15/03/2019

“Bảo tồn, hồi sinh di sản văn minh Đông Sơn”: Kinh tế di sản kết hợp phát triển đô thị

Một thành phố có nhiều cách để phát triển. Cách phát triển chủ yếu trong thời gian vừa qua ở Việt Nam là phát triển bất động sản. Tuy nhiên, phát triển bất động sản mang nhiều lợi ích nhất cho nhà đầu tư nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho cư dân bản địa – những người hy sinh không gian sống của họ, phương tiện sản xuất cho sự phát triển ấy. Một thành phố chỉ có ăn uống, làm việc sẽ không ra một thành phố, mà thành phố đó cần có sự đậm đặc về lịch sử, chiều sâu tâm linh, di sản…

Nối tiếp nội dung của hai cuộc tọa đàm về chủ đề “Bảo tồn, hồi sinh di sản văn minh Đông Sơn” diễn ra ngày 10.8 vừa qua, Viện nghiên cứu Định cư đã tiếp tục tổ chức 3 cuộc tọa đàm trong hai ngày 12 và 13.8 với các chủ đề: Mô hình Dịch vụ hệ sinh thái di sản Hàm Rồng – Núi Đọ làm động lực phát triển Vành đai xanh và đô thị phía Tây Bắc, thành phố Thanh Hóa; Dấu ấn đạo Tu Tiên trước Bắc thuộc và Văn hóa bản địa xứ Thanh tại khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ; Hồi sinh hệ sinh thái di sản Hàm Rồng – Núi Đọ và phát huy giá trị di sản trong phát triển.

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành. Ảnh: Lệ Quyên

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành. Ảnh: Lệ Quyên

Nếu như ở những cuộc tọa đàm trước, nền văn minh Đông Sơn được tiếp cận dưới góc độ vật thể thì trong hai cuộc tọa đàm sau cùng được tiếp cận ở cạnh khía phi vật thể. Cụ thể, các trao đổi đi sâu vào những vấn đề tôn giáo và văn hóa, cách thức phục dựng… với mục đích thu thập các ý kiến nhằm lựa chọn những hoạt động, những giá trị nổi trội của khu vực Hàm Rồng – núi Đọ, để có thể phát triển trong tầm nhìn chiến lược của quy hoạch không gian cho khu vực này.

Hàm Rồng – núi Đọ: Di sản của định cư

Cư dân vùng Hàm Rồng – Núi Đọ có một lịch sử cư trú lâu dài. Khảo cổ học thông qua phát hiện các hiện vật đã cho thấy điều đó một cách có chứng cứ vật chất. Di chỉ khảo cổ núi Đọ đã minh định con người có mặt ở đây từ thời đồ đá, trải qua thời kỳ đồ đồng với di chỉ Đông Sơn, Cồn Dài, Đồng Vừng… và mãi đến ngày nay. Đây cũng là minh chứng cho tính liên tục, đại diện và duy nhất của khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ tại Thanh Hóa.

Ở Hàm Rồng – Núi Đọ có một hệ sinh thái di sản và các di sản bảo lưu trong nó những giá trị lớn, chúng tương tác với nhau, tạo thành quần thể duy nhất. Ngoài những giá trị độc đáo của di sản tôn giáo – tín ngưỡng bản địa (có thể chứng minh được từ những sinh hoạt của dân cư, nổi bật là đạo Tu Tiên, nền văn minh Đông Sơn, di chỉ khảo cổ…), phải kể đến di sản định cư.

Theo TS. xã hội học Nguyễn Đức Truyến, về mặt quan điểm định cư, con người sống ở đâu cũng phải có đủ các nguồn lực để người ta sống được (như săn bắn, trồng trọt, đánh bắt, nuôi dưỡng…). Vì thế, hệ sinh thái tại đó hình thành nên phương thức sinh kế và tổ chức cư trú của họ. So với các vùng khác, Thanh Hóa có một giá trị đặc biệt là trong một khu vực cảnh quan nhỏ bé nằm giữa đồng bằng Thanh Hóa lại chứa đựng đủ các loại hình cư trú của làng xã người Việt.

