Phát triển đô thị bền vững từ góc độ quản lý phát triển đô thị
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – “Quản lý phát triển đô thị” là một ngành “Khoa học về đô thị”, trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực như: Vấn đề tăng trưởng đô thị và đô thị hóa; Thị trường đô thị; Quy hoạch kiến trúc và xây dựng; Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ; Đất đai; Nhà ở; Môi trường; Tài chính đô thị; Xã hội đô thị và người nghèo; Quản lý hành chính nhà nước… Tuy nhiên cần tập trung vào vấn đề quản lý quy hoạch đô thị với góc độ chuyên sâu như một nền tảng ban đầu để có thể “Quản lý phát triển đô thị”.
Nhận diện quản lý quy hoạch trong quản lý phát triển đô thị
Để có thể phân tích được vấn đề “Phát triển đô thị bền vững nhìn từ góc độ quản lý phát triển đô thị” thì đầu tiên chúng ta phải hiểu và nhìn nhận đúng được về 2 khái niệm “Phát triển đô thị bền vững” và “Quản lý phát triển đô thị”. Vì nếu nhìn nhận đúng được các khái niệm này thì có thể khẳng định ngay rằng: nếu chúng ta quản lý phát triển đô thị một cách khoa học, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế-văn hóa, xã hội của từng đô thị, theo từng thời kỳ phát triển trên nền tảng của trình độ phát triển khoa học kỹ thuật tương ứng thì chắc chắn đô thị đó sẽ phát triển bền vững.
Trong những năm gần đây tại Việt Nam, trước những thách thức trong quá trình phát triển đô thị, nhất là với các đô thị lớn và cực lớn, vấn đề “Phát triển đô thị bền vững” đang được đặt ra và đã được các nhà khoa học bàn luận khá sôi nổi trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Có khá nhiều người cho rằng đây là “Một vấn đề mới – mang tính thời đại” đang xuất hiện khiến chúng ta phải nghiên cứu xử lý và đã đưa ra khá nhiều đề xuất, mà phần lớn đều mang tính “Xử lý tình thế” chứ không đi sâu vào phân tích bản chất của cả một quá trình phát triển đô thị đã có nhiều nghìn năm lịch sử. Thực vậy, “Quỹ đô thị” mà hiện nay chúng ta trên toàn trái đất đang được “Thừa hưởng” đã hình thành và phát triển theo chiều dài lịch sử phát triển của con người, mà con người vừa là “Chủ nhân” mà cũng vừa là “Ác nhân”… của quá trình phát triển đó. Nhìn lại lịch sử phát triển đô thị, chúng ta cũng chỉ thấy có một số rất ít các đô thị bị “Mất đi” do những đợt thiên tai lớn như động đất, sóng thần… còn phần lớn đã bị tàn phá, thậm chí tàn phá nặng nề do chính con người gây ra qua các đợt chiến tranh và làn sóng phát triển đô thị chỉ để “Thỏa mãn” những mong muốn theo những cách duy lý trí.
Nêu ra như vậy để thấy rằng: bản thân các đô thị đã được nhìn nhận như các “Cơ thể sống” luôn tự điều chỉnh để tồn tại và phát triển hướng tới sự “Cân bằng” hay như cách chúng ta nói hiện nay là “Phát triển bền vững”. Sự “Cân bằng” này ngoài một số các tác động bất lợi từ thiên nhiên lại bị chính những “Chủ nhân” của các đô thị này một cách “Vô tình” hay “Hữu ý” tác động theo hướng “Tiêu cực” thông qua ngay chính công việc mang danh nghĩa cải tạo và phát triển đô thị.
