31/07/2023

Bài 2: Màu sắc thay đổi trong các bản vẽ Quy hoạch: Từ màu xanh công cộng thành màu vàng, cam bất động sản tư hữu

Năm 2023 Hà Nội bàn soạn lập nhiều Quy hoạch. Nhưng ít ai biết màu sắc tô trên các tấm bản đồ có ý nghĩa, giá trị thế nào? Cá nhân, tổ chức nào có quyền định ra màu sắc trên các tấm bản đồ đó? Các bản quy hoạch mới có lặp lại sai lầm cũ?

Một thế kỷ Quy hoach Hà Nội: màu xanh là cây xanh mặt nước, màu vàng là nhà ở

Từ năm 1883, Hà Nội xây dựng theo mô hình thành phố phương Tây. Sở Quy hoạch Kiến trúc Đông Dương được thành lập năm 1923, và KTS Ernest Hébrard được bổ nhiệm làm Giám đốc, thực hiện bản sơ đồ tổng thể, khởi đầu cho lịch sử 100 năm Quy hoạch Hà Nội (1923-2023). KTS Louis Georges Pineau, là cộng sự và cấp phó của ông đã truyền tải ý tưởng tổng thể của Hébrard vào Quy hoạch Hà Nội, công bố năm 1943. Bản vẽ tô màu xanh mặt nước cây xanh, màu vàng xây nhà, màu đỏ là đường phố dự kiến mở rộng, làm mới, màu hồng là khu phố mới chỉnh trang theo Quy hoạch.

Các làng xóm ven Hồ Tây 1900-1953 và Sơ đồ Quy hoạch Hà Nội do Louis Georges Pineau thể hiện công bố 1943. Sơ đồ này được nghiên cứu và thực hiện trong 20 năm (1923-1943) và là sơ đồ thực hiện các dự án xây dựng Hà Nội cho nhiều thập kỷ tiếp theo (Nguồn: “Hà Nội – Chu kỳ của những đổi thay” NXB KHKT 2003).

Sau khi tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Hà Nội ấp ủ tương lai mới. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về mở rộng TP Hà Nội theo kế hoạch dài hạn. Tại Hội nghị, Người nêu rõ: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng…), địa lợi (địa chất, sông hồ…) và nhân hòa (lợi ích của Nhân dân, của Chính phủ…).Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mĩ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí…“.

Trong 31 năm (1961-1992) có 4 lần lập quy hoạch Hà Nội (1961, 1976, 1981, 1992), mỗi bản sơ đồ vẽ ra viễn cảnh kỳ vĩ, quy mô khác nhau, nhưng có điểm chung là rất chú trọng không gian mặt nước cây xanh, công viên vườn hoa thành phố, ngoại thành.

Các bản Quy hoạch Hà Nội giai đoạn 1961-1992: Hồ Tây đều là công viên/cây xanh

Các bản Quy hoạch vẽ Hồ Tây cây xanh mặt nước và đổi màu theo thời thế

Trong bản quy hoạch 1992 có nội dung: “Hồ Tây là khu vực được thiên nhiên ưu đãi có cảnh quan tươi đẹp sẽ được ưu tiên phát triển các trung tâm giao dịch, khách sạn, công trình văn hóa, làng du lịch và trung tâm nghỉ dưỡng của Thủ đô Hà Nội.”

Không gian hồ Tây trong Quy hoạch 1992 là cây xanh, công viên, thể dục thể thao. Năm 1992: Đường vào làng Nghi Tàm, từ đường vào chùa Trấn Quốc nhìn sang làng Yên Phụ. Từ công viên nhìn về hồ Tây mờ xa, cả Hà Nội không có nhà cao tầng.

Năm 1996-1998, UBND TP Hà Nội và Bộ Xây Dựng trình “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội giai đoạn 1997-2020”, được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 (gọi tắt là QHC 108). Sơ đồ Quy hoạch tại khu vục hồ Tây đã thêm màu vàng đất làng xóm cũ, nhiều màu đỏ đất trung tâm thương thương mại, giao dịch, công cộng.

Năm 2002, TP Hà Nội thành lập Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm là Giám đốc. Sở triển khai lập và công bố quy hoạch sử dụng đất 12 quận huyện Hà Nội. Bản đồ sử dụng đất quận Tây Hồ 2004 có 3 loại đất, màu đỏ trong bản đồ chú giải là “đất trụ sở” – khác với QHC 108 và bản đồ sử dụng đất các quận huyện khác trong cùng thời kỳ lập quy hoạch.

Khu vực Hồ Tây trong bản đồ QHC 108 (phê duyệt 1998) và Quy hoạch sử dụng đất quận Tây Hồ (công bố năm 2004) tô màu nhòe nhoẹt chú giải mơ hồ dẫn đến quản lý đất đai lỏng lẻo, tùy tiện

Năm 2014, UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và Phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập.

Năm 2016, ông Nguyễn Đức Chung (khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội), ký ban hành “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội”, trong đó: “Khu vực bán đảo phía đông Hồ Tây: Xây cao tối đa 39 tầng, chiều cao tối đa 140m”. Căn cứ vào “Quy chế” này, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội có văn bản “Chấp thuận Bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc” sai khác rất lớn với Quy hoạch phân khu A6 đã duyệt. Câu hỏi đặt ra là bản “Quy chế” này có thay thế Quy hoạch phân khu, Quy hoạch điều chỉnh hay không?.

