vững sẽ không tránh khỏi những sai lầm và có những sai lầm không dễ dàng khắc phục. Không thể chỉ vì cái lợi trước mắt mà làm tổn hại đến sự phát triển của các thế hệ tương lai. Tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, chúng tôi đã có dịp làm việc với một số giáo sư, kiến trúc sư Nhật Bản và một sự thật sâu sắc là: Nhật Bản là một quốc gia phát triển, cũng có rất nhiều bờ biển. Song người Nhật cũng phải thừa nhận rằng, trên thực tế họ cũng đã có không ít sai lầm về quy hoạch kiến trúc các dự án ven biển; Sự mất cân đối giữa phát triển các dự án khu công nghiệp biển đã gây khó khăn và tổn hại không nhỏ đến sự phát triển của các dự án du lịch – do đã không tính trước được những ảnh hưởng giữa chúng. Trong giai đoạn vừa qua, người Nhật đã phải tốn khá nhiều công sức và tài chính để khắc phục những hậu quả đó. Kinh nghiệm về quy hoạch phát triển không gian kiến trúc ven biển của Nhật Bản là những bài học thực tế rất cần được các nhà quản lý và chuyên môn của chúng ta học hỏi./.

TS.Kts Nguyễn Tiến Thuận (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội)