22/03/2017

Các nước phát triển quản lý vỉa hè và bán hàng rong như thế nào?

Để được sử dụng vỉa hè và bán rong tại các thành phố lớn như New York, London và Paris, người bán hàng phải trả lệ phí cho chính quyền và tuân thủ nhiều quy định.

cac-nuoc-phat-trien-quan-ly-via-he-va-ban-hang-rong-nhu-the-nao

Nhà hàng của khách sạn Grand Hyatt New York. Ảnh: NYTimes

Tọa lạc tại phía đông đường 42 ở New York, nhà hàng tầng lửng ở khách sạn Grand Hyatt New York thu hút nhiều ánh nhìn vì nó được xây dựng với cấu trúc độc đáo, nhô ra khỏi vỉa hè. Để được phép kinh doanh như vậy, khách sạn phải trả 300.000 USD một năm cho thành phố.

New York thu được khoảng 60 triệu USD một năm từ việc thu lệ phí cho phép dựng biển hiệu, cột đèn trang trí, đồng hồ, ghế đá, thùng rác cố định và nhiều vật thể khác trên hơn 19 km vỉa hè của thành phố, theoNYTimes.

Tổng lệ phí sử dụng vỉa hè thu được ở New York đã tăng khoảng 50% trong thập kỷ qua, phần lớn là từ các công ty tiện ích như lắp đặt đường ống và máy biến áp dưới mặt đất. Tuy nhiên, chi phí thu từ các chủ nhà và chủ sở hữu tài sản khác cũng tăng gần gấp đôi lên hơn 2,1 triệu USD vào năm 2016.

Trong thập kỷ qua, tiền phí thu từ các nhà hàng có chỗ ngồi ngoài trời đã tăng hơn gấp đôi, lên tới khoảng 14 triệu USD (số lượng nhà hàng là hơn 1.300). New York cũng thu khoảng 400.000 USD từ những người bán rong trái cây, rau và hoa trên vỉa hè.

cac-nuoc-phat-trien-quan-ly-via-he-va-ban-hang-rong-nhu-the-nao-1

Đồng hồ của công ty Electric Time ở vỉa hè bên ngoài tháp Trump. Ảnh: NYTimes

Có sự khác biệt trong lệ phí tùy theo giá trị của bất động sản gần đó. Những nơi là địa điểm quan trọng mang tính dấu ấn, lịch sử của địa phương được ưu tiên trả ít hơn. Jerry I. Speyer, công ty quản lý trung tâm Rockefeller, địa điểm ẩm thực và mua sắm nổi tiếng của New York, chỉ phải trả 25 USD một năm cho bậc tam cấp ở dãy nhà phía đông Đại lộ số 5 của mình, trong khi 14 nhà dân ở Brooklyn mất đến 1.300 USD cho bậc tam cấp của họ.

Các hàng quán bán rong trên đường phố đã là một phần biểu tượng cho sự đa dạng và sức sống của New York kể từ khi thành phố được thành lập, theo Nydailynews. Đây là động lực kinh tế cho hầu hết người bán hàng nhập cư. Hoạt động này tạo ra thu nhập ước tính 192 triệu USD ở New York.

Tuy nhiên, từ những năm 1980, thành phố này chỉ cấp giấy phép cho 3.000 người bán rong, khiến nhiều người phải mua giấy phép ở chợ đen (giấy phép có giá 200 USD có thể bị đẩy giá lên đến 20.000 USD) hoặc đơn giản là bán hàng không giấy phép. Quy định này đã khiến nhiều người bán rong tổ chức các cuộc biểu tình và gửi đơn kiến nghị.

Thành phố cũng đặt ra các quy định như quầy hàng phải được đặt ở một độ cao nhất định, không bán hàng trong phạm vi 300 m của một giao lộ, cũng không được bán trong phạm vi 300 m của một bến xe buýt. Thông thường, mức phạt đối với người không có giấy phép là 1.000 USD, các hành vi vi phạm khác có thể lên tới 500 USD.

Hội đồng Thành phố New York cuối năm ngoái đã đưa ra một gói dự luật. Theo đó, từ năm 2018, thành phố sẽ cấp thêm 635 giấy phép bán rong một năm. 5% số này dành cho cựu chiến binh và người tàn tật. Người bán hàng bắt buộc phải trải qua khóa đào tạo về an toàn và các quy định khác.

Tại nhiều quốc gia châu Âu, việc mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường được quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan. Một trong những địa điểm nổi tiếng với văn hóa cà phê vỉa hè là thủ đô Paris của Pháp.

Theo một bài báo năm 2011 trên Latribune, 25% diện tích vỉa hè Paris được chính quyền cho các hộ kinh doanh thuê. Giá thuê tại khu phố ít người qua lại là 16 EUR (hơn 17 USD) mỗi năm cho một mét vuông. Tại những địa điểm sầm uất như đại lộ Champs-Élysées, nơi nổi tiếng với các nhà hàng, rạp chiếu phim và cửa hàng xa xỉ phẩm, giá thuê có thể lên tới 88 EUR (95 USD).

Các quán cà phê bắt buộc phải dành tối thiểu 1,6 m cho người đi bộ và đảm bảo các tiêu chuẩn về thẩm mỹ và môi trường. Cửa hàng sẽ bị phạt nếu lắp đặt những biển hiệu được đánh giá là thiếu thẩm mỹ cũng như những thiết bị sưởi ấm trái quy định. Hàng quán nào thiếu gạt tàn sẽ bị phạt.

cac-nuoc-phat-trien-quan-ly-via-he-va-ban-hang-rong-nhu-the-nao-2

Boris Johnson mua bánh từ một gian hàng trên vỉa hè khi còn làm thị trưởng London (Ông hiện là ngoại trưởng Anh). Ảnh: Zimbo

Tại London, nếu muốn mở các gian hàng trên đường phố, người bán cũng phải xin giấy phép. Một số địa điểm chỉ cho phép mở các gian hàng bán kem. Lệ phí tại khu vực trung tâm có thể lên đến hơn 50 USD một ngày.

Nếu muốn đặt bàn ghế hay các thiết bị khác như chậu cây, máy sưởi trên vỉa hè, họ cần xin thêm một giấy khép khác. Tại Woolwich, London, phí đặt bàn ghế hàng tuần trên vỉa hè ở khu vực đông người qua lại là 11 USD cho mét vuông đầu tiên. Các mét vuông tiếp theo được tính nửa giá. Ngoài ra, nếu kinh doanh đồ ăn, người bán còn phải đăng ký với cơ quan y tế và môi trường.

Phương Vũ/Theo VNexpress