Nhìn lại lịch sử phát triển đô thị trên thế giới, chúng ta có thể nhận thấy “Công việc” quản lý phát triển đô thị đã hình thành từ khá lâu, chủ yếu tại Châu Âu, tại thời điểm các đô thị không còn khả năng tự điều chỉnh để tồn tại và phát triển vì những thách thức của quá trình công nghiệp hóa kéo theo quá trình đô thị hóa dẫn tới nhiều vấn nạn thiếu nhà ở, các công trình phúc lợi xã hội, giao thông đô thị, các khu công nghiệp ô nhiễm, đầu cơ đất đai… Chính quyền tại các đô thị khi đó đã phải trông chờ vào các nhà khoa học nghiên cứu xử lý các vấn đề liên quan tới cải tạo phát triển đô thị. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hàng loạt các “Lý luận” thậm chí cả các “Nguyên lý” mới về cải tạo và phát triển đô thị đã lần lượt được nghiên cứu đề xuất như: Thành phố vườn – Thành phố vệ tinh của Ebeneze Howard (Anh), Thành phố chuỗi của Auturo Soria Y Mata (Tây Ba Nha), Thành phố công nghiệp của Tony Garnie (Pháp), Những lý luận về Quy hoạch đô thị hiện đại của Le Corbusier (Pháp)…. Bên cạnh đó là những lý luận về phát triển thành phố theo đơn vị mà nổi bật là Đơn vị ở láng giềng của Clarance Perry (Mỹ), Các xu hướng phát triển đô thị theo hệ thống quy hoạch đơn vị đô thị của E. Gloeden…
Đứng trước những “Lý luận và Nguyên lý” mới này, trải qua khá nhiều tranh luận và thử nghiệm, các lý thuyết mới này đã được Chính quyền tại các đô thị nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn một cách khoa học để quản lý phát triển đô thị đem lại những thành công to lớn. Cứ như vậy, quá trình cải tạo và phát triển đô thị luôn gắn liền với những nghiên cứu – thử nghiệm của các nhà khoa học và sự vận dụng sáng tạo của Chính quyền đô thị thông qua đội ngũ những người làm công tác quản lý của họ. Có thể khẳng định rằng: công tác “Quản lý phát triển đô thị” hay nói một nghĩa rộng hơn là “Quản trị đô thị”, một ngành khoa học đã tồn tại khá lâu để vượt qua mọi thách thức, vượt qua không gian và thời gian, chúng ta có được những đô thị văn minh hiện đại ngày nay trên khắp thế giới.
Cụm từ “Quản lý phát triển đô thị” tuy mới được nhắc nhiều đến tại Việt Nam trong khoảng thời gian hơn 20 năm vừa qua, từ khi chúng ta bước vào công cuộc “Đổi mới”, khi mà các đô thị thực sự có động lực để phát triển. Kể từ thời gian đó, chúng ta đã gặp phải rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, năng lực quản lý và quản lý một cách cứng nhắc – duy lý trí dẫn tới ngay cả những đô thị từ xưa đã vốn rất “Hiền hòa” bỗng trở thành những “Con ngựa bất kham” liên tục “Nhấn chìm” chúng ta trong ngập nước, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, xuống cấp về văn hóa với muôn vàn các tệ nạn xã hội… Như vậy thì chưa nói gì tới “Phát triển bền vững” mà ngay trong hiện tại chúng ta cũng không thể “Quản lý phát triển đô thị” được.
Như đã phân tích ở trên, muốn các đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai, thì bằng mọi cách chúng ta phải quản lý phát triển đô thị một cách khoa học. Chúng ta phải học hỏi và biết cách tiếp thu cả những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại của quá trình quản lý phát triển đô thị trên thế giới. Đã có nhiều lúc chúng ta mong muốn phát triển đô thị chỉ bằng các quyết tâm mang tính chính trị mà chưa vận dụng có hiệu quả khoa học về cải tạo và phát triển đô thị đã hình thành và trở thành nền tảng vững chắc để các đô thị trên thế giới phát triển trong hàng thế kỷ qua. Một ví dụ khá điển hình là đã có lúc chúng ta còn chưa coi trọng về bảo tồn thống nhất với các nguyên lý cải tạo và phát triển đô thị hiện klhi đại mà ngay từ đầu thế kỷ 20 người Pháp đã nghiên cứu lập quy hoạch ở thành phố Hà Nội và thành phố Sài gòn (Khi đó mỗi thành phố chỉ có vài trăm nghìn dân) đã lấy việc tổ chức mạng lưới vận chuyển hành khách công cộng với những tuyến tầu điện làm các trục xương sống để tổ chức phát triển không gian đô thị.
