25/12/2024

Công tác nghiên cứu khoa học về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực thiết kế công trình

MỞ ĐẦU, Ý NGHĨA VÀ SỰ CẦN THIẾT

Kể từ năm 1960, chúng ta đã có văn bản tiêu chuẩn đầu tiên, và đến năm 1996 văn bản quy chuẩn xây dựng đầu tiên được ban hành đưa vào áp dụng. Đến nay hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng nói chung và lĩnh vực thiết kế công trình nói riêng đã có những bước tiến đáng kể. Cơ cấu và số lượng của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đã đáp ứng cho các hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu xây dựng công trình. Các tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình hiện vẫn đang được sử dụng để lập kế hoạch và dự án đầu tư xây dựng công trình; lập báo cáo khả thi, thiết kế xây dựng và quản lý công trình.

Hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình được ban hành phần nào đã đáp ứng nhu cầu của xã hội, làm cơ sở cho công tác quy hoạch đô thị, giúp cho việc quản lý, phát triển các đô thị không chỉ về không gian kiến trúc mà còn về phương diện quản lý hành chính, xã hội. Tuy vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình này còn chưa đảm bảo tính đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa theo kịp đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống và còn bộc lộ một số bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, chậm được nghiên cứu, đổi mới nên chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Phần lớn các tiêu chuẩn này được biên soạn từ lâu, có niên hạn sử dụng quá dài, một số nội dung lạc hậu so với điều kiện kinh tế – kỹ thuật hiện tại;

Thứ hai, giữa những tiêu chuẩn còn một số mâu thuẫn, thiếu thống nhất, chưa đạt được sự đồng thuận giữa các bên có liên quan;

Thứ ba, các tiêu chuẩn chưa đề cập đầy đủ nhu cầu tiết kiệm năng lượng, công trình xanh hay công trình ứng phó với biến đổi khí hậu;

Thứ tư, các yêu cầu đối với vật liệu, trang thiết bị, trình độ thi công và quản lý chất lượng chưa phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Một số Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) đã được Viện Nghiên cứu Tiêu chuẩn và
Thiết kế Điển hình hóa Xây dựng nghiên cứu biên soạn, Bộ Xây dựng ban hành

THỰC TRẠNG, HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG TIÊU CHUẨN TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH

Trong nước

Từ những năm 2001-2003, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Xây dựng, trên cơ sở kết quả đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đến năm 2010 theo hướng đổi mới, hội nhập” do nguyên Thứ trưởng GS.TSKH Nguyễn Văn Liên làm chủ nhiệm đề tài, Bộ Xây dựng đã hình thành định hướng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn và Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Đề tài cấp Nhà nước này cũng đã đưa ra danh mục các tiêu chuẩn cần biên soạn, soát xét sửa đổi. Nhưng chỉ có một phần nhỏ các tiêu chuẩn trong danh mục này được thực hiện theo lộ trình.

Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng các tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực thiết kế công trình có khoảng 100 tiêu chuẩn (theo khung phân loại ICS), trong đó có khá nhiều tiêu chuẩn không do Bộ Xây dựng chủ trì biên soạn. Các tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình này đã bao trùm lên hầu hết các thể loại công trình. Tuy nhiên, cấu trúc cụ thể còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Nội dung của nhiều tiêu chuẩn còn quá lạc hậu. Nhiều tiêu chuẩn có nội dung như một văn bản pháp quy, bao gồm cả các quy định về quản lý hành chính. Điều này đã làm cho nội dung của một số tiêu chuẩn có liên quan không còn phù hợp, cần phải soát xét, bổ sung hoặc thay thế.
Tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình phần lớn thường được chuyển dịch từ tiêu chuẩn nước ngoài (chủ yếu là tiêu chuẩn Nga hoặc Trung Quốc), một số quy định trùng lặp giữa các tiêu chuẩn, một số quy định chưa cập nhật được điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Việc soát xét, sửa đổi tiêu chuẩn chưa kịp thời, chưa bắt kịp được nhu cầu xã hội. Nhiều tiêu chuẩn biên soạn cách đây hơn 15 năm hoặc lâu hơn nữa vẫn chưa được soát xét. Các tiêu chuẩn biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn nước ngoài chưa bắt kịp được với tốc độ thay đổi, soát xét của tiêu chuẩn gốc của các quốc gia đó.