Công viên Thống Nhất đổi màu trong các bản quy hoạch

Sau ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), thành phố Hà Nội khó khăn đủ bề nhưng đã ưu tiên tổ chức cho cư dân Hà Nội tham gia nạo vét bùn lầy hồ Bảy Mẫu làm ra công viên Thống Nhất – là nơi vui chơi cho toàn dân, cũng là niềm tự hào cả xã hội ăn cơm nhà làm ra tài sản công.

Những năm 1990, Hà Nội “mở cửa” với làn sóng đầu tư nước ngoài sôi động, Bản vẽ QHC 108 do Văn phòng Kiến trúc sử trưởng lập vẽ cả Hà Nội to đùng, chỗ công viên Thống Nhất có chấm nhỏ màu đỏ sẫm “đất công cộng” vào màu xanh “đất cây xanh công viên” không mấy ai thắc mắc. Dựa vào QHC 108, Sở Quy hoạch Kiến trúc lập Quy hoạch sử dụng đất quận Hai Bà Trưng, tại vị trí công viên Thống Nhất đã tô một góc đỏ sẫm, chú giải là “đất công cộng”, nhưng lại cấp phép cho khách sạn liên doanh tư nhân xây vào, bà con mới giật mình trước sự thay đổi ghê gớm về chuyển quyền tài sản công cộng thành tư hữu trong nháy mắt khi chỉ cần đổi màu sắc trong tấm bản đồ quy hoạch. Dư luận phản ứng gay gắt nên khách sạn làm xong ba tầng hầm vẫn phải dừng lại từ 2009 và “đắp chiếu” đến nay. Chỗ tô màu “đất công cộng” vào công viên không chỉ có khách sạn tư nhân mà có cả một đội xe kèm cửa hàng bán ô tô; Rạp xiếc bê tông kèm nhà hàng tư nhân thuê, phòng tập thể hình thu phí. Thực tế quản lý, cấp đất một đằng, tô màu một nẻo trong bản vẽ quy hoạch đã mở đường cho nơi “Công viên Thống Nhất được quy hoạch vĩnh viễn” từ năm 1962, rộng 40ha đã dần bị cắt xén gần 1/3 để xây trụ sở cơ quan, trạm điện kèm theo bãi đỗ ô tô, nhà máy xử lý nước thải ngầm, trên mặt đất quây rào đỗ xe, cắt xén dải đất cây xanh dài 600m rộng 20m để mở đường.

Câu hỏi đặt ra là bản vẽ Quy hoạch tô màu là đất công cộng nhưng cơ quan có nhiệm vụ “quản lý Nhà nước về quy hoạch – kiến trúc” thỏa thuận quy hoạch, cấp phép sở hữu sử dụng phi công cộng thì giá trị pháp lý của bản vẽ quy hoạch như thế nào? Trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tô màu vào bản vẽ và tự ý đổi màu khi thực hiện vai trò quản lý phải được giám sát, sử lý đúng sai ra sao?

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất (2004) nhòe màu với những cách diễn giải mơ hồ đã mở đường cho việc chiếm dụng tùy tiện đất Công viên Thống Nhất và các công viên Hà Nội

Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06- NQ TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam… chỉ ra những tồn tại “ Công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện…, quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, nhiều nơi còn lỏng lẻo, tiêu cực… Trình độ, năng lực của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý sai phạm, tiêu cực chưa kịp thời và nghiêm minh; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa phát huy hiệu quả… sai phạm về quản lý đất đai trong phát triển đô thị diễn biến phức tạp.” và cũng chỉ ra hướng khắc phục “gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các ngành, các cấp liên quan trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị”.

Năm 2023, Hà Nội đồng thời triển khai nhiều loại, nhiều cấp quy hoạch: Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới 2045; Quy hoạch vùng các quận huyện; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030. Hy vọng từng bản quy hoạch sẽ được lập với thông tin đầu vào chính xác tin cậy; Phân tích đánh giá thực trạng trung thực, toàn diện; Nghiên cứu đề xuất từ những nghiên cứu khoa học, cẩn trọng, sử dụng những công cụ phương pháp nghiên cứu tân tiến, ứng dụng công nghệ cao; Thể hiện tài liệu, bản đồ tường minh, chuẩn xác. Kiên quyết loại bỏ cách làm quy hoạch cũ đã từng thực hiện trong 20 năm qua: thông tin dữ liệu sai lạc; phân tích, đánh giá hời hợt, chủ quan; đề xuất các phương án lạc hậu, thiển cận; trình bày tài tiệu tối nghĩa, tùy tiện, cẩu thả.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội,thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng

Nguồn ảnh: Hanoidata & City Solution. Các bản đồ Quy hoạch Hà Nôi trích dẫn trong sách “Thăng Long Hà Nội ” do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1995 & “Hà Nội 50 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển” do Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội xuất bản năm 2004 

(*) http://bando.nlv.gov.vn/bando?a=d&d=FJjIe&e=——-vi-20–1–txt-txIN%7CtxME——#