Bên cạnh đó còn rất nhiều việc khác như: thay vì tổ chức các không gian ở, dịch vụ công cộng, làm việc theo các nguyên lý phát triển hiện đại. Trong thời gian qua để đô thị phát triển nóng tự phát, người dân tự tìm mua đất để xây dựng nhà ở, tình trạng phân lô – bán nền diễn ra… khiến đô thị phát triển như một “Vết dầu loang”.
Phân tích bức ảnh vệ tinh được chụp vào năm 2004 tại Khu vực trung tâm TP.Hồ Chí Minh và vùng phụ cận trên có thể cho chúng ta thấy khá rõ về khả năng “Quản lý phát triển đô thị” của một trong những đô thị lớn nhất cả nước. Khu vực trung tâm thành phố tại Quận 1, 3, 5 không gian đô thị được hình thành trước đây hàng trăm năm theo những nguyên lý phát triển đô thị hiện đại nên cho đến ngày hôm nay vẫn “Hoạt động” tốt, rất ít bị ngập nước, ách tắc giao thông. Trong khi đó các khu vực còn lại chủ yếu được phát triển sau những năm 90 vừa qua (Phía trên-góc phải và góc trái tại các Quận 2, Tân Bình, Bình Thạnh) thì mạng lưới đường được tổ chức còn thiếu đồng bộ và kết cấu tổng thể, còn thiếu cả không gian cây xanh-mặt nước. Tại các khu vực này, vẫn còn tình trạng ngập lụt, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường. Riêng đồ án quy hoạch Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (được dán vào chính giữa ảnh), do Công ty tư vấn Sasaki (Mỹ) đoạt giải Nhì Cuộc thị quốc tế nghiên cứu đã vận dụng khá sáng tạo các nguyên lý tổ chức không gian phát triển đô thị hiện đại với hệ thống giao thông, cây xanh, mặt nước phong phú.
Có thể thấy rằng: “Quản lý phát triển đô thị” là một ngành “Khoa học về đô thị”, trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực như: Vấn đề tăng trưởng đô thị và đô thị hóa, Thị trường đô thị, Quy hoạch kiến trúc và xây dựng, Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, Đất đai, Nhà ở, Môi trường, Tài chính đô thị, Xã hội đô thị và người nghèo, Quản lý hành chính nhà nước… Tuy nhiên cần tập trung vào vấn đề quản lý quy hoạch đô thị với góc độ chuyên sâu như một nền tảng ban đầu để có thể “Quản lý phát triển đô thị”.
Phát triển đô thị bền vững từ góc độ quản lý phát triển đô thị
Thời gian qua, trong một vài trường hợp đồ án quy hoạch cải tạo và phát triển đô thị vẫn còn tồn tại những vấn đề cần khắc phục. Những đồ án quy hoạch đô thị thiếu tính thực tiễn thì chắc chắn công tác “Quản lý phát triển đô thị” sẽ không mang lại hiệu quả ngay ở hiện tại chứ chưa nói đến phát triển bền vững trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta phải làm thế nào để công tác “Quản lý phát triển đô thị” có thể hướng tới sự “Phát triển bền vững” trong tương lai?
Thời gian gần đây, với việc Bộ Xây dựng tăng cường chỉ đạo công tác quy hoạch xây dựng tại các đô thị bằng những khuôn khổ pháp luật như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các Nghị định Chính phủ… Bên cạnh đó, các cấp Chính quyền tại các địa phương đã nhận thức rõ được vai trò quan trọng của công tác “Quản lý phát triển đô thị” nên tình hình đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Nhưng để “Phát triển đô thị bền vững” vẫn còn khá nhiều việc quan trọng cần nghiên cứu thực hiện.