Viện Nghiên cứu Tiêu chuẩn và Thiết kế Điển hình hóa Xây dựng là đơn vị trực thuộc Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), đầu mối thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu cơ bản, biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, hàng năm, đơn vị chủ động rà soát, soát xét các tiêu chuẩn quy chuẩn, biên soạn trình cấp có thẩm quyền đã ban hành các bộ Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) như: Biệt thự nghỉ dưỡng – Yêu cầu chung về thiết kế; Căn hộ lưu trú – Yêu cầu chung về thiết kế; Nhà thương mại liên kế -Yêu cầu chung về thiết kế; Nhà ở riêng lẻ – Yêu cầu chung về thiết kế; Văn phòng kết hợp lưu trú – Yêu cầu chung về thiết kế; Thông gió và điều hoà không khí – Yêu cầu thiết kế; Các bộ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) về Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng công trình đảm bảo tiếp cận sử dụng,.. và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp kinh tế đang được đơn vị triển khai và hoàn thành.

Quốc tế

Tiêu chuẩn ISO

Mục đích của ISO là hài hòa hóa các tiêu chuẩn trên phạm vi toàn cầu để có thể cung cấp các tiêu chuẩn sử dụng chung và vì thế hạn chế đi các rào cản trong thương mại. Có thể nói các tiêu chuẩn ISO hiện nay là những tiêu chuẩn có mức độ thừa nhận và sử dụng chung rộng rãi nhất trên thế giới. Vì thế, tuy ISO về bản chất là một Model building code (không được trực tiếp phát triển và áp dụng bởi một quốc gia cụ thể), nhưng do tính chất, quá trình phát triển cũng như mức độ phổ biến và chấp nhận rộng rãi tại hầu hết các nước trên thế giới, ISO vẫn có thể được coi là một dạng National Building Code đặc biệt.

Các tiêu chuẩn xây dựng trong danh mục tiêu chuẩn quốc tế ISO chủ yếu là những tiêu chuẩn chung về thuật ngữ – định nghĩa, phân loại, bản vẽ, ký hiệu, phương pháp thử, phương pháp đo, vật liệu xây dựng.

Trong danh mục các tiêu chuẩn quốc tế ISO, không có tiêu chuẩn về thiết kế công trình cụ thể.

EUROCODE

Các tiêu chuẩn về xây dựng của Liên minh châu Âu được xây dựng chủ yếu tập trung vào 10 chủ đề chính bao trùm cho các lĩnh vực: cơ sở của thiết kế kết cấu; tải trọng tác động, địa kỹ thuật, kháng chấn và các loại vật liệu kết cấu chính. Đây là những nội dung rất cơ bản và quan trọng trong lĩnh vực xây dựng.

Các Eurocode được xây dựng khá đầy đủ, công phu, có tính khoa học và thực tiễn cao. Do đó có tính khả thi thực tiễn cao không chỉ cho EU và là khuôn mẫu có thể áp dụng học tập cho hoạt động tiêu chuẩn hoá lĩnh vực xây dựng của các nước trên thế giới.

Không có tiêu chuẩn châu Âu lĩnh vực thiết kế kiến trúc công trình cụ thể.

Hoa Kỳ

Đặc điểm chung của quy chuẩn, tiêu chuẩn Mỹ là rất đầy đủ và hoàn chỉnh từ tính toán, cấu tạo đến thiết kế, thi công. Quy chuẩn, tiêu chuẩn Mỹ rất thuận tiện cho việc ứng dụng tin học, thành tựu khoa học mới. Bên cạnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn còn có các chỉ dẫn, sổ tay tính toán giúp cho các kỹ sư, KTS có thể sử dụng trong thiết kế, thi công mà không phải tra cứu các tài liệu khác.

Các tiêu chuẩn của Mỹ thường quy định các yêu cầu về an toàn, không hướng dẫn thiết kế công trình cụ thể mà thường sử dụng các sổ tay hướng dẫn thiết kế.

Liên bang Nga

Cấu trúc của bộ tiêu chuẩn xây dựng Liên bang Nga gồm nhiều phần, trong từng phần lại phân ra từng nhóm tiêu chuẩn.

Đây là “hệ thống mở” nên hoàn toàn phù hợp với yêu cầu và điều kiện phát triển tiêu chuẩn hoá xây dựng.

Với cấu trúc mở, việc thực hiện biên soạn mới, soát xét, bổ sung, thay đổi, thay thế các tiêu chuẩn đều tiến hành được thuận lợi, kịp thời và linh hoạt trong điều kiện biến động của công nghệ xây dựng hiện nay và thích ứng với việc tiếp cận với kỹ thuật mới, vật liệu mới.

Trong lĩnh vực thiết kế công trình, tiêu chuẩn của Liên bang Nga tương đối đầy đủ cho các thể loại công trình đi từ những vấn đề chung đến quy hoạch, thiết kế công trình và chi tiết cấu tạo kiến trúc. Nội dung của các tiêu chuẩn này luôn luôn được đổi mới, cập nhật với những thay đổi trong cơ chế quản lý và trong xu thế hội nhập với nền kinh tế nhiều thành phần.

Các tiêu chuẩn về thiết kế công trình của Nga đã được tham khảo và sử dụng để biên soạn một số tiêu chuẩn thiết kế công trình của Việt Nam trong thời gian trước đây.

Trung Quốc

Theo Luật Tiêu chuẩn hóa thì Trung Quốc không có quy chuẩn kỹ thuật mà có hệ thống 04 cấp tiêu chuẩn: tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn địa phương và tiêu chuẩn xí nghiệp. Tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến nhất là tiêu chuẩn quốc gia rồi đến tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn địa phương và cuối cùng là tiêu chuẩn xí nghiệp.

Cấu trúc bộ tiêu chuẩn được sắp xếp theo trình tự của hoạt động xây dựng từ thiết kế kiến trúc đến kết cấu, thi công, vật liệu xây dựng, máy xây dựng và thiết bị xây dựng theo khung phân loại quốc tế ICS.

Các tiêu chuẩn về thiết kế công trình của Trung Quốc (giống như các tiêu chuẩn của Nga) cũng đã được tham khảo và sử dụng để biên soạn một số tiêu chuẩn thiết kế công trình của Việt Nam.


Một số Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) đã được Viện Nghiên cứu Tiêu chuẩn và Thiết kế Điển hình hóa Xây dựng – Viện Kiến trúc Quốc gia nghiên cứu biên soạn, Bộ Xây dựng ban hành

NHỮNG ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG HỆ THỐNG TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN QUỐC GIA TRONG LĨNH VỰC THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH

Với hiện trạng về hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình hiện hành, để có được một bộ tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng lĩnh vực thiết kế công trình đồng bộ, hiện đại theo hướng đổi mới, hội nhập, cần phải có kế hoạch rà soát, bổ sung, đổi mới và hoàn chỉnh. Để rút ngắn lộ trình xây dựng đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình theo hướng đổi mới, hội nhập cần dựa trên cơ sở bộ tiêu chuẩn hiện hành để rà soát, bổ sung và dựa vào bộ tiêu chuẩn của các nước tiên tiến để biên soạn mới. Điều này vừa bảo đảm tính kế thừa, vừa bảo đảm tính hiện đại và hội nhập quốc tế.

Những tiêu chuẩn không còn phù hợp (do cơ chế đã thay đổi, do trùng lặp nội dung, do lạc hậu về trình độ, …) cần được hủy bỏ và biên soạn mới. Các tiêu chuẩn còn phù hợp cần được bổ sung, sửa đổi. Những tiêu chuẩn về nguyên tắc chung cần phải hội nhập với khu vực và thế giới trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế (ISO) và khu vực (EU). Các vấn đề liên quan đến an toàn, môi trường và những quy định bắt buộc áp dụng trong các tiêu chuẩn thiết kế công trình cần được biên soạn thành quy chuẩn chuyên ngành.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho công tác biên soạn này cũng hết sức cần thiết để có thể kế thừa và học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, giảm thời gian nghiên cứu và kinh phí biên soạn tiêu chuẩn.

KẾT LUẬN

Để hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình thực sự trở thành công cụ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống này để đáp ứng các yêu cầu sau đây:

(1) Tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình phải được áp dụng rộng rãi và có hiệu quả hơn trong thực tiễn;

(2) Quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình phải gắn bó chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và quy hoạch phát triển các ngành kinh tế – kỹ thuật nói riêng nhằm đáp ứng được nhu cầu quản lý của Nhà nước; bảo vệ sức khoẻ, an toàn, vệ sinh. môi trường; nâng cao chất lượng, uy tín và sức cạnh tranh phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội khác;

(3) Hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình phải đạt trình độ khoa học và công nghệ ngang bằng với hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của các nước tiên tiến trong khu vực và có mức độ hài hoà cao với các Tiêu chuẩn quốc tế, Tiêu chuẩn khu vực trong lĩnh vực xác định thông qua việc tăng cường chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến thành TCVN đồng thời tiếp tục soát xét, thay thế các TCVN lạc hậu, không còn phù hợp;

(4) Hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực thiết kế công trình phải đồng bộ về các nội dung (loại) tiêu chuẩn cho từng đối tượng cụ thể./.

TS.KTS  Đào Thị Tiến Ngọc – Giám đốc Viện Nghiên cứu tiêu chuẩn và Thiết kế điển hình hóa xây dựng