09/07/2018

BT mang tiếng xấu và nỗi oan khó giải

Cách thức thực hiện không tốt là mấu chốt khiến BT phải chịu tai tiếng và những nỗi oan khó giải.

Xung quanh những dư luận cho rằng, BT đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để khai thác, phát huy thế mạnh nguồn lực từ khu vực tư nhân nhưng vẫn có nhiều nghi ngại, thiếu tin tưởng trong thời gian qua, ông Hoàng Văn Cường – ĐBQH đoàn Hà Nội đã có những lý giải về việc này.

BT mang tieng xau va noi oan kho giai
Hà Nội xin thực hiện 5 dự án xây dựng hạ tầng theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Ảnh minh họa

PV: Thời gian qua, nhiều vụ lùm xùm liên quan tới việc đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức BT khiến dư luận có cái nhìn không mấy tích cực về hình thức BT vốn từng được coi là giải pháp cho đầu tư hạ tầng giao thông này. Theo ông, nguyên nhân là do đâu, do sự khiếm khuyết của chủ trương này, do năng lực và kinh nghiệm của một số người có quyền hạn trong quyết định chủ trương đầu tư ở các địa phương? Phải chăng, đang có một nỗi oan mà hình thức đầu tư BT phải gánh chịu?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Trước hết, tôi khẳng định, những tiếng xấu về các dự án được thực hiện theo hình thức kêu gọi đầu tư BT thời gian qua không phải do khiếm khuyết của hình thức đầu tư BT, cũng không phải vì chủ trương này không đúng, không phù hợp mà gây nên. Lỗi thuộc về cách thức tổ chức thực hiện không tốt, lợi dụng những quy định thiếu chặt chẽ để vụ lợi tiêu cực, gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, khiến đầu tư theo hình thức BT phải gánh chịu những tai tiếng, những nỗi oan khó giải.

Tôi phải nhấn mạnh, đầu tư theo hình thức BT đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để khai thác, phát huy thế mạnh nguồn lực từ khu vực tư nhân, từ những người có kinh nghiệm, có vốn, có tiềm lực về mặt kỹ thuật, về mặt công nghệ vào đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng có chất lượng tốt hơn, giá thành thấp hơn, thời gian nhanh hơn so với việc Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra để tự tổ chức làm.

Ở đây, Nhà nước là người đặt hàng nhưng cũng là khách hàng, người dân và xã hội là người thụ hưởng còn chủ đầu tư chính là các doanh nghiệp bỏ tiền, thực hiện dự án. Như vậy, khi kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, Nhà nước chỉ là đơn vị đưa ra đề bài kèm theo các điều kiện, yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, thời gian hoàn thành dự án… các doanh nghiệp sẽ là những người đưa ra lời giải và đáp án, nhà nước sẽ lựa chọn doanh nghiệp nào có lời giải và đáp án tối ưu nhất để được quyền thực hiện dự án.

Nếu, quá trình kêu gọi đầu tư thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch sẽ lựa chọn được các nhà đầu tư thật sự có năng lực, có kinh nghiệm, có vốn, có kỹ thuật sẽ làm nên các công trình có chất lượng tốt, giá thành rẻ và thời gian đầu tư ngắn. Việc này, giúp Nhà nước vừa tiết kiệm được kinh phí, rút ngắn được thời gian thực hiện nhưng vẫn có những dự án chất lượng mà không phải ứng vốn ngay từ đầu, không phải trực tiếp đứng ra thực hiện. Nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát, kiểm tra về tiến độ, chất lượng thi công công trình.

Về phía nhà đầu tư, họ sẽ được hưởng phần lợi nhuận tương xứng với giá trị và chất lượng của công trình sau khi thực hiện dự án và bàn giao lại cho Nhà nước. Lợi nhuận của nhà đầu tư được hưởng sẽ nhiều hơn tương ứng với phần giá trị doanh nghiệp tiết kiệm được do họ làm tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn… so với những dự án có cùng tổng mức đầu tư mà Nhà nước tự làm.

Khi nhìn từ phương diện này, rõ ràng tất cả các bên đều đang có lợi từ BT. Nhà nước sẽ có được công trình để phục vụ xã hội. Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, có công ăn việc làm, có doanh thu và lợi nhuận.

PV: Vậy vì sao, BT là một chủ trương tốt nhưng thay vì có những cái nhìn tích cực thì dư luận lại đang có cái nhìn tiêu cực, thiếu tin tưởng ở BT nhiều hơn?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Như tôi đã nói ở trên, lỗi không phải do chủ trương đầu tư BT. BT đang phải gánh một nỗi oan khuất khó giải do chính cách thức tổ chức thực hiện không tốt gây ra.

Đầu tiên, là chọn nhà đầu tư thực hiện dự án không theo cơ chế đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư theo tiêu chí, theo: giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất, có khả năng đầu tư tốt nhất trong lĩnh vực đó để thực hiện dự án, mà lại vì mục tiêu nào đó để lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu, hoặc đấu thầu một  cách hình thức thiếu minh bạch, nhập nhèm, khuất tất.

Không thực hiện chọn nhà đầu tư theo cơ chế đấu thầu nên, rất có thể trong quá trình chỉ định thầu đã có những dự án được giao cho các nhà đầu tư không có năng lực tốt, dẫn tới công trình thực hiện theo hình thức BT có chất lượng không tốt, thời gian bị kéo dài, chi phí đội lên cao.

Tiếp đến, việc thiết kế, thẩm định dự án đang thực hiện theo quy trình ngược.
Lẽ ra, trước khi tổ chức kêu gọi đầu tư, Nhà nước phải lựa chọn một đơn vị thiết kế, xây dựng dự toán, thẩm định dự án độc lập nhằm xác định rõ quy mô các hạng mục đầu tư và các yêu cầu kỹ thuật, dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng dự án là bao nhiêu, trên cơ sở đó Nhà nước mới tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đấu thầu để thực hiện dự án.

Báo Đất Việt