Thung lũng Đông Sơn. Ảnh: TL

Thung lũng Đông Sơn. Ảnh: TL

Theo nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Khuất Tân Hưng (Đại học Kiến trúc Hà Nội), có khoảng 15 làng ở Thanh Hóa có mô hình cư trú định cư đa dạng. Bản thân trong làng lại có mô hình cư trú khác nhau. Nhưng những làng này đều cho thấy sự đa dạng trong tính thống nhất. 15 làng tạo ra sự liên tục và bám dọc theo con đê, dòng sông…

Mô hình định cư ở đây chịu tác động của đa dạng địa hình: đồng ruộng, sông, núi nên mang những đặc điểm độc đáo nổi bật như các làng: làng chân núi, làng ven sông (ngoài đê), làng trong ven đê, làng nội đồng và làng ven đô. Mỗi làng lại có những đặc điểm khác nhau do vị trí khác nhau như làng thuần nông (Hạc Oa, Đại Lý, Dương Nội, Vồm…), làng ven sông (Chài, Hến), làng có truyền thông buôn bán (Dương Xá, Thanh Dương), làng gắn cả nông nghiệp với nghề rừng…

Mỗi xóm, ngõ đều có tên riêng cho thấy tính lâu đời của nó. Điều thú vị là những làng ở đây lấy núi làm đê. Một cấu trúc độc đáo phải kể đến là cấu trúc phố ở trong làng. “Điều này nêu lên giả thiết rằng đã từng có đô thị ở khu vực này. Dù hình hài không thực sự là phố nhưng tên của nó khiến ta liên tưởng đến cấu trúc độc đáo phố trong làng”, ông Hưng nói. Cũng ở Thanh Hóa, người ta tìm thấy cấu trúc này ở làng Xuân Tiên (huyện Thọ Xuân) với phố Đầm nổi tiếng. Thậm chí, có hệ thống nhà Pháp cổ hai tầng dù nơi đây là vùng nông thôn.

Phố Bè với cấu trúc độc đáo phố trong làng. Ảnh: TL

Phố Bè với cấu trúc độc đáo phố trong làng. Ảnh: TL

Theo PGS. Hưng, Hàm Rồng – Núi Đọ sở hữu di sản định cư giá trị ở tính thống nhất trong đa dạng (các đơn vị định cư phát triển liên tục dọc theo sông và đê, không quá tách biệt giữa làng này với làng khác, cùng với đó là sự đa dạng của các mô hình định cư trong không gian không quá lớn); tính toàn vẹn (các mô hình định cư bảo lưu được cấu trúc đặc trưng; cảnh quan tự nhiên chưa bị xâm phạm); tính tiêu biểu (các mô hình định cư có tính đại diện cao cho vùng đồng bằng sông Mã); tính độc đáo (sự khác biệt đáng chú ý trong tổ chức cư trú – kết hợp nhiều kiểu cư trú; mô hình phố trong làng); tính liên tục (sự liên tục về không gian của văn hóa bản địa, liên tục về thời gian của văn hóa bản địa) cùng sự hòa quyện của tự nhiên – văn hóa (cảnh quan làng xóm trong mối quan hệ với tự nhiên sông – núi, sự kết hợp độc đáo của nhân tạo và tự nhiên) ẩn chứa nhiều giá trị mà có thể người Việt chưa phát triển ra.

Để phát triển thành phố không “hồn rỗng”

Chuyên gia người Pháp F. Milou khi khảo sát khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ đã thấy: vùng đất này đang thiếu sự kết nối hoạt động của con người với di sản. Không thấy được sự lưu tâm và công nhận của công chúng với di sản. Ngay như ngôi làng cổ Đông Sơn giờ cũng chỉ là làng cổ bị lãng quên. Giá trị của vùng đất này gần như không thấy.

“Sự đa dạng trong cư trú, hình thái làng, tất yếu theo nguyên tắc đa thần giáo của cư dân Việt, kéo theo một đời sống tín ngưỡng đa dạng phức tạp mà việc tìm hiểu về nó sẽ rất thú vị, như là hiểu về cơ chế sản sinh tinh thần của cư dân Hàm Rồng – Núi Đọ” – TS. Nguyễn Mạnh Tiến (Viện văn học) phát biểu tại tọa đàm.

PGS.TS. Đỗ Lai Thúy (chuyên gia văn hóa học) chia sẻ, hệ sinh thái tiền sử là cái đầu tiên tạo ra nền văn hóa (có hai loại hệ sinh thái: phổ quát và chuyên biệt). Văn minh nông nghiệp chi phối văn hóa của Việt Nam. Một trong những tín ngưỡng nguyên thủy nhất là tín ngưỡng bản địa. Người trồng trọt làm nông nghiệp chứng kiến vòng đời của thảo mộc, cây cối nên họ sớm chứng nghiệm ra sự sống và cái chết. Vì thế, phát triển vạn vật tâm linh – chính là thế giới quan đầu tiên của con người. Nó tạo ra cho thế giới một chỉnh thể, con người với thiên nhiên và con người với con người kết nối nhau.

b2abf8bd-a063-44e9-b6cb-d43115bfdb06

9d95113f-43cc-4e3a-9926-2e7144cd760a

Một số di chỉ khảo cổ của nền văn minh Đông Sơn. Ảnh: TL

Thanh Hóa là miền đất tối cổ, một trong những cái nôi của nền văn hóa Đông Nam Á. Thế nhưng như chuyên gia người Pháp F. Milou khi khảo sát khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ đã thấy: vùng đất này đang thiếu sự kết nối hoạt động của con người với di sản. Không thấy được sự lưu tâm và công nhận của công chúng với di sản. Ngay như ngôi làng cổ Đông Sơn giờ cũng chỉ là làng cổ bị lãng quên. Giá trị của vùng đất này gần như không thấy.

Vậy làm sao để hồi sinh, làm sao để phát triển?

Nhà báo Trần Trung Chính (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng) chia sẻ tại tọa đàm: một thành phố có nhiều cách để phát triển. Cách phát triển chủ yếu trong thời gian vừa qua ở Việt Nam là phát triển bất động sản. Tuy nhiên, phát triển bất động sản mang nhiều lợi ích nhất cho nhà đầu tư nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho cư dân bản địa – những người hy sinh không gian sống của họ, phương tiện sản xuất cho sự phát triển ấy. Vì vậy, ở trường hợp nghiên cứu để phát triển Thanh Hóa về phía Tây Bắc cần lựa chọn một cách phát triển khác dựa trên những tiềm năng về văn hóa, đặc biệt là những kết quả khảo cổ học.

Theo PGS-TS. Bùi Văn Liêm (Phó viện trưởng Viện khảo cổ học): “Cần làm sống lại các thời đại lịch sử khác nhau. Tín ngưỡng – tôn giáo phải nằm trong môi trường sinh thái”.

Đồng quan điểm với PGS. Liêm, PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục (Viện trưởng Viện nghiên cứu Định cư) cho rằng, một thành phố chỉ có ăn uống, làm việc sẽ không ra một thành phố. Mà thành phố đó cần có sự đậm đặc về lịch sử, chiều sâu tâm linh, di sản… “Hàm Rồng – núi Đọ phải là trung tâm của nền kinh tế di sản. Khu vực này sẽ hồi sinh trong nền kinh tế di sản kết hợp với sự phát triển đô thị”, PGS. Thục đề xuất.

Bờ đê phía Tây Thanh Hóa nhìn về dãy Hàm Rồng. Ảnh: TL

Bờ đê phía Tây Thanh Hóa nhìn về dãy Hàm Rồng. Ảnh: TL

Một số ý kiến khác của các chuyên gia cho thấy, hiện nay các di sản chỉ hiện hữu trong sách vở, một số như phế tích khảo cổ… Nhiều người nhìn vào những di sản đó nhưng không hiểu, không thấy hấp dẫn. Vì thế, cần thổi vào đó một câu chuyện, một đời sống.

Theo ông F. Milou, bảo tàng sẽ là nơi gắn kết tốt nhất giữa người dân với lịch sử, di sản. Ông F. Milou đưa ra một chiến lược giúp người dân tiếp cận di sản với yếu tố cảnh quan văn hóa làm cốt lõi ở hai bên bờ sông Mã. Tạo dựng câu chuyện lịch sử, cuốn hút đối với du khách.

Nghiên cứu khảo sát của PGS-TS. Khuất Tân Hưng cho thấy, quan hệ giữa di sản định cư với hệ sinh thái di sản Hàm Rồng – Núi Đọ, cùng các di sản khác, sẽ tạo thành một vành đai di sản rõ rệt ở phía Bắc.

Nhìn từ các khía cạnh chia sẻ của các chuyên gia có thể thấy, việc phát triển một thành phố dựa trên đời sống văn hóa sẽ mang lại nhiều giá trị và bền vững hơn phát triển theo một thành phố “hồn rỗng”.

Bài và ảnh: Lệ Quyên/Người đô thị