Với “Phát triển đô thị bền vững nhìn từ góc độ quản lý phát triển đô thị”, cụ thể là quản lý quy hoạch đô thị thông qua thực tiễn có thể đưa ra một số nhận xét và đánh giá sau:
– “Phát triển đô thị bền vững” và “Quản lý phát triển đô thị” là 2 phạm trù có mối liên quan hữu cơ với nhau. Nếu quản lý phát triển một đô thị theo một hệ thống cơ sở khoa học về đô thị, mà cụ thể là các nguyên lý về cải tạo và phát triển đô thị đã hình thành, trong thời gian qua là nền tảng vững chắc để các đô thị trên thế giới sẽ phát triển thì chắc chắn đô thị đó phát triển bền vững trong cả hiện tại và tương lai.
– Đối với mỗi đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, phải xây dựng chiến lược phát triển đô thị theo hương bền vững. Phải nghiên cứu để có thể vận dụng một cách tốt nhất các “Lý luận và Nguyên lý” cải tạo và phát triển đô thị hiện đại của thế giới, thích ứng với không gian và thời gian tại Việt Nam vào công tác quy hoạch đô thị và quản lý đô thị phát triển theo quy hoạch.
– Trong thực tế không phải lúc nào chúng ta cũng có thể áp dụng được ngay, được “nguyên xi” các nguyên lý của thế giới về cải tạo và phát triển đô thị để “Quản lý phát triển đô thị” do cần các nguồn vốn đầu tư lớn, trình độ quản lý của cán bộ làm công tác quản lý và ý thức người dân còn hạn chế… Trong những trường hợp như vậy, những Nhà quản lý không thể viện dẫn những sự việc có thể phải tạm chấp nhận trong hiện tại để không tính tới cho tương lai như việc để các phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe gắn máy phát triển mà không kiểm soát nổi dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trầm trọng nhưng cấm thì lại lo áp lực xã hội. Hoặc như việc trong một thời gian khá dài chúng ta coi việc phần lớn người lao động nghèo khác phải tự tìm cho mình một nơi cư trú mà không nhận thấy trách nhiệm phải phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng…
– Khi các đồ án quy hoạch đô thị đã được nghiên cứu và được phê duyệt thì phải nghiên cứu để đưa ra các cơ chế, chính sách cùng các giải pháp để thực thi quy hoạch. Cần hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch mang tính cục bộ (Việc này hiện nay diễn ra thường xuyên ở mọi lúc, mọi nơi) vì đây chính là các giải pháp mang tính tình thế, làm mất đi tính bền vững trong phát triển đô thị đã được nghiên cứu tổng thể khi lập quy hoạch đô thị.
– Trong quá trình thực thi quy hoạch đô thị, nếu gặp phải những trở ngại, cần phải điều chỉnh quy hoạch thì phải tiến hành nghiên cứu một cách tổng thể. Tốt nhất là nghiên cứu xây dựng những cơ chế – chính sách để có thể vẫn tiếp tục “Bảo vệ” các quy hoạch đã được phê duyệt mà vẫn giải quyết được những khó khăn mang tính tình thế trước mắt. Nói như vậy vì trong thời gian qua, tại khá nhiều đô thị, chúng ta đã thu hẹp lộ giới, thậm chí bỏ cả một số con đường, khu công viên cây xanh, san lấp kinh rạch, bỏ cả các hồ điều tiết thoát nước… Trong những trường hợp như vậy, nếu nhìn nhận một cách cục bộ, tại một khu vực nhỏ có thể chưa nhận thấy được tầm quan trọng, nhưng chính những điều chỉnh cục bộ này sẽ làm mất đi sự phát triển bền vững trong tương lai./.
PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa
Chuyên viên cao cấp – Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM