01/04/2024

Quy hoạch phát triển toàn diện Nhật Bản: Những ví dụ tốt cho Quy hoạch Thủ đô – Bài 4: Quy hoạch Thủ đô: Cơ hội để tái lập cân bằng Đất – Nước Hà Nội

(KTVN) – KTS Mochizuki Shinichi đến từ Nhật Bản đã chia sẻ cho chúng tôi bộ sách “Phát triển đô thị Tokyo 1985-1994“: những kinh nghiệm tái thiết đô thị Nhật Bản có thể giúp Hà Nội tránh những thiếu sót trong quá trình lập Quy hoạch Thủ Đô.

Sai một ly, đi một dặm

Theo báo cáo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 10,5 triệu người; 12,5 triệu người đến năm 2045. So với những kịch bản cao hơn trước đây thì cũng là nhận diện thận trọng. Tuy vậy vẫn còn những ẩn số cần giải đáp

Thứ nhất là tiền đâu đầu tư tạ tầng. Khảo sát 2024, dân số Hà Nội vẫn ở mức 8,5 triệu và với mức tăng đều thì 6 năm tới ở mức 9,5-9,7 triệu người. Nếu có tăng đột biến thì phải xuất hiện những đô thị mới, đi kèm với nó là hàng triệu tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội – những món tiền lớn mà Hà Nội chưa có sẵn. Thêm 2 triệu người, phải thêm 100 trường THPT (20,000 người/trường THPT), trong khi Hà Nội hiện còn thiếu 149 trường THPT (thống kê 2022), chưa kể các trường mầm non, Tiểu học, THCS.

Nhiều khu vực mới của Hà Nội di chuyển đến trung tâm xa hơn, tiếp cận cơ hội việc làm, giao dịch – dịch vụ khó khăn hơn

Thứ hai là lãng phí tài nguyên đất đai. So sánh bản vẽ bố trí dân cư đô thị đến năm 2045 của Quy hoạch Thủ đô 2024 với bố trí dân cư đô thị đến 2030 trong Quy hoạch chung 1259 công bố năm 2011: dân số các khu đô thị giảm đi nhưng đất đô thị tăng lên (Đô thị Xuân Mai giảm từ 220.000 dân xuống 68.000 dân, đất không giảm mà còn tăng 0,98km2; Đô thị Mê Linh giảm từ 450.000 dân xuống 410.000 dân đất đô thị không giảm mà còn tăng từ 113km2 lên 141,29km2) trong khi các dự án BĐS khổng lồ để đất hoang tràn lan sau hàng chục năm bất động.

Riêng Đô thị Hòa Lạc giảm từ 600.000 dân xuống 160.000 dân trên khu vực 201,1km2 đã giao dự án từ 20 năm trước, đầu tư hạ tầng hàng tỷ USD, nay dự kiến giảm diện tích cũng không khả thi.

Trong hàng chục năm mở rộng Hà Nội, kỹ thuật quản lý phát triển đô thị, tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường vẫn hạn chế, để lại nhiều bất cập. Nên chăng tăng cường điều tiết dân cư hợp lý thay vì dự báo tăng dân số dễ dãi để mở đường cho việc lãng phí tài nguyên đất đai và các nguồn lực xã hội.

Thứ ba là không tận dụng cơ hội mới: Trong giai đoạn 2020-2023, nhiều Thành phố, quốc gia đã điều chỉnh mạnh mẽ mô hình phát triển đô thị bằng cách tận dụng tính liên kết các địa phương, tiến bộ công kỹ nghệ để thích ứng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bất ổn an ninh, suy thoái kinh tế, từng bước hình thành mô hình kinh tế xã hội mới.

Trong những năm tới, những dự án đường sắt quốc gia, liên vùng sớm được triển khai. Các địa phương quanh Hà Nội phát triển đô thị và công nghiệp mạnh trở thành những cực hút mới – khả năng di dân vào Hà Nội không còn hấp dẫn do chi phí nhà ở và sinh hoạt đắt đỏ. Đây cũng là yếu tố tích cực để Hà Nội chia sẻ gánh nặng gia tăng dân số sang chung quanh.

Hà Nội có 8,5 triệu đang thiếu 149 trường PTTH. Nếu tăng 10,5 triệu cần thêm 100 trường.

Tính sai 1, làm sai 10, sửa sai 50 năm không xong

So sánh Quy hoạch chung đến năm 2030 (QHC 1259) và Quy hoạch Thủ đô đến năm 2045 của 8 đô thị cho thấy dân số đô thị giảm 162.000 người, đất đô thị tăng 444,33km2

Tăng đất đô thị đồng nghĩa với giảm đất tự nhiên, đất nông nghiệp (trồng trọt thủy lợi, ao hồ nuôi trồng thủy sinh thuỷ sản…). Nhưng nếu người không tăng thì sẽ tăng đất giao lập dự án đô thị bỏ hoang, xây nhà không người ở. San nền đô thị giảm đất ngập nước sẽ gia tăng ngập úng, khói bụi, thiếu không gian phân hủy, chuyển hóa nước thải rác thải, tăng ô nhiễm đất, rác, nước, không khí.

Manila – Thủ đô của Philippines từ sau Thế chiến II. Năm 1948, thành phố lập kế hoạch xây Thủ đô hành chính Quezon, các thành cũ 11km. Hàng chục năm xây thành phố hành chính mới đã kéo theo hàng chục khu dân cư mới lan rộng theo vết dầu loang với hàng chục đô thị bao quanh Manila và Quezon

Năm 1975, cư dân của 17 thành phố hò reo khi nghe tổng thống Tổng thống Ferdinand Marcos công bố sắc lệnh thành lập Metro Manila. Từ một thành phố cổ 38,55km2 có 1,6 triệu dân đã trở thàng đại đô thị rộng 638,55km2 với 12 triệu dân, kể cả vùng Thủ đô là 23 triệu dân (số liệu 2022). Chính phủ vay hàng tỷ USD làm đường dưới đất trên cao, đường sắt đô thị nhưng không đủ cho hàng triệu ô tô cũ mới, xe jeepy dầu khói mù mịt chạy khắp thành phố, chuyên chở hàng chục triệu cuộc đi lại mưu sinh, làm cho thành phố trở nên nổi tiếng nhất thế giới về nạn tắc đường và ô nhiễm (hàng năm có hơn 4.000 người chết vì bụi phổi). Bên cạnh những văn phòng cao ốc, nhà hàng, công xưởng thu hút hàng triệu việc làm… có hàng triệu nông dân bỏ ruộng vào thành phố làm đủ các việc không tên. Hụt hơi với những khoản nợ nần, Manila vật vã chống chọi với vấn nạn ngập lụt, thiếu nước sạch, thiếu dịch vụ công, nhà ổ chuột, nguy cơ cháy nổ và bất an triền miên. Sau gần nửa thế kỷ trở thành Đại đô thị, Manila tiếp tục lập những dự án vay nợ mới để đầu tư nâng cấp hạ tầng, nhưng không nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ.

Thành phố Manila (Philippines) đã cho thấy bài học thất bại khi mở rộng đô thị bằng ý chí chủ quan, không xem xét những yếu tố tác động tiêu cực toàn diện tới kinh tế – văn hóa – xã hội

Thành phố Đất khô hạn hay thành phố Nước xanh tươi?

Dự thảo Luật Thủ Đô xác định “Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước”. Muốn đảm bảo an ninh nguồn nước không chỉ tiêu thoát an toàn mùa lũ mà phải có đủ không gian lưu giữ nước sạch mùa khô, không gian tuần hoàn tái tạo tài nguyên nước bền vững. Các chuyên gia thủy lợi đã cho biết Hà Nội và hạ lưu sông Đà cần từ 3 đến 6 tỷ m3 vào mùa khô hạn. Trước khi mở rộng (2008), Hà Nội có gần 3.000km2 đất tự nhiên và sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đủ không gian xanh và tuần hoàn nước, tự cân đối nhu cầu này. Sau 15 năm (2008-2023) không gian này đã thu hẹp hơn 50% và tiếp tục suy giảm để lại những hệ lụy: thiếu nước lưu thông gây ô nhiễm sông hồ, khai thác tràn lan gây ô nhiễm nước ngầm và suy giảm thảm thực vật, không gian sinh thái. Để tái lập cân bằng đất và nước, Hà Nội cần tái tạo không gian mặt nước, bán ngập, bao gồm sông hồ và vùng sản xuất nông ngư nghiệp, đô thị nước có quy mô 1.000-1.500km2.

City Solution đề xuất mở rộng không gian lưu trữ/tuần hoàn nước tại lòng sông trong đê (500km2), vùng sản xuất nông ngư nghiệp, không kể diện tích rừng (500km2); và mở rộng mặt nước trong các diện tích đất đô thị hiện tại chưa có người và đô thị nước trong tương lai (400km2)

Hiện tại, 1.200 trang báo cáo Quy hoạch Thủ đô không dùng bản đồ viễn thám, vệ tinh quang học và radar mà chỉ dùng bản đồ vẽ thủ công trên máy nên thông tin đầu vào không khoa học khách quan, dẫn đến các phân tích, đề xuất chủ quan, thiếu cơ sở khoa học, thiếu thực tiễn, không khả thi.

Quy hoạch Thủ đô phải dùng công cụ hiện đại để nhận diện thực trạng khách quan, tin cậy (ví dụ phân tích sự biến đổi thảm thực vật và mặt nước, công trình xây dựng… làm cơ sở đề xuất và kiểm soát các hoạt động kinh tế tuần hoàn bền vững

Trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội đã nhận được nhiều bài học thành công tại các thành phố, quốc gia có bối cảnh phát triển tương tự. Hà Nội cũng đã nhận ra nhiều bất cập trong các mô hình thu gom xử lý rác thải tập trung, xử lý bằng hóa chất, cơ nhiệt… tốn kém và nhiều bất lợi lâu dài. Trong khi Hà Nội đã thực nghiệp thành công các giải pháp bảo vệ môi trường phi tập trung, quy mô nhỏ, chi phí thấp; áp dụng chuỗi hoạt động sinh học/không hóa chất để tái tuần hoàn nước, rác, không khí… kết hợp bảo tồn cảnh quan sinh thái, sinh hoạt công cộng.

Hy vọng những mô hình nhỏ sẽ được nhân rộng trong Thành phố. Thành phố khi lập kế hoạch lớn thì cũng quan tâm xử lý những sai số nhỏ trong dự báo dân cư và đô thị để tránh những lỗi nhỏ gây hại lớn, cản trở tiến trình tái lập cân bằng Đất – Nước Hà Nội.

Những bài học xây dựng đô thị sinh thái tuần hoàn nước thải, rác thải tại Tokyo và Hà Nội

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây Dựng)